GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Tỉnh thức chờ Chúa đến

Hôm nay chúng ta bước sang năm Phụng vụ mới. Khởi đầu năm Phụng vụ bao giờ cũng là mùa Vọng. Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng năm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức sẵn sàng chuẩn bị tâm hồn mừng Đại Lễ Giáng Sinh và chờ đợi Chúa quang lâm hoàn tất kế hoạch cứu độ. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là: thế nào là tỉnh thức, tại sao phải tỉnh thức và làm thế nào để được tỉnh thức?
Tỉnh thức chờ Chúa đến
TUẦN 1
Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37

advent 600x400Hôm nay chúng ta bước sang năm Phụng vụ mới. Khởi đầu năm Phụng vụ bao giờ cũng là mùa Vọng. Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng năm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức sẵn sàng chuẩn bị tâm hồn mừng Đại Lễ Giáng Sinh và chờ đợi Chúa quang lâm hoàn tất kế hoạch cứu độ. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là: thế nào là tỉnh thức, tại sao phải tỉnh thức và làm thế nào để được tỉnh thức?

1. Thế nào là tỉnh thức?

Theo nghĩa thông thường, tỉnh thức là không ngủ mê, đủ khả năng nhận thức và hành động kịp thời khi cần thiết. Theo nghĩa tôn giáo, tỉnh thức là nhạy bén trước tiếng nói của Thiên Chúa, dễ nhận ra thánh ý Ngài và mau mắn thi hành. Tỉnh thức còn là nhạy cảm trước tiếng nói của lương tâm, biết phân biệt rõ ràng phải trái, đúng sai, thiện ác, mau mắn làm điều thiện và tránh điều ác. Làm điều tốt, điều thiện, điều đúng thì lương tâm khen thưởng và làm điều xấu, điều ác, điều ai thì lương tâm lên án (xấu hổ, hối hận, đau khổ).

Tỉnh thức còn là bén nhạy trước nhu cầu chính đáng và tiếng kêu cứu của tha nhân, nhanh chóng đáp ứng kịp thời. Người ta có thể không còn tỉnh thúc đủ khi bị lôi kéo và chi phối bởi nhiều thứ. Chẳng hạn người ta không thể còn nghe thấy tiếng nói và thánh ý của Thiên Chúa, của lương tâm, của tha nhân khi trong lòng đầy ắp những đam mê bất chính hay tội lỗi và thiếu sót. Vì thế, Chúa có nói, lương tâm có lên tiếng, tha nhân có kêu cứu, người ta vẫn mặc kệ. Có thể nói con người trong xã hội hiện nay đang rơi vào tình trạng như thế nên không thiếu những kẻ vô tâm, vô tình và vô cảm trước đau khổ của tha nhân…

2. Tại sao phải tỉnh thức?

Thưa, chúng ta phải tỉnh thức vì ngày cánh chung vừa mang tính quyết định lại vừa mang tính bất ngờ. Ngày tận thế mang tính quyết định vì trong ngày ấy, người ta hoặc là được hưởng sự sống viên mãn và hạnh phúc tuyệt vời hay phải chết đời đời và bất hạnh ngàn thu. Người ta sẽ không còn cơ hội làm lại hay bắt đầu lại trong ngày cánh chung, ngày lịch sử thế giới hạ màn. Nói theo Tin Mừng thánh Mt được chọn đọc trong lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, hoặc là chiên đặt được ở bên hữu để hưởng sự sống đời đời và hạnh phúc viên mãn với chủ chiên hoặc là dê phải ở bên tả chịu hình phạt muôn kiếp.

Ngày ấy mang tính bất ngờ vì không ai có thể biết “khi nào thời ấy đến” hay “không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”. Nếu không biết rõ ngày giờ Đức Giêsu trở lại và không có sự chuẩn bị sẵn sàng thì thật vô phúc cho chúng ta. Kinh nghiệm cho thấy có biết bao nhiêu người đã ra đi quá bất ngờ mà không có sự chuẩn bị chu đáo đã để lại bao phiền toái và lo âu cho bản thân và người nhà.

3. Làm thế nào để được tỉnh thức?

Có nhiều cách để có thể sống tỉnh thức. Trước hết, muốn tỉnh thức chúng ta phải khao khát chờ đợi ngày Chúa đến. Càng khao khát mãnh liệt, chúng ta càng tỉnh thức sẵn sàng cho ngày Chúa đến. Khi không còn mong mỏi nữa thì giả thiết chúng ta dễ dàng ngủ quên. Thật vậy, vì khao khát mong đợi mà Isaia không những tỉnh táo mà còn khơi lên sự tỉnh thức cho Israel, tỉnh thức chờ đợi ngày Thiên Chúa viếng thăm dân người.

Thứ đến, để tỉnh thức sẵn sàng chúng ta cần cầu nguyện, suy gẫm và sống lời Thiên Chúa. Mẹ Têrêxa Calcutta nói rằng “Cầu nguyện làm cho tôi trở thành người yêu mến Đức Giêsu. Cầu nguyện làm cho trái tim của tôi mở ra cho đến khi tâm hồn tôi đầy tràn Thiên Chúa.” Vì thế, không có cầu nguyện, không có suy gẫm và thực hành lời Chúa, chúng ta không thể tỉnh thức và sẵn sàng cho ngày Chúa Giêsu trở lại cách bất ngờ.

Cuối cùng, nếu muốn tỉnh thức sẵn sàng chúng ta phải thường xuyên lãnh nhận các bí tích, đặc biệt bí tích Giải tội và Thánh Thể. Khi lãnh nhận bí tích Hoà giải, ta ý thức được thân phận tội lỗi của mình, quyết tâm hoán cải, thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời… Khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, ta không chỉ ý thức về tình yêu dâng hiến của Đức Giêsu nơi Thánh Thể mà ta còn được hiệp thông với Chúa và với nhau. Các bí tích đặc biệt này cho ta tinh thần, thái độ tỉnh thức sẵn sàng nhiều nhất.

Đức Giêsu đã một lần đến trong thế gian để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài sẽ lại đến một lần nữa trong vinh quang để hoàn tất ơn cứu độ, để thực hiện một cuộc xét xử cánh chung cho cả người sống và kẻ chết. Cuộc tái lâm này vừa mang tính bất ngờ vừa mang tính quyết định. Do đó, mỗi tín hữu chúng ta được mời gọi tỉnh thức và sẵn sàng không chỉ để mừng Đại Lễ Giáng Sinh mà quan trọng hơn là chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại để cùng vào thiên đàng hưởng phúc vinh quang với Ngài. Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta luôn siêng năng cầu nguyện, chuyên chăm đọc, suy gẫm và sống lời Chúa, đặc biệt là thường xuyên lãnh nhận bí tích Giải tội và Thánh Thể để chúng ta luôn có được tâm hồn tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa vinh quang trở lại. Amen!

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây