GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


1/5: Thánh Giuse, người thợ vô danh

Lễ Thánh Giuse thợ được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập vào ngày 1 tháng 5 năm 1955, và cũng là ngày Quốc tế lao động. Mọi người đều được mời gọi hãy trân trọng và tôn vinh các giá trị nhân bản và siêu nhiên của lao động.
1/5: Thánh Giuse, người thợ vô danh

LỄ THÁNH GIUSE THỢ
St 1,26-2,3; Cl 3, 14-15.17.23-24; Mt 13,54-58

 

thanhgiusethoLễ Thánh Giuse thợ được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập vào ngày 1 tháng 5 năm 1955, và cũng là ngày Quốc tế lao động. Mọi người đều được mời gọi hãy trân trọng và tôn vinh các giá trị nhân bản và siêu nhiên của lao động.

Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa được mô tả như một nghệ nhân miệt mài với công việc tạo thành vũ trụ và con người. Từ ngày thứ nhất cho tới ngày thứ sáu, Thiên Chúa làm việc liên lỉ, và Ngài đã hoàn thành mọi sự một cách tốt đẹp. Trong đó, con người là trọng tâm của công trình sáng tạo. Thiên Chúa muốn con người làm chủ các công trình Ngài đã dựng nên và hoàn thành kế hoạch yêu thương của Ngài: ”Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta. Chúng hãy trị trên cá biển và chim trời, và trên súc vật và mọi lòai mãnh thú và mọi thứ côn trùng nhung nhúc trên đất” (St 1,26). Như vậy, lao động bắt nguồn từ lệnh truyền của Thiên Chúa, và con người được vinh dự cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết sau một thời gian rao giảng ở những nơi khác, Chúa Giêsu trở về quê hương Nadarét và giảng dạy trong hội đường. Sự khôn ngoan và uy quyền của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Họ hỏi nhau: “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư?...” (Mt 13,55).

Chúng ta hình dung ra “bác thợ mộc” Giuse với cái cưa, cái đục trên vai, cùng cậu bé Giêsu hồn nhiên tung tăng trên con đường làng Nadarét… Và trong xưởng mộc, ánh mắt âm thầm trìu mến của bác thợ Giuse dừng lại bên mái đầu vô tư của cậu bé Giêsu. Ở đó, họ cùng mở ra những trang Tin Mừng của cuộc sống. Thánh Giuse tuy phải lao động rất vất vả nhưng cũng rất vinh dự vì đã lấy mồ hôi và công sức của mình để nuôi sống gia đình. Vì thế, ngài trở nên gương mẫu cho chúng ta trong đời sống lao động.

Tìm được một ý nghĩa cho cuộc sống là điều quan trọng nhất đối với con người. Đức Giêsu đã đến trong thế gian và Ngài đã tìm ra được ý nghĩa sung mãn của cuộc sống tại thế này. Ngài đã sống trọn vẹn từng thực tế của cuộc sống con người. Đức Giêsu dạy cho con người chăm chỉ làm việc, như Ngài theo gương Chúa Cha: ”Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng vậy” (Ga 5,17). Trong các dụ ngôn về nước Trời, Đức Giêsu luôn nói về lao động: dụ ngôn người Mục tử (Ga,1-16); người nông dân (Mc 12,1-12); người gieo giống (Mc 4,1-9)…

Nghe Đức Giêsu giảng dạy, người ta giật mình kinh ngạc, vì chiều sâu thăm thẳm của cuộc sống đã được Ngài cảm nhận cách sống động, tinh tế. Ngài như thưởng thức được nét tinh khiết của bông huệ ngoài đồng, nét lung linh của giọt sương mai. Ngài thán phục trước những cánh chim tự do trên bầu trời, cái ngọt ngào của đồi nho, mượt mà của đồng lúa. Ngài nhìn thấy nét hùng mạnh trong lao tác của người đàn ông, sự âm thầm tế nhị, quảng đại nơi người phụ nữ, ánh mắt trong sáng của trẻ thơ… Và trên hết là tâm tình của con người ngợi ca tình yêu Thiên Chúa.

Thánh Phaolô cũng khuyên chúng ta: “Tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3,17.23).

Công đồng Vaticanô II dạy rằng: ”Đối với các tín hữu, chắc chắn sinh họat cá nhân cũng như tập thể của nhân lọai, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện hòan cảnh sinh sống, tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện, và khi nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn lòai, họ quy hướng chính bản thân mình cũng như vũ trụ về Ngài. Như thế khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (Gaudium et spes, 34).

Vì thế, con người được mời gọi đón nhận mọi biến cố trong cuộc sống như hồng ân của Thiên Chúa, nhìn vào cuộc sống với tinh thần lạc quan và tin tưởng dù phải trải qua trăm nghìn gian lao vất vả. Những thất bại khổ đau là khởi đầu của muôn vàn ân sủng dồi dào mà Thiên Chúa sẽ ban cho con người. Những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán được xem như những hạt giống của hy vọng và sẽ trổ sinh hoa trái trong ngày mùa sau hết.

Chúng ta hợp ý với Giáo Hội dâng lời ca tụng và cầu xin Chúa qua Thánh thi Giờ kinh Phụng vụ lễ Thánh Giuse thợ:

Hỡi người thợ vô danh

Của xưởng mộc nghèo khó,

Xin ban no lành

Cho người lao công khắp cùng xứ sở.

 

Chúng con cần gương ngài

Ðể thấy kho tàng trong giọt mồ hơi,

Thấy nụ cười trong từng dịng nước mắt,

Thấy Nước Trời trong lòng đất mẹ cằn khô

Thấy sáng tạo, đi lên, tình người,

Yêu thương và hiệp nhất.

Thấy lớn lao trong từng nhỏ nhặt,

Thấy vinh quang trong khổ nhục, ngài ơi.

 

Hỡi người thợ vô danh

Của xưởng mộc nghèo khó,

Xin cho những người đang xây dựng thế giới này

Thấy ngài phục sinh,

Thấy ngài phục sinh trong bàn tay của họ.

Tác giả: Lm. GaB. Vũ Quốc Đạt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây