GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa xoá tội trần gian

Đức Giêsu là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian nghĩa là thế nào? Ngài đầy Thánh Thần và làm phép rửa trong Thánh Thần nghĩa là sao? Ở đây, tôi chỉ xin được gợi lên một số ý tưởng cho câu hỏi thứ nhất, còn câu hỏi thứ hai tôi xin dành lại cho dịp khác.
Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa xoá tội trần gian
TUẦN 2
Is 49,3.5-6; 1 Cr 1,1-3; Ga 1,29-34

iigsa t3Đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan chúng ta vừa nghe được chia thành hai đoạn nhỏ. Đoạn thứ nhất từ đầu đến “nhưng trổi hơn tôi vì có trước tôi”. Đoạn nhỏ này cho biết Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Đoạn thứ hai bắt đầu từ “tôi đã không biết Người” cho đến hết câu “tôi đã thấy, nên tôi xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. Đoạn nhỏ này giới thiệu Đức Giêsu là Đấng đầy Thánh Thần và cử hành phép rửa trong Thánh Thần. Đức Giêsu là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian nghĩa là thế nào? Ngài đầy Thánh Thần và làm phép rửa trong Thánh Thần nghĩa là sao? Ở đây, tôi chỉ xin được gợi lên một số ý tưởng cho câu hỏi thứ nhất, còn câu hỏi thứ hai tôi xin dành lại cho dịp khác.

Danh hiệu Chiên Thiên Chúa gợi lên bốn hình ảnh được Cựu Ước sử dụng. Trước hết, danh hiệu này làm ta nghĩ đến hình ảnh Chiên Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Câu chuyện Lễ Vượt Qua kể rằng nhờ máu con chiên bị giết mà các con trai đầu lòng của người Do Thái được bảo vệ trong đêm họ ra khỏi Ai Cập. Trong đêm hôm đó, lúc các sứ thần đi giết các con trai đầu lòng của người Ai Cập, thì người Do Thái phải bôi máu của con chiên bị giết lên khung cửa, để thiên sứ thấy máu thì vượt qua, và con trai của họ không bị tiêu diệt. Nói rằng Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa nghĩa là chính Ngài là sinh tế đích thực và duy nhất, có khả năng giải cứu con người khỏi sự chết. Thánh Phaolô tông đồ cũng gọi Đức Giêsu là Chiên Vượt Qua, một mình Ngài đem ơn giải thoát đến cho toàn thể nhân loại.

Tiếp đến, nói đến Chiên Thiên Chúa là thánh Gioan Tẩy Giả muốn nói đến của lễ hy sinh đền tội được dâng trong đền thờ. Gioan là con trai duy nhất của thầy tư tế Zacaria, nên Gioan biết rất rõ mọi nghi thức liên hệ đến đền thờ để chuộc tội. Bao lâu còn đền thờ thì lễ vật còn được dâng tiến cho Thiên Chúa mỗi ngày, ngay cả khi dân chúng chết đói vì chiến tranh và bị bao vây, họ cũng không bao giờ bỏ qua việc dâng con chiên cho đến năm 70 sau công nguyên, thời điểm đền thờ Giêrusalem bị phá hủy. Mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều, một con chiên được dâng trong đền thờ vì tội lỗi của dân chúng, nhưng chỉ một mình Đức Giêsu mới là lễ vật duy nhất không chỉ giải phóng người Do Thái mà còn giải phóng tất cả nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Lễ vật đền tội của Chiên Thiên Chúa thay thế cho mọi lễ vật đền tội khác của con người và Chúa Giêsu chỉ dâng một lần duy nhất là đủ.

Đọc Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta gặp hai ngôn sứ lớn nói đến hình ảnh con chiên. Giêrêmia viết “còn tôi, như con chiên hiền lành bị dắt đến, bị đưa đi”, và Isaia viết “như con chiên bị đem đến lò sát sinh” (Is 53,7). Tôi trong lời văn của Giêrêmia không phải là Giêrêmia, nhưng là Đấng đến làm con chiên tự hiến cho thế giới. Con chiên hiền lành bị dắt đến, bị đưa đi, bị đem đến lò sát sinh là thị kiến mà hai ngôn sứ đã có về Đấng chịu đau đớn và hy sinh tính mạng với thái độ hiền lành và đáng yêu sẽ cứu chuộc dân Ngài. Đây cũng là lời tiên báo về cuộc thương khó của Đấng sẽ đến thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đấng ấy chính là Đức Giêsu đã đến trong thân phận con người, đã tự nguyện hiền lành hiến dâng mạng sống cho nhân loại trên thập giá và là Đấng cứu độ muôn dân.

Hình ảnh cuối cùng tuy xa lạ với chúng ta, nhưng rất quen thuộc với người Do Thái, con chiên, đặc biệt con chiên có sừng là biểu tượng của một nhà chinh phục vĩ đại giống như Samuen, Đavít, Salômôn, Giuđa, Macabê…, những nhà chinh phục vĩ đại của dân Do Thái. Hình ảnh con chiên ở đây, theo nghĩa này không phải là bức tranh về thái độ ngoan ngoãn, yếu đuối, bất lực mà là bức tranh về sự uy nghi mạnh mẽ chiến thắng. Đức Giêsu là nhà vô địch của Thiên Chúa, đã chiến đấu với tội lỗi và đã đánh bại nó trong một trận chiến duy nhất. Sự bắt bớ, bách hại, và việc lên án tử cho Đức Giêsu của giới cầm quyền Do Thái xem ra là thành công của con người, nhưng lại là sự thất bại đắng cay nhất của satan và những ai thuộc về nó, vì nhờ cái chết tủi nhục trên thập giá mà kế hoạch cứu độ của Chúa Cha được thành toàn.

Như vậy, Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa tức là Chiên Vượt Qua chịu chết để không những cứu chuộc dân Do Thái mà còn cứu chuộc toàn thể nhân loại. Ngài là lễ vật duy nhất chỉ dâng một lần đẹp lòng Thiên Chúa thay cho mọi lễ vật của nhân loại. Ngài chịu chết để hủy diệt sự chết do tội lỗi gây ra và sống lại để đem sự sống mới đến cho mọi người. Nhờ lễ vật Ngài dâng trên thập giá mà mọi lễ vật của chúng ta dâng lên Thiên Chúa trong sự liên kết với lễ vật của Ngài đem lại ơn phúc tuyệt vời cho chúng ta, ơn phúc thiêng liêng, hồng ân cứu rỗi. Ngài làm tất cả chỉ vì tình yêu dành cho chúng ta, một tình yêu hy sinh chịu khổ và chiến thắng khải hoàn. Xin cho chúng ta biết sống xứng đáng với tình thương cứu độ Thiên Chúa đã ban trong Đức Giêsu Kitô và xin cho chúng ta biết làm lan tỏa tình thương ấy cho mọi người. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây