GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Điều răn yêu thương

Tiếp nối Lời Chúa của Chúa Nhật V Phục Sinh, hôm nay Chúa Giêsu vẫn thiết tha mời gọi các môn đệ ở lại trong tình yêu của Người. Dấu chỉ của việc ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu chính là giữ điều răn của Người, cụ thể là điều răn yêu thương.
Điều răn yêu thương
Chúa Nhật VI PS B
Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17

 
jesusshowedhowmuchhesincerelycaredaboutpeopleduringhisministry wemustlivelovinglikehedidTiếp nối Lời Chúa của Chúa Nhật V Phục Sinh, hôm nay Chúa Giêsu vẫn thiết tha mời gọi các môn đệ ở lại trong tình yêu của Người. Dấu chỉ của việc ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu chính là giữ điều răn của Người, cụ thể là điều răn yêu thương.

Một điều khó hiểu trong trình thuật Tin Mừng này là danh từ “điều răn” lúc thì Chúa Giêsu dùng ở số nhiều “các điều răn của Thầy” (Ga 15,10) và lúc thì Chúa dùng ở số ít “điều răn của Thầy” (Ga 15,12); trong khi nội dung của điều răn thì lại chỉ là một: “anh em hãy yêu thương nhau ” (Ga 15,12.17). Nói như thế Chúa Giêsu muốn nói điều gì?

Không phải đến hôm nay Thiên Chúa mới ban điều răn yêu thương cho con người. Từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ban điều răn, cụ thể là mười điều. Đó chính là nền tảng đức tin và luân lý mà bất kỳ người Công giáo nào cũng biết và giữ. Mười điều ấy được tóm về hai điều là: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5) và “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Như vậy, trong Cựu Ước, điều răn yêu thương được tóm trong hai điểm là mến Chúa và yêu người. Cũng cần phải biết rằng, danh từ “người đồng loại” trong Cựu Ước chỉ được giới hạn trong phạm vi dân Israel mà thôi, tức là nội trong cộng đồng dân riêng của Chúa (X. Xh 21.14; Lv 19, 13.16.18).

Bước sang Tân Ước, trong Tin Mừng Nhất lãm: Mát Thêu, Mác-cô, Luca (X. Mt 22,37-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28), Chúa Giêsu cũng đã nhắc lại điều răn này, nhưng phạm vi yêu thương đã được mở rộng hơn qua hình ảnh người Samari nhân hậu (X. Lc 10,29-35). Người thân cận (người đồng loại) ở đây được hiểu là bất cứ ai đến gần mình, cần sự giúp đỡ của mình, ngay cả khi họ là người ngoại (X. Lc 10,37).

Trong Tin Mừng Gioan hôm nay, Chúa Giêsu vẫn ban cho các môn đệ điều răn yêu thương này, nhưng khác biệt với điều răn đã được công bố là chỉ có một vế “Hãy yêu thương nhau” mà không có vế đầu “Yêu mến Đức Chúa”. Phải chăng Chúa Giêsu không cần các môn đệ yêu mến Thiên Chúa nữa, mà chỉ yêu thương nhau là đủ? Chắc chắn không phải như vậy. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các môn đệ yêu mến nhau; và các môn đệ yêu mến nhau cũng chính là dấu chỉ của sự yêu mến Thiên Chúa “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy” (Ga 14,21); và “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Như vậy, việc Chúa Giêsu lúc thì dùng danh từ “điều răn” ở số ít, lúc thì Người lại dùng ở số nhiều: “các điều răn của Thầy” (Ga 15,10) và “điều răn của Thầy” (Ga 15,12) một đàng Chúa Giêsu không bãi bỏ một điều luật nào đã được công bố trong Cựu Ước, một đàng Người nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu thương lẫn nhau nơi các môn đệ. Qua đó, Chúa Giêsu muốn gửi đến các môn đệ cũng như người tín hữu mọi thời đại một thông điệp tình yêu trọn vẹn.

Yêu thương nhau chính là yêu Chúa (Ga 13,35). Sẽ chẳng có một tình yêu phổ quát nếu không có một tình yêu đặc thù. Thiên Chúa nói Thiên Chúa yêu con người, sẽ chẳng có ai tin nếu Đức Giêsu Kitô không nhập thể làm người, sống kiếp người như bao người, cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ và ủi an con người. Cũng vậy, Chúa Giêsu muốn các môn đệ và tất cả chúng ta sống cách cụ thể điều răn yêu thương. Yêu là phải yêu con người cụ thể. Chính các môn đệ phải yêu thương nhau trước thì mới có thể rao giảng điều răn yêu thương cho người khác. Chúng ta chỉ có thể yêu thương được những người chúng ta không quen biết khi mỗi người đã biết yêu những người sống bên cạnh mình như: chồng, vợ, cha, mẹ, anh chị em, họ hàng thân thuộc, bà con lối xóm,… Những người sống ngay bên mình, hy sinh cho mình suốt ngày, thậm chí suốt đời, mà mình chưa từng biết yêu thương đáp đền, hay tình yêu đáp đền chưa cân xứng, thì thử hỏi ra đời chúng ta sẽ yêu được ai, khi họ chẳng là gì của ta.

Tình yêu đích thực phải là tình yêu tự nguyện và cho đi chứ không bị ép buộc, “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Mẫu gương của tình yêu tự nguyện và cho đi ấy chính là Chúa Giê-su. Tình yêu của Chúa Giêsu là một tình yêu tự hiến. Người sẵn sàng cho đi tất cả để mong cái “tất cả” ấy thuộc về con người. Chúa Giêsu mời gọi những ai tin vào Người hãy sống một tình yêu như thế.

Người đời đang trao cho nhau một tình yêu mang đủ thứ hình thái. Có những thứ tình yêu thuần túy vụ lợi. Có những thứ tình yêu hoàn toàn trần tục. Có những thứ tình yêu chỉ là mua bán đổi chác. Lại có những thứ tình yêu ích kỷ nhỏ nhen. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và chúng ta hãy yêu tình yêu của Chúa. Tình yêu phải được đặt trên nền tảng là tình yêu của Chúa “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).

Ngày ngày, con người sống với nhau bằng tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới đem lại sự gắn kết. Tuy nhiên, không phải sự gắn kết nào cũng bền vững. Nhiều cuộc hôn nhân bị đứt gánh giữa đường; nhiều tình bạn, nhiều mối tương quan nửa chừng đứt gánh,… cho dù họ vẫn sống và chia sẻ với nhau trong tình yêu. Mấu chốt không phải là có tình yêu hay không, nhưng là thứ tình yêu gì. Chúa bảo phải yêu tình yêu của Chúa, tình yêu vượt qua rào cản của cá nhân chủ nghĩa, không thể lấy một thứ tình yêu dựa trên tiêu chuẩn của cá nhân mà trao ban cho người khác.

Tình yêu của Chúa mang hai đặc tính: hy sinh vì lợi ích của người khác chứ không vì lợi ích của mình: và sự hy sinh ấy phải hoàn toàn mang lại giá trị tích cực. Tình yêu của chúng ta trao cho nhau sẽ đơm bông kết trái nếu thỏa mãn được hai đặc tính này và nếu ai cũng sống được như thế, thì vườn hoa tình yêu sẽ luôn đầy ắp trong cuộc sống ở khắp nơi.  

Từ “điều răn” được Chúa Giêsu sử dụng nhiều lần trong bài Tin Mừng này cho thấy rằng “yêu thương” là một tuyệt đối và không ai được đặt vấn đề nữa. Đây là một thực tại chính yếu, là mối lo lắng cốt lõi, là điểm bận tâm duy nhất của những ai tự hào mình thuộc về Chúa Giêsu và đứng vào hàng ngũ những người thừa kế gia sản thiêng liêng của Chúa. Nếu Chúa Giêsu nhấn mạnh như thế, thì phải chăng tình trạng thiếu lòng yêu thương đang là vấn đề, là sự cám dỗ và sự sai lầm, chính yếu và thường xuyên nhất, đã từng đe dọa các môn đệ xưa kia cũng như đang đe dọa chúng ta, và sẽ đe dọa mọi thế hệ môn đệ tương lai? Đây là điều mà tất cả chúng ta phải suy nghĩ.

 Và như thế, Chúa Giê-su vẫn đang mời gọi mỗi người yêu thương bằng tình yêu của Chúa. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Đoàn Văn Tuân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây