GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Sống tròn đầy ơn gọi và sứ vụ

Sống Tròn Đầy Ơn Gọi và Sứ Vụ là phương thế truyền giáo – loan báo Tin Mừng Phục Sinh tốt nhất và hiệu quả nhất.
Sống tròn đầy ơn gọi và sứ vụ

Trước khi lên trời, Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ trên một ngọn núi tại Ga-li-lê, Người đã trao cho các ông sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19b)

Từ “sứ mạng” “mission” trong tiếng Anh có nghĩa là “được sai đi, được gửi đi”. Nghĩa phù hợp cho sứ mạng là “được sai đi”. Hiển nhiên, sự “được sai đi” này đáp ứng một sự uỷ thác, một nhiệm vụ được giao cho một người thi hành.

Dù là Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ chiêm niệm hay hoạt động, Giáo dân có gia đình hay không, ai cũng muốn được hạnh phúc trong ơn gọi và bậc sống mình đã lựa chọn. Sống Tròn Đầy Ơn Gọi và Sứ Vụ là phương thế truyền giáo – loan báo Tin Mừng Phục Sinh tốt nhất và hiệu quả nhất.

Ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, người Ki-tô hữu đã đón nhận sứ mạng rao giảng và làm chứng tá cho Tin Mừng Phục Sinh ở mọi nơi mình hiện diện. Công cuộc truyền giáo được xem là một hoạt động ưu tiên mà Giáo hội luôn quan tâm, ưu tư và thực thi trong suốt quá trình gầy dựng, tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, một điểm quan trọng cần nhấn mạnh khi thực thi Sứ mạng truyền giáo – loan báo Tin Mừng Phục Sinh đó là: sự hiệp hành, hiệp thông, tham gia và sứ vụ tức là sự nỗ lực đóng góp trên nhiều khía cạnh từ mọi thành phần trong Giáo Hội, bất luận là Giáo sĩ, Tu sĩ hay Giáo dân theo ơn gọi và sứ mạng của mình.

Tuy mọi người đều mang trong mình sứ mạng rao giảng và làm chứng tá cho Tin Mừng Phục Sinh, cùng kiếm tìm niềm vui hạnh phúc, nhưng đối tượng nhắm đến và con đường thực hiện có thể rất khác nhau. Để được hạnh phúc, có người lao mình tìm kiếm tiền bạc, danh vọng, chức vị, thú vui, thỏa mãn…, người khác lại vất bỏ tất cả những thứ đó. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm để tiến bước trên hành trình truyền giáo, Sống Tròn Đầy Ơn Gọi và Sứ Vụ là xác định ý nghĩa niềm vui, hạnh phúc đích thực và con đường dẫn đến đích điểm đó.

Niềm vui là hoa trái của cuộc sống đầy tràn, tự do và thanh thoát. Niềm vui là trải nghiệm của cuộc sống đầy tràn nên phát sinh từ bên trong; để có niềm vui phải vứt bỏ, giải thoát cho lòng được thanh thoát; càng vứt vỏ nhiều, lòng càng được thanh thoát và niềm vui càng trào dâng. Hình ảnh diễn tả tâm hồn trải nghiệm niềm vui là giếng nước: khi có nhiều rác, mạch nước bị tắc nghẽn; khi rác được vớt đi, mạch nước trào dâng lên, tưới mát mảnh đất, làm cho nảy sinh cây cỏ xanh tươi.

Niềm vui, hạnh phúc đích thực là niềm vui của người đã tập luyện cho lòng được thanh thoát khỏi tất cả để chỉ còn tựa dựa vào Chúa Giê-su với tâm hồn được tràn đầy Chúa để Ngài là niềm vui cho tâm hồn. Điều này đã được Thánh Phao-lô diễn tả qua hai đoạn thư của ngài:

“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35 – 39).

“Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3, 7 – 9b).

Một nét đặc trưng khi thi hành sứ mạng truyền giáo, bước theo Chúa Giê-su Ki-tô là phải đối đầu với nguy hiểm, chống đối của những kẻ thù của Nước Thiên Chúa. Muốn thắng được những nguy hiểm, chống đối của những kẻ thù Nước Thiên Chúa, có được niềm vui và hạnh phúc đích thực con người cần sống gần gũi, thân mật với Chúa, bám vào Chúa, cậy dựa vào ơn Chúa, tích cực thanh luyện và uốn nắn bản thân tận gốc rễ: tu luyện giác quan, trí nhớ và trí tưởng tượng, đặt ra những quy luật sống cho bản thân theo tinh thần của người con Chúa; tăng cường nguồn năng lực nội tâm, tăng cường sự trong sáng của lương tâm và sức mạnh của ý chí.

Để thay đổi con người tận gốc rễ, việc thăng tiến đời sống tâm linh và nhân bản tùy thuộc vào nỗ lực luyện tập theo ánh sáng soi dẫn và sức mạnh nâng đỡ của ơn thánh. Hy sinh không luôn dễ, quên mình không luôn vui, trách nhiệm không luôn nhẹ. Tuy nhiên mọi sự đều có thể được nhờ Đấng tạo thành mọi tình yêu. Một khi đã có được niềm vui, hạnh phúc đích thực con người sẽ dễ dàng thăng tiến bản thân và có được những mối liên đới, tương quan tích cực, tốt đẹp với tha nhân, và như vậy sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho họ.

Ước mong mọi thành phần trong Giáo Hội, bất luận là Giáo sĩ, Tu sĩ hay Giáo dân theo ơn gọi và sứ vụ của mình; luôn tích cực thực thi mệnh lệnh của Chúa Giê-su Ki-tô là: loan báo Tin Mừng Phục Sinh trong tình liên đới, hiệp nhất, hiệp hành: Sống Tròn Đầy Ơn Gọi và Sứ Vụ theo tinh thần của thánh Francis de Sales: “Chúa trồng con ở đâu, con nở hoa ở đó.” “Bloom where God plants you.”

Tác giả: Nt: M. Ripsimina Bùi Thị Liễu, FMSR

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây