GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


CN 33: Các thánh Tử đạo VN thật khôn ngoan!

Thử hỏi được mời gọi và chọn lựa sống như vậy, các thánh tử đạo Việt Nam và các kitô hữu là người khôn ngoan hay dại khờ? Với những người không có đức tin thì các kitô hữu và đặc biệt các thánh tử đạo Việt Nam là những người khờ dại. Tuy nhiên, với những người có đức tin, các kitô hữu nói chung và các thánh tử đạo Việt Nam nói riêng là người vô cùng khôn ngoan.
images
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Kn 3,1-9; Kh 7,9-7; Lc 9,23-26

imagesKitô hữu phải tuân giữ giới răn Chúa, sống theo những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã sống  nên nhiều khi bị chống đối, chịu bách hại, thậm chí phải dâng hiến cả mạng sống để làm chứng cho Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài. Nhìn vào đời sống của các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy rất rõ điều ấy. Các ngài đã bị bắt, bị đòn vọt, xiềng xích, gông cùm và cuối cùng là bị cướp đi mạng sống. Thử hỏi được mời gọi và chọn lựa sống như vậy, các thánh tử đạo Việt Nam và các kitô hữu là người khôn ngoan hay dại khờ? Với những người không có đức tin thì các kitô hữu và đặc biệt các thánh tử đạo Việt Nam là những người khờ dại. Tuy nhiên, với những người có đức tin, các kitô hữu nói chung và các thánh tử đạo Việt Nam nói riêng là người vô cùng khôn ngoan.

Quả vậy, người khôn ngoan là người tìm kiếm và thực thi đường lối của Thiên Chúa. Mục đích cuộc đời của họ không phải là thế gian này, nhưng là hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Muốn đạt tới hạnh phúc ấy, họ cần tuân giữ giới răn Chúa, nỗ lực sống những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã sống. Tuân giữ giới răn Chúa và sống theo những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã sống đòi họ phải hy sinh rất nhiều, có khi bị thế gian chống đối. Họ coi sự bắt bớ, bách hại không phải là hình phạt, nhưng là những cơ hội thanh luyện để trở nên xứng đáng hơn với Thiên Chúa. Cái chết không phải là dấu chấm hết cho một kiếp người, nhưng là cánh cửa mở ra cho sự gặp gỡ diện đối diện với Thiên Chúa, sự hoàn tất của hành trình ơn gọi làm người. Nói như sách Khôn Ngoan thì phần phúc của người công chính sau khi chết thật lớn lao “được Thiên Chúa viếng thăm, cho rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy, trao quyền thẩm phán xét xử muôn dân, thống trị muôn nước, được làm thần dân trong vương quốc của Thiên Chúa, sẽ am tường sự thật, được Thiên Chúa yêu thương cho ở gần.” Nói cách khác, qua cái chết, các vị được thanh luyện để trở nên hoàn toàn xứng đáng với bình an, niềm vui, sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc viên mãn của chính Thiên Chúa.

Những điều này cũng được thánh Gioan minh chứng rất rõ trong sách Khải Huyền. Qua một thị kiến, thánh nhân thấy thành Giêrusalem trên trời mở ra. Trong thành đó có rất nhiều người, không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế và lớn tiếng tung hô, chúc tụng, thờ lạy và ngợi khen Thiên Chúa. Thánh nhân đã hỏi các Kỳ Mục “những người đó là ai và họ tự đâu mà đến?” Thánh nhân được trả lời “Họ là những người đã đến sau khi đã trải qua thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.” Như vậy, những người được vào thành Giêrusalem mới phải trải qua những thử thách lớn lao, được thanh luyện bằng máu Con Chiên tinh tuyền. Các thánh tử đạo Việt Nam và các kitô hữu nếu thực sự cố gắng giữ giới răn Chúa và sống những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã sống là họ để cho đời mình được giặt sạch và tẩy trắng trong máu Con Chiên nên thật xứng đáng với Giêrusalem trên trời. Ở nơi đó, các ngài sẽ không còn phải đói khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai chăn dắt và dẫn đưa tới nguồn nước trường sinh và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.

Tất cả những gì được sách Khôn Ngoan và Khải Huyền nói tới đều được củng cố bởi Tin Mừng. Chúa Giêsu đã nói với mọi người rằng ai muốn theo Ngài, làm môn đệ của Ngài, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai hy sinh mạng sống mình vì Ngài, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Những người bỏ mình vác thập giá mình theo Chúa Giêsu, hy sinh mạng sống mình vì Chúa Giêsu, bỏ lại mọi sự cho thế gian, không phải là mất tất cả, nhưng được lại tất cả, được lại chính sự sống của mình. Chúa Giêsu sẽ không xấu hổ với những người này khi Ngài vào trong vương quốc của Chúa Cha cùng với các thiên thần. Không xấu hổ có nghĩa là Ngài sẽ vui mừng đón nhận họ vào trong vương quốc của Chúa Cha. Nói cách khác, những gì Chúa Giêsu được tận hưởng trong vương quốc của Chúa Cha thì những ai theo Chúa Giêsu cũng sẽ được tưởng thưởng như vậy. Các thánh tử đạo Việt Nam đã sống những lời này của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời. Các ngài đã từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày theo Chúa, đã hy sinh mạng sống mình vì Chúa. Thập giá các ngài phải vác đi thật không nhẹ nhàng. Đó là sự bách hại, sự bắt bớ, đòn vọt, xiềng xích, gông cùm và cái chết. Thế nhưng, vì Chúa Giêsu, và vì Tin Mừng, các vị đã chịu đựng tất cả. Vì thế, các ngài thật xứng đáng với vinh quang Nước Trời.

Các thánh tử đạo Việt Nam và những kitô hữa chân thành, nỗ lực tuân giữ giới răn Chúa, sống theo Chúa Giêsu không phải là người khờ dại, nhưng là người rất mực khôn ngoan. Các ngài đã chọn các giá trị tuyệt đối, vĩnh cửu và vô biên thay cho các giá trị tương đối, tạm thời và giới hạn. Các giá trị tuyệt đối, vô biên và vĩnh cửu ấy là thiên đàng, là thuộc về Chúa, là những phúc lành Chúa ban cho đời này và đời sau. Đây cũng chính là đích điểm của cuộc đời kitô hữu. Hỏi rằng đang sống trong trần thế này, anh chị em đã chọn gì làm lý tưởng sống cho mình? Anh chị em có chọn lựa các giá trị tuyệt đối, vĩnh cửu và vô biên hay theo đuổi các giá trị tương đối, tạm thời, giới hạn của thế gian và sống chết cho các giá trị ấy. Nguyện xin Chúa cho các tín hữu biết noi gương các thánh tử đạo Việt Nam chọn Thiên Chúa và những gì thuộc về Thiên Chúa, cố gắng sống chết cho các giá trị đã lựa chọn, để xứng đáng với hạnh phúc Nước Trời như các ngài. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây