GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Quá trình hình thành giáo xứ Xuân Chính

Quá trình hình thành giáo xứ Xuân Chính
Căn cứ vào các tư liệu truyền giáo của Tòa Giám Mục Bùi Chu và lịch sử hình thành của huyện Hải Hậu, mảnh đất Hải Hậu đã hình thành trên 5 thế kỷ trước và cuối triều đại nhà Trần, đầu triều đại nhà Lê 1400-1484 do Tứ tổ rồi Cửu tộc đứng ra tổ chức dòng tộc và nhân dân đắp đê ngăn mặn, lấn biển, xây dựng mảnh đất quê hương. Mảnh đất ngày càng mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc.
Hình thành và phát triển

Căn cứ vào các tư liệu truyền giáo của Tòa Giám Mục Bùi Chu và lịch sử hình thành của huyện Hải Hậu, mảnh đất Hải Hậu đã hình thành trên 5 thế kỷ trước và cuối triều đại nhà Trần, đầu triều đại nhà Lê 1400-1484 do Tứ tổ rồi Cửu tộc đứng ra tổ chức dòng tộc và nhân dân đắp đê ngăn mặn, lấn biển, xây dựng mảnh đất quê hương. Mảnh đất ngày càng mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc. Các vị Thừa sai và các Giáo sĩ Tây Ban Nha, Pháp đã đến truyền giáo vào thế kỷ 16 (năm 1533) niên hiệu Đồng Khánh thứ 3.


Vào cuối thế kỷ 18 khi các tổng Ninh Cường, Quần Phương đã được thành lập thì các làng Lục Phương, Quỳnh Phương, Ninh Mỹ, Phú Văn, Phú Lễ sát nhập thành tổng Ninh Mỹ. Các làng Hòa Định, Văn Lý, Tang Điền, Kiên Chính sáp nhập thành tổng Tân Khai thì mảnh đất Xuân Chính thuộc giáo xứ Xuân Thủy còn là một trong những cồn bãi kéo dài từ Xuân Thủy hiện nay đến Cồn Tròn.

Thấy mảnh đất có nhiều tiềm năng về kinh tế, một người Pháp tên là Marông và ông Thượng Liên (Quan Triều đại Huế) đứng ra tổ chức khai phá. Những người công giáo và nhân dân từ Hải Minh, Ninh Cường, Hải Vân, Văn Lý, Kiên Chính cùng về đây đắp đê ngăn mặn và định cư ngay trên các cồn bãi. Năm 1907, trước khi về  nước, ông Marông đã nhượng lại đồn điền cho ông Vũ Ngọc Oánh. Được sự giúp đõ của Đức Cha Trung, cụ Oánh đã vận động các ban điền như cụ trùm Ngọ, cụ trùm Đê, con cháu ông Hoàng Cao Khải góp tiền tiếp tục quy tụ nhân dân đắp đê khai khẩn đồn điền. Sau những năm tháng lao động, nhân dân đã đắp xong tuyến đê ngăn mặn, chỉ còn một đoạn trước xứ Xuân Hóa là chưa đắp được vì sóng lớn, nước sâu. Trong lúc khó khăn, ông cha ta đã chạy đến cùng Thánh Cả Giuse xin Ngài cầu bầu phù trợ. Ngày 19/3/1911, cụ Thượng Oánh và giáo dân đã lập 1 đài xin khấn tại đoạn chưa được hàn khẩu. Cha già Văn và các Cha trong vùng cùng đông đảo giáo dân đã đến hiệp thông Thánh Lễ khấn. Sau Thánh lễ khấn, hàng ngàn người và các phương tiện được huy động và tiến hành thi công, và công việc đã được hoàn thành như ý. Để bày tỏ lòng tôn kính và ghi ơn Thánh Giuse, ông cha ta đã nhận thánh Giuse bầu cử là Quan Thầy đồn điền. Hàng năm cứ đến ngày 19/3 giáo dân từ Xuân Đài, Xuân Hóa và các họ trong đồn điền đều đến Xuân Thủy dự Lễ kính Quan Thầy đồn điền.

Cụ Vũ Ngọc Oánh quê ở làng Lục Thủy huyện Xuân Trường nên cụ lấy 2 chữ đầu đặt tên cho đồn điền, gọi là đồn điền Xuân Thủy. Xây dựng nhà thờ gọi là nhà thờ Xuân Thủy. Khi ông Marông và ông Thượng Liên (quan triều đại Huế) đứng ra khai phá, ông đã quy tụ được đông đảo giáo dân và nhân dân nhiều vùng hợp lại như Ninh Cường, Hải Minh, Hải Vân, Văn Lý, Kiên Chính và nhiều nơi khác cùng về đắp đê ngăn mặn và những người này định cư luôn trên các cồn bãi.

Trong những năm đó, thời tiết thay đổi thất thường, mưa dông bão tố đã bào mòn tuyến đê ngăn mặn của khu vực xứ Tang Điền, ngôi nhà thờ họ Thánh Gioan giáo xứ Tang Điền đã bị sóng biển cuốn trôi. Ban hành giáo đã quyết định di dân. Một số di chuyển về xây dựng nhà thờ họ Tang Văn thuộc xứ Tang Điền, một số gia đình di chuyển xuống (Đồng Quan) đồn điền Xuân Thủy do ông Vũ Ngọc Oánh làm chủ. Những người thuộc khu đất có tên thôn Giáp Đông thuộc đồn điền Xuân Thủy cùng với các gia đình từ Ninh Cường, Quần Phương, Trung Thành, Hải Minh đã về chung tay khai khẩn đất đai lập nghiệp sinh sống. Tất cả đều là những gia đình công giáo.

Từ thôn Giáp Đông vào nhà thờ Xuân Thủy không xa lắm nhưng từ cồn bãi này đến cồn bãi khác đường xá chưa có, phương tiện đi lại gặp khó khăn nhất là những ngày mưa gió. Việc cầu nguyện, dự lễ tại nhà thờ Xuân Thủy càng gặp nhiều vất vả.

Năm 1914, bà con giáo dân làng Giáp Đông mong muốn có một nơi cầu nguyện. Trước nguyện vọng tha thiết và chính đáng của mọi giáo dân trong khu Giáp Đông, bề trên đã cho phép bà con giáo dân thôn Giáp Đông xây dựng nhà thờ và đặt tên là nhà thờ họ Xuân Chính thuộc giáo xứ Xuân Thủy, nhận Thánh Gioan Bao-ti-xi-ta là Quan Thầy (nhiều người quen gọi là họ Gioan). Được bề trên cho phép, bà con trong thôn họp bàn đã bầu cụ Giuse Nguyễn Văn Túc làm trùm chánh và là chánh đốc công trình. Cụ Gioan Nguyễn Văn Tuyển làm trùm phó và thành lập các ban ngành như ban đốc công, ban kiến thiết và nhiều các ban ngành khác. Với tinh thần đoàn kết chung lòng, bà con giáo dân trong thôn thi đua dâng cúng ủng hộ ngôi nhà thờ chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn thành trên khu đất rộng 5400 m2. Dưới sự chỉ đạo của Cha già Giuse Văn và Cha Đaminh Thạc, nhà thờ xây dựng với chiều dài 12 m, rộng 5m, cao 5 m, theo hệ nhà cấp 4, 5 gian lợp rạ, tháp chuông độc lập cao 8m. Thôn Giáp Đông dân số ngày càng tăng lên, một số giáo dân nhiều nơi trong miền về xin nhập họ cũng như giáo dân trong họ tăng dần.

Thời gian trôi đi, sau 20 năm chịu đựng chống chọi với bão táp mưa sa của vùng bãi bồi, nhà thờ mái rạ đã phải sửa chữa nhiều lần và đã xuống cấp. Được bề trên cho phép, năm 1934 giáo dân trong họ Xuân Chính hạ giải nhà thờ cũ và chuyển sang làm nhà hội quán. Ngôi nhà thờ mới được xây dựng với chiều dài 25 m, rộng 12 m, cao 12 m (tới đỉnh thánh giá đầu nhà thờ) chia làm 7 gian, 6 vì gỗ, 4 hàng cột, lợp ngói. Ngày ấy cụ trùm cựu Vinh Sơn Phạm Văn Yên làm chánh đốc công, cụ Giuse Phạm Văn Thọ làm trùm Chánh. Nhà thờ được xây dựng trong thời gian 3 năm từ năm 1934-1937 thì hoàn thành. Đến năm 1956 nhà thờ được tu sửa lại và thiếp lại tòa vàng gian Cung Thánh. Những năm ấy Cha Đaminh Mai Xuân Đĩnh coi sóc và cụ Vinh Sơn Nguyễn Văn Quyết làm trùm chánh, cụ Gioan Đỗ Minh Ngân làm trùm phó.

Đến năm 1980, nhà thờ được tu sửa, ngói, rỡ toàn bộ hoành gỗ, thay cầu phong Ritô, rút 4 cột gỗ thay cột bê tông (vì mối mọt). Ngày ấy cụ Đaminh Nguyễn Ngọc Chi làm trùm chánh, cụ Giuse Nguyễn Văn Uông làm trùm phó. Trải qua gần 70 năm chống chọi với giông tố, bão táp mưa sa và ảnh hưởng bom đạn của 2 cuộc chiến tranh, sự bào mòn xuống cấp của các loại vật liệu và qua các đời BHG hàng năm, cộng đoàn đã tu sửa. Đến năm 1997, ngôi thánh đường giáo họ đã xuống cấp trầm trọng không còn đủ bảo đảm an toàn cho mọi sinh hoạt của giáo dân. Với nguyện vọng chính đáng của BHG và cộng đoàn giáo dân trong giáo xứ, ngày 24 tháng 6 năm 1997 Đức Cha Giuse Maria Vũ Duy Nhất - Giám Mục Bùi Chu cho phép hạ giải ngôi thánh đường cũ và chính Ngài đã đặt viên đá đầu tiên trên nền móng công trình nhà thờ mới.

Nhà thờ mới được khởi công xây dựng ngày 11 tháng 11 năm 1997 với chiều dài 47 m, rộng 12 m, cao 13 m, tháp chuông 40 m. Ngày ấy cụ trùm cựu Đa minh Nguyễn Ngọc Chi làm chánh đốc công. Ông quỹ Gioan Phạm Văn Đĩnh làm phó đốc công, ông Gioan Phạm Thế Vinh làm trùm chánh và trưởng ban công trình, Ông Đa minh Nguyễn Văn Viễn làm Trùm phó và các ban ngành khác: ban đốc công, ban kiến thiết, ban kinh tế....

Trải qua 1.286 ngày đêm lao động vất vả, nắng mưa với biết bao công sức, tiền của của mọi người trong giáo xứ, cùng với sự hỗ trợ, lòng hảo tâm của quý ông bà từ Miền Nam, hải ngoại và các quý vị ân nhân xa gần, ngôi thánh đường đã được hoàn thành. Ngày 22 tháng 5 năm 2001, giáo họ đã được đón Cha giám quản Giáo phận Phanxicô Phạm Hoan Đạo, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ cùng quý chức đại diện cho các giáo xứ, giáo họ, quý vị ân nhân, trai làng gái cố hương, quý khách và cộng đoàn về mừng ngôi nhà thờ mới (nhà thờ hiện nay).

Ngày 28 tháng 5 năm 2011, Đức cha cố Giuse Hoàng Văn Tiệm đã ký sắc phong giáo họ Xuân Chính lên chuẩn xứ Xuân Chính. Niềm vinh dự và phấn khởi còn nhân lên gấp bội khi chuẩn giáo xứ Xuân Chính được đón cha mới Đaminh Phạm Minh Hạnh về làm Cha Chánh xứ tiên khởi coi sóc giáo xứ Xuân Chính. Cộng đoàn giáo xứ vui mừng long trọng tổ chức nghi thức đón Cha Đaminh ngày 02 tháng 01 năm 2012. Từ ngày có Cha Đaminh về coi sóc, Xuân Chính đổi thay từng ngày.




 
Ngày 01 tháng 07 năm 2011, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm công bố giáo xứ Xuân Chính là giáo xứ chính thức của Giáo phận Bùi Chu. Phiên chầu lượt của giáo xứ Xuân Chính thay mặt giáo phận Chầu Chúa Giêsu Thánh Thể vào Chúa Nhật 12 thường niên hàng năm.

Các công trình trong khuôn viên thánh đường
 
- Phía nam nhà thờ là Thánh đài Đức Mẹ Fatima do cụ Phêrô Maria Vũ Văn Công dâng cúng.
- Phía may là hang đá Belem và Thánh đài thánh Giuse Quan thầy hội Gia trưởng cùng thánh Tôma Aquinô quan thầy Giới trẻ.
- Nhà Mục vụ xây dựng hiện đại 2 tầng, ngói thái gồm 8 phòng và một số công trình phụ phục vụ cho mọi sinh hoạt trong giáo xứ.
- Phía tây cạnh nhà mục vụ là nhà ăn, nhà máy nước sạch phục vụ cộng đoàn.

Giáo xứ có 14 đoàn hội:
+ Hội trống                     + Hội học trò                 + Hội con Đức Mẹ        
+ Hội kèn đồng              + Hội giáo lí viên           + Cộng đoàn lòng thương xót
+ Hội nghĩa binh            + Hội ca đoàn                + Hội dòng giáo dân Đaminh
+ Hội Giới trẻ                 + Hội trung binh            + Hội lễ sinh và Tông đồ đoàn
+ Hội khấn                     + Hội chân kiệu             + Hội ve chai
Các đoàn hội đều có hội ca đoàn để phục vụ các Thánh lễ cũng như lễ Quan thầy của Hội.

Ngoài ra còn có các ban:
+ Ban hoa viên
+ Ban âm thanh
+ Ban ánh sáng
+ Ban khánh tiết

Giáo xứ hiện có 557 hộ, khoảng 2.386 giáo dân, được chia làm 5 giáo dâu:

1- Giáo dâu Bắc Đông có 112 hộ: số giáo dân: 451, Quan thầy là thánh Phêrô Tông đồ, nhận sắc ngày 19/12/2012.
2- Giáo dâu Tây: 97 hộ, số giáo dân: 402; Quan thầy là thánh Giuse, nhận sắc ngày 21/12/2012.
3- Giáo dâu Bắc Tây: 105 hộ, số giáo dân: 412; Quan thầy là Đức Mẹ Vô Nhiễm, nhận sắc ngày 22/12/2012.
4- Giáo dâu Trung: 115 hộ, số giáo dân: 462; Quan thầy là thánh Vinh Sơn, nhận sắc ngày 23/12/2012.
5- Giáo dâu Đông: 128 hộ, số giáo dân: 535; Quan thầy là Đức Mẹ hồn xác lên trời, nhận sắc ngày 25/12/2012.

Các giáo dâu đều đã sắm được kiệu vàng, tượng quan thầy, đồ thờ, chiêng trống, có Ban hành giáo của các giáo dâu, ca đoàn để phục vụ các Thánh lễ lớn trong giáo xứ cũng như các công việc khác.

Trải qua 102 năm, cộng đoàn Xuân Chính đã có các quý chức tham gia ban trùm, ban đốc công xây dựng nhà Thờ từ năm 1914 đến 2016:


Năm Tên Thánh, họ và tên Chức vụ
1914 Giuse Nguyễn Văn Túc Trùm chánh
Đaminh Nguyễn Văn Tuyển Trùm phó
1919 Đaminh Nguyễn Văn Tuyển Trùm chánh
Vinh Sơn Phạm Văn Yên Trùm phó
1925 Vinh Sơn Phạm Văn Yên Trùm chánh
  Vinh Sơn Nguyễn Văn Nhất Trùm phó
1930 Vinh Sơn Nguyễn Văn Nhất Trùm chánh
  Đaminh Nguyễn Văn Đức Trùm phó
1936 Giuse Phạm Văn Thọ Trùm Chánh
1941 Giuse Phạm Văn Thọ Trùm chánh
  Gioan Vũ Văn Đề Trùm phó
1946 Gioan Vũ Văn Đề Trùm chánh
  Gioan Vũ Văn Chuyên Trùm phó
1951 Gioan Vũ Văn Chuyên Trùm chánh
  Vinh Sơn Nguyễn Văn Quyết Trùm phó
1954 Vinh Sơn Nguyễn Văn Quyết Trùm chánh
  Gioan Đỗ Minh Ngân Trùm phó
1960 Đaminh Phan Ngọc Tỵ Trùm chánh
  Đaminh Nguyễn Văn Vĩnh Trùm phó
1965 Đaminh Nguyễn Văn Vĩnh Trùm chánh
  Giuse Nguyễn Văn Phước Trùm phó
1970 Giuse Nguyễn Văn Phước Trùm chánh
  Đaminh Trần Văn Phương Trùm phó
1975 Đaminh Trần Văn Phương Trùm chánh
  Phanxico Phạm Văn Thừa Trùm phó
1980 Đaminh Nguyễn Ngọc Chi Trùm chánh
  Giuse Nguyễn Văn Uông Trùm phó
1985 Giuse Nguyễn Văn Uông Trùm chánh
  Giuse Nguyễn Văn Đoàn Trùm phó
1988 Giuse Nguyễn Văn Đoàn Trùm chánh
1993 Gioan Phạm Thế Vinh Trùm chánh
  Đaminh Nguyễn Văn Viễn Trùm phó
2001 Đaminh Nguyễn Văn Viễn Trùm chánh
  Giuse Nguyễn Văn Địch Trùm phó
  Đaminh Nguyễn Văn Châu Trùm phó
2004 Đaminh Nguyễn Văn Châu Trùm chánh
  Giuse Nguyễn Văn Hiến Trùm phó
  Giuse Nguyễn Văn Hiến Trùm chánh
2007 Gioan Trần Văn Tấn Trùm phó
  Giuse Bùi Văn Thìn Trùm phó
2009 Giuse Bùi Văn Thìn Trùm chánh
  Gioan Nguyễn Văn Bình Trùm phó
2014 Đaminh Nguyễn Văn Mẫu Trùm chánh
  Giuse Nguyễn Văn Tuynh Trùm phó
 
Mảnh đất sinh ra những người con dấn thân sống phục vụ Chúa và Giáo hội

Nhờ Hồng Ân Thiên Chúa, sự cầu bầu của Đức Mẹ Maria, sự che chở của Thánh Gioan quan thầy từ mảnh đất thuần nông của cánh đồng chiêm trũng, cuộc sống người dân gặp vô vàn khó, song người dân công giáo Xuân Chính luôn vững tâm cậy trông vào Chúa, hướng về thánh Gioan. Từ mảnh đất nghèo nàn đã sinh ra những người con làm rạng rỡ quê hương, giáo xứ, giáo họ, gia đình, dòng tộc như:

Cha Giuse Maria Phan Ngọc Tuyến sinh năm 1930, con cụ trùm Giuse Maria Phan Ngọc Tỵ thuộc giáo họ Xuân Chính. Cha học tại Chủng viện Đồng Công - Quy Nhơn và được Đức Cha Giuse Hoàng Văn Đoàn phong chức linh mục ngày 02/2/1973 tại dòng Đồng Công - Quy Nhơn. Cha đã tạ thế ngày 16/5/1995 tại giáo xứ Tân Thành - giáo phận Xuân Lộc - tỉnh Đồng Nai, hưởng thọ 65 tuổi.

Cha Phaolô Maria Ngô Văn Bạo (Ngô Gia Thế) sinh năm 1968 (Mậu Thân), là con thứ 4, con út của gia đình gia giáo, giàu lòng mến Chúa. Khi còn nhỏ, cha là một cậu bé hiền lành đạo đức, khiêm nhường, siêng năng, thật thà, xuất thân từ 1 gia đình gia giáo. Vì thế, ngài đã sớm nhận thức và suy nghĩ chọn cho mình một con đường theo Chúa. Học hết 10/10, tháng 3/1994, cậu Thế đã xa gia đình, xa quê hương vào nhà dòng Đồng Công, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Cậu đã gác lại chuyện gia đình, bạn bè riêng tư để miệt mài học hỏi kinh văn giáo lý. Suốt 17 năm 3 tháng, cha đã vượt qua biết bao vất vả, khó khăn về tinh thần vật chất, trở ngại, thử thách, chông gai. Ngày 29 tháng 06 năm 2011, thầy được thụ phong linh mục tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ngày 20 tháng 7 năm 2011, cha Phaolô Maria Ngô Văn Bạo đã về thăm quê hương. Hiện giờ cha đang coi sóc giáo xứ Thủ Thiêm - Quận 2 thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Noi theo truyền thống của các bậc tiền nhân, con cháu tiếp bước cha ông cùng nhau đoàn kết xây dựng, các đoàn hội và các giáo dâu không ngừng lớn mạnh, xây dựng giáo xứ thăng tiến trong đức tin, đức cậy, đức mến.

Hiện tại ngôi nhà thờ đã xuống cấp, được phép của Đức cha Tôma giáo phận, nhà thờ sẽ được tái thiết trong những ngày tới. Giáo xứ đã mua sắm được một số gỗ và các loại vật liệu khác, nhất là mở rộng đất đai cho tương lai. Giáo xứ mong muốn có một nhà thờ mới, to hơn, đẹp hơn, chắc chắn hơn, có nhà xứ, nhà giáo lý và một số các công trình phục vụ cho mọi sinh hoạt của giáo xứ.



 
Dù kinh tế còn khó khăn, nhưng các gia đình đều quan tâm đến việc học hành của con em. Vì thế, nhiều em đã vào trường Đại học, Cao đẳng... Nhiều em đã nhận được các giải thưởng lớn từ bộ giáo dục, sở, phòng.... Giáo xứ không còn trường hợp nào thất học.

Năm 2015, giáo xứ đã thay mặt giáo hạt tổ chức lớp ơn gọi. Đây là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ về tinh thần cho các em dấn thân bước vào đời sống dâng hiến.

Với tinh thần hiệp thông sâu xa, giáo xứ Xuân Chính sẽ trở thành một giáo xứ mạnh của giáo phận trong tương lai, cùng các tổ chức xã hội xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như ông cha ta hằng mơ ước.

Tác giả: Lm. Đaminh Phạm Minh Hạnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây