GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Thứ 3 tuần 3 PS: Hạnh phúc và vinh quang của vị tử đạo tiên khởi

Tê-pha-nô đã được ở với Thầy trong kinh nghiệm bị đưa ra xét xử trước Thượng Hội Đồng, bị tố cáo và kết án oan. Và nhất là, Ngài đã được nên một với Thầy trong chính cách sống yêu thương đến hiến mạng sống vì Thầy và vì anh em đồng loại.
9829 Peter Paul Rubens The Martyrdom of Saint Stephen 001 628x377 600x360

9829 Peter Paul Rubens The Martyrdom of Saint Stephen 001 628x377 600x360

Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh
 
Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,56)
 
Bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng Do Thái, Tê-pha-nô đã mạnh dạn nói lời Thiên Chúa cho mọi người đang có mặt ở đấy. Bằng sự thông hiểu Kinh Thánh, thánh nhân nhắc mọi người nhớ lại những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân riêng của Ngài suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó là việc Thiên Chúa đã gọi ông Abraham rời bỏ quê cha đất tổ để đến vùng đất mà Ngài hứa cho ông và dòng dõi, rồi chuyện Chúa chọn Môsê để lãnh đạo dân riêng thoát ra khỏi tình trạng nô lệ bên Ai Cập, cũng như việc Thiên Chúa thiết lập giao ước với dân trên núi Si-nai. Thiên Chúa vẫn luôn trung tín bất chấp sự bất trung phản trắc của dân. Ngài đã chọn Đa-vit làm vua lãnh đạo vương quốc Israel và không ngừng chúc phúc cho vua và dân tộc Ngài đã tuyển chọn (x. Cv 7,1-50).

9829 Peter Paul Rubens The Martyrdom of Saint Stephen 001 628x377 600x360Qua đó, chúng ta thấy rằng, Tê-pha-nô quả thực là người rất say mê Thiên Chúa và Lời của Ngài. Thánh nhân không những rất thuộc Kinh Thánh, nhưng còn nghiền ngẫm Lời Chúa trong cầu nguyện, rồi đem ra thực hành trong đời sống. Chính vì đã để cho đời mình được bén rễ sâu trong Lời của Chúa, nên cuộc sống của Ngài trổ sinh rất nhiều hoa trái đúng như Lời Chúa Giêsu nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. . .Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15,5.7). Cộng đoàn các tín hữu sơ khai cũng đã xác nhận về đời sống thánh thiện của Têphanô như sau: “ông Têphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân” (Cv 6,8).

Được tình yêu Chúa thôi thúc, thánh Tê-pha-nô hăng say rao giảng Lời Chúa cho mọi người. Cách đặc biệt, trong bối cảnh phải chịu tra vấn trước những nhà lãnh đạo Do Thái, người môn đệ của Chúa đã không nói một lời nào khác ngoài lời của Chúa với xác tín rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105). Đây đích thực là ơn xin mà cộng đoàn các tín hữu sơ khai, trong đó có Tê-pha-nô, vẫn hằng dâng lên Thiên Chúa khi gặp sự bách bớ: “xin cho tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn” (Cv 4,29).

Tê-pha-nô say mê Lời Chúa, và vì thế Ngài cũng say mê làm chứng cho Đức Giêsu là Đấng mà toàn bộ Kinh Thánh qui hướng về. Thánh nhân làm chứng cho Thầy của mình không chỉ bằng lời nói, nhưng hơn hết, Ngài làm chứng cho Chúa Giêsu bằng việc làm cho đời sống của bản thân rập theo đời sống của Thầy Chí Thánh. Tê-pha-nô trở nên người phục vụ Đức Kitô, và vì thế, Chúa Giêsu ở đâu, thánh nhân cũng được ở đó với Chúa như lời Ngài nói: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26).

Tê-pha-nô đã được ở với Thầy trong kinh nghiệm bị đưa ra xét xử trước Thượng Hội Đồng, bị tố cáo và kết án oan. Và nhất là, Ngài đã được nên một với Thầy trong chính cách sống yêu thương đến hiến mạng sống vì Thầy và vì anh em đồng loại. Thực vậy, Tê-pha-nô đã bị kết án tử với hình phạt bị ném đá. Và khi chịu khổ hình như thế, mặc dù cảm thấy sự đau đớn nơi thân xác trước trận mưa đá tàn bạo hướng về mình, thánh nhân vẫn cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc thiêng liêng vì đã trung tín với Thầy. Giờ đây, thánh nhân biết mình sắp hoàn tất sứ mạng Thầy đã trao gửi, vì thế, Ngài phó thác chính mình cho tình yêu thương xót vô bờ bến của Chúa, bằng việc noi gương Thầy Giêsu, mà cầu nguyện với lời của Thánh Vịnh: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (Cv 7,59; Tv 30,6; Lc 24,46).

Theo gương Thầy và cùng cách thức như Thầy, Tê-pha-nô còn cầu nguyện cho những người bách hại mình, và cũng là những người anh em Do Thái của Ngài rằng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,6). Con tim Tê-pha-nô nên một với con tim của Thầy Giêsu, trong mọi sự chỉ tìm yêu thương và “yêu thương cho đến cùng” (Ga 13,1). Sau lời đó, Tê-pha-nô trút hơi thở và an nghỉ trong bàn tay từ ái của Thiên Chúa Tình Yêu.

Chúa Giêsu đã phán: “Ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người” (Mt 8,38). Tê-pha-nô đã không hổ thẹn vì Thầy Giêsu và Lời của Ngài. Trái lại, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đã mạnh dạn dùng máu đào để làm chứng cho Thầy. Vì vậy, thánh nhân được Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha mở cửa trời đón Ngài vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước của Thiên Chúa. Và, người tớ trung thành của Chúa đã sung sướng kêu lên: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,56).
 
Trương Hoàng Sơn, SJ, Nhóm Suy niệm BC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây