GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Sự vô cảm đáng thương!

Lướt qua những thông số trên, tôi không khỏi giật mình về tình trạng đói nghèo trên thế giới, và có lẽ nơi chính những người xung quanh. Cũng là một phận người, cùng một phẩm giá thế mà đây đó vẫn còn những người không đủ ăn, vẫn phải đói mỗi ngày.
Sự vô cảm đáng thương!
am anh buc hinh ve tre em ngheo tren the gioi“Thế giới luôn đủ cung cấp cho nhu cầu của tất cả mọi người, nhưng không thể đủ cho lòng tham của một vài người”

“Hơn 11% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh đói kém trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến thực trạng vốn đang diễn biến xấu qua từng năm này trở nên tồi tệ hơn trong năm 2020…
Báo cáo của LHQ chỉ ra sau nhiều thập kỷ liên tục giảm, số người đói kém trên thế giới bắt đầu có xu hướng tăng từ năm 2014. Năm 2019, gần 690 triệu người, tương đương 8,9% dân số thế giới, hiện trong tình trạng đói kém, tăng thêm 10 triệu người chỉ trong vòng một năm và thêm 60 triệu người trong 5 năm qua.”[1]

Lướt qua những thông số trên, tôi không khỏi giật mình về tình trạng đói nghèo trên thế giới, và có lẽ nơi chính những người xung quanh. Cũng là một phận người, cùng một phẩm giá thế mà đây đó vẫn còn những người không đủ ăn, vẫn phải đói mỗi ngày. Thật không thể tưởng tượng nổi khi hằng ngày hàng giờ vẫn còn những người phải “sục sạo” chiến đấu với lũ chó, lũ chuột, ruồi bọ thậm chí cả dòi bọ để để dành lấy những phần ăn nơi những bãi rác khổng lồ để lấp đầy bao tử của mình.

Trong một thế giới mà ánh sáng văn minh dường như đã che khuất đi những góc tối, những vực thẳm, mà nơi đó vẫn còn những thân phận phải lần mò trong bóng tối của đói nghèo và đau khổ. Trong ánh sáng văn minh đó, nhiều người đang chôn vùi cuộc đời trong sự ảo tưởng vô nghĩa đầy ảo ảnh của sự phát triển mà quên đi những góc tối ẩn khuất khắp nơi. Để từ đó, rất nhiều người hằng ngày vẫn vô cảm và góp phần tạo ra những khoảng cách qua việc phá hại môi trường bằng một lối sống tiêu thụ phung phí, não trạng hưởng thụ, không sẻ chia dù của cải dư thùa và sẵn sàng vứt bỏ vào sọt rác không chút xót thương…

Thánh T. Basile đã nói: “Miếng bánh bạn giữ lại là của người đói khổ, cái áo bạn cất trong vali là của kẻ trần trụi” hay nói mạnh hơn như một người rằng của dư thừa của chúng ta là của ăn cắp của người nghèo. Câu nói có vẻ thật khó nghe, nhưng đó là một thực tế mà chúng ta trong đó có tôi phải nhìn nhận và lãnh trách nhiệm, dù phũ phàng và đau đớn…

Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tài sản của số 1% những người giàu trên thế giới bằng tất cả số còn lại của thế giới gộp lại, một sự mất cân bằng đau lòng. Nhưng chúng ta lại có thể thở phào vì chúng ta đã có chỗ để quy mọi trách nhiệm của sự nghèo đói, đau khổ cho 1% “đáng ghét nhưng cũng đáng thương đó”, bởi nhiều người trong số họ đang nỗ lực không ngừng để giảm đói nghèo. Trong khi chúng ta phủi tay và cho qua những hành động của mình cách nhẹ nhàng để chối bỏ trách nhiệm của mình. Chúng ta lầm to! vì chính chúng ta, những người có thể không giàu cũng chẳng nghèo phải có một phần trách nhiệm với những người đói khổ hằng ngày bởi những hành động vô cảm tưởng chừng vô hại mà chúng ta làm mỗi ngày một cách vô tư.

Thật đúng như Mahatma Gandi đã nói “Thế giới luôn đủ cung cấp cho nhu cầu của tất cả mọi người, nhưng không thể đủ cho lòng tham của một vài người”. Chúng ta có thể dễ dãi nhỏ lệ khi thấy một người, một cảnh nghèo đói và đau khổ dù chỉ trong phim, nhưng lại thản nhiên vứt những phần thức ăn dư thừa vào thùng rác mà chẳng chút xót thương. Chúng ta dễ dàng chế diễu và đánh giá sự phung phí nơi những bữa ăn của một người giàu có nhưng lại quên mất nhiều khi hằng ngày chúng ta vẫn thản nhiên trở thành những kẻ cướp, cướp đi nguồn sống của biết bao người trên thế giới khi chúng ta, mỗi bữa ăn, cũng vứt bỏ đi một cách dửng dưng những miếng thịt, những nhát cá, những đĩa rau... Chúng ta có bao giờ hình dung lượng thức ăn dư thừa và ôi thiu mà chúng ta bỏ đi gấp bao nhiêu lần 1% những người giàu có kia không? Đây không phải là một lời biện minh cho những người giàu có kia nhưng để mỗi người chúng ta thấy rằng mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm và cách nào đó là thủ phạm đã và đang gây ra tình trạng đói và nghèo trên thế giới và xung quanh chúng ta, trong đó có tôi và bạn, hằng ngày, vẫn cách này hay cách khác sử dụng một cách quá đáng những của ăn, để rồi vô tư chất lên những đống rác khổng lồ mà không bao giờ nghĩ rằng mỗi ngày vẫn có hằng ngàn người chết đói và hàng triệu người phải đói cũng như đang phải sục sạo bên các bãi rác, những thùng rác tranh đấu với giống vật ghê tởm để no cái bụng. Một sự thật quá đau lòng nhưng đôi khi chỉ đau lòng trên màn ảnh mà thôi trong khi chúng ta vẫn sống…

Con người càng phát triển thì dường như càng ích kỷ, càng phung phí, vô cảm và tự cho mình quyền được ăn, được uống được hưởng thụ theo ý thích của mình dù đôi khi không có nhu cầu. Nhiều người chủ chương rằng “có tiền là có quyền”, có quyền làm mọi thứ, quyền hưởng mọi thứ mà chẳng hề quan tâm đến người khác. Biết bao người xung quanh hằng ngày hằng giờ vẫn phải chịu đựng và sống chung với cái nghèo, cái đói, cái rét,... trong khi đó vẫn còn đó những bạn, những tôi thờ ơ và dửng dưng, vô cảm trước những cảnh huống, những phận người mà ăn uống dư thừa, ăn mặc thừa thãi và tiêu xài quá đáng để chính mỗi người trở thành những con sâu gặm nhấm miếng bánh trái đất cũng như cướp đi phần sống thật ít ỏi của bao người vẫn rên rỉ mà tiếng kêu của họ chẳng bao giờ vượt qua được bức tường lửa của một thế giới đầy ồn ào và xáo động.

Còn chúng ta, những người được coi là tầng lớp tri thức, được đào luyện để trở thành môn đệ của Đức Ki-tô – người nghèo của những người nghèo? Thế mà hằng ngày, nơi những bữa ăn, nơi lối sống và cách chi tiêu, chúng ta đã đủ ý thức về lòng bác ái thực sự và ý thức còn bao nhiêu La-za-rô đang thèm khát mong chờ những “mảnh vụn trên bàn ăn” của chúng ta rơi xuống, hay những của nọ vật kia mà chúng ta vẫn đang hoang phí và tiêu xài quá đáng không đúng mục đích? Hay chúng ta cũng chỉ là những kẻ nói suông mà không bao giờ làm, không bao giờ có tấm lòng chạnh thương như Chúa, hay cũng chẳng bao giờ có hành động gì để giúp con người và thế giới bớt đau khổ? Hãy ý thức kẻo “kẻ được cho nhiều, ắt sẽ bị đòi nhiều hơn…”

Cuộc đời này quá đau khổ để nghe những lời nói suông. Cuộc đời cần lắm một tấm lòng và cần lắm những hành động cụ thể. Vì thế, nếu không cho người nghèo của cải vật chất, thì chúng ta góp phần bảo vệ môi trường và giảm cái nghèo, cái đói khi “dùng nhừng gì đáng dùng và tiết kiệm những gì đàng tiết kiệm” dù chúng ta có thể đáng được hưởng. Nhất là mỗi người hãy có những hành động cụ thể, dù nhỏ bé, đôi khi chỉ trên bàn ăn hay trong lối sống để sẻ chia, để làm cho trái đất, cho người nghèo bớt rên siết, đúng như một vị nữ giám đốc đã trả lời nhân viên mình về việc tiết kiệm điện khi yêu cầu nhân viên tắt điện khi không cần thiết rằng “tôi tiết kiệm không phải vì khả năng tôi không đủ khả năng trả tiền điện nhưng là để tiết kiệm điện cho bao người chưa có điện để dùng” hay đúng như lời rất chí lý của nhà bác học đại tài A. Einstein “Chừng nào vẫn còn một đứa trẻ bất hạnh trên trái đất, thì chẳng có phát minh hay tiến bộ nào đáng gọi là lớn lao”. Đừng nói suông! Hãy hành động!

Tác giả: Ha Lặng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây