GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Được gọi để yêu thương

Theo truyền thống, Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh được gọi là “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành”. Bởi lẽ, Tin Mừng dành đọc cho cả ba năm của phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều lấy từ chương 10 Phúc Âm thánh Gioan; trong đó, Chúa Giêsu nói rất rõ và lặp đi lặp lại rằng, Ngài là Mục Tử Nhân Lành; ơn gọi và sứ mạng của Ngài, cũng là ơn gọi của mỗi người chúng ta, đó là ‘được gọi để yêu thương’.
Được gọi để yêu thương
wyr bmgh 1933 021 001“Mục tử nhân lành thí mạng sống vì chiên”.

Kính thưa Anh Chị em,
Theo truyền thống, Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh được gọi là “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành”. Bởi lẽ, Tin Mừng dành đọc cho cả ba năm của phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều lấy từ chương 10 Phúc Âm thánh Gioan; trong đó, Chúa Giêsu nói rất rõ và lặp đi lặp lại rằng, Ngài là Mục Tử Nhân Lành; ơn gọi và sứ mạng của Ngài, cũng là ơn gọi của mỗi người chúng ta, đó là ‘được gọi để yêu thương’.

Tin Mừng hôm nay cho thấy những tố chất của người Mục Tử Nhân Lành Giêsu: yêu thương, biết từng con chiên và cuối cùng, hy sinh mạng sống cho chiên. Ngài đã yêu thương từng người với tất cả những gì chúng ta là; Ngài biết từng con hẽm, từng lối mòn, từng ngõ ngách của chiên mình. Và vì thế, Ngài không ngần ngại hy sinh mạng sống để chiên được sống và sống dồi dào. Trọng tâm giáo huấn của Chúa Giêsu là quan tâm và hy sinh; đây là định nghĩa chân thực nhất, chính xác nhất về tình yêu. Tắt một lời, người ấy ‘được gọi để yêu thương’ bằng cách quên mình vì đoàn chiên.

Chúa Giêsu đưa ra một sự tương phản rõ rệt giữa người mục tử tốt lành với người làm thuê. Nói đến người làm thuê, thì động lực của họ là tiền và cuộc sống của chính bản thân họ; trái lại, người mục tử nhân lành thì chọn chiên như là lẽ sống; người ấy say mê chiên và chiên là niềm vui duy nhất của anh ta. Vì thế, anh ta hết sức bảo vệ và trao ban tất cả vì sự an toàn và hạnh phúc của chiên mình. Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, luôn quan tâm đến từng người chúng ta; Ngài tìm kiếm và yêu thương chúng ta; ngỏ lời hằng sống của Ngài cho chúng ta, biết sâu thẳm trái tim cũng như ước muốn của chúng ta; Ngài biết cả những hy vọng cũng như những thất bại và thất vọng của chúng ta. Ngài chấp nhận và yêu thương chúng ta như chúng ta vốn có, với công lao lẫn lỗi lầm. Ngài “ban sự sống vĩnh cửu” cho mỗi người, nghĩa là ban cho chúng ta cơ hội để sống một cuộc đời trọn vẹn, không có hồi kết. Hơn nữa, Ngài bảo vệ và dẫn dắt chúng ta một cách yêu thương, giúp chúng ta vượt qua những con đường đầy rủi ro và những con đường đôi khi nguy hiểm xuất hiện trong cuộc sống. Quả đúng như thế, ơn gọi và sứ mạng của Ngài là ‘được gọi để yêu thương’.

Để có thể hiểu về con chiên và công việc của người chăn chiên, và để có thể hiểu sâu hơn điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta về mối tương quan giữa chúng ta với Ngài, chúng ta điểm qua một vài đặc tính của con chiên. Mắt của chiên rất kém, không nhìn được xa nên không phân biệt được hiểm hoạ đang rình rập; vì thế, chiên rất dễ thành mồi cho thú dữ nếu không được bảo vệ. Chiên rất dễ bị lạc hoặc trượt vào hố, mắc kẹt giữa các bụi cây. Bù lại, chiên có tai rất thính, chiên con nhận ra mẹ nhờ tiếng gọi; chiên biết phân biệt tiếng thú dữ với tiếng đồng loại hoặc tiếng của người chăn. Mũi chiên rất nhạy, đánh hơi rất tốt nhưng chân chiên thì yếu ớt, không chạy nhanh được, mình thì tròn nên dễ ngã; một khi ngã thì khó đứng lên. Vì không có đủ thể chất cần thiết để sống một mình, nên bản năng bầy đàn của chiên rất mạnh; vì vậy, chiên thường đi theo con đằng trước mình; khi có một con chiên rẽ đi đâu đó, cả đàn có xu hướng đi theo, dù đó không phải là quyết định đúng đắn, thậm chí chúng có thể chen chúc nối đuôi nhau đi đến lò mổ, hoặc nhảy xuống biển. Vì thế, một con chiên nhầm đường có thể dẫn cả đàn đi theo. Như vậy, chiên phải sống bầy đàn, một mình thì rất hoang mang; ngược lại, khi ở cùng bầy đàn, được người trông coi thì chiên được an toàn. Chiên quen nín chịu mỗi khi bị đau hoặc bị thương tích, thông thường, không kêu la mà cố chịu đựng dù chiên là một con vật rất dễ bị tổn thương.

Anh Chị em,
Như vậy, con chiên có khá nhiều tương đồng với nếp sống và nếp nghĩ của con người. Và càng ngẫm nghĩ, chúng ta càng thấy mình cần Chúa Giêsu như chiên cần mục tử dẫn dắt và chăm sóc. Ngài không ngừng đổ trên chúng ta ân sủng của Ngài với ước mong mỗi người được sống và sống dồi dào. Chớ gì chúng ta luôn ngâm nga trong lòng ý nghĩa của Thánh Vịnh 22, ‘Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi không thiếu thốn chi. Dù qua lũng âm u đời tôi, tôi vẫn an tâm vì có Chúa ở cùng’. Mặt khác, Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, đã hiến mạng sống cho tất cả chúng ta, thì chúng ta cũng noi gương tình yêu hy sinh của Ngài mà sống cho người khác. Như Ngài, chúng ta cũng ‘được gọi để yêu thương’, để hiến mình cho tha nhân. Và trước hết, Ngài muốn chúng ta thực hiện điều đó ngay trong chính gia đình, trong cộng đoàn mình. Chớ gì, những tố chất của người mục tử Giêsu thấm đượm trong tâm hồn chúng ta, để chính mỗi người chúng ta, dù ở đấng bậc nào, sẽ là một mục tử nhân lành cho người khác, họ cũng là những con người dễ bị tổn thương.

“Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, con cảm tạ Chúa vì đã yêu thương con đến độ hy sinh mạng sống vì con; Chúa đã sống ơn gọi Chúa Cha trao, ‘được gọi để yêu thương’. Xin giúp con cũng noi gương tình yêu Chúa để biết hy sinh mạng sống của con cho những ai Chúa trao cho con”, Amen.

Tác giả: Lm. Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây