GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Để thấy Chúa hiển dung

Để an ủi và củng cố niềm tin cho các tông đồ, Đức Giêsu đã đem riêng các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Y phục Người trở nên trắng tinh như tuyết. Ba tông đồ thấy ông Êlia và ông Môisê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Ông Phêrô thấy vậy đã thưa muốn dựng ba cái lều, một cho Đức Giêsu, một cho ông Môisê và một cho ông Êlia.
Để thấy Chúa hiển dung
THỨ BẢY TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Mc 9,2-13)

 
the transfiguration 1480 xx giovanni belliniĐức Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt các ông” (Mc 9,2)

Để an ủi và củng cố niềm tin cho các tông đồ, Đức Giêsu đã đem riêng các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Y phục Người trở nên trắng tinh như tuyết. Ba tông đồ thấy ông Êlia và ông Môisê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Ông Phêrô thấy vậy đã thưa muốn dựng ba cái lều, một cho Đức Giêsu, một cho ông Môisê và một cho ông Êlia. Bổng có một đám mây bao phủ các ông và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Từ trên núi đi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được nói điều ấy với ai trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh nhưng vẫn tự hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. Ngài cũng tiếp tục nói cho các ông rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều và bị khinh khi.” Như vậy, bài Tin mừng cho thấy:

Trước hết, để thấy Chúa Hiển Dung, các tông đồ đã được đưa lên một “ngọn núi cao”. Để lên núi, các ông cần gạt bỏ những hành trang cồng kềnh, những thứ không cần thiết, chỉ mang theo những gì quan trọng nhất mà thôi, để nhờ đó con người, tâm hồn được thanh thoát, nhẹ nhàng. Chính ở nơi “ngọn núi cao” này, khi tâm hồn thanh thoát, trong sáng, các ông hẳn đã thấy mình rõ hơn, thấy mình đang ở đâu và như thế nào trong tương quan với các vật xung quanh: nhỏ bé, yếu hèn. Theo Thánh Kinh, núi cao ám chỉ nơi Thiên Chúa ngự trị, nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người. Quả vậy, chính ở nơi “ngọn núi cao” này, các ông chứng kiến Chúa Giêsu biến đổi hình dạng. Ngày nay, để thấy Chúa hiển dung, chúng ta cũng cần đáp lại lời Chúa mời gọi “lên núi” nghĩa là cần cầu nguyện, thanh tấy chính mình, nhận biết mình và rồi sẽ được thấy dung nhan vinh hiển của Chúa.

Tiếp đến, ở nơi “ngọn núi cao” này các tông đồ thấy y phục Đức Giêsu trở nên trắng tinh như tuyết. Màu trắng tượng trưng cho sự thánh thiện, không vết nhơ, không tì ố. Ở nơi “ngọn núi cao” này, các tông đồ còn thấy ông Êlia và ông Môisê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Đàm đạo về cái gì? Theo Tin mừng thánh Luca, các ngài đàm đạo về cuộc xuất hành (x. Lc 9,31). Cuộc xuất hành đây chính là cuộc vượt qua cái chết bước vào cõi phục sinh mà trước đó tám ngày Ngài đã tiên báo. Cũng ở nơi “ngọn núi cao” này, có đám mây bao phủ các ông và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là con ta yêu dấn, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Đám mây đây ám chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và tiếng từ đám mây chính là tiếng của Chúa Cha. Như vậy, chính ở nơi “ngọn núi cao” các tông đồ được thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu, một thứ vinh quang khiến Phêrô say mê, sung sướng, muốn ở lại đó mãi.

Sau cùng, phải rời bỏ cảnh tượng thần linh, từ trên núi đi xuống, các tông đồ phải trở về với cuộc sống thật với những lời Đức Giêsu căn nhặn: “không được kể lại cho ai nghe điều vừa thấy trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mc 9,9). Các ông tuân lệnh đó nhưng vẫn tự hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. Các ông được căn dặn không nói với ai không phải vì điều vừa thấy có cái gì không hay không tốt nhưng vì chưa thích hợp để nói ra ngay lúc này. Nói ra ngay lúc này có thể khiến người ta hiểu không đúng về sứ mạng Mêsia của Đức Giêsu. Họ có thể hiểu sứ mạng Mêsia của Ngài mang tính cách trần thế. Sẽ đến lúc nói về điều vừa thấy sau khi Con Người từ cõi chết sống lại. Nghĩa là sau khi Đức Giêsu chịu tử nạn và phục sinh, các ông sẽ nhớ lại và hiểu. Vâng, chỉ sau khi “Con Người từ cõi chết sống lại,” các ông mới nhớ lại và thấy sứ mệnh Mêsia của Đức Giêsu không phải là vinh quang, vinh quang mang tính cách chính trị, mang màu sắc trần thế mà là vinh quang phải trải qua thập giá.

Như vậy, Đức Giêsu vẫn là một, trước khi hiển dung trên núi, khi đang hiển dung trên núi cũng như khi Ngài xuống núi. Để thấy Chúa hiển dung, chúng ta cần tạm rời bỏ cuộc sống này để “lên núi” như các tông đồ xưa. “Lên núi” để thấy rõ hơn dung mạo thần linh của Đức Giêsu. “Lên núi” để được khích lệ “vâng nghe lời Người”. “Lên núi” để đón nhận sức mạnh, can đảm trở lại cuộc sống, tiếp tục bước theo con đường khổ giá như Đức Giêsu đã đi. Amen.   

Tác giả: Lm. Gioakim Nguyễn Hữu Văn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây