GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Thập giá, dấu chỉ tình yêu

Thập giá đó ngài đã chết vinh quang. Thập giá đó Ngài hiến dâng tất cả, để cứu chuộc trần gian. Ôi thập giá đó là tình yêu, là tình yêu, là niềm hy vọng cho ai bước vào gian khổ, đón nhận với trọn niềm vui. Đó là những ca từ trong bài hát: thập giá-tình yêu và hy vọng của tác giả Ngọc Linh. 
Thập giá, dấu chỉ tình yêu
Thập giá đó ngài đã chết vinh quang. Thập giá đó Ngài hiến dâng tất cả, để cứu chuộc trần gian. Ôi thập giá đó là tình yêu, là tình yêu, là niềm hy vọng cho ai bước vào gian khổ, đón nhận với trọn niềm vui. Đó là những ca từ trong bài hát: thập giá-tình yêu và hy vọng của tác giả Ngọc Linh.
 
“Tìm hiểu về khung cảnh lịch sử: cái chết của Đức Giêsu không phải là chuyện đột xuất, bất ngờ nhưng là cao điểm của cuộc đối kháng kéo dài giữa Đức Giêsu và những thủ lãnh tôn giáo Do Thái đương thời: các thượng tế, tư tế, kinh sư và biệt phái”[1].
 
Một số thủ lãnh Israel đã tố cáo Chúa Giêsu chống lại lề luật, chống lại Đền thờ Giêrusalem và đặc biệt chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, bởi vì tự xưng mình là Con của Thiên Chúa. Chính vì thế, họ đã nộp người cho quan Philatô, để người bị kết án tử hình[2].
 
Chúng ta có thể thấy cây thập giá trong các nhà thờ và các gia đình công giáo không? Thập giá là khung gỗ có hình chữ thập, được người Rôma dùng để đóng đinh các phạm nhân nô lệ hoặc không phải công dân của họ vào đó. Vì thế, thập giá là dấu hiệu của sự đau khổ, ô nhục, sợ hãi và chết chóc. Đức Giêsu đã phải chịu hình phạt khủng khiếp như thế, là đóng đinh vào thập giá. Nhưng lạ thay, từ đỉnh cao thập giá, từ ngút ngàn đau đớn, thay cho những lời chửi bới và nguyền rủa, người ta lại nghe được lời khẩn nguyện của Đức Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ. Vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đỉnh cao của tình yêu là ở đó. Tha thứ cho chính những người làm hại mình. Thập giá là dấu chứng của tình yêu vĩ đại, tình yêu đi đến cùng[3]
 
Vậy mãnh lực của thập giá là gì? Phải có thập giá mới được vào Nước trời, thế sao bạn ngại vác? Thập giá là phần rỗi, thập giá là sinh mệnh. Thập giá là thuẫn che khỏi tay thù. Thập giá là nguồn êm dịu trên trời, là sức mạnh của tâm hồn, vui mừng của lý trí. Nhân đức hoàn hảo và thánh thiện tột bậc cũng do ở thập giá. Không có phần rỗi linh hồn, không có hy vọng sống đời đời nếu không do ở thập giá. Hãy vác thập giá và đi theo Chúa Giêsu, bạn sẽ được sống đời đời. Chúa đã vác thập giá đi trước bạn, đã chết trên thập giá vì bạn, để bạn cùng mang lấy thập giá và ao ước chết  trên thập giá. Vì “có chết với Chúa, bạn sẽ sống lại với Chúa. Nếu bạn đã đồng khổ, tất cũng sẽ đồng vinh với Ngài[4].
 
Nhiều Kitô hữu đeo thập giá trên cổ và chúng ta cũng thấy ở nhiều nhà thờ Kitô giáo có cây thập giá lớn bên trong nhà thờ. Chính thập giá là biểu tượng quen thuộc nhất của người Kitô giáo. Một trong những biểu tượng phổ biến nhất trên thế giới. Thập giá mang đầy đủ ý nghĩa. Bởi vì khi chúng ta mang bên mình, chúng ta nghĩ về Đức Giêsu Kitô, Ngài ở trung tâm niềm tin Kitô giáo. Các tín hữu tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Trong tiếng anh từ “cross”-thập giá bắt nguồn từ tiếng La tinh “Crux” có nghĩa là cọc trói người để thiêu sống hay thập giá, một hình thức tra tấn. Thập giá trở thành một phần của nghi thức khi chúng ta làm dấu thánh giá. Chúng ta nhân danh Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần)[5]. “Khi nhìn ngắm thánh giá, ta hiểu được sự cao cả của tình yêu Chúa. Khi ta nhìn ngắm máng cỏ, ta hiểu được sự âu yếm của tình yêu Chúa, đối với bạn, đối với tôi, đối với gia đình bạn và đối với tất cả mọi gia đình”[6].
 
Lạy Chúa Kitô là Thiên Chúa, Chúa đã Hiển Dung trên núi và, tùy theo khả năng, các môn đệ chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, để mai sau khi thấy Chúa chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Chúa đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho thế giới biết Chúa chính là vinh quang Chúa Cha chiếu tỏa[7].
 
Quai Dép
 

[1] Giáo lý Hội thánh Công giáo dành cho người trưởng thành, NXB Tp. HCM, Tp. HCM 1999, tr. 64.
[2] Bản toát yếu-SGLHTCG Ủy ban Giáo lý đức tin, NXB Tôn giáo, Tp. HCM 2009, tr. 71.
[3] ĐGM, Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đạo yêu thương, NXB Tôn giáo, Hà nội 2014, tr. 19.
[4] Gương Chúa Giêsu, NXB Tôn giáo, Hà nội 2004, tr. 130-131.
[5] Les Miller, 25 Questions about Catholic Saints and HeroesChuyển ngữ: Nt. Maria Vũ Thị Thu Thủy - Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập, NXB Đồng nai, Tp. HCM 2016, tr. 9-10.
[6] Mẹ Têrêsa Calcutta.
[7] Phụng vụ Byzantin.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây