GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Tình yêu đáp trả

Tình yêu đáp trả
Tình yêu là một thuật ngữ đã quá quen thuộc đối với mỗi người. Nó tồn tại và hiện diện trong cuộc sống của chúng ta một cách tự nhiên. Hơn nữa, tình yêu luôn là một chủ đề nóng hổi, nhất là trong một xã hội đang đánh mất dần cảm thức thiêng liêng và được thay thế bằng chủ nghĩa vô cảm. Thế nhưng, chẳng có ai sinh ra ở đời mà không tiềm ẩn trong con người mình một thứ cảm xúc có thể tạo nên những giá trị tinh thần đích thực cho chủ thể của tình yêu.
Tình yêu là một thuật ngữ đã quá quen thuộc đối với mỗi người. Nó tồn tại và hiện diện trong cuộc sống của chúng ta một cách tự nhiên. Hơn nữa, tình yêu luôn là một chủ đề nóng hổi, nhất là trong một xã hội đang đánh mất dần cảm thức thiêng liêng và được thay thế bằng chủ nghĩa vô cảm. Thế nhưng, chẳng có ai sinh ra ở đời mà không tiềm ẩn trong con người mình một thứ cảm xúc có thể tạo nên những giá trị tinh thần đích thực cho chủ thể của tình yêu.

Một trong những khía cạnh của tình yêu mà chúng ta cần phải bàn tới trong “chiến dịch” vô cảm của xã hội hôm nay đó là sự đáp trả tình yêu. Thái độ của chúng ta đối với tình yêu và sự đáp trả của chúng ta với tình yêu ấy. Có lẽ, không ai hiện diện trên mặt đất này mà chưa cảm nghiệm được thế nào là tình yêu, dù tình yêu ấy là cảm xúc đến từ đâu, đến từ hoàn cảnh nào.

Khi sinh ra, chúng ta được yêu thương trong vòng tay âu yếm của cha mẹ và người thân, đặc biệt là của Đấng đã ban cho con người đặc ân là sự hiện hữu. Tình yêu ấy kéo dài tới khi chúng ta trưởng thành và bước vào một chân trời của riêng ta. Điều đáng lưu tâm ở đây là chúng ta đã đáp lại tình yêu ấy thế nào? Chúng ta có đáp trả nó một cách đúng nghĩa, có đáp lại những người yêu thương chúng ta bằng một thái độ của lòng biết ơn chân thành?

Tuy nhiên, chúng ta không thể đáp trả tình yêu một cách đúng đắn khi chúng ta chưa biết được sự cần thiết và quan trọng của nó. Chắc chắn một điều người yêu thương chúng ta cũng muốn được yêu thương và đáp trả bằng một tình yêu chân thành.
 
Nếu bạn nhờ bác “google” tìm kiếm với từ khóa “Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế” trong chuyên mục “Vòng tròn đồng tâm”, ắt sẽ thấy hiện lên một bài viết hết sức thiêng liêng về tình mẫu tử nhưng lại đặt trong một bối cảnh hết sức bi ai: “Viết cho con và những đứa trẻ có mẹ bị giam cầm”. Tuyệt nhiên, ở đây ta không nói về sự kiện đang bị xã hội lên án này, nhưng chỉ để ý đến một chi tiết nhỏ trong bức thư đầy ai oán này mà thôi: “Con từng nói con đã khóc òa trong lớp vì vài ngày chưa được nhìn thấy mẹ, vậy con có biết: đêm nay, ở căn nhà trống khác, có hai đứa trẻ đang hốt hoảng khóc vì đột ngột không thấy mẹ… Hai đứa trẻ ấy không biết: khi nào mẹ trở về?!!”. Đó là những dòng chữ tâm sự của một người mẹ đang phải chìm đắm trong nỗi buồn da diết. Lỗi ở đây không do người mẹ, cũng chẳng phải tại đứa con. Nhưng có một điểm cần nhắc đến, dù không phải lỗi ở người mẹ, nhưng những đứa con lại cảm thấy thật đau lòng khi không có mẹ ở bên, không còn vòng tay của mẹ ôm lấy, không còn nữa những quan tâm của người mẹ và đứa con đã khóc. Vì sao vậy? Vì một tình yêu không được đáp trả, những đứa con yêu thương mẹ thật nhiều, nhưng mẹ lại không có ở bên, mẹ không đáp trả tình yêu của chúng khiến chúng buồn, chúng khóc. Đó, một minh chứng cụ thể về một tình yêu không được đáp trả đã làm cho những đứa con phải buồn mặc dù chính người mẹ không muốn thế.

Câu chuyện không đổ lỗi cho người mẹ mà còn ẩn chứa trong đó sự cảm thông trước một xã hội đang phải đối mặt với sự vô cảm. Thế nhưng, câu chuyện đã góp phần làm tăng thêm giá trị của sự đáp trả tình yêu. Nếu một người mẹ yêu thương những đứa con đến thế mà còn để lại nỗi buồn rất lớn cho chúng khi không thể quan tâm, ở bên thì những người vô tâm không đáp lại tình yêu của người yêu sẽ cảm thấy buồn biết mấy. Chắc không thể nào diễn tả được bằng lời nỗi buồn ấy, một nỗi buồn của người đã yêu hết lòng mà không được yêu thương, không được quan tâm nữa. Trên một trang mạng dành cho những người trẻ với cái tên “Kênh 14” mới đây có bài viết làm cho những người trẻ phải suy nghĩ: “Vì sao chúng ta mãi không thể sống vui vẻ?”. Một trong số những điều mà bài viết ấy đề cập đương nhiên đó là tình yêu: “Có một câu nói rất nổi tiếng, rằng việc yêu một người không yêu mình cũng giống với việc chúng ta đang khờ dại chờ đợi một chuyến tàu hỏa xuất hiện tại sân bay vậy.”. Đó là một nhận định trong bài viết đã cho ta thấy được một nghịch lý, chẳng thể nào đến sân bay mà lại đón tàu được. Thế nhưng một tình yêu không được đáp trả lại thế đấy, một tình yêu cho đi mà không được đáp trả thường để lại nỗi buồn sâu thẳm.

Nếu tình yêu được đáp trả thì nỗi buồn sẽ được vơi đi bao nhiêu. Không cần thật sự lãng mạn, không cần lúc nào cũng kề cận nhưng chỉ là những tin nhắn quan tâm, những lời yêu thương để rồi người yêu ta có được sự an tâm cần thiết mà tin tưởng và yêu nhiều hơn, cuộc đời sẽ vui vẻ và ý nghĩa biết chừng nào. Chỉ là những quan tâm nhỏ bé để lấp đầy khoảng trống chờ đợi của người yêu thì chủ nghĩa vô cảm và sự buồn rầu sẽ tan biến khỏi thế giới, để tình yêu được gắn bó trong sự chung thủy và niềm vui.

Thiên Chúa cũng đang chờ đợi chúng ta đáp trả tình yêu vô biên của Ngài dành cho thế giới. Ngài chờ đợi chúng ta đến với Ngài bằng con tim đơn thành. Không như sự ích kỉ của con người, sự chờ đợi của Ngài còn được khích lệ bằng lời hứa bình an cho những ai đến với Ngài. Cũng giống như những người yêu nhau lúc nào cũng muốn ở bên nhau để cảm nhận sự căng tràn của tình yêu với sự hạnh phúc khó tả, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta ở bên Ngài, dành thời gian cho Ngài để Ngài trao gửi những yêu thương và hạnh phúc. Ngài còn muốn chúng ta đáp trả lại tình yêu của Ngài qua chính những người xung quanh chúng ta. Ngài kêu gọi mỗi người hãy yêu thương những người xung quanh như chính Ngài, biết quan tâm, chia sẻ và yêu thương những người xung quanh, nhất là những mảnh đời bất hạnh đang phải gồng mình trước một xã hội vô cảm, đầy thử thách và cám dỗ. Bởi vậy, hãy đáp trả tình yêu của Thiên Chúa qua những người mà Chúa gửi đến cho ta và qua chính người yêu thương ta bằng cả trái tim chân thành.

Tác giả: Hiên Sắc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây