GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Phải chăng truyền giáo rất khó khăn?

Phải chăng truyền giáo rất khó khăn?
Thú thực, trong tôi trước đây chỉ có ý nghĩ đơn sơ là: Truyền giáo là đi tới những nơi mà người ta chưa biết Đức Kitô, chưa được đón nhận Tin Mừng của Chúa. Nhưng qua những gì mọi người chia sẻ, tôi thấy rằng “truyền giáo” đâu chỉ có thế, không hẳn là như vậy…
Thời gian gần đây, trong tôi luôn suy nghĩ tới hai từ “Truyền giáo”. Truyền giáo thực sự là gì? Qua những gì người này người kia nói về “truyền giáo” và qua những gì tôi suy tư, tôi quyết định viết về chủ đề này, không vì mục đích nghiên cứu nhưng với mục đích nói lên những cảm nghiệm và “hiểu biết” của tôi về truyền giáo. Và qua đây, tôi ước mong được những người có kinh nghiệm, hiểu biết về truyền giáo chia sẻ thêm cho tôi - người chưa thực sự hiểu biết về nó.
 
Thú thực, trong tôi trước đây chỉ có ý nghĩ đơn sơ là: Truyền giáo là đi tới những nơi mà người ta chưa biết Đức Kitô, chưa được đón nhận Tin Mừng của Chúa. Nhưng qua những gì mọi người chia sẻ, tôi thấy rằng “truyền giáo” đâu chỉ có thế, không hẳn là như vậy…
 
Truyền giáo trước hết là do ý định của Thiên Chúa Truyền  giáo  theo  giáo  huấn  Giáo  hội:  “Tự  bản tính, Giáo hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha”[1].
 
Truyền giáo là rao giảng Tin Mừng, là tái rao giảng cho những nơi, những người đã được Rửa tội mà nay lại chối bỏ hoặc sống đời sống đức tin khô khan…
 
Trong Tin Mừng chúng ta thấy chính Đức Giêsu đã sai các môn đệ của Người đi: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (x. Mt 28, 19-20a).
 
Nói thì như thế, nhưng khi nghĩ tới “Nếu giờ mình đi truyền giáo mình sẽ nói với họ như thế nào đây, bắt đầu từ đâu nhỉ? Liệu rằng mình có thích nghi được với môi trường mình sẽ tới? ”
 
Khi nghe Cha Steffen, giáo sư trường truyền giáo chia sẻ về kinh nghiệm truyền giáo của ngài, tôi không thể tưởng tượng được trong thời đại này vẫn còn đó những tộc người có những quan niệm sống mà tôi nghĩ rằng chỉ có ở những người thời tiền sử mới sống như thế…Tôi nghĩ, đó cũng là những khó khăn trong công cuộc truyền giáo giữa  một thế giới “văn minh” hiện nay, ngoài ra ta có thể kể ra đây một vài khó khăn khác nữa: nào là sự khác nhau về quan  niệm sống, khác nhau về văn hóa, khác nhau về ngôn ngữ, khác nhau về khí hậu…Vậy, phải chăng truyền giáo rất khó?
 
Không! Không! Tôi không nghĩ thế…
 
Tôi nói truyền giáo không khó là vì tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có tâm hồn truyền giáo thực sự như Đức Maria, như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, hay như các vị truyền giáo trong lịch sử Giáo hội…thì điều đó không khó chút nào.
 
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy cách truyền giáo của Đức Maria khi thăm viếng bà Elisabét. Mẹ đã đến với chị họ mình bằng cả tấm lòng đến nỗi sau khi nghe lời chào của Mẹ, Gioan Tẩy Giả đã nhảy lên và bà Elisabét đã được đầy tràn Thánh Thần “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc1, 41-44).
 
Truyền giáo không hẳn là phải ra đi về địa lý nhưng là “ra đi” về tâm hồn, ra đi khỏi cái tôi vị kỉ với tâm hồn đơn thành, không nghĩ cho bản thân mà biết nghĩ cho mọi người, không nghĩ làm vinh danh bản thân mà nghĩ tới việc Vinh Danh Chúa; hay âm thầm cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo như thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu với cả tâm hồn đơn sơ, cầu nguyện cho những người xung quanh ta, cho đất nước, cho các châu lục và cho toàn thể trái đất…Chính thánh Têrêsa Hài Đồng một người tuy không trực tiếp đến những nơi truyền giáo nhưng ngài luôn hướng tới những nhà truyền giáo, những điểm truyền giáo  trong lời cầu nguyện của mình. Thế nhưng có được tâm hồn đơn sơ đâu phải dễ.
 
Tôi hiện là “người của Chúa”, sứ vụ của tôi bây giờ và sau này là loan báo Tin Mừng Đức Kitô. Nếu tôi không có được tâm hồn truyền giáo, nếu tôi không xây nền móng truyền giáo của mình dựa trên nền móng đã đặt sẵn là Đức Kitô “Ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (x. 1Cr 3, 10b-11) thì khi tôi làm mục vụ sẽ chẳng khác gì như một công chức (hoàn thành nhiệm vụ mà không có tấm lòng). Chúng ta là những chi thể của Đức Kitô, bổn phận của chúng ta là làm tăng triển Thân Thể Người. Chính vì thế chúng ta phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải vun đắp tinh thần Công giáo đích thực và phải dành tâm sức cho công cuộc rao giảng Phúc Âm bằng chính đời sống nội tâm sâu sắc, kết hợp mật thiết với Chúa và theo những định hướng của Giáo hội.
 
Trong cuộc sống, bất kể công việc nào cũng có những thách đố của nó. Quá khứ có những thách đố của quá khứ, hiện tại có những thách đố của hiện tại và tương lai có những thách đố của tương lai. Về vấn đề truyền giáo, sau Công Đồng Vaticanô II, Giáo hội đã có một sắc lệnh về truyền giáo “Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội” (Ad gentes). Đó là những chỉ dẫn của Giáo hội, chúng ta có nhiệm vụ đào sâu để có thể giải nghĩa về truyền giáo cách đúng đắn và áp dụng cho việc truyền giáo trong thế giới đầy những thách đố hôm nay…và lẽ dĩ nhiên truyền giáo không có một cái khung cố định nào.
 
Qua những chia sẻ trên, tôi nhận ra rằng truyền giáo là bổn phận của tất cả các Kitô hữu, dù chúng ta là ai và chúng ta ở đâu đi nữa thì hãy luôn ý thức chúng ta là những nhà loan báo Tin Mừng, như trong thư gửi giáo đoàn Rôma thánh Phaolô đã từng nói: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục  vụ.  Ai dạy  bảo, thì  cứ dạy bảo. Ai khuyên  răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12, 6-8). Ý thức điều đó, ngay trong thời gian được đào tạo tại Chủng viện, qua sự hướng dẫn của quý cha giáo trong các môn học tôi cần phải nhận ra nhu cầu thực thi cấp bách việc Phúc Âm hóa cho những người ngoài Kitô giáo, tái rao giảng cho những người lầm đường lạc lối…không ở đâu xa mà trước hết là những người xung quanh ta, nơi ta sinh sống và học tập, có được tinh thần lên đường – không sợ khó không sợ khổ, dễ thích nghi với môi trường mình được gửi tới, đồng thời cũng phải nuôi dưỡng hồn tông đồ, hồn truyền giáo của mình nữa. Đó là những trang bị cần thiết cho hành trình dấn thân truyền giáo, và như thế truyền giáo cũng là một nét đẹp trong văn hóa thương xót. Nó góp phần làm nổi bật lên cách sống động “dung mạo Lòng thương xót Chúa”. Đó là những cảm nghiệm của tôi về truyền giáo. Còn với bạn truyền giáo là…?
 
Tâm Hồi
ĐCV Bùi Chu, Ra Khơi số 15, tháng 11/2016, tr. 66-70. 
 
 
 

[1] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hộiAdgentes, 2.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây