GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Thế nào là yêu thương thật lòng?

Trong cuốn sách Tâm Hồn Tràn Ngập Niềm Vui, Mẹ Têrêxa Calcutta kể rằng: tôi không bao giờ quên một ngày nọ ở Venezuela, khi tôi đi thăm một gia đình đã cho tôi một con cừu. Tôi đến để cám ơn họ, và ở đó tôi nhận ra rằng họ có một đứa con tàn tật nặng. Tôi hỏi người mẹ: “Tên đứa bé là gì?” Người mẹ đã trả lời: “Chúng tôi gọi nó là’người thầy của tình yêu’, vì nó không ngừng dạy chúng tôi cách yêu thương.
Thế nào là yêu thương thật lòng?
TUẦN 23
Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20

downloadTrong cuốn sách Tâm Hồn Tràn Ngập Niềm Vui, Mẹ Têrêxa Calcutta kể rằng: tôi không bao giờ quên một ngày nọ ở Venezuela, khi tôi đi thăm một gia đình đã cho tôi một con cừu. Tôi đến để cám ơn họ, và ở đó tôi nhận ra rằng họ có một đứa con tàn tật nặng. Tôi hỏi người mẹ: “Tên đứa bé là gì?” Người mẹ đã trả lời: “Chúng tôi gọi nó là’người thầy của tình yêu’, vì nó không ngừng dạy chúng tôi cách yêu thương. Mọi thứ chúng tôi làm cho con chúng tôi là tình yêu mà chúng tôi dành cho Chúa được thể hiện bằng hành động.” Thật cảm động trước tấm lòng của Mẹ Têrêxa và tình thương yêu của người mẹ dành cho đứa trẻ tàng tật nặng nề ấy! Thật ra, lời mời gọi yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa và được đặt trên căn bản lời của Ngài như thánh Phaolo đã khẳng định “Yêu thương là chu toàn lề luật.” Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một số chỉ dẫn cụ thể về yêu thương.

Trước hết, yêu thương được thể hiện qua việc sửa lỗi cho nhau một cách tế nhị. Không phải chúng ta đem lỗi của người khác ra chốn công để mổ xẻ, yêu cầu họ phải sửa đổi, mà phải sửa lỗi riêng cho người ấy trước “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” Sau đó, nếu người có lỗi không chịu nghe, thì ta mới được phép đem theo một hai người nữa. Nếu hai ba người góp ý cũng không đem lại kết quả gì thì chúng ta mới được đưa người ấy ra trước mặt Hội Thánh (cộng đoàn). Cuối cùng, nếu người đó không chịu sửa đổi chúng ta mới có quyền kể người đó như người ngoại hay kẻ thu thuế, tức là coi người ấy không còn thuộc về cộng đoàn nữa. Rất tiếc rằng nhiều khi chúng ta sửa lỗi cho nhau không theo cách Chúa dạy mà theo cách của chúng ta. Chúng ta đòi người mắc lỗi phải công khai xin lỗi và kết quả là thay vì chúng ta cứu được người anh em, chúng ta lại đẩy họ ra xa chúng ta và nguy hiểm hơn là chúng ta mất chính người anh em ấy. Hỏi rằng tôi đã thực tình thương mến anh em bằng cách tế nhị và thận trọng sửa lỗi cho anh em mình chưa? Nếu có, tôi đã giúp họ sửa đổi thế nào?

Thứ đến, yêu thương được thể hiện qua việc chúng ta tha thứ cho nhau. Không phải chỉ nói lời tha thứ là đủ mà chúng ta phải thực lòng tha thứ. Chúng ta vẫn nghe người này người kia nói rằng tôi đã tha thứ cho người ta rồi, nhưng tôi không thèm để ý hay quan tâm đến họ nữa. Nói như thế là chưa thật lòng tha thứ bởi vì tha thứ đòi hỏi chúng ta phải thương mến anh em thật lòng, mong muốn và tìm cách tốt nhất để giúp anh em trở nên tốt hơn. Một người Do Thái kể rằng sau khi thoát chết từ trại tập trung của Đức Quốc Xã trở về, bà đi khắp nơi rao giảng lòng tha thứ. Sau khi giảng xong và ra ngoài, bà gặp lại một vị sỹ quan cai tù năm xưa đã đối xử tàn nhẫn với bà. Ông ta đến cám ơn bà vì bài giảng của bà rất hay và nhất là ông đã được bà tha thứ cho. Nhìn thấy ông và nghe ông cám ơn, nét mặt của bà sụp xuống, lòng của bà bừng cháy sự căm thù. Khi trở về nhà, bà thấy xấu hổ nên đã tha thiết nài xin Chúa ban cho bà ơn biết tha thứ. Chúng ta không thể thật lòng tha thứ, nếu chúng ta không cảm nhận tình thương tha thứ của Thên Chúa và tha thứ bằng trái tim của Ngài. Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng “dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” Xin Chúa cho chúng ta có được trái tim yêu thương để sẵn sàng tha thứ cho nhau. Tôi có chấp nhận giới hạn của anh em tôi và sẵn sàng tha thứ cho họ bằng cả con tim và tấm lòng chân thành không?

Cuối cùng, yêu thương được thể hiện qua việc cùng nhau cầu nguyện và cầu nguyện cho nhau “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, ở giữa họ.” Thật thế, nếu không có hiệp nhất yêu thương, không thể có những giờ cầu nguyện chung sốt sắng bên nhau; nếu không có tha thứ và hòa giải càng không thể cầu nguyện cho nhau vì khi cầu nguyện cho nhau và với nhau là chúng ta đang mong đợi những điều tốt đẹp nhất từ Thiên Chúa đổ xuống trên mỗi người. Hơn thế nữa, khi chúng ta cầu nguyện với nhau và cho nhau là chúng ta tin thật rằng Chúa đang ở giữa chúng ta. Có Chúa hiện diện để yêu thương và trao ban ơn lành cho chúng ta, lẽ nào chúng ta lại không thể yêu thương nhau. Có lẽ mỗi chúng ta đã có ít nhiều kinh nghiệm này vào mỗi buổi kinh tối chung trong gia đình. Khi ta cầu nguyện với ai và cho ai đó, ta không thể ghét họ hay loại trừ họ ra khỏi cuộc đời của chúng ta được. Tôi đã cầu nguyện chung với anh em tôi và cầu nguyện cho họ mỗi khi họ gặp phải thử thách trong đời hay mỗi khi họ lỗi lầm chưa?

Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu thể hiện tình yêu thương của Thiên Chúa cho nhân loại bằng rao giảng và bằng cuộc sống phục vụ. Lời của Ngài hôm nay chỉ cho chúng ta những chuẩn mực thật cụ thể của tình yêu. Đó là sửa lỗi cho nhau, tha thứ cho nhau những thiếu sót và lỗi làm, cầu nguyện chung với nhau và cho nhau để Chúa ở giữa chúng ta. Hỏi rằng là những môn đệ của Chúa Giêsu và là con cái của Thiên Chúa, chúng ta đã sửa lỗi cho nhau, tha thứ cho nhau thế nào, cầu nguyện với nhau và cho nhau ra sao? Nguyện xin Chúa ban dồi dào ơn lành để chúng ta có thể khôn ngoan tế nhị sửa lỗi cho nhau, tha thứ và cầu nguyện cho nhau hầu mọi người mỗi ngày trở nên tốt hơn. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây