GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


CN XX TNB: Sống khôn ngoan

Ai cũng muốn chọn cho mình cách sống khôn ngoan. Có những người đã thể hiện được cách sống khôn ngoan ở một số lãnh vực nào đó. Có thể các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi ý cho chúng ta một cách sống khôn ngoan khác, không hề giống với kiểu sống khôn ngoan của con người.
CN XX TNB: Sống khôn ngoan
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN-B
Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,51-58
 
SỐNG KHÔN NGOAN
 
b20vs
 Ai cũng muốn chọn cho mình cách sống khôn ngoan. Có những người đã thể hiện được cách sống khôn ngoan ở một số lãnh vực nào đó. Có thể các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi ý cho chúng ta một cách sống khôn ngoan khác, không hề giống với kiểu sống khôn ngoan của con người.

Đoạn sách Châm Ngôn trong bài đọc 1 trình bày Đức Khôn Ngoan được nhân cách hóa để biết xây nhà và mở tiệc đãi khách. Đức Khôn Ngoan đã xây một ngôi nhà lớn, có “bảy cây cột” (Cn 9,1). Khi hoàn tất việc xây dựng, Đức Khôn Ngoan “hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn” (Cn 9,2) để chuẩn bị mở tiệc mừng tân gia. Cách Đức Khôn Ngoan mời khách đến dự tiệc thật đặc biệt: “sai những tỳ nữ lên các nơi cao trong thành phố” (Cn 9,3) và kêu gọi khách đến dự tiệc. Có lẽ khi chọn những nơi cao trong thành phố để công bố lời mời, Đức Khôn Ngoan không muốn bỏ sót bất cứ một vị khách đáng mời nào. Đối tượng khách mời cũng gây ngạc nhiên không kém: Đức Khôn Ngoan không mời các khách thân quen, trọng vọng, giàu có, mà là những người “ngây thơ” và những kẻ “ngu si” (Cn 9,4). Thức ăn mà Đức Khôn Ngoan dùng để thết đãi khách chính là những lời giáo huấn. Qua bữa tiệc, Đức Khôn Ngoan muốn họ được sống và bước đi trên con đường hiểu biết (Cn 9,5-6). Như vậy, người khôn ngoan là biết lắng nghe giáo huấn của Thiên Chúa để được sống.

Đoạn thư Êphêsô trong bài đọc 2 thánh Phaolô cũng làm nổi bật chủ đề sống khôn ngoan khi khuyên các tín hữu: “anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan” (Ep 5,15). Theo thánh Phaolô, sống khôn ngoan là “biết tận dụng thời gian hiện tại” (Ep 5,16), nghĩa là biết dùng những cơ hội, hoàn cảnh mình đang có được để lo sao cho mình được cứu độ và đồng thời giúp anh chị em cũng được cứu độ. Hơn nữa, sống khôn ngoan còn là “hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa”“tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần” (Ep 5,17-18). Dưới cái nhìn của thánh Phaolô, những ai không nhận biết ý Thiên Chúa và không thấm nhuần Thần Khí đều là kẻ ngu xuẩn và say sưa. Đó không phải là cách sống khôn ngoan. Sau cùng, sống khôn ngoan là biết “cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức” do Thần Khí linh hứng, và đem cả tâm hồn mà chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi sự, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Ep 5,19-20).

Nếu sống khôn ngoan theo sách Châm Ngôn là đón nhận giáo huấn của Thiên Chúa để được sự sống, và sống khôn ngoan theo thư Êphêsô là biết tận dụng thời gian hiện tại để được cứu độ, biết tìm kiếm thánh ý Chúa và thấm nhuần Thần Khí, và biết chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần; thì khôn ngoan theo lời Đức Giêsu trong diễn từ về bánh hằng sống là ăn thịt và uống máu Người để được sự sống đời đời. Chúa Giêsu nêu lên ba hiệu quả của việc đón nhận thịt và máu Ngườ: Thứ nhất, những ai ăn thịt và uống máu Đức Giêsu thì được Người hứa ban sự sống đời đời: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời” (Ga 6,54a). Quả vậy, thịt và máu Đức Giêsu không chỉ là lương thực thiêng liêng cho con người trong cuộc lữ hành trần thế, mà còn là lời hứa chắc chắn cho con người được hưởng sự sống đời đời. Thứ hai, thịt và máu Chúa Giêsu còn là bảo đảm cho cuộc phục sinh mai sau: “và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54b). Sự phục sinh là cuộc chiến thắng và hiển trị của Chúa Giêsu trên sự chết. Một khi đón nhận thịt và máu Chúa Giêsu, con người được thông dự vào cuộc chiến thắng và phục sinh với Người. Thứ ba, những ai ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu thì ngay ở đời này được liên kết mật thiết với Người, được ở lại trong Người, được sự sống từ Người. Chúa Giêsu khẳng định: “Vì thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,55). Thứ lương thực thần linh này phát xuất từ Chúa Cha, và được ban qua Chúa Giêsu, để những ai lãnh nhận thì không chỉ được thông dự vào sự sống thần linh ở đời này, được bảo đảm cho cuộc sống đời sau, mà còn được hiển trị cùng Chúa Giêsu trong vinh quang phục sinh của Người. Đó là cách sống khôn ngoan đích thật mà Chúa Giêsu muốn mạc khải cho con người.

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương nuôi dưỡng chúng con bằng Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch sự khôn ngoan. Xin cho chúng con biết thể hiện sự khôn ngoan của con cái Chúa, đang khi miệt mài với những tiện nghi và của ăn trần thế, chúng con siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ, để được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là sự sống đích thực cho chúng con. Đồng thời, chúng con luôn ý thức những ân huệ Chúa ban, và sống tâm tình tạ ơn bằng cách trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người theo gương Chúa Giêsu. Amen.

 
Ga B. Vũ Quốc Đạt
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây