GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Mùa Vọng năm nay đã đến và lại sắp đi…

Nếu mùa xuân là sự khởi điểm cho một năm mới với bao hứa hẹn về một hoạch định mới, một tương lai tốt đẹp đang chờ đón phía trước, thì Mùa Vọng được coi như mùa xuân của Năm Phụng vụ, mở ra niềm hy vọng mới trong lòng Giáo Hội nói chung và mỗi Kitô hữu nói riêng.
Mùa Vọng năm nay đã đến và lại sắp đi…
Nếu mùa xuân là sự khởi điểm cho một năm mới với bao hứa hẹn về một hoạch định mới, một tương lai tốt đẹp đang chờ đón phía trước, thì Mùa Vọng được coi như mùa xuân của Năm Phụng vụ, mở ra niềm hy vọng mới trong lòng Giáo Hội nói chung và mỗi Kitô hữu nói riêng. Chúng ta đã đi qua một vòng xoay luân chuyển của thời gian và không gian, Mùa Vọng năm nay đã đến và lại sắp đi…

untitled4Thật vậy, bao nhiêu năm chúng ta được hiện diện trên trần gian này là bấy nhiêu lần chúng ta cùng với Giáo Hội sống Mùa Vọng. Ở mỗi thời đại hay trong từng hoàn cảnh khác nhau, hẳn mỗi người sẽ có những tâm tình Mùa Vọng “rất riêng”: có thể là sốt mến rạo rực, nhưng cũng có thể là không không vậy.

Bước vào Mùa Vọng vẫn là những lời mời gọi quá đỗi quen thuộc, tha thiết: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,36), vẫn vang dội khắp nơi tiếng hô trong hoang địa của Thánh Gioan Tẩy Giả năm xưa: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3). Tuy vậy, sẽ thật nhàm chán, buồn tẻ khi mỗi năm ta cứ để Mùa Vọng đến và đi ngang qua cuộc đời mà chẳng nghiệm cảm được gì mới mẻ, chẳng “sửa sang” con đường tâm hồn được bao!

Từ hai năm nay, bóng đen dịch bệnh Covid-19 bao trùm toàn nhân loại, ảnh hưởng không nhỏ đến từng lãnh vực cuộc sống, trong đó các hoạt động tôn giáo không ngoại trừ. Nó đã, đang và sẽ còn làm xáo trộn các sinh hoạt Phụng vụ của Hội Thánh. Thiết tưởng, trong những ngày gần đây, ít nhiều ai trong mỗi chúng ta cũng hồi tưởng lại một góc nhỏ của Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh rạo rực phấn khởi năm ấy…

Khi “em Cô-vi” chưa xuất hiện, lời kêu mời sống tỉnh thức được những tâm hồn đáp trả lại bằng việc thắp nến sáng với bao việc lành. Các cộng đoàn, tập thể lớn hay nhỏ đều “ra sức” thực thi bác ái, sẵn sàng lên đường ra đi với ước nguyện đem niềm vui cho những “người nghèo của Giavê” trước ngày kỉ niệm Con Chúa giáng trần. Làm sao có thể quên được, mỗi khi chiều buông, xóm đạo lại rộn ràng, nhộn nhịp để chuẩn bị các tiết mục văn nghệ cho đêm hoan ca mừng Chúa giáng sinh: góc này là tiếng kèn hòa tiếng trống của các ông các anh, bên góc kia thì các bạn trẻ đang cố gắng nhập mình vào vai diễn đã phân chia trong hoạt cảnh, ở khu khác nữa thì các em thiếu nhi tưng bừng  nhảy múa! Nhưng năm nay thật khác bởi vị khách “không mời mà đến” mang tên Covid-19.

Mùa Vọng thời đại dịch có gì ấn tượng???

untitled5Theo nhãn quan riêng của người viết, việc cách ly và nỗi sợ hãi do Covid không làm cho các tín hữu sống Mùa Vọng cách thụ động nhưng trái lại, đó dường như là cơ hội để con cái Chúa đi sâu hơn vào những tâm tình đích thực của Mùa Vọng một cách sáng tạo và triển nở hơn là những việc đạo đức hời hợt bên ngoài. Vì phải tuân thủ thông điệp 5K, chúng ta khó có thể đi đến để chia sẻ với tha nhân một cách thể lý, nhưng chúng ta vẫn dễ dàng “thăm viếng” anh chị em xung quanh bằng lời cầu nguyện chân thành. Những bệnh nhân nhiễm Covid, những người đang trong thời gian cách ly, các bác sĩ và nhân viên y tế cần lắm những lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta. Đại dịch cũng phần nào cho ta kinh nghiệm về sự tỉnh thức trong niềm hy vọng rằng: không phải Chúa làm phép lạ trong chốc lát để “dẹp dịch” cho nhân loại nhưng Ngài ban ơn trợ giúp để nhân loại tìm ra thuốc phòng ngừa, phác đồ chữa trị các bệnh nhân, và chung tay liên đới giúp đỡ người nghèo khổ bị dịch bệnh đè nặng. Và hơn nữa, chúng ta hãy biến dịp đặc biệt này thành thời cơ tập trung cao độ để khai thông, sửa chữa con đường tâm hồn cho Chúa đến vào giờ phút không ngờ. Hãy lấp đầy thung lũng vị kỷ bằng đức bác ái, bạt núi đồi kiêu căng tự phụ bằng sự khiêm nhường, uốn khúc quanh co gian dối bằng cách dám sống và làm chứng cho sự thật.!

Sống Mùa Vọng như thế trong đại dịch này chắc hẳn sẽ không làm cho chúng ta chán nản, thất vọng mà thay vào đó sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa câu tự vấn “Niềm hy vọng đích thực của Tôi là gì?”

Năm 2021 đang dần khép lại nhường bước cho năm 2022 chuẩn bị mở ra, tương lai của nhân loại không biết sẽ như thế nào, nhưng người Kitô hữu chúng ta hãy luôn luôn hy vọng tràn đầy và tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa bởi “Em-ma-nu-el – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Tác giả: Sinh Viên Thần Học năm III

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây