GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Cái đương nhiên của tình yêu

Thuyền trưởng Levy đã từng được hỏi làm thế nào anh ta có thể cống hiến nhiều như vậy cho công việc của Chúa mà vẫn sở hữu được một khối tài sản lớn đến thế. Levy trả lời, “Ồ, khi tôi xúc nó ra, thì Ngài đã xúc nó vào, và Chúa luôn có một cái xẻng lớn hơn!”.
Cái đương nhiên của tình yêu
1526ff7503c021b2ceaf48958a061fdc“Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con”.

Thuyền trưởng Levy đã từng được hỏi làm thế nào anh ta có thể cống hiến nhiều như vậy cho công việc của Chúa mà vẫn sở hữu được một khối tài sản lớn đến thế. Levy trả lời, “Ồ, khi tôi xúc nó ra, thì Ngài đã xúc nó vào, và Chúa luôn có một cái xẻng lớn hơn!”.

Kính thưa Anh Chị em,
“Chúa có một cái xẻng lớn hơn!”. Lối so sánh ví von thật dí dỏm ấy của vị thuyền trường khiến chúng ta liên tưởng đến định nghĩa ngàn đời của thánh Gioan tông đồ, “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đúng! tình yêu Thiên Chúa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ Thánh Kinh; vì thế, câu nói của Tin Mừng hôm nay, “Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con”, thì thêm một lần nữa, qua việc quảng đại trao ban đó, Thiên Chúa Cha đang sống ‘cái đương nhiên của tình yêu’ nơi Ngài.

Tình yêu là gì? Nó là một cảm giác, một cảm xúc, một động lực hay một ước muốn điều gì đó hoặc một ai đó? Tất nhiên, sự hiểu biết nhân loại, hay thế tục, về tình yêu thì rất khác so với sự hiểu biết của Thiên Chúa về nó. Thông thường, quan điểm thế tục về tình yêu thường quy ngã, quy về bản thân nên ‘cái đương nhiên của tình yêu’ nhân loại là ‘chiếm hữu’. ‘Yêu’ một ai đó hoặc một cái gì đó là muốn có được người ấy hay vật ấy; ‘tình yêu’ theo quan điểm này thường tập trung vào sự hấp dẫn và ham muốn. Ngược lại, một tình yêu đích thực, theo quan điểm của Thiên Chúa, lại rất khác.

“Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con” cho biết hai điều. Trước hết, Chúa Cha yêu Chúa Con và sau đó, ‘cái đương nhiên của tình yêu’ tất nhiên kéo theo; “ban mọi sự” ở đây ám chỉ đến việc Chúa Cha ban chính Ngài cho Chúa Con cách trọn vẹn. Trong sự sống của Chúa Cha, “mọi sự” có nghĩa là chính bản thể của Ngài, hiện hữu của Ngài, ngôi vị của Ngài, toàn thể thiên tính của Ngài. Chúa Con nhận tất cả những gì Chúa Cha trao, Chúa Cha có và Chúa Cha là.

Mặc dù ngôn ngữ ở đây thật thâm thuý và mầu nhiệm, nhưng nó vẫn rất thiết thực cho cuộc sống của chúng ta. Tình yêu nơi Thiên Chúa không phải là ‘ham muốn’, ‘lấy đi’, ‘chiếm hữu’, ‘thủ đắc’ và ‘thụ hưởng’… nhưng là ‘cho đi’. Tình yêu này nói đến sự ‘cho đi chính mình’, và ‘cho đi’ không chỉ một phần bản thân, nhưng là cho đi ‘tất cả’. Và như thế, ‘cho đi’ là ‘cái đương nhiên của tình yêu’.

Nếu Chúa Cha đã ban mọi sự cho Chúa Con, điều đó có nghĩa là Chúa Cha không còn gì cả sao? Không phải thế! Bản chất đẹp đẽ của tình yêu nơi Thiên Chúa là nó không bao giờ kết thúc, chẳng bao giờ vơi cạn. Ai bắt chước cách thức sống tình yêu như Thiên Chúa, nghĩa là càng cho đi chính mình, người ấy càng có nhiều hơn. Như vậy, quà tặng sự sống Chúa Cha dành cho Chúa Con là vô hạn và vĩnh cửu. Chúa Cha không bao giờ ngừng cho và Chúa Con không bao giờ ngừng nhận; và càng trao ban chính mình cho Chúa Con, Chúa Cha càng trở thành bản chất của chính tình yêu Ngài, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”; và như thế, Ngài càng chứng tỏ ‘cái đương nhiên của tình yêu’.

Điều này cũng đúng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta rất dễ rơi vào cám dỗ khi nghĩ rằng, tình yêu ấy chỉ là ngoại lệ, dành cho một số người; thế nhưng, nếu noi gương và tham dự vào tình yêu Chúa Cha dành cho Chúa Con và coi đó như là mẫu mực để noi theo, chúng ta sẽ hiểu rằng, tình yêu là cho đi chứ không phải nhận, và sự cho đi này không bao giờ miễn trừ cho bất cứ ai sống tình yêu của mình trong tất cả mọi đấng bậc; vì lẽ, đó là ‘cái đương nhiên của tình yêu’.

Các tông đồ trong bài đọc thứ nhất hôm nay đã sống ‘cái đương nhiên của tình yêu’ đó. Các ngài đã thấy, đã trải nghiệm sự vâng phục hoàn toàn tuyệt đối bởi tình yêu của Chúa Con Giêsu, Thầy của họ; nên đến lượt mình, các ngài cũng được cuốn hút vào trong dòng chảy tình yêu ấy. Đối với Thiên Chúa, các ngài đã chấp nhận tất cả, cho đi tất cả vì Danh Chúa Giêsu Kitô; tuyên bố của các tông đồ trước công nghị đã cho thấy điều đó, “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta!”.

Anh Chị em,
“Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con”. Tình yêu Cha - Con tuyệt vời và cao cả như thế đó, vậy mà Ngài không giữ lại cho riêng mình nhưng cho chúng ta được chia sẻ tình yêu ấy, “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Tình yêu tràn đầy giữa Cha và Con không dừng lại nhưng đã thông chia cho nhân loại, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Còn gì hạnh phúc và quý trọng hơn! Chúa Giêsu ước mong chúng ta ở lại trong tình yêu ấy để tiếp tục là dòng chảy tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Được thấm đẫm và thông chia tình yêu của Ba Ngôi, chúng ta phải sống như người đang yêu, sống ‘cái đương nhiên của tình yêu’, ngõ hầu ai thấy chúng ta là thấy Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin lôi kéo con vào tình yêu thiêng linh của Chúa; cho con biết noi gương và chia sẻ tình yêu Ba Ngôi của Ngài, bằng cách cống hiến đời con cho những ai Chúa giao cho con; và như thế, như Thiên Chúa, con cũng sống ‘cái đương nhiên của tình yêu’ như Ngài”, Amen.

Tác giả: Lm. Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây