GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Không bao giờ thất vọng, chán nản, bỏ cuộc

Ai cũng muốn thành công và thành công luôn là động lực thôi thúc người ta làm việc hiệu quả hơn. Không ai muốn thất bại và thất bại thường làm người ta nhụt chí, mất nghị lực trong công việc và hết lạc quan vui sống. Nếu ai đó lỡ thất bại, nhưng nếu biết rút ra kinh nghiệm từ những thất bại và không bỏ cuộc, thì lại có thể gặt hái được thành công lớn hơn.
Không bao giờ thất vọng, chán nản, bỏ cuộc
TUẦN XIV
Ed 2,2-5; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6

2581273f 4d04 48cc 9f1b bf46c1d52500Anh chị em thân mến,
Ai cũng muốn thành công và thành công luôn là động lực thôi thúc người ta làm việc hiệu quả hơn. Không ai muốn thất bại và thất bại thường làm người ta nhụt chí, mất nghị lực trong công việc và hết lạc quan vui sống. Nếu ai đó lỡ thất bại, nhưng nếu biết rút ra kinh nghiệm từ những thất bại và không bỏ cuộc, thì lại có thể gặt hái được thành công lớn hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và làm được như vậy vì nếu không, cuộc đời này đã không còn những mảnh đời héo hon, chán sống và tìm đến cái chết như giải pháp tối ưu. Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã dạy chúng ta phải vượt lên trên những thất bại, sự từ khước của người khác và tiếp tục làm việc để mong gặt hái được mùa màng bội thu.

Quả vậy, sau khi đã công khai thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng ở nhiều nơi và đã gặt hái được những kết quả nhất định, danh tiếng được nhiều người biết, Đức Giêsu trở về Nazareth, quê hương của Ngài và vào giảng dạy tại hội đường trong ngày Sabát. Bài giảng của Ngài thì hay, giọng nói lại hùng hồn, nội dung thì sâu sắc, đã làm nhiều người ngạc nhiên thán phục. Họ đặt nhiều câu hỏi liên quan đến căn tính và hoạt động của Ngài: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được phép lạ như thế nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và là các anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Những câu hỏi họ đặt ra không phải để truy tìm căn tính của Đức Giêsu cho bằng đưa ra các cơ sở để phủ nhận chân tính của Ngài. Bề ngoài Ngài là một người như họ nghĩ, nhưng sâu xa hơn thì Ngài còn là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa và hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa. Họ đã không tin Ngài, đã vấp phạm vì Ngài.

Như thế, Đức Giêsu đã không được bà con họ hàng và những người đồng hương đón nhận. Dù vậy, Ngài vẫn không nhụt chí, buông xuôi, từ bỏ sứ mạng. Ngài nói với họ rằng “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Tại đó, tức là tại Nazareth, quê hương của mình, Chúa Giêsu đã không làm được nhiều phép lạ. Ngài không làm được nhiều phép lạ không phải vì Ngài không đủ quyền năng làm phép lạ, hay quyền năng của Ngài bị hạn chế, nhưng có nghĩa là khi ơn cứu độ được ban tặng qua phép lạ bị từ chối, thì không thể xảy ra phép lạ được. Nếu Đức Giêsu làm khác là Ngài đã không trung thành với sứ mạng của Ngài, sứ mạng giúp cho người ta nhận biết và tin vào Thiên Chúa, tin vào Ngài. Dù vậy, Đức Giêsu vẫn không thất vọng chán nản, buông xuôi, bỏ sứ mạng rao giảng. Không thể rao giảng và chữa lành ở quê hương mình được thì Ngài đã đi đến những làng khác, những vùng khác để tiếp tục rao giảng “Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dậy.”

Thật ra, thái độ kiên nhẫn, bền bỉ, không nản lòng trước sự khước từ của con người, đã được Thiên Chúa Giavê thực hiện ngay trong thời Cựu Ước. Ngài nói với ngôn sứ Edekien rằng: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng.” Dân Israel là dân phản loạn, không phải chống lại Thiên Chúa một lần hay hai lần, nhưng mãi cho đến hôm nay, từ thời cha ông cho đến thời con cháu, từ thời Cựu Ước đến tận thời Tân Ước. Vậy mà Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn tìm cách chỉ cho họ biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng. Ngôn sứ ấy là Edekien, ngôn sứ vĩ đại hơn chính là Chúa Giêsu.

Vậy bài học dành cho chúng ta là không bao giờ để cho nỗi thất vọng vì bị từ khước đánh ngã mình. Con Thiên Chúa đã bị mọi người, kể cả gia đình, hiểu lầm, và bị bỏ cô đơn trong thế giới này, song Ngài vẫn kiên nhẫn thi hành sứ mạng cho đến cùng. Vào thời của Ngài, kết quả gặt hái được và thành công chẳng đáng là bao, nhưng cho tới hôm nay, thì thành quả của việc loan báo Tin Mừng đã thật đáng kể. Những người đón nhận Tin Mừng không còn là một nhóm người, một dân tộc, nhưng là rất nhiều người ở khắp nơi trên mặt đất này, từ người giàu có học cao cho tới người nghèo khó ít học, đều cùng chung niềm tin vào Chúa Giêsu và nỗ lực thực hành những đòi hỏi của Tin Mừng.

Anh chị em thân mến,
Đức Giêsu đã bị những người đồng hương, bà con họ hàng, những người thân trong gia đình, vấp phạm, từ chối, không tin, vậy mà Ngài vẫn đứng vững trước sứ mạng. Nơi này không đón nhận Tin Mừng, Ngài đi đến nơi kia rao giảng. Kết quả có thế nào đi nữa, Ngài vẫn kiên nhẫn làm việc và chờ đợi. Đó cũng là bài học cho mỗi kitô hữu chúng ta trong mọi lãnh vực, tự nhiên cũng như siêu nhiên. Nếu ta có thất bại trong công việc, không được người khác đón nhận, hưởng ứng thì cũng đừng vội chán nản, thất vọng bỏ cuộc. Hãy kiên nhẫn làm việc, hãy rút ra những bài học kinh nghiệm quí giá từ những thất bại, hãy can đảm tiếp tục ra đi rao giảng đức tin… Chúa sẽ chúc lành và rồi chúng ta sẽ gặt hái được những kết quả lớn lao bất ngờ ngoài sức của mình, bởi vì chúng ta không bao giờ làm việc mà không có Chúa yêu thương đồng hành. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây