GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Thứ 4 bát nhật PS: Nơi đâu mới thật là nhà?

Nếu đi từ nơi đất khách quê người đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình, người ta phải nói là về quê. Thế nhưng, đó chưa hẳn là cuộc hành trình về nhà. Quê hương vốn là phần không thể thiếu trong cuộc đời một người như lời bài hát đã diễn tả rằng “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
images (1)
Thứ Tư Bát Nhật Phục Sinh 
Lc 24:13-35

images (1)Nếu đi từ nơi đất khách quê người đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình, người ta phải nói là về quê. Thế nhưng, đó chưa hẳn là cuộc hành trình về nhà. Quê hương vốn là phần không thể thiếu trong cuộc đời một người như lời bài hát đã diễn tả rằng “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Tuy nhiên, quê hương lại là điều tôi không thể được lựa chọn, nhưng chính ngôi nhà mới là nơi tôi có thể chủ động chọn để đi về.

Bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay diễn tả hai cuộc hành trình đi đến quê hươngtrở về nhà mình trong hai trạng thái tâm hồn hoàn toàn đối ngược nhau.

Lần lên đường thứ nhất: “hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau” (Lc 24:13). Chẳng phải Em-mau là quê hương của họ sao? Thánh Mác-cô nói rõ “họ đang trên đường đi về quê” (Mc 16:12). Nhưng, có vẻ thánh Lu-ca có chủ đích khi cố tình dùng từ “đi đến” (πορευόμενοι (BGT)- traveling … to (NKJ)). Ngài không nói họ đi về, bởi họ đang bước tới nơi họ không mong ước. Họ bước đi trong miễn cưỡng, trong thất vọng. Lần lên đường này, họ bước đi giữa ban ngày nhưng trước mặt họ lại là một bầu trời u ám của buồn tẻ và thất vọng. Điều này đã được thánh Lu-ca diễn tả hết sức tinh tế với giọng văn trầm buồn và diễn tiến chậm chạp. Bởi lẽ, trong nỗi buồn chán và thất vọng thì người ta có cảm tưởng thời gian như thể dừng lại. Họ buồn, vì họ chỉ nhìn vào chính mình, vào những dự định dang dở của mình. Nỗi buồn quay quắt một mình lẻ loi.

Tuy nhiên, lần lên đường thứ hai thì hoàn toàn đối ngược lại: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem” (Lc 24:33). Chính lúc này, thánh Lu-ca mới dùng chữ “trở lại” (ὑπέστρεψαν (BGT) - returned to  (NKJ)). Bởi lẽ bây giờ, họ bước chân lên đường cách xác tín và có chủ đích. Nơi họ trở lại đó chính là nhà của họ, là nơi của sự gặp gỡ, của sẻ chia. Họ bước đi trong đêm tối nhưng phía trước họ lại là ánh sáng huy  hoàng của niềm vui và hi vọng. Giọng văn dồn dập, vui tươi như muốn làm nổi bật lên sự hân hoan vội vã của họ. Thời gian như thể chạy rất nhanh, vì họ đang nghĩ đến người khác, nghĩ đến thông điệp mà họ sẽ loan báo cho các bằng hữu. Niềm vui san sẻ người người hân hoan.

Vậy, điều gì dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn và đột ngột này? Thưa là vì họ đã gặp được Người, Đức Giê-su Phục sinh. Một cuộc gặp gỡ đích thực đã làm thay đổi hoàn toàn tâm hồn, hướng đi và cuộc đời của họ.
Còn tôi, tôi đã gặp Người? Con đường phía trước có phải là đường dẫn tôi trở về Nhà Cha?

Tác giả: Hùng Dinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây