GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân?

Là một Kitô hữu, chắc hẳn bạn và tôi đã từng được bạn bè và không ít người chất vấn những câu hỏi liên quan đến niềm tin của mình. Một trong những câu hỏi mà bản thân tôi hay tìm cách lảng tránh khi có người yêu cầu giải thích câu nói ấy của Marx: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân?”.
Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân?
download 1Sự thật đằng sau câu nói của Marx: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”
I. Dẫn Nhập
 
Là một Kitô hữu, chắc hẳn bạn và tôi đã từng được bạn bè và không ít người chất vấn những câu hỏi liên quan đến niềm tin của mình. Một trong những câu hỏi mà bản thân tôi hay tìm cách lảng tránh khi có người yêu cầu giải thích câu nói ấy của Marx: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân?”. Nhiều lần, tôi đắn đo bởi nếu không trả lời, người ta sẽ nói niềm tin của tôi mù quáng; những người có đức tin là những người ngu đần, dốt nát; tôn giáo quả đúng là thuốc phiện, là bùa ngải mê dân, là thứ trò nhảm nhí. Nhưng nếu tôi trả lời thì có lẽ câu trả lời của tôi cũng không đủ sức thuyết phục, phần vì chưa được học hiểu là bao, phần vì chưa có trải nghiệm và cảm thức đức tin một cách sâu xa. Khi học về môn Triết học Tôn giáo, một lần nữa, câu nói của Marx chất vấn tôi. Vì thế, bài viết dưới đây, người viết cố gắng trình bày những hiểu biết của mình xung quanh câu nói vốn nhạy cảm này.

II. Nội Dung
2.1. Hoàn cảnh ra đời của câu nói

Đã từ lâu trong dòng chảy lịch sử, những người vô thần thường xem câu nói “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân [1] là câu cửa miệng để lên án, chỉ trích, đả kích, lăng mạ các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Khi đi sâu vào tìm hiểu, câu nói trên đây được Marx trình bày trong lời nói đầu của tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hegels(A Contribution to the Critique of Hegel’s Philosophy of Right) (1844). Câu nói này ra đời trong giai đoạn nước Đức đang có sự thịnh hành của hai tư tưởng là tư tưởng triết học Duy tâm của Hegels và triết học Duy vật nhân bản của Feuerbach[2]. Nội dung và đối tượng chính trong tác phẩm của Marx là phê phán triết học pháp quyền Hegels chứ chưa hẳn là phê phán tôn giáo[3] như bao người vẫn từng cho là như vậy
.

2.2. Bàn luận câu nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân

Tuy nhiên, là người có hiểu biết, khi đứng trước mọi sự khen chê, thái độ của người có đức tin trưởng thành không phải là tức tối, nổi loạn, nhưng là thái độ thản nhiên, bình tĩnh suy xét, để xem lời buộc tội đó đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp, để ta có được những cái nhìn đúng đắn, khách quan và chân thật.

Câu nói “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” của Marx vẫn được nhiều người hiểu theo ý nghĩa tiêu cực. Họ cho rằng Marx viết câu này là để phê phán tôn giáo giống như một thứ ung nhọt, một thứ rác rưởi, cặn bã của xã hội và cần phải loại bỏ. Thậm chí ngay cả những người tự cho mình là bảo vệ chế độ, họ cũng dùng câu nói này để phê phán và cực lực lên án sự tồn tại của tôn giáo. Chính điều này dẫn đến những nhận thức sai lầm khi kết tội Marx chủ trương tiêu diệt tôn giáo, dẫn đến những cuộc kháng cự một cách mạnh mẽ với những học thuyết của chủ nghĩa Marx. Đồng thời gây ra những mâu thuẫn không hề nhỏ giữa những người đi theo tôn giáo với những người đi theo chủ nghĩa Marx, hay nói khác đi giữa những người theo Chủ nghĩa Duy vật biện chứng và những người tin vào Thượng Đế. Những người đi theo niềm tin tôn giáo cho rằng: Marx đã phủ định hoàn toàn tôn giáo, độc tôn Chủ nghĩa Duy vật giống như Feuerbach, đó là con người tạo nên tôn giáo và tất cả hình ảnh trong tôn giáo thực chất là hình ảnh con người với những điều tốt đẹp nhất. Có là quá đáng chăng khi cho rằng Marx là người đang cố gắng đánh đổ niềm tin tuyệt đối và phá bỏ những truyền thống của họ?

Trong khi đó ở phía bên kia cây cầu là những người đặt niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa Marx, đối với họ, Marx là tất cả, Marx là khoa học, là tri thức, là chân lý tối hậu. Thay vì từ bỏ niềm tin cảm tính, họ lại đem đặt niềm tin cảm tính của họ vào khoa học mà cụ thể ở đây là quan điểm và nhận định của Marx. Họ tin Marx dù không cần biết Marx thật sự đã làm gì, nghĩ gì và nói gì. Một cách nhanh nhẹn, họ đã đẩy đưa quan điểm của Marx trở thành một thứ tôn giáo được sinh ra với nghĩa vụ là tiêu diệt những tôn giáo cũ. Chính sự hiểu lầm này đang dần biến chủ nghĩa Marx thay vì xây dựng niềm tin lý tính, lại biến thành niềm tin giáo điều. Do đó, thực chất quá trình phê phán tôn giáo lại biến thành việc đả phá tôn giáo là như vậy.

Như đã nói, Marx đưa ra một thực tế đang xảy ra ở nước Đức, đó là trào lưu tư tưởng phê phán tôn giáo. Theo ông, về thực chất, sự phê phán tôn giáo đã kết thúc, nhưng điều đó không nghĩa là nó chấm hết, mà nó mở ra tiền đề cho những sự phê phán trước. Đối chiếu lại lịch sử nước Đức giai đoạn 1844 thì trào lưu phê phán tôn giáo thực chất lúc đó khá mạnh mẽ và người khởi xướng chính là Feurerbach. Vậy có thể thấy Marx không đưa ra trào lưu tư tưởng trên mà ông ngay từ câu mở đầu chỉ là một câu nói mang tính nhận xét về sự kiện lịch sử đã và đang xảy ra ở nước Đức, và ta cần phải hiểu câu nói của Marx trong mối tương quan như thế, để tránh những quy kết một chiều.

Đi sâu hơn vào từng câu chữ, ta tìm thấy trong đoạn văn đầy đủ có câu “thuốc phiện”, ý nghĩa của cả đoạn không mang tính tiêu cực hay đấu tố như chúng ta hay lầm tưởng. Chẳng hạn câu “religion is the heart of the heartless world, the soul of the soulless conditions” (tôn giáo là trái tim của một thế giới thiếu trái tim, là linh hồn của những hoàn cảnh thiếu linh hồn), không mang ý chê bai chỉ trích tôn giáo, nhưng có thể coi là mang ý nghĩa ghi nhận vai trò của tôn giáo. Trong một thế giới đầy những bất công, hận thù, chia rẽ, bất an, chỉ có tôn giáo là trái tim, là linh hồn, là trạm dừng chân cuối cùng để con người ta tìm về. Vì thế, câu tiếp theo có thể được hiểu là, người nghèo tìm đến với tôn giáo như tìm đến “opium” - thứ giúp họ lãng quên đi phiền muộn và tạo ra hạnh phúc. Nếu Marx coi tôn giáo là kẻ thù nguy hiểm, thì ông đã dành nhiều thời gian cho vấn đề này trong các tác phẩm của mình. Nhưng thay vào đó, ông đã tập trung vào các cấu trúc kinh tế và chính trị mà trong suy nghĩ của ông, đã được dùng để làm công cụ áp bức nhân dân.

Marx khẳng định, tôn giáo chính là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là cách để họ tạm thời lấy lại được sự sống sau những giờ lao động mệt mỏi và căng thẳng. Nó là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của trật tự không có tinh thần. Bởi lẽ nếu không có tôn giáo thì nhân dân lao động sẽ không còn là con người, họ sẽ bị biến thành những cái máy vô hồn, làm việc trong các băng truyền hay con Rô-bốt không có trái tim. Chính trong xã hội đó - một xã hội mà đời sống tinh thần nghèo nàn thì tôn giáo lại món ăn tinh thần duy nhất mà họ bởi vậy mới là tinh thần của trật tự không có tinh thần. Có thể nói chỉ ở nơi tôn giáo, con người lao động mới tìm thấy được phần “người” ít ỏi còn sót lại ở trong cuộc sống và trong các mối tương quan của họ. Nhờ tôn giáo, họ hiểu rằng, bản thân họ không phải là những cỗ máy vô cảm, nhưng là một con người đích thực, có lý trí, có ý chí, có nhận thức, có tình cảm và là một nhân vị hoàn hảo, độc nhất vô nhị giữa cuộc đời. Những điều mà một con Rô-bốt không thể tìm thấy trên băng chuyền sản xuất hay những người công nhân cũng vậy. Vì một lý do nào đó, người ta đã cố ý tách một câu nói của Marx ra khỏi ngữ cảnh và văn mạch khiến nó có một ý nghĩa khác hẳn với điều ông định nói. 

Dường như nhiều người nghe đến câu nói này sẽ nghĩ ngay đến Marx đang ám chỉ tôn giáo là một thứ tiêu cực, giống như thuốc phiện vậy. Thực chất, Marx lại muốn ám chỉ rằng vào thời đó là lúc mà con người còn cảm thấy họ là một con người và họ có thể tìm được bản thân mình ở những thú vui tinh thần còn lại duy nhất này mà không phải là máy móc hay con vật. Marx không hề phê phán tôn giáo là thứ hại nhân dân, trái lại ông đang mô tả thực sự đó là liều thuốc tính thần còn lại duy nhất để giúp người dân tìm lại được chính họ còn là con người trong một xã hội vốn không có tình người, là liều thuốc giảm đau duy nhất đối với những đau khổ mà nhân dân lao động đang phải gánh chịu trong chính xã hội Tư bản. Marx bắt đầu chỉ ra việc phê phán tôn giáo thực chất không phải là xóa bỏ tôn giáo như bao người vẫn gán cho ông.

Đặt câu nói của Marx trong bối cảnh thế giới chúng ta đang sống là thế kỷ phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật thì chúng cần được xem xét ở góc độ khác. Bởi lẽ thực chất dù khoa học phát triển đến đâu thì vẫn có những lỗ hổng mà khoa học không thể giải quyết được. Chính vì thế, khoa học cần đến tôn giáo, và con người tìm đến tôn giáo như một điểm tựa quan trọng cho đời mình. Khoa học soi sáng cho tôn giáo và tôn giáo chỉ lối cho khoa học đi đúng đường. Khoa học và tôn giáo như là đôi cánh chắp cho nhau để cả hai cùng bay xa và bay cao hơn trên bầu trời tri thức và chân lý. Do đó, Marx hay bất kỳ triết gia nào, nhà khoa học nào cũng không thể nhân danh khoa học để phủ định sạch trơn tôn giáo, nhưng phải nhớ rằng tôn giáo và khoa học đều là hai mặt của một thể thống nhất, luôn có sự khác biệt, nhưng lại thống nhất và bổ sung cho nhau. Chính vì vậy, xóa bỏ tôn giáo cũng đồng nghĩa xóa bỏ cả khoa học, vì khi tôn giáo không còn nữa thì khoa học cũng coi như bị hủy diệt. Sự tồn tại của tôn giáo là điều tất yếu để khoa học tồn tại và phát triển.

Tôn giáo không phải là thuốc phiện vì nếu hiểu tôn giáo là giáo lý về một nhận thức sâu sắc hơn đối với sự sống, là giáo lý không phải là một mớ lý thuyết hời hợt, nhưng là nhìn sâu vào sự sống, giáo lý dạy người ta hành động một cách nhân bản, giúp thăng tiến xã hội và nâng cao nhân phẩm con người. Đức tin đòi hỏi người ta phải đón nhận nó một cách trưởng thành và có ý thức, nghĩa là một đức tin thông hiểu, một đức tin với sự trải nghiệm. Chỉ khi đó,  người ta mới có thể lý giải câu nói trên của Marx một cách hợp lý được.

Cách nói tôn giáo như thuốc phiện của Marx thời ấy không hoàn toàn mang tính lên án, bôi nhọ, ngược lại nó xuất hiện trong bối cảnh nước Đức như là đỉnh cao của một loạt những lập luận thực chứng về tôn giáo. Có người cho rằng: “Thật thú vị câu nói trên nằm trong một đoạn văn rất sâu sắc về tư duy triết học kết hợp với hồn thơ phơi phới được diễn tả một cách rất tài tình[4]:

Nhiều nhà tư tưởng đã đồng thuận với nhau rằng, không có khổ đau nào lớn hơn những khổ đau vô nghĩa, là phải khổ mà không biết tại sao, là không giữ được tài sản cuối cùng là lòng hy vọng. Tôn giáo cho chúng ta niềm tin, nơi ấy mỗi khổ đau đều có giá trị tích cực, như vòng nguyệt quế trên đầu các chiến binh. Bản chất cốt lõi thực sự của mọi tôn giáo là hướng thiện, là tốt đẹp chắc chắn tồn tại mãi mãi với loài người, chứ không phải là liều thuốc ru ngủ nhân dân như người ta xưa nay vẫn nghĩ.

Tôn giáo không phải là thuốc phiện của nhân dân, bởi khi xét trên khía cạnh vai trò, thì tôn giáo vẫn đóng một vai trò quan trọng trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống con người và xã hội. Tôn giáo là nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa quốc gia, các khu vực vốn cách xa nhau về mặt địa lý lại với nhau, góp phần hình thành và phát triển một nền kinh tế xã hội bền vững, kiến tạo và củng cố hòa bình, nâng cao, phát triển và hoàn thiện nhân cách và phẩm giá con người. Tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, giá trị nhân văn mà tôn giáo này mang lại là vô cùng sâu sắc. Vì thế, một câu hỏi đặt ra: “Nếu tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, thì liệu tôn giáo ấy có thể trường tồn cùng dòng lịch sử hơn hai mươi thế kỷ được chăng? Để khẳng định tính vĩnh hằng của Kitô giáo, Linh mục C.Beard đã khẳng định: “Tôi không hiểu vì sao người ta vẫn tiếp tục cầu nguyện, trừ phi người ta tin rằng có những lỗ tai đang nghe họ”. Do đó, luận điểm “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” cần thiết phải được nhìn dưới những lăng kính khách quan và đa chiều hơn là như vậy.

III. Kết Luận

Bao nhiêu sự hiểu lầm chợt tan biến khi người viết đọc được nguyên bản tập sách – nơi chứa đựng câu nói đã từng gây ra bao tranh luận của Marx. Khi đọc nguyên bản, dường như mọi thứ đang đảo lộn so với những gì tôi được nhồi nhét bấy lâu nay và thôi thúc tôi phải viết lại những cảm nhận của chính mình về câu nói này. Có thể cách nhìn nhận của tôi không chính xác hoặc chưa thể khách quan, nhưng tôi hy vọng có thể tiếp cận được với những gì Marx nghĩ, Marx nói và Marx làm. Bằng việc đưa ra một góc nhìn mới, người viết mong muốn bản thân cũng như mọi người sẽ có cái nhìn khách quan hơn khi phải luận bàn về câu nói vốn nhạy cảm này.
 

[1] Nguyên bản Tiếng Anh: “Religious suffering is, at one and the same time, the expression of real suffering and a protest against real suffering. Religion is the sigh of the oppressed creature, the heart of a heartless world, and the soul of soulless conditions. It is the opium of the people”. Dịch nghĩa Tiếng Việt “…Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sanh bị áp bức, là trái tim của một thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của trạng thái không có tinh thần, tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân
[2] Feuerbach là một trong những người phê phán gay nhất chủ nghĩa duy tâm với ý niệm tuyệt đối của Hegels và sự sáng tạo thế giới bằng ý niệm tuyệt đối.
[3] Cf. C.Mác, Phê phán triết học pháp quyền của Heghen 1843-1844, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1962, tr.5-7.
[4] Cf. Sergio Vuscovic Rojo, “Tôn giáo, thuốc phiện của nhân dân và sự phản kháng chống lại khốn cùng”. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2-2000, tr. 12-17.

 

Tác giả: Tâm Thành

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây