GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Gia đình trẻ vượt thách đố để sống yêu thương

Gia đình trẻ thường được hiểu như là những đôi vợ chồng kết hôn đã có một vài người con hoặc đã sống chung với nhau từ 10 năm đổ lại.[1] Khái niệm “trẻ” ở đây không nhất thiết tùy thuộc vào tuổi đời, nhưng tùy thuộc vào “tuổi” gia đình. Có thể có những đôi vợ chồng nhiều tuổi nhưng vẫn là “gia đình trẻ” vì họ chỉ mới kết hôn với nhau.[2]
Untitled
Untitled“Mỗi cuộc khủng hoảng được xem như một cơ hội để có thể uống với nhau thứ rượu ngon hơn” (ĐTC. Phanxicô).

Gia đình trẻ thường được hiểu như là những đôi vợ chồng kết hôn đã có một vài người con hoặc đã sống chung với nhau từ 10 năm đổ lại.[1] Khái niệm “trẻ” ở đây không nhất thiết tùy thuộc vào tuổi đời, nhưng tùy thuộc vào “tuổi” gia đình. Có thể có những đôi vợ chồng nhiều tuổi nhưng vẫn là “gia đình trẻ” vì họ chỉ mới kết hôn với nhau.[2]

Những gia đình trẻ này thường phải đối diện với những thách đố của đầu đời hôn nhân gia đình. Để đồng hành với họ, việc tìm hiểu những thách đố ấy có thể sẽ giúp chúng ta gần gũi và đồng cảm hơn, nhờ đó giúp họ vượt qua thử thách, vươn tới niềm vui của tình yêu hôn nhân và gia đình.

Những thách đố…

Các gia đình trẻ cũng phải đối diện với những thách đố muôn thuở như chuyện mẹ chồng nàng dâu, kinh tế tài chính (công ăn việc làm, chi tiêu gia đình...), khủng hoảng vỡ mộng, sự nhàm chán, thất vọng, áp lực gia đình và xã hội… Tông huấn Amoris Laetitia (AL) nói đến các khủng hoảng những năm đầu đời hôn nhân: tình yêu trì trệ do nét hấp dẫn thể lý tàn tạ đi (AL 219), sự vỡ mộng vì những kỳ vọng quá cao không thành hiện thực (AL 221), sự đơn điệu nhàm chán hoặc hố sâu khác biệt khi men tình đã cũ (AL 231, 235), sự xuất hiện của con cái, những hoàn cảnh khó khăn chợt đến (AL 235)…

Tuy nhiên mỗi thời đại, ta lại thấy những thách đố mới, những vấn đề mới nảy sinh. Các gia đình trẻ hôm nay thường than phiền về những vấn đề mới phát sinh do bối cảnh xã hội. Tiến sĩ Kalman Heller nói đến các vấn đề mới thường gặp là: sự nghèo nàn trong việc truyền thông giữa hai người, đôi bên cảm thấy xa cách nhau, sự bất đồng thuận trong việc giáo dục con cái.[3] Việc đắm chìm trong vòng xoáy kim tiền, sự mê hoặc của thế giới ảo công nghệ, hấp lực của những trào lưu sống dễ dãi buông thả đang là những thử thách làm cho mối tương quan vợ chồng và cha mẹ con cái bị ảnh hưởng sâu sắc.

Ở tầm vĩ mô hơn, chúng ta có thể nói đến các “thách đố khách quan của thời đại hôm nay”[4] đó là sự bùng nổ của hiện tượng di dân và sự lan tràn của văn hóa “dục bỏ” (throw-away culture). Dân chúng, nhất là người trẻ đổ xô lên các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài kiếm kế sinh nhai, dẫn đến sự xa cách vợ chồng và con cái, có khi là hàng năm hoặc nhiều năm, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực lên đời sống hôn nhân gia đình. Bên cạnh đó, lối sống “dục bỏ” làm cho người ta dễ dàng tháo bỏ những cam kết hôn nhân gia đình, theo kiểu mình không thích thì mình “vứt” mà không cần day dứt…

Dầu vậy, có lẽ thách đố lớn nhất ở đây phải kể đến là sự khủng hoảng liên quan đến chính bản chất của hôn nhân. Gia đình bị biến dạng thành muôn hình vạn trạng: mẹ đơn thân, sống thử, sống chung không hôn nhân, ly thân, ly dị, tái hôn… Rồi hơn nữa “hôn nhân” đồng tính, kể cả “kết hôn” với thú cưng, người máy, đồ vật... Hôn nhân dường như không còn là một cam kết nghiêm túc của một tình yêu chung thủy và có trách nhiệm nữa mà trở thành một thủ tục xã hội hay thậm chí một gánh nặng của những chi phí xã hội “không cần thiết”!
Trong bối cảnh ấy, các gia đình trẻ chắc hẳn cần được đồng hành nhiều hơn để vượt qua những áp lực của trào lưu xã hội mà trung thành với ơn gọi hôn nhân và gia đình của mình.

Những triển vọng…

Bên cạnh những thách đố, chúng ta cũng thấy những triển vọng cho hôn nhân gia đình hôm nay.

Trước hết, chúng ta thấy các bạn trẻ hôm nay có thường kết hôn muộn hơn.[5] Điều này giúp các bạn có cơ hội để tìm hiểu nhau kỹ lưỡng hơn và cũng trưởng thành hơn để có thể đảm nhận tốt hơn vai trò làm chồng làm vợ cũng như bổn phận sinh dưỡng và giáo dục con cái trong gia đình.

Thứ đến, ta thấy các phương tiện truyền thông hôm nay cũng đa dạng và tiện lợi hơn. Các vợ chồng trẻ có thể tìm hiểu nhiều vấn đề và học hỏi kiến thức trên các trang mạng hữu ích hoặc giao lưu, tư vấn trực tuyến… Việc liên lạc giữa các thành viên trong gia đình cũng có thể dễ dàng hơn nhờ vào các phương tiện truyền thông hiện đại.

Những quan niệm sống tiến bộ cũng có thể giúp ích cho các gia đình trẻ trong việc tổ chức đời sống hôn nhân gia đình và chia sẻ trách nhiệm trong gia đình. Chẳng hạn sự bình đẳng nam nữ sẽ giúp người chồng chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn với người vợ trong các công việc nội trợ và người vợ sẽ chia sẻ với chồng nhiều hơn trong các công tác xã hội.

Tăng cường cho các gia đình trẻ

Trước các vấn đề nêu trên, việc đồng hành cần đi đến việc tăng lực cho các gia đình trẻ. Một tình yêu hôn nhân “đẹp đẽ” chưa đủ mà cần phải “mạnh mẽ” để có thể đương đầu với những vấn đề của thời đại.

Việc làm trước hết và trên hết là củng cố gia đình trẻ bằng sức mạnh cầu nguyện. Cầu nguyện trước hết là lắng nghe Lời Chúa, trang bị đôi bạn trẻ bằng sức mạnh Lời Chúa, sức mạnh của các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Lời hằng sống và Bánh trường sinh sẽ giúp cho đôi bạn có nghị lực thiêng liêng để tâm đầu ý hợp vượt qua mọi thử thách mà trung thành với Chúa và chung thủy với nhau trong ơn gọi hôn nhân gia đình. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều vấn đề chỉ có ơn Chúa, tình yêu và ân sủng của Chúa nơi đôi bạn mới giúp họ có thể đứng dậy và bước tiếp… Tông huấn Amoris Laetitia đã nhấn mạnh điều này trong số 223: “Cần lưu ý đến tầm quan trọng của linh đạo gia đình, việc cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật…”. Số 227 cũng nhắc các mục tử hãy “khuyến khích các gia đình lớn lên trong đức tin (…) khuyên họ thường xuyên xưng tội, gặp linh hướng và thỉnh thoảng tham dự các kỳ tĩnh tâm, nhất là đừng quên mời gọi gia đình dành thời giờ hằng tuần cùng cầu nguyện, bởi vì ‘gia đình hiệp nhau cầu nguyện thì hiệp nhất bên nhau’” (AL 227).

Việc làm rất hữu ích và không thể thiếu là sự đồng hành của cộng đoàn đối với các gia đình trẻ (x. AL 217 - 222). Đây là sự đồng hành từ nhiều phía: các mục tử, các đoàn hội, cha mẹ, các đôi vợ chồng có kinh nghiệm… Đây cũng là sự đồng hành về nhiều phương diện: đồng hành thiêng liêng, tư vấn tâm lý, chia sẻ kinh nghiệm về đời sống vợ chồng, gia đình, xã hội, giáo dục con cái… Sự đồng hành này đặc biệt quan trọng khi các gia đình trẻ gặp khủng hoảng (AL 227, 229 - 232).

Hơn nữa, tự thân các gia đình trẻ cũng cần không ngừng vun trồng tình yêu nơi gia đình mình, nhất là “sẵn sàng dành thời giờ cho nhau” để trò chuyện với nhau, lắng nghe nhau, nhìn vào mắt nhau, trân trọng nhau, thân mật với nhau, để ý đến nhau, sống bên nhau một cách ý thức và thắt chặt mối tương quan gia đình (x. AL số 224). Cách đặc biệt, các gia đình trẻ được mời gọi hãy vượt qua những khủng hoảng và thách đố, vì “lịch sử của một gia đình được đánh dấu mọi loại khủng hoảng, nhưng đó cũng là điều góp phần tạo nên vẻ đẹp đầy kịch tính của gia đình” (AL 232, x. AL 232 - 240). Họ cần xác tín rằng “mỗi cuộc khủng hoảng được xem như một cơ hội để có thể uống với nhau thứ rượu ngon hơn”, vì “mỗi cuộc khủng hoảng đều ẩn chứa một tin vui mà ta cần biết lắng nghe bằng lỗ tai của tâm hồn” (AL 232).

Như thế, chúng ta thấy sự đồng hành với các gia đình trẻ trong bối cảnh hôm nay trở nên hết sức cần thiết. Đây là sứ mạng của Giáo Hội và cũng là của mỗi người chúng ta. Vì vậy, có thể nói đây chính là “mặt bằng” mới cho công tác mục vụ và sứ vụ truyền giáo hôm nay: Loan báo “niềm vui của tình yêu” cho các gia đình. Hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản: gần gũi và gặp gỡ các gia đình, quy tụ họ, cầu nguyện chung với họ, chia sẻ bữa cơm thân thiện với họ, thăm viếng họ khi ốm đau, hiện diện khi họ đau khổ hoạn nạn… Đâu đó vẫn còn những tiệc cưới thiếu rượu đang mong chờ sự viếng thăm và hiện diện của chúng ta! 

 
[1] X. UNIVERSITY OF JOHANNESBURGU, “Young families become mindful of their possibilities through the appreciation of their family life”, trong Health SA Gesondheid 22 (12/2017), tr. 1-8.
[2] X. NGUYỄN VĂN NỘI, “Đồng hành với các gia đình trẻ”, trong Gia đình sống đạo, đề tài XI, http://www.dongcong.net/DoiSongKH/GDvoiGD/12.htm, truy cập 23/4/2018.
[3] K. HELLER, “Young Families Face New Problems”, https://psychcentral.com/lib/young-families-face-new-problems/, truy cập 15/4/2018.
 
[4] X. A. MẶC TRẦM CUNG, “Niềm vui và vẻ đẹp của tình yêu hôn nhân”, UB Mục Vụ Gia Đình/ HĐGMVN http://www.ubmvgiadinh.org/article/niem-vui-va-ve-dep-cua-tinh-yeu-hon-nhan, truy cập 20/4/2018.
[5] Độ tuổi trung bình kết hôn ở Việt Nam là 24.6, đứng thứ 14 trong số 20 nước đông nhất thế giới, theo http://kenh14.vn/246-la-do-tuoi-trung-binh-ket-hon-o-viet-nam-con-cac-nuoc-khac-bao-nhieu-tuoi-cuoi-la-phu-hop-20170615120829897.chn

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng  

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây