GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Bài học sau biến cố Nhà Thờ Đức Bà Paris hoả hoạn      

Chứng kiến cảnh tượng ngôi Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris bị hoả hoạn vào tối ngày 15/4 vừa qua, nhiều người không khỏi bàng hoàng và đau xót. Bởi lẽ ngôi Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris từ lâu đã trở thành trái tim không chỉ của Giáo hội Công giáo Pháp mà còn của nước Pháp, của châu Âu và của thế giới.
Bài học sau biến cố Nhà Thờ Đức Bà Paris hoả hoạn      

download 5Chứng kiến cảnh tượng ngôi Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris bị hoả hoạn vào tối ngày 15/4 vừa qua, nhiều người không khỏi bàng hoàng và đau xót. Bởi lẽ ngôi Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris từ lâu đã trở thành trái tim không chỉ của Giáo hội Công giáo Pháp mà còn của nước Pháp, của châu Âu và của thế giới. Quả thật, trải qua hơn 8 thế kỷ, ngôi Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris đã chứng kiến biết bao biến cố quan trọng của nước Pháp và của thế giới, từ sự kiện vua Henry VI của Anh đã lên ngôi trở thành vua của Pháp năm 1431 đến đám cưới giữa vua James V của Scotland với công chúa Madeleine của Pháp vào năm 1537, hay như hoàng đế Napoleon Bonaparte được phong vương năm 1804… Bên cạnh đó, kiến trúc Gothic đặc sắc, trường tồn với thời gian và các thánh tích trong ngôi Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris cũng đủ để tăng thêm phần giá trị cho ngôi thánh đường này. Thế nên, việc Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris bị hoả hoạn là một sự mất mát và đau xót cho Giáo hội Pháp, cho nước Pháp và cho cả thế giới.

Tuy nhiên, bỏ qua những điều đó, chúng ta cùng nhau thử tìm về một giá trị tâm linh thông qua biến cố này. Có nhiều người nói rằng việc Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris bị hoả hoạn báo hiệu một Giáo hội Công giáo Pháp cũng sẽ bị “hoả hoạn” theo. Thế nhưng, Giáo hội Công giáo Pháp thực sự đã bị “hoả hoạn” cách đây hơn 200 năm, với cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Quả thật, nếu như trước cuộc cách mạng, Giáo hội Pháp được xem là “Trưởng nữ” của Giáo hội Công giáo thì sau cuộc cách mạng, Giáo hội Pháp đã trở nên “thoi thóp”. Bằng chứng là cơ cấu phẩm trật của Giáo hội Pháp đã bị phá tan, các linh mục bị buộc hoàn tục hoặc bị hành quyết, các tu sĩ và giáo dân bị buộc tội phản quốc và cuồng tín, tài sản của Giáo hội bị tịch thu, nhiều nhà thờ và đan viện bị triệt hạ hoặc bị biến thành nơi tổ chức các lễ hội vui chơi…Hậu quả kéo theo là nhiều người bỏ đạo, đời sống tôn giáo nguội lạnh. Tệ hại hơn nữa khi thế hệ con cháu của họ rời bỏ nền giáo dục Kitô giáo. Tắt một lời, cuộc cách mạng Pháp năm 1789 đã làm cho Giáo hội Pháp “rơi tự do” không thể vãn hồi. Và cho đến nay, tình trạng đó vẫn không mấy tươi sáng. Thánh đường vẫn nhiều nhưng những buổi cử hành tôn giáo mấy người tham dự. Dòng tu vẫn nhiều nhưng mấy ai quan tâm đến đời sống tu trì. Dòng người vẫn nhiều nhưng mấy ai coi mình là Kitô hữu.

Với tình trạng đời sống tôn giáo của Giáo hội Pháp đã ra nguội lạnh như thế, cộng với biến cố ngôi Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris bị hoả hoản trong chính những ngày đầu của Tuần Thánh, nhiều người cho rằng phải chăng Chúa đang thức tỉnh người dân Pháp như đã từng thức tỉnh dân thành Ninivê trong Cựu Ước? Chúng ta không dám nói về vấn đền này. Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắc chắn là Thiên Chúa có cách của Thiên Chúa, và nói như thánh Tôma Aquinô: “Thiên Chúa không cho phép sự dữ xảy ra trừ phi vì một sự thiện nào đó lớn hơn.” Ở đây, điều chúng ta muốn nói chính là có một thái độ mới của người dân Pháp trong việc thực hành đời sống tôn giáo. Quả thật, chứng kiến cảnh tượng ngôi Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris bị hoả hoạn, hàng trăm người đã cùng nhau hát lên những bài thánh ca nguyện cầu, đâu đó cũng có nhiều nhóm người quỳ xuống, tay cầm Tràng Chuỗi Mân Côi cất lên những lời kinh. Trong số những người đó, cũng có nhiều người đã rơi lệ. Có thể đó là những giọt lệ tiếc thương cho ngôi thánh đường, nhưng cũng có thể đó là những giọt lệ của sự thống hối, ăn năn. Một ngày sau đó, cũng đã có hàng nghìn bạn trẻ tổ chức một cuộc rước trên đường phố. Vừa đi các bạn vừa hát thánh ca một cách sốt sắng. Và sau đó quy tụ tại quảng trường thánh Micae, kế bên Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris để cầu nguyện. Đặc biệt hơn cả là thánh lễ Truyền Dầu tại một nhà thờ gần Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris vào ngày 17/4, tức là hai ngày sau vụ hoả hoạn. Thánh lễ có sự tham dự của các nhân vật cấp cao chính phủ và đặc biệt hơn hết đã quy tụ đông đảo tín hữu tham dự, đến nỗi không có một chỗ trống trong nhà thờ. Ngay cả bên ngoài nhà thờ cũng có rất đông tín hữu tham dự. Họ đứng chật trên các con đường bao quanh nhà thờ, và tham dự thánh lễ qua màn hình một cách sốt sắng. Rất nhiều tín hữu đã rơi nước mắt, giọt nước mắt thống hối, ăn năn vì rất nhiều năm họ đã bỏ Chúa, đã lơ là trong việc tham dự thánh lễ. Một thánh lễ quá đặc biệt với Giáo hội Pháp, vì có lẽ từ lâu Giáo hội Pháp mới chứng kiến một thánh lễ Truyền Dầu với số lượng tín hữu tham dự đông đảo như vậy. Với nhiều người, có thể nói đây là một cuộc trở về thực sự của người dân Pháp sau nhiều năm bỏ Chúa.

Dù rằng hơi sớm để nói đến một cuộc trở về của người dân Pháp, hoặc khó để có thể nói đây là một phép lạ như nhiều người với con mắt đức tin đã khẳng định về những phép lạ, như hình ảnh Chúa Giêsu xuất hiện trong đám cháy, cây Thánh giá vẫn đứng vững và phát sáng trong đám tro tàn. Tuy nhiên, qua những gì đã diễn ra với người dân Pháp, chúng ta hy vọng về một tương lai tươi sáng của Giáo hội Pháp.

Tác giả: Antôn Hoàng Văn Phúc, OP

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây