GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Tôi để lại gì khi ngang qua cuộc đời người khác?

Không biết có bao giờ ông bà anh chị em ngồi suy nghĩ về những người đã đi ngang qua cuộc đời mình chưa? bao nhiêu người đi ngang qua, và mình đi ngang qua bao nhiêu người chưa? Có bao giờ anh chị em suy nghĩ về những người đã đi ngang qua cuộc đời mình để lại cho mình điều gì, và mình để lại nơi họ điều gì?
Tôi để lại gì khi ngang qua cuộc đời người khác?
CHÚA NHẬT II TN – B
1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42

lambKính thưa cộng đoàn phụng vụ, các bạn trẻ rất thân mến,
Không biết có bao giờ ông bà anh chị em ngồi suy nghĩ về những người đã đi ngang qua cuộc đời mình chưa? bao nhiêu người đi ngang qua, và mình đi ngang qua bao nhiêu người chưa? Có bao giờ anh chị em suy nghĩ về những người đã đi ngang qua cuộc đời mình để lại cho mình điều gì, và mình để lại nơi họ điều gì? Tương quan liên ngôi vị, vốn nó là bản chất xã hội của con người. Vì thế, cuộc đời một người luôn trải qua rất nhiều mối tương quan, nghĩa là họ đi ngang qua cuộc đời của nhau. Vấn đề là tương quan ấy tốt hay xấu, đáng nhớ hay đáng quên mà thôi.

Tin Mừng hôm nay là trình thuật về việc Chúa Giê-su kêu gọi những người đầu tiên trở nên môn đệ của Ngài. Tin Mừng đã kể lại rằng: “Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông Gioan lên tiếng nói: “Đây Chiên Thiên Chúa””. Hai môn đệ của ông Gioan nghe ông nói như thế, liền đi theo Chúa Giê-su. Hai môn đệ này, một người tên là An-rê, người kia được giấu tên, về sau đã trở thành môn đệ của Chúa Giê-su. Sở dĩ các ông trở thành môn đệ của Chúa Giê-su là vì chính ông Gioan đã giới thiệu rằng Người là “Chiên Thiên Chúa”. Vì con người vốn luôn đòi hỏi mọi thứ phải thực tế, phải mắt thấy tai nghe nên nếu chỉ đơn thuần là lời giới thiệu của ông Gioan thì chưa chắc hai môn đệ của ông đã từ bỏ ông mà đi theo Chúa Giê-su. Có lẽ lý do tiên quyết để hai ông trở thành môn đệ của Chúa Giê-su là Chúa Giê-su đã đi qua cuộc đời các ông: “Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông Gioan lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa." Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su” (1,36-37). Chính cuộc đi qua, cho dù Chúa Giê-su không mở lời kêu gọi, nhưng đó lại là lời mời gọi nhẹ nhàng nhưng tha thiết, là mặc khải sứ mệnh và cuộc đời của chính các ông. Chính vì thế, các ông không chỉ đi theo mà còn ở lại với Chúa Giê-su.

Kính thưa quý ông bà anh chị em, có bao giờ chúng ta nghĩ về vận mệnh và sứ mạng cuộc đời mình không? Đừng bao giờ suy nghĩ cách đơn giản rằng: sự hiện diện của TÔI trên đời này chỉ đơn thuần là kết quả tình yêu của cha và mẹ, nhưng trước tất cả và trên hết, sự hiện diện của chúng ta xuất phát từ việc Chúa ngang qua cuộc đời mình. Tất cả mọi người hiện diện trên thế gian này đều do bởi tiếng mời gọi thì thầm, ánh mắt nhân từ và hình bóng Thiên Chúa ngang qua. Hạnh phúc hơn nữa, chúng ta được hiện hữu ở thế gian này, để làm con và làm môn đệ Chúa - ơn gọi Ki-tô hữu. Thánh Augustino đã nói với các tín hữu rằng: “Với anh em, tôi là một Ki-tô hữu; và cho anh em, tôi là một giám mục”. Điều đó có nghĩa xuất phát điểm của tất cả mọi người là ơn gọi Ki-tô hữu. Do đó, mỗi người dù sống ở bậc nào, địa vị nào, khả năng nào,… thì tất cả đều là Ki-tô hữu. Hãy sống thực sự là Ki-tô hữu, vì Thiên Chúa luôn đi qua cuộc đời chúng ta.

Những người theo triết thuyết nhị nguyên cho rằng cuộc đời luôn tồn tại hai mặt: có yêu thì có ghét, có ngọt bùi sẽ có đắng cay, có phải sẽ có trái, có hạnh phúc sẽ có đau khổ,… Điều đó chúng ta không cần kiểm chứng, chỉ cần biết rằng chúng ta đã hoặc sẽ trải qua. Thành thử, dù muốn dù không thì những đau khổ và thất vọng, những cô đơn và thất bại, vẫn luôn có thể đến hiện diện trong cuộc đời mình. Thậm chí, có những lúc tưởng chừng như thế giới đã chết, chỉ còn một mình ta gặm nhấm những đau khổ và không người sẻ chia. Đừng sợ, Thiên Chúa vẫn không ngừng đi qua cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ không cô đơn. Ngay cả khi thế giới này biến mất, thì vẫn luôn còn Thiên Chúa đi qua cuộc đời chúng ta.

Vì được Chúa Giê-su đi qua và hiện diện trong cuộc đời, nên các môn đệ đầu tiên đã sẵn sàng ở lại với Người. Các tín hữu được mời gọi ở lại với Chúa. Tuy nhiên, ở lại là ở thế nào? Ở lại với Chúa không có nghĩa là ở lì lại thánh đường này, cũng không phải ở lì bên Chúa để “ăn mày” lòng thương xót của Chúa, nhưng để cho hơi thở, sức sống, những hành động trong cuộc đời luôn có bóng dáng của Thiên Chúa. Tất cả những điều đó, không gì khác hơn, là việc chúng ta nên thánh trong bổn phận. Chính thánh Phao-lô đã nói trong bài đọc 2 rằng: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa”(1Cr 6,19). Ngôn sứ Samuen trong bài đọc 1, đã lắng nghe, chạy đến và sống với Chúa, nên Thiên Chúa đã ở với ông. Đó chính là mẫu gương về đời sống “ở lại”, mà chúng ta cần phải học. Linh mục nhạc sĩ Kim Long đã sáng tác bài hát “Ở lại với con”, với lời lẽ đầy tha thiết, mời gọi Thiên Chúa ở lại trong cuộc đời: “Ở lại với con, ở lại với con. Đừng về nữa, đừng về nữa Chúa ơi, thôi đừng về nữa….Xin ở lại với con vì hồn con luôn sống bởi Ngài, thôi đừng về nữa Chúa ơi”. Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không đi về đâu cả, không rời xa cuộc đời chúng ta. Chỉ là lối sống của chúng ta đẩy Chúa đi xa mà thôi. Có thể nào chúng ta thuộc lời bài hát của Linh mục nhạc sĩ Kim Long, để mời gọi Chúa ở lại với chúng ta được không?

Lời Chúa hôm nay, cũng để lại cho chúng ta một thông điệp là: Hãy ở lại trong nhau. Như đã nói từ lúc đầu, mỗi người đã đi qua biết bao nhiêu người, và có thể mỗi cuộc đi qua là một dấu ấn. Những dấu ấn hay những ấn tượng để lại có thể do vô tình hoặc hữu ý. Có những dấu ấn làm cho người ta vui mừng, hạnh phúc và nhớ mãi; tuy nhiên, cũng có những dấu ấn để lại nơi người ta những vết thương và sự tổn thương nặng nề, chỉ muốn quên đi, mà đôi khi không quên được. Có những người đi ngang qua cuộc đời ta nhiều lần, nếu để lại nơi họ ấn tượng xấu, thì chúng ta còn có cơ hội sửa sai. Nhưng chẳng may, có những người chỉ đi qua ta một lần duy nhất trong đời, nếu chúng ta để lại nơi họ những vết thương thì cuộc đời ta trở nên dấu chấm đen trong họ. Nào có ai muốn như vậy!!! Vì thế, Lời Chúa hôm nay tha thiết mời gọi ta hãy đi qua nhau và hãy ở lại trong nhau. Muốn như thế, mỗi người khi đi qua cuộc đời ai, hãy để lại ấn tượng tốt nơi họ. Hãy sống với họ như là chúng ta chỉ được gặp họ một lần duy nhất, để rồi sau tất cả, tình yêu và lòng cảm mến còn đọng lại.

Xin Chúa Giê-su, Đấng luôn đi ngang qua cuộc đời mỗi người, ban ơn để chúng ta nhận biết giá trị của ơn gọi làm con Chúa, để luôn biết sống và ở lại trong Chúa; và cho chúng ta một trái tim biết yêu thương, để chia sẻ và ở lại nơi những người đi qua cuộc đời mình. Amen.  

Tác giả: Lm. Giuse Đoàn Văn Tuân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây