GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Vui sống lời khuyên đời thánh hiến

Vui sống lời khuyên đời thánh hiến
Những nỗi lo ấy phát xuất từ trách nhiệm của mỗi người, nó chính đáng và đúng theo thánh ý của Thiên Chúa. Với người tu trì, trách nhiệm trước nhất là giữ trọn lời minh ước trong ngày chịu chức hay tuyên khấn, xây dựng đời sống cộng đoàn (nếu là tu sĩ), sau mới là phục vụ tha nhân.
Những ngày cuối cùng của tháng Chín, chúng ta thử nhìn lại mình trong vai trò và bậc sống mỗi người để tìm biết đâu là thập giá mà Thiên Chúa muốn ta cùng vác với Ngài. Thập giá ở bậc sống nào cũng có: nặng nhẹ, to nhỏ, trơn tru hay xù xì là tùy thuộc vào thái độ đón nhận của mỗi người. Thánh giá trong hôn nhân là bổn phận lo miếng cơm manh áo, phục vụ, nuôi dạy con cái trưởng thành. Những nỗi lo ấy phát xuất từ trách nhiệm của mỗi người, nó chính đáng và đúng theo thánh ý của Thiên Chúa. Với người tu trì, trách nhiệm trước nhất là giữ trọn lời minh ước trong ngày chịu chức hay tuyên khấn, xây dựng đời sống cộng đoàn (nếu là tu sĩ), sau mới là phục vụ tha nhân.
 
 
Những lời khuyên phúc âm là kim chỉ nam giúp người tu sĩ sống có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc tu chỉnh hoàn thiện bản thân. Nhưng thực hành những lời khuyên ấy thật không dễ dàng, vì con người vốn là những bình sành dễ vỡ. Đòi hỏi đầu tiên của đức vâng phục là sự từ bỏ ý riêng, những lần được bề trên sai tới nơi không muốn, đi với người không ưa, làm việc ta không thích. Với người có suy nghĩ tích cực, lấy thử thách là cơ hội rèn luyện nhân đức, thì trái ý, nghịch cảnh lại là cơ hội để thắng vượt ‘cái tôi’. Ai trong chúng ta cũng có những cái tôi của riêng mình. Người thánh hiến hãy để cái tôi được lớn lên, bằng cách biến nó thành khí cụ phục vụ cái Tôi lớn hơn. Cái Tôi của tình yêu Thiên Chúa là siêu năng lực thúc đẩy ta sẵn sàng chấp nhận mọi thứ, khó khăn và cả hoàn cảnh không như mong muốn.
 
Có người nhận định, giữ lời khấn khó nghèo chắc dễ hơn. Họ lý luận, đi tu ít phải chịu trách nhiệm về đời sống vật chất, mà bỏ qua yếu tố tinh thần. Vì thế càng ít người chịu khước từ những gì mình đang nắm giữ để được thanh thoát yêu và chọn nghèo khó làm gia nghiệp. Chúng ta hẳn còn nhớ cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên. Khi anh hỏi: “Thưa thầy, tôi phải làm điều gì để được vào Nước Trời?”. Sau những điều kiện mà Ngài đưa ra, anh tỏ cho thấy mình đã tuân giữ rất tốt những điều đó từ hồi còn nhỏ. Đến đây không úp mở, Chúa Giêsu đi thẳng tới điều cốt lõi còn thiếu nơi anh: “Còn thiếu một điều nữa; anh về bán hết gia tài, phân phát cho người nghèo, rồi đến đây theo tôi” (Mt 19,16-22).
 
Qua câu chuyện này cho thấy giữ các giới răn thôi chưa đủ, từ bỏ tài sản để được thanh thoát đi theo Chúa mới là hồn của sự khó nghèo. Tinh thần khó nghèo xưa nay không có gì thay đổi, vì người tu trì thời nào cũng được mời gọi từ bỏ những bám víu, cồng kềnh để trở nên giống Chúa Giêsu khó nghèo trong tình yêu và trong đau khổ. Ngày nay đời sống vật chất không còn eo hẹp như xưa, dẫu vậy để thực hành tốt sự khó nghèo tự nguyện, người tu trì vẫn được mời gọi sống nhiệm nhặt: “Thiếu một chút còn hơn có thừa” (Tu luật thánh Âutinh số 3). Nói thế không có nghĩa, tu sĩ không được phép sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại như: vi tính, ipad, iphone, xe máy vốn có thể giúp ích cho mục đích học hành, phục vụ. Nhưng Họ cần học cho biết phải sử dụng những phương tiện ấy vào nhu cầu chính đáng.
 
Về lời khuyên “khiết tịnh” ta thấy rằng. Từ nguyên thủy Thiên Chúa không muốn con người phải sống cô lẻ nhưng là sống chung cùng đồng loại. Vì Ngài hiểu, “Con người ở một mình thì không tốt”. Lúc cô đơn con người yếu đuối và dễ sa ngã hơn, ma quỉ cũng nắm bắt được yếu điểm này nên đã kiên nhẫn chờ cơ hội khi con người ở một mình để thực hiện mưu đồ cám dỗ (St 3,1). Nói thế không có nghĩa là việc sống độc thân trinh khiết là đi ngược lại ý định của Thiên Chúa. Nhưng nên hiểu, sống độc thân cũng có những lý do khác nhau như ta đọc thấy ở (Mt 19, 11-12). Trong cuộc đàm thoại với các môn đệ, Chúa Giêsu đưa ra những trường hợp khác nhau để giải thích việc sống độc thân. Sau cùng Ngài mới đề cập đến sự tự nguyện sống độc thân để phục vụ Nước Trời. Lý tưởng này không phải tất cả mọi người đều hiểu, nhưng nó được dành cho một số mà thôi: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu”. Do đó sống độc thân trinh khiết phải dựa trên nền tảng của sự tự do, tự nguyện.
 
Thử tưởng tượng, một người không có sự tự do nội tâm khi bước vào đời sống thanh khiết, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối diện với những thử thách, căng thẳng trong cuộc sống. Những khó khăn đến từ xã hội và cộng đoàn, mà nếu không được sự đồng cảm, chia sẻ kịp lúc của những người cùng chung lý tưởng rất có thể họ sẽ bị đẩy tới vực của sự sa ngã. Khi đã sa ngã, lời khấn khiết tịnh trở thành ‘thập giá xù xì’, tha nhân và công việc là đá tảng đè nặng trên tâm hồn vốn đang thiếu sức sống ấy.
 
Tìm kiếm Thánh ý, sống hiệp thông huynh đệ và phục vụ cách tận trung là những phương thế hiệu nghiệm giúp ta kiên trì tiến bước trên đường thánh thiện. Ngoài ra, Thánh Thể và Lời Chúa là chất xúc tác giúp thiết lập tương quan tốt lành giữa các người thánh hiến. Đó là chứng từ tiên quyết, minh chứng cho mọi người thấy có Chúa nơi họ. Hãy tin rằng Chúa trao gửi thánh giá là những khó khăn, khổ lụy, nhưng Ngài cũng không để ta vác một mình. Vì Ngài quá biết sức lực phàm nhân chẳng là bao, những khi mệt mỏi, căng thẳng, ngã sa trong đời, đừng cứng lòng nhưng hãy mở tai nghe lời yêu thương từ trời cao đang mời gọi: “Hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
 
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây