GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Soeur đi tìm gì?

Một lần đi tham dự thánh lễ ở giáo xứ nọ, tôi gặp một giáo dân. Sau khi nói chuyện niềm nở, ông hỏi tôi: Dì có biết trên trời các thánh khao khát điều gì nhất không?
Soeur đi tìm gì?
Một lần đi tham dự thánh lễ ở giáo xứ nọ, tôi gặp một giáo dân. Sau khi nói chuyện niềm nở, ông hỏi tôi: Dì có biết trên trời các thánh khao khát điều gì nhất không? Sau nhiều câu trả lời sai, tôi đành chịu thua. Người giáo dân cười nhìn tôi và nói: Ở trên trời, các thánh khao khát trái tim Chúa Giêsu nhất. Trong kinh nguyện chẳng có câu: “Trái tim Đức Chúa Giêsu các thánh trên trời hằng khao khát”còn gì.

cristinascucciaCâu trả lời dễ dàng của người giáo dân như một tia sáng làm tâm hồn tôi bừng tỉnh. Tôi thích thú như khám phá ra điều vô cùng quý giá. Câu trả lời đó đi sâu vào tâm khảm, trở thành chất liệu suy tư trong nhiều ngày của tôi: Đâu là tài sản quý giá nhất của người tu sĩ? Phải chăng là danh lợi, là khả năng tông đồ, là các mối tương quan, là tiện nghi, là an toàn...? Có phải những thứ này làm người tu sĩ thỏa mãn? Không phải vì khi sống trong tất cả những này, người tu sĩ vẫn khắc khoải khôn nguôi.

Con người sống trên đời là thân lữ khách, những gì đang nắm giữ đến một ngày sẽ trở thành “vang bóng”. Chẳng vậy mà Nguyễn Khắc Tế đã thốt lên trong bài Gẫm sự đời:

Xem ra cái lẽ ở đời
Chân giá trị chẳng ở nơi bạc tiền
Cái câu sống gửi thác về
Làm người tỉnh giấc u mê uy quyền
Hay điều khôn dại xui hên
Giàu sang mây khói nhãn tiền tụ tan

Vì tất cả đều phải trở về nơi mình xuất phát nên có thể nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Trần gian đối với con người chỉ là quán trọ, như con chim ở đậu cành tre; con cá ở trọ trong khe nước nguồn. Người tu sĩ cần hiểu định luật này hơn ai hết. Hiểu như thế, nhưng những quán trọ ven đường đầy mật ngọt làm người tu sĩ đôi khi lầm tưởng đó là đích đến, để rồi biết bao lần người tu sĩ va mình vào vòng xoáy của những tiếng xào xạc hưởng thụ, xây đời mình trên những tiếng tung hô, mà quên đi tiếng nói nhẹ nhàng của làn gió hiu hiu.

Không ai dại đem điều vĩnh cửu đổi lấy sự chóng qua. Cái quan trọng là phải nhận ra chính xác điều mình theo đuổi. Các thánh chẳng khao khát gì hơn ngoài trái tim Chúa Giêsu. Các ngài đã tìm được viên ngọc quí nên bán tất cả tài sản để mua cho bằng được thửa ruộng là chính nước trời (x. Mt 13,44-46).

Nhìn vào phần thưởng Chúa dành cho những hy sinh và trung thành chọn lựa của các thánh, người tu sĩ được mời gọi nối gót các ngài. Nhưng làm thế nào để chiếm được trái tim Chúa Giêsu? Chính cuộc đời các thánh đã cho người tu sĩ biết để chiếm được trái tim Chúa, họ không phải thêm gì, mà là bớt đi những gì cồng kềnh. Người môn đệ của Chúa Giêsu là người “không mang theo bao bị, giày dép hay tiền giắt lưng” (x. Mt 10,9-10). Để bớt đi được, ta phải biết mình. Có biết mình mới mong được biến đổi. Không biết mình là một tai hại lớn. Muốn biết mình, người ta phải khiêm nhường cúi xuống nhìn vào và nhìn ra. Nhìn vào lòng để lắng nghe Chúa nói qua tiếng lương tâm. Nhìn ra bên ngoài để sẵn sàng đón nhận những sự thật mới và thay đổi quan điểm riêng.

Đời sống thánh hiến tự bản chất là một lối sống cao quý. Nếu không ý thức ta tự hạ giá đời sống mình, người sống đời thánh hiến có thể pha mình vào lối sống thế gian, đuổi hình bắt bóng. Như thế có thể số phận vật vờ là kết quả của những tâm hồn mong tìm lợi trong bậc tu trì.

Người giáo dân chẳng phải là tu sĩ mà trả lời cách dễ dàng mục đích của đời tu. Câu trả lời giúp tôi hiểu rằng: có nhiều khi Chúa dùng những công cụ thật nhỏ để chuyển tải thông điệp thật lớn cho chúng ta. Bằng chứng là chẳng cần bứt tai nặn óc, tôi đã được hứng lấy thông điệp như ân huệ nhưng không.

Tác giả: Hoa cát

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây