GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Nguyên nhân Đức Giêsu nổi nóng?

Vào những dịp đầu xuân hoặc lễ hội, người ta thường đổ xô đến các khu đền, chùa vì đó là nhu cầu tâm linh tất yếu của con người. Một vài năm qua, báo chí nói nhiều về những nảy sinh theo xu thế nơi những khu vực này. Nào là văn hóa trang phục đi lễ chùa, nào là cách thức bày tỏ nhu cầu tâm linh, nào là nạn đổi tiền lẻ và dâng cúng tiền lẻ, đặc biệt là việc bán vé vào cổng...
Nguyên nhân Đức Giêsu nổi nóng?
CHÚA NHẬT III - MC
Xh 20,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25

unnamed 2Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Vào những dịp đầu xuân hoặc lễ hội, người ta thường đổ xô đến các khu đền, chùa vì đó là nhu cầu tâm linh tất yếu của con người. Một vài năm qua, báo chí nói nhiều về những nảy sinh theo xu thế nơi những khu vực này. Nào là văn hóa trang phục đi lễ chùa, nào là cách thức bày tỏ nhu cầu tâm linh, nào là nạn đổi tiền lẻ và dâng cúng tiền lẻ, đặc biệt là việc bán vé vào cổng... Các điều này làm cho những nơi vốn đang yên tĩnh và linh thiêng trở nên náo động, nhộn nhạo, mất đi bầu khí linh thiêng. Những năm qua Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đã ra yêu cầu chấn chỉnh lại các hoạt động này, và đặc biệt không thu phí vào cổng những nơi tâm linh. Đây là một nỗ lực cố gắng để trả lại cho những nơi ấy giá trị vốn có của nó vì không thể thương mại hóa tâm linh.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói về việc Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ. Suốt cuộc đời rao giảng, có lẽ các môn đệ và người ta hiếm thấy cảnh Chúa Giê-su nổi nóng với dân chúng, nhưng hôm nay, Chúa Gê-su đã thực sự nổi nóng. Người nổi nóng đến độ đã phá tung cảnh trao đổi, buôn bán bên ngoài khu vực Đền thờ Giê-ru-sa-lem. 

Xét về ý hướng, việc buôn bán này tốt. Những người buôn bán này muốn giúp đỡ, tạo điều kiện cho những ai cần lễ vật để dâng Chúa. Thay vì những người muốn vào đền thờ dâng lễ vật phải mang lễ vật từ quê nhà lên đền thờ, sẽ vất vả và bất tiện, thì họ chỉ cần đến đền thờ để mua. Thay vì họ phải dùng đồng tiền của đế quốc để làm của lễ dâng cho Chúa, thì họ đến Đền thờ để đổi tiền Do Thái, chính là của lễ tinh tuyền dâng Chúa. Những hành vi đó người Do Thái làm là để chu toàn luật Mô-sê. Thế thì tại sao Chúa Giê-su lại nổi nóng mà phá tan tất cả?

Lý do làm Chúa Giê-su nổi nóng với người Do Thái xưa, biết đâu cũng là điều mà người tín hữu chúng ta đang vấp phải. Ý hướng sâu thẳm và nguyên thủy của bất kỳ tín hữu nào đến đền thờ, cũng đều vì lòng yêu mến chân thành. Thế nhưng theo thời gian, cùng với những thay đổi của tư tưởng, con người dần dần thương mại hóa tâm linh. Chúa Giê-su nổi nóng vì người Do Thái đã thương mại hóa tâm linh, đã biến đền thờ thành nơi chợ búa và buôn bán. Mà những kẻ bán buôn đó không ai khác chính là con cháu, những người tay trong của các tư tế đền thờ. Một số tín hữu thời nay cũng vậy thôi. Cũng là những kẻ cơ hội, chớp thời cơ trong những dịp đại lễ, bán những thứ đáp ứng nhu cầu cần thiết cho khách hành hương với giá cắt cổ, sẵn sàng chặt chém giá trên trời khi mở những dịch vụ vận chuyển và coi xe… Nhiều người, nhiều nhà đầu tư dám bỏ ra một số tiền khổng lồ để xây dựng những khu tâm linh khổng lồ, để phục vụ cho mục đích được gọi là “Du lịch tâm linh”. Khách hành hương, để bước vào nơi cần đến thì phải đi qua nhiều cửa thu phí khác nhau. Hãy trở về với giá trị nguyên thủy của của lễ, nó chính là chút lòng thành của con người dâng lên Chúa, chứ không có và không bao giờ có giá trị ngang bằng để trao đổi ơn thánh vì ơn thánh là vô giá. Ăn thua là thái độ và lòng mến nơi con người, vì Thiên Chúa đã nói “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”.

Chúa Giê-su đã thanh tẩy đền thờ, không chỉ để lấy lại bầu khí vốn có, nhưng còn để xóa tan một nguy cơ đang dần hình thành và chiếm lĩnh tư tưởng con người. Nguy cơ của sự phát sinh một thứ ngẫu tượng thay thế Thiên Chúa, đó chính là tiền. Từ chuyện thương mại hóa những nhu cầu tâm linh, thương mại hóa những nơi tâm linh, thì người ta để ý quan tâm đến một thứ, nhiều hơn để ý đến Thiên Chúa đó là tiền. Thay vì đến đền thờ để gặp gỡ Thiên Chúa, người ta lại đến để làm giàu. Giáo Hội cho trích đọc bài trong sách Xuất Hành, lời của Thiên Chúa giao ước với con người: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”. Thế mà người Do Thái quanh đền thờ lại biến đồng tiền thành đối tượng để họ quan tâm nhiều hơn Thiên Chúa; dần dần thành ra tiền của làm chủ đền thờ chứ Thiên Chúa không còn làm chủ  đền thờ nữa. Đó là lý do Chúa Giê-su đã nổi giận gay gắt với những kẻ bán buôn. Đây không phải là vấn đề của người xưa mà còn là vấn đề của tín hữu ngày nay. Chính Chúa Giê-su đã có lần cảnh báo rằng “Người giàu có khó vào Nước Trời. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Tự bản chất tiền bạc của cải không xấu, nhưng cách thức sử dụng và lạm dụng nó có thể gây ra hậu quả xấu. Ngày nay, nó có nguy cơ trở thành một ngẫu tượng mà người ta coi trọng, tôn thờ. Người ta coi nó là tất cả, có tiền là có tất cả. Hãy trả lại cho  Thiên Chúa địa vị tối thượng của Người nơi đền thờ cũng như trong tâm hồn con người.

Khi thanh tẩy đền thờ vật chất, Chúa Giê-su cũng muốn thanh tẩy đền thờ tâm hồn con người. Khi người Do Thái hỏi Chúa Giê-su lấy quyền gì mà thanh tẩy đền thờ, Người đã nói đến đền thờ tâm hồn. Đền thờ vật chất cho dù có xây dựng mất 46 năm đi nữa, to lớn đồ sộ đi nữa, thì cũng không quan trọng bằng đền thờ tâm hồn. Người sẵn sàng dùng chính mạng sống để mong giữ được đền thờ tâm hồn con người. Vì thế, Người đã nói cứ phá đi, cứ hủy đi, Người sẽ xây lại được nội trong ba ngày. Đã đến lúc mỗi người phải thức tỉnh trước những lời của Chúa Giê-su. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm hồn chúng ta hơn ai hết. Lời mời gọi thanh tẩy được vang lên hôm nay có lẽ vì Chúa biết rõ đã đến lúc cần được thanh tẩy. Giáo Hội chỉ được thanh tẩy khi mỗi người được thanh tẩy. Thánh Phao-lô đã nói: “Thân xác anh em chẳng phải là đền thờ Chúa Thánh Thần sao” (1Cr 6,19). Vì thế, đền thờ giáo xứ, giáo họ chỉ thực sự được thanh tẩy khi mỗi người biết thanh tẩy đền thờ tâm hồn.

Xin Chúa cho mỗi tín hữu ý thức sự trang nghiêm mỗi khi bước vào nhà thờ, ý thức về sự hiện diện của Chúa, để sốt sắng cử hành phụng vụ thánh. Xin Chúa cũng cho chúng ta hiểu rằng thân xác và tâm hồn mình là đền thờ của Chúa Thánh Thần, để chúng ta luôn giữ cho tâm hồn mình trong sạch và trang hoàng nói bằng những nhân đức. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Đoàn Văn Tuân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây