GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Đừng ngại nói với người trẻ về ơn gọi

Một trong những điều thao thức của Giáo Hội ngày nay là vấn đề mục vụ cho giới trẻ và mục vụ chăm sóc ơn gọi. Trong khi mục vụ giới trẻ quan tâm đến vấn đề nuôi dưỡng đức tin, đời sống luân lý, lòng nhiệt thành tông đồ và định hướng ơn gọi cho người trẻ, thì mục vụ chăm sóc ơn gọi chú trọng đến vấn đề nuôi dưỡng và cổ võ ơn gọi thánh hiến và linh mục nơi người trẻ.
Đừng ngại nói với người trẻ về ơn gọi
6f7d94f0bfbdb32dbafe1bd2a0aed541Một trong những điều thao thức của Giáo Hội ngày nay là vấn đề mục vụ cho giới trẻ và mục vụ chăm sóc ơn gọi. Trong khi mục vụ giới trẻ quan tâm đến vấn đề nuôi dưỡng đức tin, đời sống luân lý, lòng nhiệt thành tông đồ và định hướng ơn gọi cho người trẻ, thì mục vụ chăm sóc ơn gọi chú trọng đến vấn đề nuôi dưỡng và cổ võ ơn gọi thánh hiến và linh mục nơi người trẻ. Trong bối cảnh hôm nay, ơn gọi linh mục, tu sĩ bị giảm sút ở nhiều nơi, nhất là các nước phát triển, thì mục vụ chăm sóc ơn gọi càng cần thiết hơn. Một vị Giám mục nào đó đã nói, ngày nay không phải là khủng hoảng về ơn gọi, mà là khủng hoảng về ơn gọi tông đồ, một vị khác nhận định, ngày nay không phải là khủng hoảng về ơn kêu gọi, nhưng là khủng hoảng về lời đáp trả. Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi con người bước theo Chúa, nhưng vấn đề là con ngươi có đáp trả hay không mà thôi. Dường như nhiều người trẻ không còn cảm thấy thu hút vào đời sống linh mục, tu sĩ, vì thế từ ngữ “ơn gọi” ít được người trẻ nhắc đến hoặc thậm chí không được đề cập. Trong khi đó, giới trẻ được coi là nguồn lực ơn gọi cho các dòng tu và chủng viện, và là đối tượng được nhắm đến trong các chương trình mục vụ ơn gọi. Vậy có nên loại bỏ từ “ơn gọi” ra khỏi từ điển đức tin của người trẻ hay không?

Trong buổi nói chuyện với các vị lo mục vụ ở Châu Âu ngày 6/6/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích việc cổ võ ơn gọi cho người trẻ không phải bằng chiêu dụ, nhưng bằng sự lớn lên của Giáo Hội, sự đồng hành với người trẻ để giúp họ đối thoại với Chúa, nhờ đó họ khám phá ra ơn gọi của mình. Đặc biệt ĐứcThánh Cha nhấn mạnh đến việc nói chuyện về ơn gọi trong các chương trình giới trẻ. Vì từ ngữ “ơn gọi” vẫn chưa hết hạn, và vẫn còn sự thu hút đối với nhiều người trẻ. Việc không nói về ơn gọi vì sợ họ sẽ không tham gia các hoạt động, các chương trình là một cơn cám dỗ, và là một mối nguy cho việc đánh thức niềm đam mê và lòng yêu mến ơn gọi nơi nhiều người trẻ, những người đang tìm kiếm một động lực hay một dấu chỉ rõ rệt để quyết định chọn lựa ơn gọi cho mình.[[1]] Trong các thư và sứ điệp gửi cho giới trẻ trong kỳ Đại Hội Giới Trẻ Quốc Tế trong những năm gần đây, Đức Thánh Cha đã lấy những chủ đề trong trình thuật truyền tin và thăm viếng của Đức Maria: 2017- Đấng Toàn Năng đã làm  cho tôi những điều trọng đại” (Lk 1,49);  2018- “Thưa bà Maria,  xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lk 1, 30);2019- “Này tôi là tôi tớ Chúa: xin làm cho tôi như lời Sứ thần truyền” (Lk 1,38). Bên cạnh việc suy tư về sự cam đảm đáp tiếng xin vâng của người trẻ Maria, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn theo gương Mẹ vượt lên mọi nỗi lo lắng và sợ hãi để đi theo con đường Chúa muốn qua việc cầu nguyện, phân định, gặp gỡ và đối thoại với những người có kinh nghiệm để được hướng dẫn trong việc chọn lựa ơn gọi.

Ơn gọi là một hồng ân đến từ Thiên Chúa và sự tự do đáp trả của con người. Việc giúp cho người trẻ nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa phải là trung tâm của Phúc Âm hóa và hành động của Giáo Hội trong chương trình mục vụ giới trẻ và chăm sóc ơn gọi. Tại Việt nam nói chung, và giáo phận Bùi Chu nói riêng, các lớp tìm hiểu ơn gọi được tổ chức trong các giáo xứ nhằm giúp các bạn khám phá và nuôi dưỡng hạt giống ơn gọi. Nhưng thành viên của các lớp này hầu hết là những em thiếu nhi. Khi các em tốt nghiệp giáo lý cũng là lúc các em tốt nghiệp lớp tìm hiểu ơn gọi, điều này đồng nghĩa với việc tìm hiểu ơn gọi đã xong, và sự ham thích đi tu cũng đã hết. Bước chân vào giới trẻ, các em ít được nhắc đến “ơn gọi”, trong khi đó các em đang độ tuổi của việc chọn lựa ơn gọi, nghề nghiệp và lý tưởng sống. Việc không nhắc đến “ơn gọi” làm cho các em phân vân trong lựa chọn, hoặc bị đánh mất khát vọng trở thành linh mục, tu sĩ khi còn nhỏ. Vì thế, đừng ngại nói với giới trẻ về ơn gọi bởi ơn gọi cần được nuôi dưỡng và bảo vệ. Vậy nên, mục vụ giới trẻ không thể tách khỏi mục vụ chăm sóc ơn gọi và giáo dục đức tin. Người trẻ cần được nuôi dưỡng đức tin và ơn gọi qua việc học hỏi giáo lý, cầu nguyện, tham gia các sinh hoạt, các công việc bác ái, giúp đỡ người nghèo.

Bên cạnh đó, tin tưởng nơi người trẻ, và giúp người trẻ tin tưởng vào Thiên Chúa và Giáo hội cũng là cách thế để nuôi dưỡng ơn gọi cho họ. Rất nhiều người đã cónhững ý nghĩ tiêu cực về giới trẻ, hoặc không tin vào khả năng của họ khiến họ không có cơ hội để phát triển bản thân và phục vụ người khác. Nhiều bậc cha mẹ đã “bàn lùi” khi con mình nhắc đến chuyện muốn đi tu. Những kiểu nói như “Con mà tu được thì cả làng đi tu”, hay “Đi ba hôm rồi về”, hoặc “Con không đi tu được đâu”, thậm chí “Người ta ngoan ngoãn, giỏi giang mới tu được, còn mình thì…”. Những lời nói như thế làm cho các em nhụt chí, và không tin vào khả năng của mình, không dám đương đầu với những thử thách, và không dám “liều mình” chọn ơn gọi mặc dù mình rất khao khát. Christus Vivit số14 nói, “Đức Giêsu không hề thích người lớn coi thường hoặc áp đặt người trẻ. Đối với Người, tuổi tác không tạo ra đặc quyền, vàí ttuổi hơn không có nghĩa là kém giá trị hay kém phẩm giá hơn”.[[2]] Việc tôn trọngvà tin tưởng vào năng lực, lòng nhiệt thành của người trẻ sẽ tạo động lực để họ tiến bước trong hành trình gặp gỡ Đức Giêsu, thiết lập tình bạn thân thiết với Ngài, nghe được lời mời gọi của Ngài và can đảm, quảng đại đáp lại lời mời gọi đó trong ơn gọi hướng tới sự toàn diện.


Người trẻ cũng sẽ thu hút vào ơn gọi linh mục, tu trì nếu họ tìm thấy nơi những người đó vẻ đẹp thánh thiện và niềm vui tin mừng. Thực vậy, người trẻ đang tìm cho mình những idol, những thần tượng để bắt chước, họ sẽ được lôi cuốn vào lối sống giản dị, thanh thoát khi nhìn thấy lối sống này nơi những người tu trì. Trong thư gửi những người thánh hiến nhân dịp cử hành năm Đời sống Thánh hiến 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi những người thánh hiến đánh thức thế giới và trở nên những chuyên viên hiệp thông, vậy nên họ cũng cần đánh thức ơn gọi nơi người trẻ và trở nên những idol của họ bằng chứng tá Phúc Âm của niềm vui và hy vọng. Thực tế, rất nhiều bạn trẻ đã được đánh động bởi những câu chuyện về các vị Thánh, hay những người sống xung quanh họ nhưng để lại cho họ những ấn tượng sâu sắc. Những người này sẽ là cầu nối dẫn người trẻ đến với thần tượng lớn nhất là Đức Giêsu, “một người trẻ ở giữa những người trẻ để nên mẫu gương cho người trẻ và thánh hiến họ cho Chúa”. [[3]]

Đừng ngại nói với giới trẻ về ơn gọi, về Chúa Giêsu, về Đức Maria và các Thánh, vì người trẻ luôn khát khao hướng tới sự thánh thiện toàn diện. Thánh Phaolô đã quả quyết “Làm sao họ tin Đấng họ không nghe. Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng” (c.f. Rm 10:4). Cũng thế, làm sao người trẻ biết được ơn gọi linh mục, thánh hiến nếu họ không được nghe về ơn gọi. Làm sao họ quảng đại đáp tiếng xin vâng trước lời kêu gọi của Chúa nếu họ không tin vào Chúa. Vậy nên, hãy nói với người trẻ về Đức Giêsu và ơn gọi, họ sẽ nghe, sẽ “đến và xem” (cf. Jn 1:39). 

[1]ĐTC Phanxico: Ơn gọi không phải là chiêu dụ mà là đối thoại với Chúa. http://svconggiao.net/2019/06/13/dtc-phanxico-on-goi-khong-phai-la-chieu-du-ma-doi-thoai-voi-chua/
[[2]]Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng - Christus Vivit. http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/ChristusVivit/03Christusvivit_LCD.htm
[[3]]Christus Vivit, 22. Ibid.

Tác giả: Sr. Mary Bernadette

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây