GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Sa Nam: Lịch sử và các biến cố

Sa Nam: Lịch sử và các biến cố
Nhân dịp kỉ niềm 150 lập ấp, 130 lập giáo họ, 108 năm tách họ và lần đầu tiên thay mặt giáo phận chầu Thánh Thể, giáo họ Sa Nam xin được nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển, ổn định với biêt bao thăng trầm, bao biến cổ, bao đổi thay của cuộc sống suốt chiều dài lịch sử.
GIÁO HỌ SA NAM, GIÁO XỨ PHÚ THỌ
MỪNG KỶ NIỆM 150 LẬP ẤP, 130 NĂM LẬP HỌ, 108 NĂM TÁCH HỌ
VÀ NIỀM VUI LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯỢC THAY MẶT GIÁO PHẬN CHẦU CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ
 
 
1. Mừng kỷ niệm 150 năm lập ấp

SƠ LƯỢC KHAI HOANG VÙNG ĐẤT XÃ GIAO THIỆN
 

 
                                                                                                                                                                                                                                                                                        PHÓ BẢNG ĐẶNG KIM TOÁN
Lịch sử khẩn hoang vùng đất Giao Thủy - Nam Định ghi nhận hai đợt khẩn hoang với quy mô lớn. Lần thứ nhất diễn ra vào cuối thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông và lần thứ hai dưới thời Nguyễn diễn ra vào những năm nửa đầu thế kỷ XIX. Đặc biệt dưới triều Nguyễn, quá trình khai hoang lấn biển được triều đình rất chú trọng, nhà nước đã coi đây là một giải pháp quan trọng nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, giải quyết được nạn dân không có ruộng đất bỏ đi lưu tán. Công cuộc khai hoang lấn biển ở thời này được đánh dấu bằng sự kiện Doanh điền Nguyễn Công Trứ lập ra tổng Hoành Thu vào năm 1828. Kế tục thành quả của Doanh điền Nguyễn Công Trứ, Phó bảng Đặng Kim Toán là người Hành Thiện - Phủ Xuân Trường (nay là huyện Xuân Trường) làm tổng đốc tỉnh Nghệ An (còn gọi là cụ Thượng Nghệ)  đã giúp dân tiến hành công cuộc khai hoang lập nên mảnh đất tổng Lạc Thiện. Theo truyền thuyết tại địa phương và tư liệu “Từ đường biên ký” của dòng họ Trần biên soạn năm Nhâm Tý (1912) thì công cuộc khai hoang của cụ Phó bảng Đặng Kim Toán được ghi cụ thể như sau: “Năm Tự Đức thứ 10 (1857), Phó bảng Đặng Kim Toán về đây khai hoang mở đất. Năm Tự Đức thứ 13 (1860), lấy cột đá chôn để phân định mốc giới, tiến hành làm hộ tịch và cấp quân điền cho nhân dân. Thống nhất lấy tên đất, tên làng theo tên gọi cũ thuộc huyện Xuân Trường để đặt tên cho làng xã vùng đất mới. Công cuộc khai hoang lấn biển tạo dựng làng xã quê hương ở vùng đất mới Giao Thiện là do cụ Phó bảng Đặng Kim Toán khới xướng diễn ra từ năm 1857 đến năm 1860 thì hoàn thành. Một vùng đất rộng lớn, phì nhiêu màu mỡ hiện nay thuộc các xã: Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Thiện huyện Giao Thủy được hình thành và phát triển.
 
Ấp Sa Châu được thành lập năm 1866 (trích trong Thánh Giá Bia hiện đang lưu giữ tại Thánh đường giáo họ Sa Nam ).

Ấp Sa Châu có đặc điểm là đất đai do phù sa sông Hồng bồi đắp, sự hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ khá phức tạp.

Xưa kia các Cụ từ Sa Châu làng, Ngưỡng Nhân, Kiên Lao, Trà Lũ, Nam Điền, đến vùng đất mới cư trú ở ven sông Phú - Thiên tạo thuộc vùng Trừng Nguyên (hiện là con sông Hàng Tổng), cùng nhau dựng lều, dựng lán, lợp cói, vách đất. Các bậc tiền nhân trong ấp đã bỏ ra rất nhiều công sức và phải trải qua suốt 21 năm vất vả, vận lộn với sóng gió dữ dội, nước biển hoành hành, vẫn cùng nhau đồng lòng quai đê ngăn nước mặn, nước lũ sông Hồng (hiện là con đường trục chính của Xã Giao Thiện hiện nay). Ấp được bao bọc bởi những dòng sông trù phú và màu mỡ, chuyên tưới tiêu cho hoa màu ruộng lúa trong Ấp, giữa Ấp đồng trắng, nước trong rất thuận lợi cho việc canh tác hoa màu.

Nghề nghiệp chính của người dân trong Ấp là làm nghề trồng lúa và chài lưới, đánh bắt tôm cá, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải  để lập nghiệp sinh sống cho qua ngày.Thời kỳ này thuở sơ khai, dân cư còn thưa thớt với lực lượng lao động ít ỏi, kinh nghiệm thì thiếu, sông nước thì mênh mông, các bậc tiền nhân đã chống chọi với thiên nhiên vô cùng gian lao, đã nhiều lần nước thủy triều tràn qua làm vỡ đê, gây nên cho cuộc sống thêm mỗi ngày một khó khăn hơn.Vì vậy mọi người đã cầu xin lên Đấng tối cao ban cho được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân có cuộc sống bình yên, an cư lập nghiệp.
 
 
2. 130 năm lập họ
TIỂU SỬ ĐỨC CHA VENCESLAO THUẬN:
1884-1897  Gm. Wenceslao Onate Thuận (O.P.), Linh Mục 1867.
Đến Việt Nam 16-11-1870, Giám mục. 1879
Thụ phong 21/10/1883 hiệu tòa ISSUS
Tạ thế 23/06/1897 tại Bùi Chu
 
Năm thứ II, đời vua Đồng Khánh (năm 1886), các Cụ đã đệ trình lên Đức Cha cố Giám mục Venceslao Thuận (giám mục địa phận Trung) về việc khai hoang, lập ấp.Đức Cha đã nhận lời và phái Thầy Bốn Quế để khảo sát hiện thực trong ấp.Trong Ấp được ơn riêng của Đức Cha thương ban cho Ấp 3.070 quan tiền kêu gọi toàn giáo dân hội tụ về lập Ấp, củng cố đê điều và xây dựng ngôi Thánh đường để có nơi cầu nguyện. Được Bề Trên thương và chấp thuận, các Cụ vô cùng phấn khởi, tạ ơn Thiên Chúa vì ơn trọng đại này, và như vật vùng đất mới lại được hồi sinh. Trong thời kỳ đó ruộng của Ấp có 11 mẫu 2 sào được phân tách theo từng dãy, từng thửa rất rõ ràng.Ấp được ơn nghĩa với Đức Cha Venceslao Thuận, nên Ấp xin nhận Bổn mạng của Đức Cha là Vua Thánh Venceslao tử đạo làm Quan thầy của Ấp.Trong Ấp lại được Đức Cha lưu tâm và rộng ban cho như : làm phép Kỳ Yên từng hộ trong đêm 30 Tết mà ngày nay vẫn đang duy trì truyền thống tốt đẹp này.
 
Cuộc sống của bà con giáo dân tương đối ổn định, dân số mỗi ngày một tăng, số nhân danh toàn tòng Công Giáo trong Giáo họ là 146 người. Giáo họ được thành lập lấy tên là Sa Châu thuộc xứ Đại Đồng – địa phận Trung (trích sử ký địa phận Trung năm 1916 in tại Phú Nhai đường,trang 172).Giáo họ đã cùng nhau đồng lòng xây dựng ngôi Thánh đường đầu tiên bằng gỗ lim, hoa văn khá cổ kính tọa lạc trên bình cơ khuôn viên rộng 1 mẫu 2 sào (hiện là địa điểm thuộc giáo họ Sa Bắc ngày nay ).Nhà thờ có diện tích là :
· Chiều dài    : 21m
· Chiều rộng:  7m
· Chiều cao :  5m
Giáo họ rất vui mừng vì có ngôi Thánh đường rộng lớn, giáo dân sớm tối siêng năng đọc kinh, cầu nguyện, cuộc sống ổn định
 
3. 108 năm tách họ

Thời gian này dân cư khắp nơi về định cư mỗi ngày một đông và chủ yếu là sống ở ven đê ngăn nước để tiện lợi cho việc đi lại và sinh hoạt với công đường.Các bậc tiền nhân trong Giáo họ đã bàn bạc thống nhất đồng lòng quyết định di dân, chuyển ngôi Thánh đường và Quan thầy Vua Thánh Venceslao tử đạo ra phía Nam sát đê ngăn nước, có bình cơ mới tọa lạc trên khuôn viên rộng 3 mẫu (nay là địa điểm thuộc giáo họ Sa Nam) các cụ trong Giáo họ đã phải bàn bạc thống nhất bán đi 2 mẫu ruộng của giáo họ được 6 quan tiền dùng vào việc tu sửa ngôi thánh đường khắc phục sau cơn bão nước lần thứ 2.
Ngôi thánh đường được xây dựng với diện tích là :
· Chiều dài  : 30m
· Chiều rộng: 9m
· Chiều cao:  7m
 
Các cụ thấy việc đi ra cầu nguyện ngôi Thánh đường mới không được thuận tiện, nên cùng nhau lập lên ngôi Thánh đường mới trên mảnh đất cũ và nhận tước hiệu Đức Bà bầu cử làm Quan thầy. Từ đây các cụ đoàn kết một lòng phát triển về kinh tế cũng như đời sống đức tin ngày càng thêm vững mạnh.                                                          
Đến năm 1908, giáo họ Sa Châu chính thức được nhận sắc phong do Đức Cố Giáo Mục Mô-nha-gô-ri Trung ban chuyển thành tên mới là giáo họ Sa Nam và giáo họ Sa Bắc. Thời kỳ này trong ấp có 2 nơi cầu nguyện và đã trở thành hai giáo họ : giáo họ Sa Nam và giáo họ Sa Bắc (Hiện sắc phong đang lưu giữ tại Thánh đường giáo họ Sa Nam).
 


Thánh đường giáo họ Sa Bắc

Hàng năm đến ngày 28 tháng 9 Kính lễ Quan thầy Vua Thánh Venceslao tử đạo, hai họ Sa Nam và Sa Bắc trở về Thánh đường Sa Nam tổ chức kính Thánh quan thầy chung và xin cầu nguyện cho Đức Cha Venceslao Thuận, Thầy già Bốn Quế và các bậc tiền nhân trong hai giáo họ, người còn sống cũng như đã qua đời.
 
Từ đây hai giáo họ cùng song song phát triển, đoàn kết, yêu thương. Từ năm 1905 đến năm 1943 trải qua 38 năm tuế nguyệt thăng trầm, bão tố miền duyên hải tàn phá, nhưng các Cụ vẫn đoàn kết, yêu thương, trung kiên, bảo dưỡng ngôi Thánh đường.

Đến đầu năm 1943 giáo họ Sa Nam già trẻ lại một lòng góp của, chung sức xây dựng, nâng cấp ngôi Thánh đường lần thứ ba.Toàn bộ cột mới bằng gỗ lim khối có đường kính 0,45m; cao 9m và lấy toàn bộ nhà thờ cũ làm trên phần thượng.
 
Nhà thờ mới có diện tích là :

· Chiều dài   : 36m
· Chiều rộng : 11m
· Chiều cao  : 12m

Đến tháng 8 năm 1947, ngôi Thánh đường mới được hoàn thành mái lợp bằng cói, bổi, hoành rui bằng tre, luồng.Trải qua 30 năm, đến 1977 trong giáo họ Sa Nam thành lập 2 giáo khu là khu Đông (nhận Thánh Gioan Tông đồ làm Quan thầy, kính vào ngày 27 tháng 12 hàng năm) và khu Tây (nhận Thánh Gioan Baotixita làm Quan thầy, kính vào ngày 24 tháng 6 hàng năm). Suốt 54 năm các bậc tiền nhân lại ra sức bảo dưỡng ngôi Thánh Đường để có nơi cầu nguyện sớm chiều, nhưng lại bị bão tố hàng năm và do chiến tranh tàn phá nên Thánh đường đã xuống cấp trầm trọng, giáo dân ngày thêm đông nhân danh.

Trong Giáo họ có một ngôi trường học cấp I và cấp II trên đất thổ cư của cụ Đaminh Trần Văn Giáp và cụ Gioan Trần Văn Ất được thành lập vào năm 1957 là cái nôi văn hóa của xã Giao Thiện.

Phù sa màu mỡ của sông Hồng và biển đã tạo nên khu đất ngập nước với nhiều loại động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Nơi đây là khu du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương. Một số gia đình công giáo trong giáo họ ra an cư lập nghiệp tại đây.

Đến ngày 16 tháng 8 năm 2001, giáo họ Sa Nam lại xây ngôi Thánh Đường mới lần thứ 4 theo kiến trúc Á Đông do kỹ sư Giuse Mai Viết Phú thiết kế được cha xứ Augustino Trần Ngọc Phan cùng cha cố Giuse Phạm Xuân Thi tận tình giúp đỡ, lại được cộng đồng giáo dân giàu lòng hảo tâm từ hai miền Nam – Bắc và các quý ân nhân Hải Ngoại giúp đỡ suốt thời gian dài xây dựng 4 năm 4 tháng 4 ngày đã hoàn thành tân Thánh Đường khang trang hơn, to đẹp hơn có diện tích là :

- Chiều dài  : 43m

- Chiều cao : 33m

- Chiều rộng: 14m

· Giáo họ Sa Nam: 267 hộ : 1.100 người.       
 
 
 
Thánh đường giáo họ Sa Nam
 
Được Đức Cha Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm thương ban về tại Giáo họ cắt băng khánh thành Thánh Đường vào ngày 20 tháng 12 năm 2005. Đến nay, qua 11 năm Giáo họ duy trì sức mạnh đoàn kết của Tiền nhân, chung lòng xây dựng và mở rộng khuân viên Thánh đường ngày càng khang trang, sạch đẹp xứng đáng đền Vua Thánh Venseslao tử đạo.

Cảm tạ tình thương bao la của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu – giáo mục giáo phận Bùi Chu và Cha xứ Gioan Baotixita Trần Văn Vinh, Cha quản hạt, Cha quê hương và quý Cha.

Cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa, Giáo họ được long trọng chầu Chúa Giêsu Thánh Thể đại diện cho Giáo phận vào ngày 28 tháng 9 năm 2016 là ngày kính Thánh quan thầy Vua Venseslao tử đạo và hơn thế nữa trong Ấp còn được Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành Tòa Thánh nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập Ấp .

Tác giả: TT giáo xứ Phú Thọ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây