GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Thư gửi Cha

Đã hơn một lần con cầm cây bút lên để viết gửi Cha những tâm tư của con, nhưng rồi con lại đặt xuống bởi con thiết nghĩ chẳng có ngòi bút hay ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết được tình phụ tử đong đầy yêu thương ấy.
Thư gửi Cha
maxresdefault 1Cha kính yêu!

Đã hơn một lần con cầm cây bút lên để viết gửi Cha những tâm tư của con, nhưng rồi con lại đặt xuống bởi con thiết nghĩ chẳng có ngòi bút hay ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết được tình phụ tử đong đầy yêu thương ấy. Nhưng hôm nay, cảm xúc dâng trào thôi thúc con từ tận đáy lòng, con cầm cây bút lên và bắt đầu “viết về Cha” - người Cha kính yêu luôn hiện diện trong suốt dòng lịch sử và trong những biến cố vui buồn của Hội Dòng. Dẫu biết rằng ngôn từ có giới hạn nhưng đây là những tình cảm đơn sơ, chân thành và còn đôi chút vụng về con muốn gửi đến Cha trong “ngày của Cha”.

Cha ơi!

Nhìn lại hành trình đã qua, những thế hệ trẻ chúng con không khỏi ngỡ ngàng trước sự tồn tại và phát triển của Hội Dòng giữa bao thăng trầm và thử thách. Tất cả là nhờ hồng ân Thiên Chúa và đặc biệt qua lời chuyển cầu của Cha trước tòa Chúa. Ngược dòng lịch sử của Giáo hội Việt Nam cách riêng với chị em Mến Thánh Giá chúng con, chúng con cảm nhận được sự nâng đỡ, đồng hành và bảo trợ của Cha trong suốt dọc dài lịch sử ấy. Ngay từ những ngày đầu khi Đạo Công giáo được truyền đến Việt Nam, các nhà truyền giáo đã nhận Cha làm Đấng Bảo Trợ, Cha Đắc Lộ đã thuật sự tích  "Ngày 12 tháng 03 năm 1627, lễ Thánh Grêgôriô, tôi và thầy Antôn Marques xuống tàu tại Áo Môn để sang Đàng Ngoài. Chúng tôi vượt biển, thuận buồm xuôi gió cho tới chiều ngày thứ bảy. Khi toan vào cửa, bỗng bão nổi lên với nhiều hình quái dị khiến mọi người kinh hãi. Nhưng qua hôm sau là lễ Thánh Giuse thì biển yên sóng lặng, hình quái gở đã biến đi, nên chúng tôi vào cửa bình an. Cửa ấy, dân địa phương gọi là cửa Bạng (Thanh Hoá), nhưng chúng tôi đặt tên là Cửa Thánh Giuse, hầu kính nhớ ơn Ngài đã phù hộ chúng tôi tới đó bình an.” Rồi “ Ngày 14 tháng 02 năm 1670Giám mục tiên khởi Đàng Trong là Pierre Lambert de la Motte, trong chuyến thăm giáo đoàn Đàng Ngoài, đã họp Công Đồng Đàng Ngoài tại Phố HiếnHưng Yên và long trọng xin nhận Thánh Giuse làm quan thầy của Giáo hội Đàng Ngoài.” Và ngay khi chúng con được khai sinh trên đất Việt thân yêu, Đức Cha Lambert-Đấng Sáng Lập đã thật khôn ngoan nhận Cha làm bổn mạng cho toàn thể chị em chúng con, để rồi trong mọi biến cố vui buồn chúng con luôn có Cha.Có lẽ là người Cha, người gia trưởng trong gia đình Nazaret, Cha cũng thấu hiểu được nỗi lo âu và gian khó trong cuộc sống. Vì thế, Cha đã luôn hiện diện và bảo trợ chúng con, khi bình an cũng như lúc ba chìm bảy nổi giữa biển đời trần gian này.

Con vẫn còn nhớ ngày mới vào Dòng, Đức Cha cố Giuse-người mà chúng con vẫn thường gọi cách gần gũi là “ông nội” đã nhắn nhủ: “các cháu cứ đến với Thánh Cả  Giuse, người linh thiêng lắm, xin gì được đấy!”. Và chính chúng con cũng cảm nhận được điều đó. Mỗi khi có chị em nào đi chữa bệnh, chị Tổng Phụ trách đề xin cả nhà khẩn cầu với Cha cho người chị em được gặp thầy gặp thuốc. Đặc biệt, trong những năm Hội Dòng xây dựng các cơ sở vật chất, chúng con luôn đến với Cha vì tin rằng có Cha chuyển cầu cùng Chúa mọi công việc sẽ êm xuôi tốt đẹp. Dù Cha không hiện diện cách trực tiếp nhưng như có một sức mạnh tinh thần giúp chị em chung tay chung sức trong mọi việc.

Các sách Phúc Âm đã không thuật lại một lời nói nào của Cha nhưng luôn giữ thinh lặng trong mọi biến cố. như khi nghe tin Mẹ đã mang thai hay lúc đón Mẹ về nhà; khi đang đêm vội vàng trỗi dậy đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, hay khi tìm gặp lại Chúa Giêsu trong Đền Thờ, Cha đều thinh lặng. nhưng chính sự thinh lặng ấy lại là mẫu gương choi chúng con sống đời dâng hiến, giúp chúng con có thể lắng nghe và nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Đời sống âm thầm, dung hòa giữa lao động và cầu nguyện của Cha cũng cho chúng con ý thức hơn trong tinh thần làm việc và phục vụ, tất cả để vinh danh Chúa và hạnh phúc cho tha nhân. Hơn nữa, Cha còn là mẫu gương cho chúng con trong đời sồng khiết tịnh, vâng phục và nghèo khó. Khiết tịnh khi âm thầm hi sinh cả cuộc đời để giữ mình trinh khiết. Tình yêu của Cha dành cho Mẹ Maria là một tình yêu trinh sạch, vẹn toàn.  Một tình yêu không bao giờ chiếm hữu người yêu cho riêng mình, nhưng chỉ là một sự hiến thân thuần tuý. Một tình yêu canh giữ mọi phong phú của khác biệt giới tính và biến đổi chúng thành những tặng ân của ân sủng. Vâng phục khi sẵn sàng từ bỏ ý riêng để mau mắn thi hành ý Chúa, dù có những điều không thể hiểu nổi, nhưng Cha luôn tận tâm chu toàn để chương trình cứu độ được hoàn thành. Khó nghèo thực sự trong cả vật chất lẫn tinh thần trong ngôi làng Nazaret nhỏ bé với nghề thợ mộc, chẳng mấy người biết đến. Khó nghèo tinh thần của Cha là từ bỏ tất cả những kế hoạch riêng tư của cuộc đời, để đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, hiến thân phục vụ chương trình cứu độ của Ngài.

Cha kính mến!

Mỗi lần nhìn lại dòng lịch sử của Hội Dòng là một lần chúng con cảm nhận được sự hiện diện của Cha trong mọi biến cố. Cha vẫn luôn ở đó và chờ đợi chúng con đến với Cha “Hãy đến cùng Thánh Cả Giuse.” Chắc hẳn, trong cuộc sống có nhiều lúc những đứa con bé nhỏ này đã làm phiền lòng Cha, nhưng con tin với tình thương của người Phụ tử, Cha vẫn luôn yêu thương và che chở chúng con.” Đặc biệt ngày hôm nay, nhân loại chúng con cũng đang phải đối diện với những khó khăn của đại dịch Covid-19, với những cuộc xung đột, chiến tranh, chúng con khẩn cầu Cha chuyển cầu cho chúng con trước tòa Chúa. Có Cha chúng con luôn an tâm và vững vàng tin tưởng tiến bước giữa lòng Giáo hội và xã hội hôm nay.

Tác giả: Dã Quỳ Mary

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây