GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Thứ 3 tuần 4 PS: Thánh Banaba phục vụ cộng đoàn Antiôkhia

Banaba có nghĩa là “người có tài an ủi”. Đây là tên các tông đồ đặt cho ông Giô-xếp, quê ở đảo Sýp và là một Lê-vi, tức là một tư tế chuyên lo việc tế tự (x. Cv 4,36). Chắc hẳn, phải có lý do đặc biệt nào đó khiến các tông đồ đặt cho ông ấy cái tên này, mà từ giờ trở đi được sách Công Vụ Tông Đồ dùng thay cho tên Giô-xếp.
00 00 saint barnabé
Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh

Sách Công Vụ Tông Đồ kể rằng sau khi ông Têphanô bị giết, và Giáo Hội của Chúa ở Giêrusalam bị bắt bớ, thì có những người tín hữu đã rời nơi ấy đi đến An-ti-ô-khi-a. Tại đây cũng như nhiều nơi khác, Lời Chúa vẫn lan tràn, nhưng chủ yếu chỉ dành người Do Thái. Tuy nhiên, điều đặc biệt là, có những người tín hữu gốc Sýp và Ky-rê-nê khi đến đây vẫn rao giảng Tin Mừng của Chúa cho cả người Hy Lạp. Như vậy, đây là lần đầu tiên có một cộng đoàn tín hữu có người Do Thái và người không phải Do Thái, một điều mà theo luật Môsê bị coi là cấm kỵ (x. Cv 11,19-21).

Cách An-ti-ô-khi-a chừng 500 km là Giêrusalem, thủ đô của Giáo Hội Công Giáo thời bấy giờ. Các tông đồ và những tín hữu nghe biết chuyện có một cộng đoàn đặc biệt như thế tại An-ti-ô-khi-a thì xem chừng ngạc nhiên, và có lẽ có người lo lắng bởi vấn đề về việc giữ luật cắt bì. Muốn biết thực hư thế nào, họ cử ông Banaba đi An-ti-ô-khi-a (x. Cv 11,22).

Banaba có nghĩa là “người có tài an ủi”. Đây là tên các tông đồ đặt cho ông Giô-xếp, quê ở đảo Sýp và là một Lê-vi, tức là một tư tế chuyên lo việc tế tự (x. Cv 4,36). Chắc hẳn, phải có lý do đặc biệt nào đó khiến các tông đồ đặt cho ông ấy cái tên này, mà từ giờ trở đi được sách Công Vụ Tông Đồ dùng thay cho tên Giô-xếp.

Dù sao, chúng ta có thể nghĩ rằng, ông Banaba được đặt tên như thế trước hết và quan trọng nhất vì ông là người có lòng yêu mến Thiên Chúa, hết lòng quảng đại với Ngài. Thực vậy, trong số rất nhiều người đã bán tài sản họ có, rồi lấy tiền thu được đặt dưới chân các tông đồ, thì duy nhất ông Banaba được xướng tên, đi kèm với danh hiệu “người có tài an ủi” (x. Cv 4,37).

Có lẽ, ông Banaba đã được nghe giảng về cuộc đời của Đức Giêsu, Đấng vốn là Thiên Chúa, là vua cả vũ trụ, Đấng giàu sang và uy quyền, đã tự nguyện trở nên nghèo khó trong thân phận con người, để cứu độ mọi người, và cứu độ bản thân ông.

Cảm nghiệm được tình yêu nhiệm mầu và quảng đại của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu dành cho bản thân, giờ đây ông Banaba muốn dâng lại cho Thiên Chúa qua trung gian các tông đồ tất cả những gì ông có và chính bản thân ông để Chúa sử dụng như Ngài muốn. Có thể thấy, khao khát duy nhất của ông Banaba đó là được trở nên môn đệ của Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh. Bởi vì, từ thẳm sâu cõi lòng, tiếng của Thầy Giêsu ngày nào đang thôi thúc ông: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21). Khi đã nghe được và mau mắn đáp lại tiếng gọi yêu thương của Thầy, ông Banaba chắc hẳn đã cảm được nơi tâm hồn một sự an ủi thiêng liêng sâu xa do Chúa ban, đủ sức biến đổi ông trở nên khí cụ bình an của Chúa cho tất cả  những ai ông gặp gỡ, hoặc gặp gỡ ông, cách riêng những người đang đau khổ, buồn sầu.

Sách Công Vụ Tông Đồ còn cho biết rằng khi đến An-ti-o-khi-a, ông Banaba thấy các tín hữu Do Thái nơi đây là những người có tâm hồn rộng mở, họ biết và giữ luật Môsê, nhưng lại không áp đặt luật ấy lên những người tín hữu Hy Lạp. Ông Banaba rất vui mừng, và khuyên mọi người hãy gắn bó cùng Chúa và như thế là đủ.

Sau đó, ông Banaba đi Tac-xô tìm ông Phaolô và mời gọi ông này cùng đi với mình vào vườn nho của Chúa và đang thiếu thợ gặt. Được ông Banaba khích lệ, ông Phaolô đến An-ti-ô-khi-a và phục vụ ở đấy.

Trước gương sáng về lòng tốt và lòng tin của ông Banaba, nhiều người đã đi theo Chúa, sống bác ái yêu thương mọi người không trừ ai theo gương Thầy Chí Thánh. Và vì thế, thật không ngạc nhiên khi các tín hữu ở đây được mọi người biết đến với tên gọi là Kitô hữu (x. Cv 11,26), một danh xưng đúng với bản chất của người môn đệ và người bạn của Chúa Giêsu: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Xin thánh Banaba Tông Đồ chuyển cầu cùng Chúa cho mỗi người Kitô hữu chúng ta được lòng nhiệt thành phụng sự Chúa và Giáo Hội vì lòng mến.  

Giuse Trương Hoàng Sơn, SJ, Nhóm Suy niệm BC
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây