GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Lời dạy mới mẻ, người dạy có thẩm quyền

Tin Mừng hôm nay cho biết người Do Thái ngạc nhiên về Chúa Giêsu. Người ta ngạc nhiên là phải, vì bối cảnh là khởi đầu  Tin Mừng Mác-cô, cũng có nghĩa là khi Chúa Giêsu bắt đầu xuất hiện cho dân được biết. Bởi vì Chúa Giêsu bắt đầu xuất hiện, nên người ta chưa từng thấy vậy bao giờ.
Lời dạy mới mẻ, người dạy có thẩm quyền
CHÚA NHẬT IV TN – B
Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28

jesus speaks with authorityTin Mừng hôm nay cho biết người Do Thái ngạc nhiên về Chúa Giêsu. Người ta ngạc nhiên là phải, vì bối cảnh là khởi đầu  Tin Mừng Mác-cô, cũng có nghĩa là khi Chúa Giêsu bắt đầu xuất hiện cho dân được biết. Bởi vì Chúa Giêsu bắt đầu xuất hiện, nên người ta chưa từng thấy vậy bao giờ. Tuy nhiên, vấn đề là người Do Thái ngạc nhiên về điều gì? Họ ngạc nhiên về hai điểm này: Lời giảng dạytư cách của người giảng dạy. Cụ thể, lời giảng dạy thì mới mẻngười giảng thì rất có uy quyền.

Thưa cộng đoàn, Chúa Giêsu hôm nay thực hiện tư cách ngôn sứ của Người. Tư cách này đã được chính Thiên Chúa phán với Mô-sê: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18,18). Chúa Giêsu đã thành công với tư cách ngôn sứ của Người. Trong mắt quần chúng, Chúa Giêsu đã rất thành công bởi vì:

Chúa Giêsu nói lời Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa. Tin Mừng không ghi lại Chúa Giêsu giảng về điều gì, chỉ biết rằng “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người” (1,22). Chúng ta thừa hiểu rằng những người đi theo để lắng nghe Chúa Giêsu giảng dạy là “thượng vàng hạ cám”, đủ mọi tầng lớp: học thức -bình dân, người già - người trẻ, ủng hộ - chống đối, chuyên viên Kinh Thánh và Luật - dân thường,… Thế mà, người ta đều phải sửng sốt. Điều đó cho thấy giá trị của Lời được nói ra. Vì thế, chắc chắn những lời đó phải là lời Thiên Chúa chứ không đơn giản như lời người phàm, “Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18,18b). Và, Chúa Giêsu nói trong tư cách của Đấng được sai đến, như Thiên Chúa đã phán với Mô-sê “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em, anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15).

Chúa Giêsu thành công trong sứ vụ, còn bởi vì Người trung thành với sứ mạng không thỏa hiệp với sự dữ. Cụ thể, với thần ô uế, Chúa Giêsu không cho nó có cơ hội lên tiếng, Người không đối thoại và không thỏa hiệp một điều gì “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (1,25b). Lời này là chân lý và mạnh mẽ, có sức đụng chạm đến sự dữ, phơi bày sự dữ (thần ô uế) và chữa lành chủ thể của sự thiện (người bị thần ô uế nhập).

Yếu tố để làm nên uy tín cho lời giảng dạy của Chúa Giêsu là hành vi đi kèm, để củng cố giá trị lời rao giảng. Thánh Mác-cô rất tinh tế khi nói tư cách của Chúa Giêsu như một người có uy quyền, rồi sau đó tường thuật dẫn chứng phép lạ trục xuất thần ô uế ra khỏi một bệnh nhân. Do đó mà Chúa Giêsu trở nên nổi tiếng.

Kính thưa cộng đoàn, rõ ràng Chúa Giêsu là sức mạnh của Thiên Chúa. Lời nói và hành vi của Người là hiện thân của chính Thiên Chúa. Vì thế, đời sống của ta là: “Anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 15,15b). Đến lượt mình, chúng ta được mời gọi không chỉ tin - nghe Lời Thiên Chúa; mà chúng ta còn phải học để củng cố tư cách của bản thân, gia tăng uy tín và lòng tin nơi tha nhân.

Các bạn trẻ rất thân mến, nói về những điều này thì tôi nghĩ đến các bạn. Người nông dân nuôi gia súc cho gia súc, gia cầm,… ăn ngày vài lần. Các bạn cũng chăn nuôi, nhưng nuôi Facebook, Zalo, mạng xã hội,…. Các bạn không chỉ cho nó ăn ngày vài lần mà rất nhiều lần. Các bạc cho nó ăn thời gian, cho nó ăn tin tức nhưng là tin vịt, cho nó ăn cảm xúc nhưng cảm xúc ảo. Một ngày đẹp trời, tôi mở Facebook gặp được câu thả thính “Giữa cuộc đời hàng ngàn cám dỗ. Em chỉ cần bến đỗ anh thôi”. Hoặc “Ba mươi chưa phải là tết. Không làm bạn đâu phải là hết, còn có thể làm người yêu mà”… Điều bất cập ở đây là: Ta đang biến mình thành những kẻ “kiệm lời” với những người ngay bên cạnh, là cha mẹ, anh em, bạn hữu,… nhưng lại nói nhiều với Zalo, Facebook,… Ta cư xử rất khô khan với người thân, nhưng lại có thể dễ dàng nói những lời nhẹ nhàng hoa mỹ, những lời có cánh với những chủ thể ta không biết. Những lời ấy chỉ sớm đi vào dĩ vãng, chứ không giúp ta có uy quyền. giống như lời của một bài hát mà bây giờ đã đi vào dĩ vãng, cho dù nó đã được vang lên một thời gian “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc…”.

Rõ ràng chúng ta không có khả năng siêu phàm và uy thế như Chúa Giêsu, nhưng thực tế Chúa Giêsu đang chỉ cho chúng ta thấy rằng lời nói của ta có thể giúp thiết lập lòng tin; và hành vi của ta có thể củng cố uy tín của mình đối với tha nhân. Vấn  đề là: chúng ta nói gì? Càng ngày người ta càng tự do ngôn luận. Cũng có khi sự tự do quá lại làm người ta dễ phạm sai lầm và dễ dàng phơi bày những hạn chế của bản thân, vì “năng nói thì năng lỗi”. Chúa Giêsu cũng nói “Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Tất cả những điều này đã trở thành kinh nghiệm sống, mà từ xưa người ta cũng đã đúc kết trở thành châm ngôn, rằng “Lời nói là tấm gương của tâm hồn: Anh nói như thế nào, anh là như vậy”. Khi lời nói không hay làm sao người ta có thể hành động tốt? Chúng ta vẫn nghe câu nói này: “Suy nghĩ tạo ra hành vi, Hành vi tạo nên thói quen, Thói quen tạo nên tính cách. Vậy tính cách tạo nên số phận”. Thật ra, chúng ta đang sống trong một thời đại mà chúng ta phải đối diện với một thực tế đáng buồn hơn nhiều, tức là không thể đoán và hiểu được những lời của tha nhân có đúng với những gì họ sẽ làm không! Nó trở thành một đại vấn nạn trong tư cách con người. Nhà tư tưởng Publilius Syrus đã phơi trần sự thật đó khi nói: “Ngôn từ có thể cho thấy sự sắc sảo của một người, nhưng hành động mới thể hiện ý nghĩa của anh ta”. Vì thế, để lời nói và hành vi của chúng ta có giá trị thật sự, chúng ta phải dừng tất cả mọi cuộc đối thoại với Satan, với sự ác, với sự dữ, với những thứ không đem lại giá trị như Chúa Giêsu đã làm điều đó, khi nói với Satan Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”.

Chúa Giêsu đầy uy thế, và tư cách của Người tự mình mà có vì Người là Thiên Chúa. Còn chúng ta, không thể tự cho mình một tư cách. Mọi vị trí, vai trò và tư cách của ta đối với tha nhân, đều là do tha nhân cho ta. Chúng ta chỉ có thể gớp phần nâng cao tư cách của chính mình bằng lời nói và hành vi uy tín. Làm thế nào để cho lời nói và hành vi của mình được uy tín? thánh Phao-lô dạy: phải sống đúng bổn phận và chu toàn bổn phận đó, người nào trong tư cách nào thì hãy chuyên chăm vào việc của mình (Bài đọc 2).

Chúng ta hãy cố gắng nhận ra sự siêu việt của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu và hãy học cho mình những bài học từ nơi Chúa Giêsu, để thăng tiến bản thân. Giá trị của một người không phải  là chạy theo thời đại, nhưng là những cốt lõi bền vững được đón nhận từ Thiên Chúa “Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính ta sẽ hạch tội nó” (Đnl 18,19). Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Đoàn Văn Tuân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây