GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Một thoáng như Mẹ

Có tờ giấy trắng nọ nằm ù lì trên bàn viết với bao đồng bạn khác từ nhiều năm tháng qua, nhưng rồi một hôm nó được chọn đem ra trước bàn chịu cảnh cây viết với mực đen vẽ lên nó không biết bao nhiêu là những dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả.
Một thoáng như Mẹ
download 1 2Leonardo de Vinci đã kể câu chuyện sau:

Có tờ giấy trắng nọ nằm ù lì trên bàn viết với bao đồng bạn khác từ nhiều năm tháng qua, nhưng rồi một hôm nó được chọn đem ra trước bàn chịu cảnh cây viết với mực đen vẽ lên nó không biết bao nhiêu là những dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả.

Tờ giấy phàn nàn với cây viết như sau:

“Tại sao anh lại làm thế, anh vẽ trên mình tôi những dấu làm tôi mất đi sự trắng sạch ban đầu, anh làm tôi trở nên xấu xí. Tại sao anh lại làm như thế?”

Nhưng cây viết trả lời:

“Không, anh giấy hiểu lầm tôi rồi, tôi không làm dơ anh đâu. Tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ và kể từ nay, anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, mà mang trên mình một sứ điệp, anh trở thành kẻ cộng tác với con người lưu giữ những tư tưởng cao siêu của con người, và vì thế sẽ được con người nâng niu bảo vệ; anh được sống mãi để trợ giúp con người”.


Cuộc đời mỗi người chúng ta có thể được so sánh như tờ giấy trắng kia, chúng ta có sẵn sàng mang nơi mình chương trình của Thiên Chúa, sẵn sàng để Thiên Chúa viết lên đó tình yêu và sự khôn ngoan của Ngài, để trở thành kẻ lưu truyền sự khôn ngoan của Thiên Chúa, từ thế hệ này sang thế hệ khác? Thật vậy, trong lịch sử cứu độ có một thụ tạo đã hoàn toàn trở nên dụng cụ, nên tờ giấy trắng để Thiên Chúa tự do viết những điều Ngài muốn lên đó, người đó không ai khác đó chính là Đức Maria…

Thánh Irênê nói: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng: “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (Lumen gentium, số 56).

…Lời xin vâng đó đã biểu lộ mau mắn và dứt khoát, trong ngày Thiên sứ Truyền tin cho Mẹ, Mẹ Maria đã không chần chừ suy nghĩ xem được gì mất gì từ lời mời gọi đó, nhưng thưa lời xin vâng với tấm lòng của một người tôi tớ thánh thiện, trong sự quy phục hoàn toàn của lý trí, ý chí và đức tin. Điều đó chứng tỏ lòng tin, sự vâng phục tuyệt đối của Mẹ đối với chương trình của Thiên Chúa. Lời thưa do lòng tin này bao gồm sự cộng tác hoàn hảo với ơn Chúa, và sự mở rộng lòng cho tác động của Chúa Thánh Thần, để kế hoạch của Thiên Chúa được hoàn tất.

Qua lời “xin vâng”, Mẹ biểu lộ một đức tin tuyệt đối trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Đức tin đó là sự dâng hiến trọn vẹn từ khi truyền tin đến khi về trời, từ niềm vui đón nhận Ngôi Lời đến những đau khổ của đỉnh đồi Gongotha và qua mọi biến cố trong cuộc đời. Dù không hiểu hết được lời truyền tin của sứ thần, nhưng Mẹ vẫn luôn tin tưởng, phó thác cho chương trình của Chúa qua việc “suy đi nghĩ lại trong lòng”, để cảm nhận sâu hơn sự đụng chạm của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình và toàn thể nhân loại. Như thế, lời chào đầy ân sủng của sứ thần đã gặp được sự đáp trả tràn đầy đức tin và sự khiêm tốn của Mẹ, như một nhà thần học chính thống giáo viết: “đức tin là sự hỗ tương của tiếng “fiat”, là sự gặp gỡ tình yêu đi xuống của Thiên Chúa và tình yêu đi lên của con người”. Xin vâng trong đức tin không chỉ tin vào Thiên Chúa, tin vào lời Chúa nói với mình rằng con của Ngài sẽ Nhập thể làm người, mà còn tin mình được Chúa yêu thương, không phải do công trạng của mình, nhưng nhờ lòng từ ái của Thiên Chúa.

Xin vâng trong đức tin là để Thiên Chúa thực hiện điều chưa bao giờ nghe thấy trong thế giới loài người: là tin rằng mình cưu mang Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ con người. Nhờ sự dâng hiến trong đức tin của Mẹ mà chúng ta hiểu biết tình yêu bao la của Thiên Chúa, không chỉ dành riêng cho Mẹ hay cho dân tộc Do thái, nhưng còn cho mọi người đang kìm kẹp dưới ách nô lệ của tội.

Lời xin vâng của Mẹ đã không chỉ đến trong đức tin, nhưng còn nhờ ân sủng của Thiên Chúa, như Thánh Bênađinô nói rằng: “Nếu không có một ân sủng sung mãn nâng lên mức ngang hàng với Thiên Chúa, thì một phụ nữ không thể nào cưu mang, và sinh ra Con Thiên Chúa được”. Quả thật, nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà Đức Maria nói lên lời xin vâng trong tình yêu phó thác tuyệt đối của mình. Thiên Chúa luôn là người đi bước trước, để trao ban tình yêu và ân sủng, nhưng Ngài mời gọi và chờ đợi lời đáp trả của con người trong tự do, để sự cộng tác đó có giá trị cứu độ. “Hãy vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng” đó là lời sứ thần chào Mẹ, đó là giây phút tâm hồn Mẹ tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương vô cùng. Ân sủng của Thiên Chúa làm phát sinh lòng biết ơn sâu xa nơi Mẹ, thúc đẩy Mẹ hoàn toàn dâng hiến chính mình.

Tiếng xin vâng của Mẹ Maria giúp chúng ta noi gương đức tin sống động của Mẹ: luôn phó thác mình cho tác động của Chúa Thánh Thần. Nếu chỉ xin vâng một lần rồi thôi, hoặc có thể rút lại được khi hết hứng thì rất dễ, nhưng tiếng xin vâng của Mẹ Maria là tiếng xin vâng liên tục và vĩnh viễn, kể từ giây phút truyền tin cho đến hết cuộc đời. Do đó, nếu không có một đức tin mạnh mẽ và sống động, thì Mẹ Maria không thể nào thưa lên được tiếng xin vâng trước lời mời gọi của Thiên Chúa được. Và nếu đức tin đó không được tiếp tục nuôi dưỡng bởi ân sủng, thì Mẹ Maria cũng chẳng tiếp tục sứ mạng cộng tác của mình cho đến ngày Mẹ được Chúa cất về trời. Vì cuộc đời tại thế của Mẹ cũng là một cuộc hành trình đức tin như mỗi người chúng ta ngày nay vậy. Và mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời, là một bước Mẹ tiến cao hơn trong cuộc lữ hành đức tin. Mỗi một lần như vậy, nó đòi buộc một sự tín thác cao độ hơn lần trước, vì như mọi người chúng ta, Mẹ cũng chẳng biết được tương lai ngày mai sẽ ra sao, nhưng Mẹ hoàn toàn tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa…

Như Mẹ Maria xưa đã đồng ý để Chúa dùng Mẹ như một phương tiện đến với nhân loại thế nào, thì mỗi người chúng ta cũng hãy  sẵn sàng dâng hiến cho Chúa một cơ hội, để Ngài Nhập thể nơi cuộc đời chúng ta, Nhập thể trong lời nói, hành động, cử chỉ; cho Ngài được tỏ mình ra nơi những người chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày: bằng một nụ cười thân thiện, một ánh mắt thông cảm, một nghĩa cử bác ái, một sự tế nhị trong lời nói, một gương sáng trong những công việc nhỏ bé chúng ta làm…

Tài liệu tham khảo: sách Học trường của Mẹ - Linh mục Anton Ngô Văn Vững, SJ.

Tác giả: Sinh viên Thần học năm II

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây