GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Tương quan giữa Chúa Giêsu và dân chúng

Sau khi khai mạc sứ vụ tại Ga-li-lê, Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ, chữa lành bệnh nhân: người bất toại, người bị quỷ ám. Ngài ăn uống với tội nhân, người thu thuế và tranh luận với nhóm Pha-ri-sêu về việc ăn chay và giữ luật Sa-bát.
Tương quan giữa Chúa Giêsu và dân chúng

Thứ Năm CN II TN NĂM C

Dt 7,25-8,6; Mc 3,7-12

download 10Sau khi khai mạc sứ vụ tại Ga-li-lê, Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ, chữa lành bệnh nhân: người bất toại, người bị quỷ ám. Ngài ăn uống với tội nhân, người thu thuế và tranh luận với nhóm Pha-ri-sêu về việc ăn chay và giữ luật Sa-bát. Vì thế, Ngài trở nên nổi tiếng và nhiều người tìm gặp Ngài. Do đó, Tin mừng hôm nay nói lên mối tương quan giữa Đức Giê-su và dân chúng.

Dân chúng tìm cách tiếp cận Đức Giê-su vì nhiều lý do khác nhau. Họ đến từ Ga-li-lê, Giu-đê, Giê-ru-sa-lem, I-đu-mê, vùng bên kia sông Gio-đan, hai vùng phụ cận (Tia và Xi-đôn). Người đến để lắng nghe Đức Giê-su giảng, hoặc có người không tin hay người khác đến vì muốn được khỏi bệnh, người khác nữa đến vì tò mò, xem Đức Giê-su là ai. Đặc biệt, có người cuồng tin, đến chỉ mong đụng chạm tới Đức Giê-su để được khỏi bệnh bởi vì Ngài không phải là một bác sĩ y khoa. Ngài làm phép lạ như dấu chỉ giúp con người đến với Đức Tin và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài nói với các tông đồ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,37-38). Như thế, xét về khoảng cách, mối tương quan giữa dân chúng và Đức Giê-su rất gần gũi nhưng dân chúng đến với Ngài có phần nào đó vụ lợi. Ngài như tâm điểm, đám đông dân chúng chen lấn nhau đến với Ngài.

Đối diện với dân chúng, Đức Giê-su đã giữ một khoảng cách vừa đủ, để Ngài nói với dân chúng và dân chúng lắng nghe được lời Ngài. Do vậy, Ngài đã lên một chiếc thuyền mà các môn đệ đã chuẩn bị sẵn. Một khoảng cách an toàn mà mọi người vẫn đủ lắng nghe. Lời của Ngài luôn có một năng động nội tại thu hút người khác và cho họ cảm nhận được Lời ấy có uy quyền như Thiên Chúa, là Sự Sống, là Bình An và là Chân Lý. Lời của Ngài còn mạc khải cho chúng ta về Cha của Ngài. Nghe Lời này, thần ô uế đã nhận ra lý lịch của Đức Giê-su và hô to lên: Ngài là Mê-si-a, là Con Thiên Chúa để lôi cuốn nhiều người vào một thứ tin tưởng lệch lạc và vụ lợi về Đấng Mê-si-a với mục đích phá huỷ chương trình cứu độ của Ngài. Bởi thế, Đức Giê-su đã nghiêm cấm chúng vì “bí mật Mê-si-a” chưa đến lúc được tiết lộ.

Như thế, mối liên hệ giữa Đức Giê-su và dân chúng có phần thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi ở chỗ dân chúng đông đảo đến với Ngài và Ngài đến với dân chúng tạo nên mối tương quan hai chiều: Thiên Chúa nói với con người và con người tin vào lời quyền năng của Thiên Chúa. Khó khăn ở chỗ nhiều người đến với Đức Giê-su có tính vụ lợi, mong được Ngài đáp ứng những nhu cầu riêng tư, chứ không tin Ngài. Nhiều người vẫn đặt câu hỏi: “Đức Giê-su là ai?” Qua mối liên hệ giữa Đức Giê-su và dân chúng, bài học cần rút ra cho mỗi người là đức tin không được đốt cháy giai đoạn, cần phải có thời gian để Lời Chúa uốn nắn, sửa dạy và cũng là thời gian ấy con người cảm nhận, thấm nhuần Lời Ngài giáo huấn.

Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ nhớ Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Ngài sinh năm 1567 tại Xa-voa và qua đời ở Ly-ông ngày 28 tháng 12 năm 1622, nước Pháp. Ngài được chọn làm giám mục Giơ-ne-vơ và là một mục tử lo lắng cho giáo sĩ và giáo dân. Ngài dùng lời nói và chữ viết bảo vệ đức tin tinh tuyền của Hội Thánh. Ngài giúp giáo dân nâng cao đời sống thiêng liêng, lo lắng chăm nom cả người bé lẫn người lớn. Ngài cũng là người sáng lập dòng Các Nữ Tu Thăm Viếng cùng với chị Phan-xi-ca đờ Săng-tan. Theo gương ngài, người tín hữu được mời gọi sống thánh thiện, hiền lành, đức độ, hết lòng phục vụ anh em và làm chứng cho lòng yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Amen!

Tác giả: Nhóm suy niệm BC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây