GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Tin mừng Gioan : tình yêu và lòng thương xót

Tin mừng Gioan : tình yêu và lòng thương xót
Nhiều câu chuyện rải rác, nhất là câu chuyện thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu trong sách được viết bởi môn đệ Người yêu mến, tràn ngập tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với hết mọi người. Như vậy, Tình yêu và Lòng thương xót là « sợi chỉ đỏ » xuyên suốt những lời nói và việc làm vừa nêu trên. Quả vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu : đó là điều chứa đựng trong Tin mừng Gioan.
Tin mừng Gioan, sách của Tình yêu và của Lòng thương xót ?
 
Nếu Édouard Cothenet gọi Tin mừng này là sách của các Dấu lạ và của Giờ ; nếu Raymond Edward Brown gọi nó là sách của các Dấu lạ và của Vinh quang, thì nó có được gọi là sách sách của Tình yêu và của Lòng thương xót ? Chúng ta thử đi tìm các luận cứ trong Tin mừng này để làm sáng tỏ. Gioan, người được yêu mến dựa vào ngực Chúa Giêsu, đã định nghĩa trong thư thứ nhất của ngài : « Thiên Chúa là Tình yêu » (4,7). Những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm đều muốn chứng tỏ Tình yêu và Lòng thương xót Chúa.
 
Lời tựa về Ngôi Lời Nhập Thể (1,1-18) diễn tả « Người Con đời đời, đầy tình Cha »[1]. Tình yêu đời đời của Thiên Chúa là Cha được mạc khải cách trọn vẹn nơi Con của Ngài, Đức Giêsu Kitô. Chúng ta có nhân chứng thứ nhất : Gioan Tẩy Giả nói : « Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn. » (1,34). Gioan giới thiệu cho hai trong số các môn đệ của ông : « Đây là Chiên Thiên Chúa » (1,36). Đấng Thiên Chúa tuyển chọn hay là Chiên Thiên Chúa sẽ là Đấng nói và làm những gì sẽ nói dưới đây :
 
Chúa Giêsu đã hoàn tất dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana tại Galilée để chứng tỏ vinh quang của Người và các môn đệ tin vào Người, chắc chắn một yếu tố tình yêu ngự trị trong biến cố này, nếu thánh sử Gioan không nhắc đến chữ « yêu » ở đây.
 
Đoạn về việc thanh tẩy Đền Thờ (2,13-22) chỉ ra rằng Chúa Giêsu có lẽ không nhiệt thành lo việc nhà Cha nếu Người không có tình yêu đối với Cha. Trong cuộc đối thoại với Nicôđêmô (3,1-21), Chúa Giêsu mạc khải cho ông ta : « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. » (c.16). Chúa Cha yêu thế gian, nhưng Ngài đã yêu Chúa Con từ đời đời, do đó, Gioan Tẩy Giả làm chứng tiếp : « Chúa Cha yêu Chúa Con. » (3,35), và chính Chúa Giêsu nói như thế : Cha yêu Con (x. 5,20 ; 14,31 ; 15,9 ; 17,24). Tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con đã được thiết lập và tồn tại mãi. Nhiều lần, Chúa Giêsu tỏ ra rằng Người đến từ cung lòng Chúa Cha. Con yêu Cha. Cha sai Con. Từ tình yêu này, Chúa Con thiếp lập tương quan tình yêu với những người Samaritanô (4,1-42), với các bệnh nhân (4,46-5,15), với những người đói khát (6,1-15), nhưng khó với những người đồng hương (4,43-45), với những người Do thái (5,10-18 ; 6,41-42 ; 52), với một số môn đệ (6,60-66).
 
Diễn từ bánh hằng sống chứng tỏ tình yêu lớn lao, tình yêu này đi tới việc « thí mạng sống mình vì bạn hữu » (15,13). Thật vậy, Chúa Giêsu « đã yêu họ đến cùng » (Ga 13,1)[2]. Từ diễn từ này, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể như là « Bí tích Tình yêu »[3].
 
Chúa Giêsu đã hứa ban Thánh Thần cho thế gian (7,37-39). Chính Thánh Thần giúp cho người có lòng tin, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một khi họ được ơn hoán cải (Rm 5,5Col 1,8).
 
Chúa Giêsu không kết án thiếu phụ ngoại tình, nhưng Người tỏ lòng thương xót : « Tôi không kết án chị. ». (8,1-11). Người xét xử theo chân lý chứ không theo xác thịt vì Chúa Cha ở trong Người (8,13-19). Người có trước Ápraham, nhưng Người cũng là con cháu Ápraham. Những người Do thái phải nhìn nhận tương quan này để tham dự vào tương quan tình yêu với Chúa Giêsu (8,31-59) và các môn đệ cũng vậy (14,21 ; 16,27 ; 17,23,26).
 
Còn diễn từ Mục Tử Tốt Lành chỉ ra : « Cha yêu mến Tôi, là vì Tôi hy sinh mạng sống mình. » (10,17). Tình yêu thôi thúc hiến tế.
Trong câu chuyện phục sinh Lazarô, hai chị em đến nói với Chúa Giêsu : « Thưa Thầy, người mà Thầy yêu đang bệnh. » (11,3). Tin mừng nói : « Chúa Giêsu yêu Mátta, em bà và Lazarô. » (11,5). Những người Do thái thì nói : « Xem ông ấy yêu nó chừng nào ! »(11,36). Chúa yêu những người đang trong hoàn cảnh đặc biệt, mà sự phục sinh Lazarô là một bằng chứng.
 
Trong cuộc vượt qua của Chiên Thiên Chúa, Chúa Giêsu trải qua giờ của tình yêu. Người yêu những người thuộc về Mình, và yêu họ đến cùng (về thời gian : đến cùng ; về phẩm tính : chan chứa tình yêu). Như một quà tặng, tình yêu diễn tả sự phục vụ : như việc rửa chân (13,1-20). Tình yêu trao tặng qua giới răn mới (13,34-35 ; 15,10,12,17).
 
Tình yêu trong Tin mừng Gioan cho phép người tin được hưởng phúc lành nhờ sự Thăng Thiên của Người Con và Hiện Xuống của Chúa Thánh Thần (14,26-29 ; 16,5-15) vì tình yêu cũng ở trong Ngôi Thánh Thần (17,26).
 
Trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Người tỏ vinh quang và tình yêu của Người (1,14; 2,11; 17,1-26). Trên thập giá, Người tỏ tình yêu đó khi trao phó Mẹ Mình cho môn đệ yêu dấu (19,25-27). Sau khi phục sinh, Người thẩm vấn Phêrô về tình yêu để trao phó cho ông các chiên của Người.

Nhiều câu chuyện rải rác, nhất là câu chuyện thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu trong sách được viết bởi môn đệ Người yêu mến, tràn ngập tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với hết mọi người. Như vậy, Tình yêu và Lòng thương xót là « sợi chỉ đỏ » xuyên suốt những lời nói và việc làm vừa nêu trên. Quả vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu : đó là điều chứa đựng trong Tin mừng Gioan.
 
Minh Sáng

[1] Kinh Thánh. Bản dịch phụng vụ chính thức. "Dẫn vào Tin mừng theo thánh Gioan", Mame, 2013, tr. 2514.
[2] Bênêđíctô XVI, Tông huấn hậu công nghị về Bí tích Tình yêu (Sacramentum Caritatis), dẫn nhập (http://w2.vatican.va/).
[3] X. Th. Tôma Aquinô, Tổng luận thần học III, q. 73, a. 3.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây