GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Thánh cả Giuse, Đấng gìn giữ niềm hy vọng    

Bức màn đen tối của đại dịch Covid-19 đang bao trùm thế giới, mang đến nỗi sợ hãi, bất an và cả cái chết cho con người. Mọi quốc gia, mọi nguồn lực đã cố gắng đưa ra những giải pháp với hy vọng chặn đứng cơn đại dịch đang gây ra biết bao kinh hoàng cho con người. Thế nhưng, thực tế cho thấy, đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thánh cả Giuse, Đấng gìn giữ niềm hy vọng    

untitled 4Bức màn đen tối của đại dịch Covid-19 đang bao trùm thế giới, mang đến nỗi sợ hãi, bất an và cả cái chết cho con người. Mọi quốc gia, mọi nguồn lực đã cố gắng đưa ra những giải pháp với hy vọng chặn đứng cơn đại dịch đang gây ra biết bao kinh hoàng cho con người. Thế nhưng, thực tế cho thấy, đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại. Truyền hình và báo chí liên tục đưa tin, ghi nhận những ca nhiễm mới và số ca tử vong không ngừng tăng lên. Mọi người dường như đang mất dần hy vọng. Nhân loại đang phải đối diện với một thảm kịch thực sự. Bi thảm hơn cả là những người nghèo khó, người vô gia cư, những người bị gạt ra bên lề xã hội, hay những người di dân tị nạn bị từ chối. Nhóm người này thật khó có niềm hy vọng được cứu, khi luôn nằm ở vị trí cuối cùng trong danh sách cần được hỗ trợ của các quốc gia. Họ ở dưới đáy xã hội và bị loại trừ. Họ đang bị lãng quên và tuyệt vọng. Thế nhưng, dẫu bức màn đen tối đang muốn chụp lấy tất cả chúng ta, thì vẫn còn đó những nẻo đường hy vọng mà Thiên Chúa dẫn chúng ta đi. Đó là nẻo đường mà Thánh Cả Giuse đã đi. Dù phải chịu cảnh khó nghèo, vô gia cư, phải sống lưu vong, nhưng Người vẫn sống niềm hy vọng dù chẳng còn gì để hy vọng. Nơi Thánh Cả, con người đau khổ tìm thấy nguồn mạch hy vọng và sự sống, bởi chính Người là Đấng gìn giữ Hài Nhi Giêsu, niềm hy vọng của nhân loại, “Bánh Hằng Sống” mà trái tim nhân loại đang đói khát.[1]

Niềm hy vọng đang mất

Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới người Di dân và Tị nạn lần thứ 106, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng: “Trên thực tế, do mức độ mạnh mẽ, nghiêm trọng và phạm vi địa lý của nó (đại dịch Covid-19), cuộc khủng hoảng này đã làm cho nhiều trường hợp khẩn cấp nhân đạo khác đang ảnh hưởng đến hàng triệu người bị coi nhẹ, khi đặt những sáng kiến và trợ giúp quốc tế cần thiết và cấp bách để cứu sự sống con người nằm ở vị trí cuối cùng trong các chương trình nghị sự chính trị quốc gia”[2]. Đồng thời, do lo sợ dịch bệnh lây lan, các quốc gia đã đóng cửa biên giới và kêu gọi người dân ở trong nhà, tránh tiếp xúc với người lạ. Mối dây liên đới xã hội bị cắt đứt bởi sự nghi ngại. Con người rút vào cùng an toàn của mình trong sự sợ hãi và bất an. Điều này đã đẩy hàng triệu người nghèo đói, vô gia cư, những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội, và cả những người di dân tị nạn vào một thảm trạng. Họ không được quan tâm và chăm sóc khi cần thiết. Cuộc sống của những con người nghèo khổ này vốn đã bấp bênh nay còn trở nên khốn đốn hơn khi bị từ chối giúp đỡ. Họ không được chăm sóc y tế cần thiết, cũng như rất khó để tiếp cận nguồn lương thực, thức ăn và nước sạch. Cuộc sống của họ đang bị bần cùng hóa đói nghèo.

Ngay tại đất nước Việt Nam, hàng ngàn người đã chết bởi dịch bệnh, đặc biệt trong đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19. Trong đó có biết bao nhiêu người đã chết khi không được chăm sóc y tế, không đủ Vacxin hay không có bình ôxy để thở. Trăm ngàn người đã đau khổ và tuyệt vọng khi phải lần lượt chứng kiến người thân của mình ra đi, và có thể họ là người tiếp theo. Cùng với những cái chết bi thương, là bao nhiêu đứa bé trở thành trẻ mồ côi khi mà cha mẹ và các anh chị trong gia đình đã mất hết do nhiễm bệnh.

Nhìn xa hơn, vào trung tuần tháng 8 năm nay (2021), cả thế giới cũng bàng hoàng chứng kiến cảnh hàng trăm ngàn người Afghanistan đang hoảng loạn chạy trốn khỏi đất nước mình, do lo sợ bị đàn áp và bách hại khi quân Taliban lên nắm chính quyền. Tại các sân bay và các cửa biên giới, la liệt người dân, cả trẻ em và phụ nữ, chen lấn nhau với hy vọng thoát ra khỏi đất nước mình và tìm được nơi trú ẩn an toàn tại các nước khác. Đói, khát, mệt mỏi và một niềm hy vọng không chắc chắn là tâm trạng của từng người trong số họ. Niềm hy vọng không chắc chắn; vì chẳng ai biết được đã có bao nhiêu người đã chạy thoát an toàn. Trên thực tế đã có những quốc gia đóng cửa biên giới từ chối tiếp nhận người tị nạn Afghanistan do lo sợ dịch bệnh lây lan và không còn khả năng trợ giúp. Những người này có thể sẽ bị đẩy vào các trại tị nạn, hoặc sẽ trở thành nạn nhân cho bọn buôn người. Trong cuộc chạy nạn đó, cũng chẳng có ai biết được, bao nhiêu người đã chết vì bị sát hại; đã có bao nhiêu đứa trẻ phải chịu chung số phận bi thương như cậu bé Alan Kurdi, 3 tuổi, người Syria, chết trôi dạt vào vũng biển Thổ Nhĩ Kỳ, khi cùng cha mẹ vượt biên, hồi năm 2015.

Nếu không ở trong hoàn cảnh của những con người ấy, chẳng ai có thể hiểu thấu được nỗi thống khổ mà họ đang phải chịu. Đau khổ hơn cả là niềm hy vọng được sống, được bình an của họ đang dần lịm tắt. Những con người khốn khổ ấy chẳng còn biết bám víu vào đâu.

“Hãy đến cùng Giuse”

Thánh Giuse được kêu cầu là Đấng Bảo Trợ người lưu đày, người nghèo khổ và ưu sầu... Không chỉ vì Người là Đấng cầu bầu quyền thế, mà trước hết, vì chính Người đã sống, đã cảm nếm, và thấu hiểu nỗi khốn khổ đau đớn của những người nghèo, người vô gia cư, và người tị nạn.

Trong chương thứ II của Tin Mừng Mátthêu, thuật lại cho chúng ta câu chuyện về biến cố Gia Đình Thánh Gia phải chạy trốn sang Ai Cập. Trong đó, Thánh Giuse nổi bật lên như nhân vật chính với vai trò là người bảo trợ và gìn giữ hài nhi Giêsu và Mẹ Ngài.

“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập” (Mt 2,13-15).

Trong lệnh truyền của sứ thần Chúa nói với Thánh Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập”. Hạn từ “trốn” ở đây được dịch từ tiếng Hy Lạp “pheuge”, “chạy trốn”, một từ có nguồn gốc bởi từ “refugee”, người tị nạn[3]. Chi tiết này cho ta thấy, lời báo tin của sứ thần đã đặt Gia Đình Thánh Gia vào cuộc sống của những gia đình lưu vong. Những gia đình bị buộc phải chạy trốn khỏi quê nhà vì nỗi sợ hãi bị sát hại. Không phải tưởng tượng nhiều chúng ta cũng có thể hiểu được tình cảnh nguy kịch và hoảng loạn mà gia đình người thợ mộc Giuse đang gặp phải. Một gia đình, đang đêm, phải chạy trốn với hết tốc độ trong sự hoang mang và sợ hãi. Chặng đường từ Bêlem sang Ai Cập rất dài, đi bộ phải mất chục ngày đường, mà phần lớn là sa mạc. Vấn đề quan trọng lúc này là lương thực, cơ bản là nước uống. Thế nhưng, các Ngài lại chẳng chuẩn bị được nhiều, vì “Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi”.

Trong suốt cuộc chạy nạn, Thánh Giuse đã thấy cái đói, cái khát trong tiếng khóc của con trẻ Giêsu, bởi nguồn sống lúc này của Hài Nhi, dòng sữa người mẹ cho Ngài bú mớm cũng đang dần khô cạn vì đói, vì khát. Người cũng thấy sự hoảng hốt và sợ hãi, lo âu và mệt mỏi trong ánh mắt và gương mặt của Mẹ Maria. Người thấy một tương lai không chắc chắn ở phía trước và lưỡi hái tử thần của Hêrôđê đang săn đuổi phía sau. Thánh Giuse nhìn thấy thực tế, một thực tế được đánh bởi sự u tối, buồn thảm và không chắc chắn. Nhưng Người không trách né mà chấp nhận và đối diện với nó bằng một lòng vâng phục và tín thác vào Thiên Chúa. Người vẫn bước đi trong hy vọng dẫu chẳng còn gì để hy vọng. Người đã nghe và ghi tạc trong lòng lời thánh thi tuyệt đẹp của dân tộc mình.

“Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì.
Van nài liền được cứu nguy, đã không thất vọng mỗi khi cậy Ngài” (Tv 22,5-6).

Và hơn hết, trong cơn nguy nan, Người vẫn bồng ẵm và gìn giữ trong tay niềm hy vọng của chính mình, của  dân tộc, của cả nhân loại, một hài nhi mang tên Giêsu, nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Với niềm xác tín đó, Thánh Giuse đã trở thành “dấu lạ” thực sự mà Thiên Chúa dùng để cứu hài nhi Giêsu và Mẹ Người[4]. Để giờ đây, trong cơn gian nan đau khổ, tất cả những ai đến với Thánh Giuse, với niềm tín thác cậy trông, sẽ nhận được từ nơi Người niềm hy vọng mà Người đã gìn giữ, niềm hy vọng duy nhất của con người, Đức Giêsu Kitô. Đấng đã quả quyết, “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Người là Bánh Hằng Sống cho “Kẻ nghèo hèn được ăn uống thỏa thuê” (Tv 22,17).

Đói nghèo và đau khổ vẫn đang vây bủa trên đời sống con người, đó là một thực tế mà chúng ta không thể bác bỏ. Nhưng thái độ của Thánh Giuse khuyến khích và nâng đỡ con người trước thực tế ấy. Dẫu phải sống cảnh nghèo đói, phải chịu mọi nỗi khốn khổ như hàng triệu người tị nạn, người sống đời lưu vong, Thánh Giuse đã không né tránh nhưng chọn cách đối diện với thực tế. Người chấp nhận thực tế đó, nhưng không phải là đành chịu, mà đầy hy vọng và can đảm[5]. Ngày hôm nay giữa cơn đại dịch, có biết bao con người đang vẽ lên bức tranh hy vọng cho nhân loại, khi chọn cho mình thái độ của Thánh Giuse, một thái độ can đảm và đầy hy vọng . Đó là các bác sĩ, các y tác, nhân viên y tế, nhân viên môi trường, các tu sĩ nam nữ, các linh mục… là tất cả những ai đang âm thầm phục vụ con người bất chấp những nguy hiểm và cả cái chết đến với mình. Những con người ấy đang nhìn thấy niềm hy vọng của mình là Đức Giêsu nơi những con người nghèo khổ, nơi các bệnh nhân mà họ đang phục vụ. Họ đi ra khỏi vùng an toàn của mình và dấn thân cho niềm hy vọng đó. Họ không ngừng gieo mầm hy vọng cho một thế giới đang thất vọng. Họ là “dấu lạ” Thiên Chúa dùng để Ngài đi vào cuộc sống và cứu vớt con người. Để rồi, họ nhận lại được ý nghĩa cuộc sống đích thực của mình, như chính Chúa Giêsu đã hứa: “Ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ nhận lại mạng sống ấy” (Mc 8,35).

Giáo Hội tôn nhận Thánh Giuse, một người nghèo, là bổn mạng Giáo Hội, điều nay cũng cho thấy sự chọn lựa căn bản của Giáo Hội, đó là ưu tiên người nghèo. Cũng giống như Thánh Giuse, Giáo Hội không đứng ngoài nỗi đau khổ của nhân loại, nhưng đối diện và đảm nhận cho mình trách nhiệm đó. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, liên đới với tất cả mọi người, không loại trừ bất cứ ai, nhưng ôm ấp tất cả, nhất là những người nghèo, người đau khổ, để “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô.” (GS 1). Đức giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định: “tôi muốn một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”, hơn nữa Giáo Hội còn là “một bệnh viện dã chiến” để tất cả mọi người, nhất là những ai nghèo khó, những người đang bị tổn thương đều được tiếp đón và chữa lành. Để tất cả những ai đến với Giáo Hội đều được chan chứa niềm hy vọng.


[1] Phaolô Ngô Suốt, Gặp gỡ Mẹ Maria, tập 3, Nxb Đồng Nai, 2019, tr.157.
[3] http://dcctvn.org/co-phai-chua-giesu-duc-maria-va-thanh-giuse-la-nhung-nguoi-ti-nan/
[4] Đgh Phanxicô, Thông Điệp Patris corde, Bản dịch của HĐGMVN, tr.20.
[5] Ibidem, tr.18.

Tác giả: Ga Phạm Liệu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây