GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Làm sao để có thể tha thứ đến bảy mươi lần bảy

Bài Tin mừng mở đầu bằng việc ông Phêrô hăm hở đến gần Đức Giêsu và hỏi liệu ông có cần phải tha thứ đến bảy lần cho kẻ xúc phạm đến ông không? Không ngờ, Chúa Giêsu bảo ông không chỉ tha bảy lần mà cần phải tha tới bảy mươi lần bảy! (x. Mt 18,22).
Làm sao để có thể tha thứ đến bảy mươi lần bảy
THỨ NĂM TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
(Mt 18,21-19,1)
 
“Thầy không bảo là (tha) đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).

6a00d8341ce4a653ef014e605e8e3c970cBài Tin mừng mở đầu bằng việc ông Phêrô hăm hở đến gần Đức Giêsu và hỏi liệu ông có cần phải tha thứ đến bảy lần cho kẻ xúc phạm đến ông không? Không ngờ, Chúa Giêsu bảo ông không chỉ tha bảy lần mà cần phải tha tới bảy mươi lần bảy! (x. Mt 18,22). Rồi Ngài kể cho ông nghe dụ ngôn nói về tên đầy tớ nợ một ông vua mười ngàn yến vàng và đã được vua tha luôn món nợ khỏng lồ đó khi anh ta chỉ khẩn khoản xin khất nợ mà thôi. Nhưng tên đầy tớ này sau đó lại bị đòi trở lại để trả nợ và không cho thiếu một xu, chỉ vì y sau đó đã không tha nợ cho người bạn đã nợ y một món tiển nhỏ, một trăm quan tiền mà thôi (x. Mt 18, 23-34). Cuối cùng, để kết luận, Đức Giêsu nói: Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình (x, Mt 18,35).

Người Việt Nam chúng ta thường nói: “quá tam ba bận.”  Nghĩa là không tha cho người khác quá ba lần. Phêrô quả là quảng đại khi hỏi Đức Giêsu “Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, con có cần tha thứ đến bảy lần không?” (Mt 18,21) Bảy lần tha thứ cho kẻ cứ xúc phạm đến mình quả là quá nhiều, ai làm được thế thật đáng khen, đáng nể phục! Nhưng Đức Giêsu lại còn mời gọi tha thứ đến bảy mười lần bảy, một kiểu nói chơi chữ ám chỉ phải tha thứ hoài hoài, tha thứ mãi mãi, tha thứ không giới hạn. Một đòi hỏi có lẽ quá sức con người!

Tại sao lại phải tha thứ không giới hạn như vậy? Câu trả lời rút ra từ câu chuyện dụ ngôn Đức Giêsu kể trên đây về tên đầy tớ không biết thương bạn cũng như câu kết luận Ngài nói sau đó cho thấy nếu chúng ta không tha thứ thì chúng ta sẽ không được tha thứ. Tại sao lại phải như vậy? Và làm sao để có thể tha thứ mãi mãi được?

Câu trả lời cho cả 2 câu hỏi trên là vì chúng ta mắc nợ nhau thì quá ít, quá nhỏ, chỉ tựa như “một trăm quan tiền” mà thôi. Đang khi đó, mỗi chúng ta lại mắc nợ Thiên Chúa một khoản nợ quá lớn tương đương “mười ngàn yến vàng.” Khoản nợ quá lớn này Thiên Chúa đã không đòi chúng ta tính xổ nhưng đã quảng đại tha thứ cho chúng ta vô điều kiện. Tuy nhiên, chúng ta có thực sự nhận được sự tha thứ của Chúa hay không lại là một điều cần phải xem kỹ lại.

Sự tha thứ của Chúa chỉ trở nên thật nơi ta, là của ta khi sự tha thứ ấy được thể hiện trong cuộc sống bằng hành động thứ tha của ta cho anh chị em mình. Nếu không tha thứ cho anh chị em mình, sự tha thứ của Thiên Chúa cho ta dường như đã trở nên vô hiệu. Nói cách khác, ta chưa thực sự nhận sự tha thứ của Chúa. Không phải Thiên Chúa không tha cho ta nhưng do ta đã không để cho ơn tha thứ của Chúa biến đổi mình trở thành con người của lòng tha thứ. Ta đã không mở lòng đủ rộng mà đón nhận, chứa đựng sự tha thứ của Chúa. Ta vẫn còn hẹp hòi, ích kỷ. Ta vẫn còn là mình như trước chứ chưa chịu nhận tấm lòng lòng quảng đại, thứ tha, thông hiểu, cảm thông của Chúa. Chúng ta chưa để mình trở thành tấm lòng bao dung của Chúa.

Chỉ những ai thực sự đón nhận sự tha thứ của Chúa nghĩa là cảm nghiệm một cách sâu sắc tình thương quảng đại của Chúa, xúc động sâu xa và cảm mến dạt dào tấm lòng của Chúa, người ấy mới thấy mình mắc nợ Chúa quá nhiều, người ấy mới thấy cuộc đời mình không còn là của mình nữa mà là của Chúa. Cuộc đời họ thuộc về Chúa. Do đó, họ sẽ quyết tâm dành cả đời để tạ ơn Chúa, để thể hiện lòng biết ơn của mình với Chúa như người phụ nữ được Chúa trừ bảy quỷ đã thể hiện tình yêu biết ơn Chúa như thế nào đối với Chúa Giêsu và những người xung quanh. Ngược lại, những kẻ không chịu tha thứ cho người mắc nợ với họ là dấu cho thấy họ không chịu đón nhận sự tha thứ của Chúa hay nói đúng hơn, không “sài” ơn tha thứ của Chúa. Họ không để cho “ơn tha thứ của Chúa” phát huy tác dụng. Họ “treo” ơn tha thứ của Chúa, làm cho nó trở nên vô ích. Có đó mà chẳng phát huy công hiệu gì.


Như vậy, để có thể tha thứ bảy mươi lần bảy nghĩa là tha thứ luôn mãi, chúng ta cần thật sự cảm nghiệm sâu sắc tình yêu tha thứ của Chúa. Chính kinh nghiệm này sẽ giúp chúng ta có khả năng yêu Chúa và sống tình yêu thương tha thứ như Chúa đã yêu thương tha thứ cho chúng ta. Amen.      

Tác giả: Cha Gioakim Nguyễn Hữu Văn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây