GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Truyền giáo như Chúa Giêsu mong muốn

Lời Chúa Giêsu dạy các tông đồ về việc ra đi truyền giáo thật quá rõ ràng: Rao giảng Nước trời đã đến gần. Trước hết, hãy chứng thực Nước ấy đang đến bằng việc chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ.
Truyền giáo như Chúa Giêsu mong muốn
Thứ Năm tuần XIV
Mt 10, 7-15

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8).

Lời Chúa Giêsu dạy các tông đồ về việc ra đi truyền giáo thật quá rõ ràng: Rao giảng Nước trời đã đến gần. Trước hết, hãy chứng thực Nước ấy đang đến bằng việc chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Tiếp đến, hãy chứng thực Nước ấy đang đến bằng cuộc sống quảng đại, cho đi và phó thác: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10,8-10).  Sau cùng, hãy chứng thực Nước ấy bằng việc chúc lành, trao ban bình an: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12).

Lệnh truyền trên đây về việc truyền giáo vẫn đang được ngỏ với tất cả chúng ta, cách riêng các linh mục, tu sỹ, ban hành giáo, giáo lí viên.

Có thể chúng ta chưa thể hay không thể sống theo nghĩa đen những chỉ thị trên đây nhưng chắc chắn không được gạt bỏ tinh thần truyền giáo mà Chúa Giêsu muốn chúng ta giữ mãi. Đó là hãy rao giảng Nước trời không chỉ bằng lời nói mà bằng chính đời sống của mình. Hãy làm cho đời sống của mình thành Tin mừng, thành Lời rao giảng. Vậy làm sao để chứng thực Nước trời đang đến trong cuộc đời của tôi đây?

Trước hết, có lẽ chúng ta không được ban cho quyền hay khả năng theo nghĩa hẹp, nghĩa đen: làm phép lạ chữa bệnh thể lí như làm cho kẻ chết về thể xác sống lại hay có khả năng trừ quỷ. Tuy nhiên, theo nghĩa rộng và nghĩa thiêng liêng, Chúa vẫn ban và tất cả chúng ta vẫn được ban cho khả năng chữa trị về mặt tâm lí, thiêng liêng. Do đó, chúng ta cần “làm chứng” hay thực thi quyền tinh thần hay thiêng liêng ấy cho những người đau yếu, những kẻ đã chết về đàng linh hồn hay những kẻ bị các thói hư tật xấu khống chế, điều khiển.

Tiếp đến, điều quan trọng là chúng ta, những sứ giả Tin mừng, có thật sự quảng đại, sẵn sàng tốn phí thời gian, sức lực mà chúng ta đã được ban tặng cách nhưng không để thực thi quyền tinh thần và thiêng liêng ấy không. Nếu quảng đại, chúng ta sẽ chi thời gian và sức lực để nhẫn lại, hy sinh, để gần gũi, lắng nghe, để cảm thông, đồng cảm, để chia sớt và đón nhận những “bệnh nhân”, những kẻ “phong cùi” hay “quỷ ám”. Lúc ấy, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho chính Chúa Giêsu thể hiện tình thương chăm chút của Ngài cho họ. Một thách đố đặt ra là chúng ta cần sẵn sàng đồng hành với họ, khuyến khích động viên, chúc lành cho họ.

Sau cùng, khi  rao giảng Tin mừng, hãy ý thức rằng người rao giảng không chỉ cho mà còn phải nhận. Không chỉ đón nhận sự tiếp rước hay những đồ ăn thức uống và đồ dùng người ta cung cấp cho mà điều quan trọng là đón nhận chính con người họ, lối sống của họ, suy nghĩ của họ, giới hạn của họ. Hơn nữa, khi đón nhận như vậy, người rao giảng Tin mừng cũng học được nơi họ để “làm giàu,” làm phong phú cho đời sống thiêng liêng của mình và cho kinh nghiệm truyền giáo của mình. Hóa ra, người rao giảng cũng trở thành kẻ đón nhận, thậm chí, cũng cần “được rao giảng” bởi người đón nhận Tin mừng.

Như vậy, truyền giáo như Chúa Giêsu mong muốn là cùng Ngài loan báo Tin mừng bằng chính đời sống quảng đại hy sinh để gần gũi, cảm thông, để an ủi, chữa lành những vết thương tâm hồn của người anh chị em chúng ta. Khi gần gũi và cảm thông như vậy, chính chúng ta cũng đón nhận được nhiều điều quý giá cho bản thân và đặc biệt được biến đổi trở nên Con người của Tin mừng. Amen.

Tác giả: Lm. Gioachim Nguyễn Hữu Văn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây