GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Tin Mừng Gioan, TM Ngôi Lời Nhập Thể (tiếp)

Dấu lạ này được đặt trong bối cảnh của dịp lễ Lều (7,1 -10,21), trong đó người Do-thái tranh luận rất nhiều về căn tính của Đức Giê-su. Cụ thể, người ta thắc mắc về Nguồn Cội của Đức Giê-su: Ngài đến từ đâu và đi về đâu? Dù Đức Giê-su đã nhiều lần trả lời cho họ, nhưng họ vẫn không hiểu.
download
II. Dấu lạ chữa người mù từ thuở bẩm sinh (9,1-7)

1. Khung cảnh

Dấu lạ này được đặt trong bối cảnh của dịp lễ Lều (7,1 -10,21), trong đó người Do-thái tranh luận rất nhiều về căn tính của Đức Giê-su. Cụ thể, người ta thắc mắc về Nguồn Cội của Đức Giê-su: Ngài đến từ đâu và đi về đâu? Dù Đức Giê-su đã nhiều lần trả lời cho họ, nhưng họ vẫn không hiểu. Thế nên, nhiều lần người Do-thái đã tìm cách “tra tay bắt” Đức Giê-su, nhưng họ không thể làm gì, vì giờ của Ngài chưa đến (x. 7,30; 8,20). Đặc biệt, câu cuối cùng của chương 08, ngay trước trình thuật chữa lành người mù Ga 9,1-7, ta thấy bầu khí rất căng thẳng: «Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ» (8,59). Giữa khung cảnh này, Đức Giê-su thực hiện dấu lạ thứ sáu.

2. Vài ý chính

Thoạt đầu mới đọc trình thuật, ta có cảm giác “việc Đức Giê-su đi ngang qua” như thể là một chuyện tình cờ không mấy quan trọng. Nhưng không phải vậy, vì ngay sau đó tác giả kể, Đức Giê-su thấy một người mù (9,1). Rõ ràng dù đang đối diện với hoàn cảnh nguy hiểm liên quan tới tính mạng, Đức Giê-su vẫn không để cho trạng huống căng thẳng bên ngoài tù túng. Trái lại, Ngài vẫn luôn mở ngỏ về phía người khác: Ngài thấy một người mù từ thuở mới sinh. Ở đây, tác giả sử dụng động từ thấy - o`ra,w diễn tả một ánh nhìn quan tâm thấu hiểu kèm theo một cuộc dấn thân muốn mở ra cho anh một ngõ mở mới.

Ý định dấn thân của Đức Giê-su phải đối diện với một khó khăn liên quan tới nguyên nhân bệnh tật: mù mắt, do tội của đương sự hay tội của cha mẹ anh? (9,2). Dường như đây là một quan niệm phổ biến thời đó, chính những người lãnh đạo tôn giáo cũng đã khẳng định như thế (x. c. 34). Quan niệm này không hoàn toàn sai, vì rằng tội lỗi đã gây ra hậu quả tồi tệ cho con người. Tuy nhiên, quan điểm này sẽ dẫn người ta tới ngõ cụt: họ chỉ quay về phía quá khứ sau lưng mà không nhìn vào thực tế cùng khốn của người bệnh. Làm thế nào để giải thoát cả bệnh mù thân xác và cái nhìn thiển cận đang đè nặng trên con người?

Trước hết, Đức Giê-su quả quyết: « Không phải là anh ta, cũng chẳng phải là cha mẹ anh ta đã phạm tội » (c.3). Đức Giê-su dứt khoát không đồng thuận với cái nhìn đương thời về nguyên nhân của bệnh mù. Ngài phá vỡ quan niệm thiển cận hẹp hòi thuần túy con người để mở ra một ngõ mở rộng lớn: « Sở dĩ như thế là để thiên hạ thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh » (c. 3). Đây là một cái nhìn cách mạng mới mẻ đảo lộn lại cái nhìn cũ. Đức Giê-su mời gọi đừng tập trung cái nhìn vào quá khứ hay nhìn vào tình trạng đen tối của người mù nữa, nhưng đặt người mù đối diện với Đấng Sáng Tạo, ngọn nguồn đời anh. Dù bị mù từ thuở bẩm sinh, anh ta mãi luôn là công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Và khi tạo dựng con người, cùng lúc Thiên Chúa dấn mình vào trong đời người đó. Bệnh tật khổ ải không thể cản ngăn được tình yêu dấn mình của Ngài. Còn hơn thế, “anh mù từ thuở bẩm sinh là dịp để công trình Thiên Chúa được biểu lộ nơi anh”.

Nếu như mù lòa làm con người khốn cùng, thì giờ đây, ngay ở vực thẳm đen tối đời anh, Thiên Chúa bắt đầu bộc lộ công trình của Ngài qua hành động cụ thể của Đức Giê-su: « Ngài nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù » (c.6). Hành động này có vẻ hơi khó hiểu đối với chúng ta thời hiện đại, nhưng nó lại hàm ẩn ý nghĩa biểu tượng sâu xa. Trước hết, hành động trộn bùn gợi lại hình ảnh Thiên Chúa nhào nắn con người từ đất (x. St 2,7). Như thế hành động chữa lành người mù từ thuở sơ sinh ở đây không đơn thuần chỉ là chữa bệnh nữa, nhưng là hành động sáng tạo mới, mở ra một cuộc đời mới cho anh mù. Rồi nữa, Chúa Giê-su chữa lành với một hành động rất độc đáo: Ngài « xức » (evpicri,w) bùn lên mắt anh mù. Lại chẳng phải tăm tối tù túng anh mù bao nhiêu năm chưa đủ hay sao? Bây giờ xức bùn lên mắt có khác gì lại càng làm cho đời anh thêm tăm tối? Có khác gì lại đẩy anh lún xuống sâu hơn trong vũng sầu u ám? Dường như tác giả biết rõ những câu hỏi này, nên đã cố ý sử dụng động từ « xức », gợi lại chính tước hiệu   Mê-si-a, Đấng Ki-tô (Người được xức dầu) của Đức Giê-su. Như thế qua hành động xức bùn này, trước khi chữa lành anh mù, Đấng Ki-tô không đứng từ phía bên ngoài nỗi lòng của anh, Ngài cũng không đứng từ phía trên « bố thí » ơn ban cho anh. Nhưng Ngài « xức » bùn, tức là Đấng Ki-tô tự để mình liên lụy với cuộc đời anh mù. Một Thiên Chúa trọn vẹn làm người để bàn tay của mình ra lấm láp. Còn hơn thế nữa, Ngài xức bùn lên mắt anh mù, tức là Ngài muốn đi vào hiệp thông tới tận cùng vực thẳm tăm tối đời anh. Và chỉ sau khi để mình liên đới, để thế giới « đêm tối » của người mù ập vào đời mình thì Chúa Giê-su mới chữa lành. Tựa thể « đêm tối muốn nuốt trửng ánh sáng », nhưng ánh sáng mãnh liệt hơn tối tăm. Ở đây sứ điệp Lời Chúa thật tuyệt vời: « xức dầu » không phải là để đặt trên ngai cao, cách xa dân chúng. Trái lại, xức dầu là để dấn mình gần gũi, đứng về phía người nghèo bất hạnh. « Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho người nghèo khổ. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha… » (x. Lc 4, 18-19).

Sau hành động lạ lùng “xức bùn”, Đức Giê-su mời gọi anh mù: « Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa » (Si-lô-ác có nghĩa là người được sai phái). Mệnh lệnh của Chúa Giê-su thật lạ. Ngài có thể chữa lành anh ngay tức khắc, tại sao Ngài còn bắt anh phải đi đến hồ Si-lô-ác mà rửa? Ngài biết rõ anh ta đang mù mà! Điều lạ lùng hơn, anh mù không hề thắc mắc, cũng không hề lên tiếng. Ngôn ngữ của anh là chính hành động: Vậy anh ta đến rửa ở hồ (c. 7b). Một đoạn đường từ cửa Đền thờ Giê-ru-sa-lem tới hồ nước Si-lô-ác là cả một hành trình khấp khuỷu đối với người sáng mắt. Vậy thì còn khó khăn biết nhường nào cho người mù! Mỗi bước chân là một chập chững dò dẫm. Có lẽ không thiếu những lần ngã quỵ giữa đường. Nhưng thật lạ, người mù vâng lời tuyệt đối. Hành động đáp trả tin tưởng của anh ắp đầy ý nghĩa: Mỗi khi Chúa can thiệp vào trong cuộc đời của một người, Ngài mời gọi người đó cùng cộng tác; người đó cần đi trên đôi chân của mình để tới gặp gỡ Thiên Chúa. Hơn nữa, dường như từ lúc anh ta nghe lời Đức Giê-su, chính lòng anh được thêm nghị lực. Chính Lời Chúa là nguồn nghị lực giúp người mù vượt qua đoạn đường khó khăn khấp khuỷu; còn hơn nữa, Lời Chúa củng cố niềm hy vọng cho anh.

Trên đường tới hồ Si-lô-ác, anh mù vẫn chưa được sáng mắt. Ngay cả khi anh rửa tại hồ, lúc ấy mắt vẫn chưa được khỏi. Câu văn rất vắn, mà đoạn đường thời gian đối với anh mù thật dài. Không biết lúc rửa mắt anh mù có suy nghĩ gì, nhưng chắc chắn là ước mong được sáng. Thế mà rửa xong mắt vẫn chưa được sáng! Hành trình đức tin cần kiên nhẫn. Chính khi tiếp tục bước đi trong tín thác, dấu lạ đã xảy ra: Khi về thì mắt anh nhìn thấy được (x. c. 7). Cả một đời chưa một lần nhìn thấy ánh sáng, bây giờ nhìn thấy mặt trời. Còn niềm vui nào lớn lao cho bằng. Rồi nữa, bao tháng ngày bị nhốt chặt trong tăm tối cùng cực, bây giờ cánh cửa mở tung ra thế giới. Làm sao không vui cho được. Ngoài ra, mang thân phận mù lòa từ thuở bẩm sinh, đã nghe bao lời mỉa mai tủi nhục, bị gán cho nhãn hiệu là người tội lỗi, bây giờ được sáng mắt, đó cũng là nỗi tủi nhục bị cất đi. Vui dường nào! Thế nhưng, tác giả không thuật lại cho ta biết niềm vui hớn hở của anh thế nào. Chắc chắn tác giả hướng niềm vui của anh tới mục đích lớn lao hơn: tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su, rồi anh “sấp mặt xuống đất” thờ lạy ấy là phó thác đời mình cho Đấng làm cho đời mình được sáng (x. 9,38).

Tác giả: Cha Vincent Mai Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây