GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


CHƯƠNG VIII: Đời tu trở về (Xuất tu)

Sáng hôm sau, Hoàng thức giấc từ khá sớm. Lần đầu tiên từ ngày trở về, Hoàng thức giấc gần như cùng một lúc với bà Minh. Hoàng tranh thủ đi tắm rửa, chuẩn bị quần áo để dự Thánh lễ Thêm Sức tại nhà thờ giáo xứ. Chàng phân vân mãi không biết nên mặc quần áo nào cho ngày lễ hôm nay.
CHƯƠNG VIII: Đời tu trở về (Xuất tu)
Sáng hôm sau, Hoàng thức giấc từ khá sớm. Lần đầu tiên từ ngày trở về, Hoàng thức giấc gần như cùng một lúc với bà Minh. Hoàng tranh thủ đi tắm rửa, chuẩn bị quần áo để dự Thánh lễ Thêm Sức tại nhà thờ giáo xứ. Chàng phân vân mãi không biết nên mặc quần áo nào cho ngày lễ hôm nay. Nếu là ngày trước thi chàng chỉ cần khoác lên mình bộ áo chùng thâm là mọi chuyện xong xuôi. Còn bây giờ, chàng biết mặc thế nào cho hợp lý. Bộ quần áo nào cũng mang dáng dấp gì đó của một thời còn hăng say. Hiện tại thì đã khác. Chàng hiện tại cũng giống như bao nhiêu người khác, cách ăn mặc cũng phải làm sao để giống mọi người, không gây chú ý quá. Chàng thử hết chiếc áo này tới áo khác. Cuối cùng thì chàng chọn và mặc chiếc áo sơ mi trắng mà cha đỡ đầu từng tặng chàng ngày chàng chuẩn bị nhập trường chủng viện. Lúc chàng mặc quần áo xong thì bà Minh đã chuẩn bị ra khỏi nhà. Lâu rồi hai mẹ con mới ra khỏi nhà để đi lễ cùng lúc, cùng một nơi. Mấy tuần nay, cứ bà Minh đi lễ thì Hoàng sẽ ở nhà và ngược lại. Lễ sáng Chủ Nhật thì hai mẹ con sẽ đi lễ tại hai nhà thờ khác nhau. Cũng là lâu lắm rồi Hoàng mới thấy mẹ mình khoác lên tấm áo dài màu tím nhạt mà anh đã tặng mẹ. Vẫn dáng đi nhỏ nhắn mà khỏe khoắn của ngày trước, nhưng nay đã có gì đó là khập khừng, ngượng ngùng hơn. “Cũng lại là do mình”, Hoàng thầm nghĩ.

Hoàng đợi mẹ đi trước, anh canh sát gần đến giờ lễ mới bắt đầu ra khỏi nhà. Đến sát giờ lễ như thế hy vọng tránh được mọi người nhìn và bàn tán về mình. Vừa ra khỏi nhà, Hoàng lại thở dài thườn thượt “Bao giờ anh mới hòa nhập được với cộng đoàn giáo xứ quê hương mình đây?” Trước lúc trở về, anh lo gia đình là nơi anh khó đối diện nhất, nhưng thật may gia đình là nơi đón nhận anh đầu tiên và nhanh nhất. Còn quê hương lại là nơi chưa sẵn sàng mở rộng hết cả vòng tay ra để đón nhận anh. “Mong thời gian này trôi qua nhanh thôi, để mọi chuyện trở về như ngày trước”.

Ra đến đầu ngõ, Hoàng gặp ngay Hòa. Câu nói chiều hôm qua của bà nội khiến anh bất giác ngượng ngùng khi nhìn thấy Hòa. Lâu nay không nhìn cô kỹ, anh đã không nhận ra Hòa đã lớn và trở thành thiếu nữ từ bao giờ. Không còn mái tóc ngắn cũn cớn, mái tóc của cô giờ đã dài chấm ngang lưng. Khuôn mặt thon gọn, được chăm sóc kỹ lưỡng đã thay cho khuôn mặt bầu bĩnh, đôi lúc chấm mấy cái mụn của ngày xưa. Bộ áo dài cô đang mặc đã biết ôm lấy dáng, làm cô thanh tú hơn chứ không luộm thuộm, dài quá cả hai bàn tay như ngày cô cùng anh tham gia ca đoàn thiếu nhi ngày xưa. Duy vẫn có hàm răng trắng đều, đi kèm với nụ cười tươi tắn nheo cả hai mắt lại là không thay đổi. Tận hôm nay anh mới nhìn Hòa kỹ như thế. Tự nhiên anh càng ngượng ngùng hơn, chưa biết mở lời với cô thế nào nên đành hỏi đại:
  • Sao giờ em mới đi?
Hòa đi nhanh lại chỗ Hoàng:
  • Ca trưởng còn đợi sát giờ lễ mới đi thì em lo đi sớm làm gì. (Hòa lại cười). Mà anh không đi sớm để xếp chỗ ngồi và tập hát lại cho mọi người à?
  • Ông quản Lợi nhận giúp anh mấy chuyện đó rồi. Đi muộn muộn cho người ta đỡ để ý tới mình. Mà em đi cùng anh thế này, không sợ người ta nói cho à?
  • Em chả sợ. (Hòa bỉu môi). Mà đấy. Anh vẫn sợ người ta nói vậy cơ à? Kệ họ chớ. Nói cứ nói. Họ có ở trong hoàn cảnh của mình đâu mà biết. Sợ với chả sệt. Chả giống anh Hoàng mà em quen tý nào cả.
Hai người lững thững đi cùng nhau. Trời hôm nay nắng lên khá cao. Đi bộ một lát mà mồ hôi đã lấm tấm trên trán Hòa. Hoàng lấy khăn mùi xoa trong túi mình ra, đưa cho cô. Cô nhận từ tay anh, mỉm cười một cái thay lời cảm ơn, rồi lau những giọt mồ hôi trên trán mình. Hòa vẫn tự nhiên với những hành động quan tâm của Hoàng như trước giờ vẫn thế. Chỉ có điều, cô không nhận ra đôi chút ngập ngừng của người con trai đang đi cạnh mình. Anh vẫn yên lặng mà chẳng thể nói gì với cô. Mãi tới lúc gần đến nhà thờ, anh mới mở lời tiếp:
  • Anh cảm ơn em nhé! Dịp này mấy đứa giới trẻ chắc nhờ em mà mới đi tập hát đông đủ như thế. Không thì chả có ai chịu đi tập hát với anh.
Hòa quay sang anh, cười nhẹ một cái rồi nói:
  • Chúng nó quý anh nên mới đi đấy. Ban đầu một số đứa cũng bị bố mẹ gàn, không cho đi. Nhưng em nói chuyện với bọn nó, rồi dạy bọn nó cách thuyết phục bố mẹ, thế là được đi tiếp. (Giọng cô trầm hơn). Em chắc anh cũng nhận ra, Thánh lễ này quan trọng với anh thế nào. Nếu Thánh lễ này diễn ra suôn sẻ, sẽ có nhiều người thông cảm và đón nhận anh hơn. Em biết thế nên giúp được anh điều gì thì em đã cố gắng cả rồi. Phần còn lại là ở anh đấy.
Hoàng vẫn nhìn lên phía trước, trả lời cô:
  • Anh biết chứ. Vậy nên anh càng phải cảm ơn em nhiều hơn. Anh sẽ cố gắng cho xong Lễ này, rồi tránh khỏi quê một thời gian cho mọi thứ nguôi nguôi.
  • Anh tính đi luôn hả - Hòa ngạc nhiên, hỏi.
  • Chiều nay anh sẽ bắt xe đi luôn. Anh lên chỗ cha Hảo mấy ngày rồi về Hà Nội, sang chỗ thằng Quân. Chắc không đi cùng em như hẹn hôm trước rồi.
Hòa lảng mặt đi, vẻ hờn dỗi:
  • Kệ anh. Không chơi với anh nữa. Thế mà hẹn là đi với nhau. Lại bỏ rơi đứa em này đi một mình. Chán anh.
  • Về Hà Nội anh sẽ alo. Anh em mình gặp nhau ở Hà Nội sau. Nhé.
Hai người đến cổng nhà thờ. Hoàng cố ý đi tụt lại sau. Hòa biết ý, nhanh chân đi lên ca đoàn trước. Một mình đi giữa bao nhiêu con mắt, tự nhiên  Hoàng thấy gai gai cả người. Dù đã mặc bộ quần áo đơn giản nhất mà mình có, anh vẫn biết ai cũng nhận ra anh, nhìn ra anh. Không biết có bao nhiêu ánh mắt thông cảm, ánh mắt xỉa xói đang nhìn anh. Hoàng càng thấy mình lạc lõng hơn. Biết thế anh đã kéo Hòa ở lại đi cùng mình. Nhưng anh lại nhớ lời mẹ dặn hôm trước, nên lại thôi. Hoàng cố rảo bước thật nhanh, lên chỗ ca đoàn để tránh các ánh mắt đang nhìn mình.

Lúc Hoàng lên đến nơi thì nhà thờ đang chuẩn bị đọc kinh để vào Thánh Lễ. Mọi người trong ca đoàn đã ngồi vào chỗ, chuẩn bị giấy hát đầy đủ. Anh bước lên bục của ca trưởng, xem qua tập giấy hát chuẩn bị cho riêng mình. Tự nhiên anh thấy mình thiếu thiếu cái gì đó. À! Đó là bộ áo chùng thâm. Mấy năm liền đều có bộ áo đó làm bạn đồng hành trong mọi Thánh lễ dù ở quê hay ở đâu. Hôm nay là lần đầu tiên anh dự lễ mà không khoác lên mình bộ tu phục đó, anh thấy ngường ngượng. Vẫn chưa quen. Anh xem qua một loáng tập giấy hát, rồi bước lùi lại phía góc tường che khuất anh với cộng đoàn đang ngồi giữa. Hoàng ngồi phịch xuống một chiếc ghế kê sẵn ở đó. Đầu anh cúi gằm. “Cố lên! Chút nữa thôi! Chút nữa thôi!”. Những tiếng vang đó cứ vọng lên trong đầu anh.

Đúng là chỉ ít phút sau, khi kinh dẫn vào Thánh lễ vừa dứt là lúc Thánh lễ bắt đầu. Hoàng nhẹ nhàng đứng lên, khẽ hít sâu một lần nữa rồi bước lên. Lúc tiếng đàn piano bắt đầu vang lên cũng là lúc anh lướt mắt một lượt qua tất cả các thành viên ca đoàn. Ai cũng đang chăm chú nhìn lên từng ngón tay, từng nét mặt của anh. Nhất là Hòa. Cô nhìn anh chăm chú, dồn hết sự tập trung vào anh, và cả sự động viên không thành lời cho anh. Lúc đoạn intro của nhạc công vang lên mấy nốt cuối cùng, cô khẽ mỉm cười nhẹ với anh. Hoàng biết điều đó, anh cũng mỉm cười nhẹ đáp lại cô, rồi để cho từng đầu ngón tay của mình bắt đầu chuyển động, ăn nhịp với tiếng đàn vừa dứt:

“ Tiến về nhà Chúa lòng ngây ngất bao niềm sướng vui…” (Tiến về nhà Chúa – NS. Viết Chung)
Cả Thánh lễ hôm đó, Hoàng không để cho tâm trí mình bị phân tán đi đâu. Anh cố gắng tập trung vào từng động tác, từng cử chỉ uyển chuyển của ngón tay. Một Thánh Lễ sốt sắng diễn ra.
Lúc Thánh lễ vừa xong, Hoàng đang chuẩn bị thu dọn ít đồ cùng ông quản Lợi. Ông quản, tay vừa thu dọn đống giấy hát vào cặp, vừa nói với Hoàng:
  • Cảm ơn chú Hoàng nhiều nhé! Hôm nay ca đoàn hát rất tốt. Đa phần là các bạn trẻ nên giọng hát cũng trẻ, hát nhiệt tình. Thế này thì người ta hết cớ để nói chú nữa.
Hoàng dọn đẹp giấy tờ trên chiếc đàn ba giàn, không nhìn ông Lợi, nói:
  • May cho con là có ông và các em giúp đỡ. Xong Thánh Lễ này con cũng đi xa một chuyến, nên chắc người ta cũng hết nói về con. Chắc mọi người sẽ quay lại tập hát đều đặn như cũ thôi ông quản ạ.
  • Chú đi đâu mà đi xa? Không ở lại thêm à? – Ông quản Lợi ngạc nhiên hỏi.
  • Con lên chỗ cha cố con mấy ngày rồi quay lại Hà Nội tìm việc làm. Cũng không thể cứ ở nhà mãi như thế này được ông ạ.
Ông quản Lợi gật gù ra vẻ hiểu điều Hoàng vừa nói:
  • À đúng rồi đấy. Đi xa cho mọi chuyện êm êm cũng là cách hay. Có điều tôi vẫn tiếc. Tưởng chú ở nhà được lâu lâu thì giúp ca đoàn cho tôi. Giờ lại lóc cóc đi tìm người dạy hát cho ca đoàn tiếp vậy.
Hoàng mỉm cười với ông, tỏ ý mong ông thông cảm. Hai người lại lúi cúi dọn giấy tờ. Lúc giấy hát đã dọn xong trong chiếc cặp của ông Lợi thì nhà thờ cũng chỉ còn lác đác mấy người đang đi đóng cửa nhà thờ.
  • Hoàng! Hoàng!
Có tiếng gọi Hoàng từ buồng áo vọng ra, lúc anh và ông quản Lợi chuẩn bị cất xong giấy và sách vở. Hoàng ngẩng lên, biết là ai đang gọi mình từ phía đó. Thầy Chúc, người bạn và người anh thân thiết với Hoàng ở chủng viện. Anh đang giúp xứ ở gần đây, nên hôm nay anh cũng về giúp lễ.
  • Anh Chúc. Anh chưa vào trong nhà xứ à?
Thầy Chúc bước nhanh đến bên chỗ Hoàng, chiếc áo chùng thâm vắt gọn trên tay:
  • Các cụ còn đang thay đồ lễ, trò chuyện với nhau chán mới dùng cơm. Tranh thủ chạy lại chào nhau cái.
Thầy Chúc vừa bước đến thì ông quản Lợi cũng đã cất xong những tờ giấy hát và đang chuẩn bị bước ra sân. Ông chào thầy Chúc mấy câu, rồi đi ra. Hôm nay nhà ông có đứa con trai chịu phép nên ông về nhanh để tiếp khách. Cũng may, cả nhà thờ chỉ còn Hoàng và thầy Chúc nên hai người dễ nói chuyện.
Hoàng và thầy Chúc ngồi luôn tại ghế đầu tiên của ca đoàn. Thầy Chúc nói trước:
  • Ban đầu tớ không tin mọi người nói đâu. Nhưng hôm vừa rồi thấy cha Quang bảo cậu mới về, tớ đành phải tin. Sao đấy? Vẫn là những điều hồi trước cậu tâm sự với tớ hả.
Hoàng gật nhẹ người, đáp lại bằng một tiếng nói nhẹ đến nỗi gần như không phát ra âm thanh gì.
  • Tớ biết cậu vẫn còn nhiều tâm tư lắm – thầy Chúc tiếp lời – nhưng thú thực là tớ cũng phục cậu đấy. Giờ trở về thì chắc nhiều chuyện rồi. Mọi khi đi lễ bên Phúc An thấy ca đoàn mà có cậu tập hát thì đông người lắm. Nay thấy vơi vơi là biết rồi. Họ không phục đúng không? (Hoàng lại gật người ra chiều đồng ý với điều thầy Chúc vừa nói) Âu cũng là cái tính của người dân quê mình. Họ thương người đi tu đấy, quý người đi tu đấy, nhưng tu mà “xuất” thì thành cái gai to trong mắt họ. Nhiều khi tớ cũng chập chùng lắm, nhưng sợ bị người ta soi mói nên ở lại. Chả biết làm thế có đúng hay không, nhưng cũng ở lại được đến giờ.
Thầy Chúc nói câu đó xong, khẽ thở dài.
Có tin nhắn đến điện thoại của thầy Chúc, thầy đọc rồi quay lại bảo Hoàng:
  • Cụ nhắn vào dùng cơm rồi về sớm. Này! Hôm nào rảnh qua tớ chơi rồi nói chuyện sâu hơn. Nhé!
  • Chiều nay em lên chỗ cha cố, rồi quay lại Hà Nội đi làm luôn rồi anh ạ. Chắc không sang được chỗ anh rồi.
  • Đi lên chỗ cha luôn à? Ừ! Đi cho nhẹ lòng. Đi cho bình an. Làm gì thì làm, cứ bình an trước đã.
Thầy vỗ nhẹ vai Hoàng, rồi bước vội về nhà xứ.
Hoàng nhìn theo dáng của người anh đang bước về nhà xứ, thấy rưng rức trong lòng. Bóng hình của mình ngày xưa đó. Cũng một thời nhà xứ là nơi mà anh dành nhiều phần thời gian của mình trong đó, sau mái nhà của mình. Giờ, thế giới ấy tự nhiên xa xôi, tự nhiên khó bước vào quá. Trong Thánh lễ hôm nay, anh đã cố tránh mắt các cha đứng từ trên gian thánh nhìn xuống mình. Các cha của các xứ quanh đây anh đều gần gũi. Đáng ra anh lại để chào các cha. Nhưng lúc này anh thấy chưa nên, hoặc chưa dám.

Hoàng đứng lên, nhìn nhà Tạm một lần nữa, rồi bước ra ngoài.

Hòa vẫn đứng đợi Hoàng ở cửa nhà thờ. Mọi người trong ca đoàn đã về hết, chỉ còn cô ở lại. Hoàng ra hiệu với cô, hai người bước về cùng một lúc. Được một quãng, Hòa quay sang hỏi Hoàng:
  • Chiều nay mấy giờ anh đi?
  • Chắc tầm ba giờ chiều – Hoàng trả lời cụt ngủn.
  • Có ai đưa anh ra bến chưa?
  • Từ nhà anh ra bến có một xíu. Chắc anh lang thang đi bộ ra đến đó rồi đợi xe thôi. Mà bao giờ thì em thực tập xong?
Hòa vừa cúi đầu, tránh nhìn Hoàng, vừa trả lời anh:
  • Em còn tầm một tuần nữa là xong. Xong việc em cũng về lại Hà Nội để đi học luôn. Hy vọng lúc em lên Hà Nội thì anh cũng xong việc, đang ở Hà Nội rồi.
Hoàng ậm ừ, không trả lời Hòa. Lúc này anh cứ để mọi thứ tự nhiên trôi đi. Thực ra anh cũng không biết nói thế nào với Hòa cả. Nhưng anh cảm nhận rõ những lúc đi bên Hòa như thế này, anh chẳng cần nói gì cũng đã là bình yên. Bao giờ mới đi cạnh nhau tại quê hương như thế này? Trong lòng anh, mỗi khi đối diện với Hòa, đang dần nảy nở một điều gì đó rất lạ mà chính anh cũng không giải thích nổi. Anh đang dần mong có thêm những khoảnh khắc đi bên cạnh cô em gái nhà hàng xóm như lúc này. Là cô hay là cảm giác bình yên khi đi bên cô đang níu chân anh?

Hai người cứ thế lặng lẽ đi bên nhau cho đến khi về tới hai đầu ngõ. Hòa chủ động chào Hoàng, rồi cô rảo chân đi thật nhanh về phía ngõ nhà mình, bỏ Hoàng lại một mình mà chưa kịp chào cô. Anh cứ đứng đó nhìn Hòa cho đến khi cô khuất trong những rặng cây của con ngõ nhỏ.

Hoàng bước lần thần vào nhà mình. Nhà yên ắng quá! Xung quanh đó, trong những nhà có con được chịu Bí tích Thêm sức hôm nay, tiếng xôn xao vui mừng đang ập lại mảnh sân yên ắng. Chắc chẳng còn ai nhớ tới anh lúc này. Thật may. Nhưng mẹ anh đâu rồi?

Hoàng cởi quần áo, gấp gọn và cho vào ba lô của mình. Một ba lô đầy quần áo đã gấp sẵn từ tối qua để chuẩn bị cho một chuyến đi tiếp theo mà anh sẽ khởi hành vào chiều nay. Những quần áo không cần thiết anh đã gấp gọn và cho vào tủ. Kéo khóa ba lô lại, Hoàng đặt nó cạnh chiếc gối đầu giường. Hoàng dừng lại. Bên cạnh chiếc gối là cuốn sách nguyện của Hoàng. Cuốn sách nguyện mà cha cố đã tặng anh từ ngày anh chuẩn bị bước vào chủng viện. Cuốn sách đã đi theo anh trên chặng đường đi tu của những năm qua. Tối qua, trong lúc soạn đồ, anh đã định đặt lại nó ở nhà. Bởi giờ chắc anh chẳng dùng nó mấy nữa. Nhưng giờ, anh vẫn thấy một điều gì đó tiếc nuối. Hoàng nhấc cuốn sách lên, tay mân mân. Chiếc vỏ bọc bằng da êm êm. Chiếc chỉa khóa mà đã bao lần anh mở ra và đóng lại trong những giờ kinh nguyện gẫm của mình. Trong khi anh em cùng lớp mỗi khi có dịp đều dùng điện thoại, máy tính bảng để đọc kinh cho tiện thì Hoàng vẫn thích được đọc bằng cuốn sách của mình. Cảm giác mỗi lần mở sách ra là một lần thêm hy vọng cho tương lai của mình. Một tương lai đã dừng lại khi anh quyết định sẽ trở về. Anh lần giở chìa khóa, mở cuốn sách ra. Mùi giấy thơm vẫn xộc thẳng lên mũi, khiến mũi anh cay cay. Bức ảnh Hoàng trong bộ áo tu phục, đứng bên cạnh cha cố và tươi cười vẫn còn đây. Hoàng  ngắm bức ảnh thật kỹ, rồi anh đóng cuốn sách lại, nhưng vẫn giữ bức ảnh trên tay. Anh đặt cuốn sách lại chỗ cũ, còn bức ảnh, anh cho vào một ngăn nhỏ của ba lô.

Sắp hết đồ đạc xong, anh mới từ từ bước xuống bếp. Có tiếng lục cục dưới đó. Bà Minh đang chuẩn bị cho bữa trưa. Bà biết Hoàng đã về, nhưng bà cũng không lên tiếng. Lúc Hoàng xuống tới cửa bếp thì bà cũng vừa nấu xong. Tay quệt đi những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên trán, bà nói với con trai:
  • Bê lên nhà, chuẩn bị ăn trưa thôi con.
Hoàng bê mâm cơm lên nhà trước. Lúc anh vừa đặt bát, đũa cho mình và cho mẹ xong thì bà Minh cũng lên tới nơi, bê theo nồi cơm nóng hôi hổi.

Hoàng nhanh tay xới cơm cho mẹ và cho mình. Hai mẹ con lặng lẽ làm dấu, đọc kinh tạ ơn, rồi lặng lẽ ăn. Mỗi người đều lặng lẽ với những dòng suy nghĩ riêng của mình. Hoàng thì nghĩ về những ngày phía trước, những ngày phải vật lộn với cơm áo gạo tiền  như bao người khác. Anh từng nghe khi đi tu trở về sẽ phải mất một thời gian khó khăn mới quen được công ăn việc làm. Anh từng nghĩ “có chuyện gì mà khó chứ”, nhưng giờ tự anh thấy trước mắt là bao nhiêu khó khăn đang đợi chờ mình. Còn bà quản Minh, bà lặng lẽ đến mức chẳng ai biết bà đang nghĩ gì. Bà cứ lặng lẽ ăn, lặng lẽ gắp, đôi khi gắp cho con miếng cá, miếng rau. Bữa cơm hôm nay có đôi chút tươm tất hơn: Một đĩa cá kho, một đĩa rau cải thảo xào, thêm một bát canh cua kèm với bát cà ghém. Thấy con trai ngồi thừ ra, bà lặng lẽ gắp thức ăn cho con. Mãi khi bát canh cua đã gần vơi hết, bà mới nói:
  • Sáng nay cái Hòa mang một túi cua to sang, bảo là nhờ mẹ nấu cho con ăn trước khi đi. Mẹ mời nó ở lại ăn cơm mà nó không chịu.
  • Vậy là Hòa biết trước mình sẽ đi chiều nay, thế mà mình cứ tưởng… - Hoàng thầm nghĩ.
  • Coi như bữa cơm chia tay mẹ con mình vậy. Con lên đó cho mẹ gửi lời hỏi thăm cha, hỏi thăm bác Định. Nhớ lời mẹ dặn là đi đâu thì đi, làm gì thì làm, đừng có bỏ Đạo, bỏ Chúa. Khi nào thấy mọi chuyện lắng lắng xuống thì hẵng về.
  • Mẹ ở nhà một mình…không sao chứ ạ? – Hoàng ngập ngừng hỏi mẹ.
Bà Minh đặt đũa và bát xuống, nhẹ nhàng nói với con:
  • Bao lâu nay mẹ vẫn ở một mình chứ có mấy mình. Mẹ quen rồi.
  • Nhưng…người ta…
  • Cũng phải quen dần đi thôi. Mấy ngày qua mẹ tránh mặt để người ta bớt xỉa xói con. Giờ chỉ còn một mình, mẹ sẽ trở lại nếp như ngày trước. Con cũng đừng để ý mãi làm gì, mệt cả người ra. Lên Hà Nội, chí thú mà làm ăn. Giờ phải tập mà làm ăn giống như người ta thôi.
Bà Minh nói xong câu đó thì khẽ thở dài một cái. Cái thở dài để trút đi bao nhiêu trằn trọc trong bà của những ngày qua. Thế đấy! Có con đi tu thì nó rời mình đi theo một kiểu. Giờ có con đi tu trở về, nó vẫn rời mình đi, theo một kiểu rất khác. Vẫn là bò bõ một mình trong căn nhà này. Bà sẽ lại trở về những ngày trước, ăn một mình, ngủ một mình. Chỉ là giờ bà phải tập sống cùng với những con mắt không còn thiện cảm với bà như ngày xưa. May ra có một, hai người thông cảm cho bà.

Bà Minh dặn dò con trai xong thì đi nằm nghỉ trưa. Hoàng vẫn nhẩn nha từng miếng cơm của mình. Lúc anh dùng bữa xong thì tiếng chuông mười ba giờ cũng vừa điểm. Anh dọn dẹp chút đỉnh rồi tranh thủ đi nằm. Vừa bắt kịp cơn mơ màng thì tiếng chuông báo thức ở điện thoại vang lên. Mẹ đã đi đâu rồi. Vậy là chả kịp chào mẹ lần nữa trước khi lên đường. Rửa mặt mũi cho tỉnh táo xong, Hoàng lên bàn thờ bố, thắp hương. Anh nhìn thật kỹ di ảnh của bố, đứng trầm ngâm một lát. Vác balo lên vai, anh nhìn qua căn nhà một lần nữa. Hoàng không khóc, nhưng lòng anh vẫn gợn gợn một nỗi buồn sâu thẳm. Anh đưa mắt một lượt thật nhanh, sợ càng nhìn lâu sẽ lại bật khóc.
Hoàng đang lúi cúi khóa cổng thì có tiếng gọi:
  • Anh Hoàng!
Hoàng quay lại. Là Hòa. Anh ngạc nhiên hỏi cô:
  • Anh tưởng em đang trên viện? Sao lại về giữa chừng như thế này?
Hòa dừng xe trước mặt Hoàng, nháy nháy với anh:
  • Chưa kịp chào ông anh, lòng cứ bồn chồn mãi. Đã thế, trời nắng thế này mà để anh đi bộ ra bến, nghĩ cũng tội. Em tranh thủ về chở anh ra bến rồi quay lại viện ngay. Lên xe đi, em chở.
Hoàng lật đật ngồi ra yên sau của Hòa. Trên chặng đường đi, anh cứ ậm ừ trả lời các câu hỏi của Hòa mà không có chủ đích nói thêm với cô điều gì. Anh tranh thủ ngắm ngôi nhà thờ của giáo xứ khi đi ngang qua. Anh tranh thủ hít hà cơn gió lộng thổi từ cánh đồng rộng lớn của quê mình. Bao lần đi xa, mà sao lần này anh cứ xao xuyến cách lạ trong lòng. Hóa ra anh vẫn yêu quê hương đến thế. Chỉ là anh không thể ở lại thêm. Anh phải ra đi. Phải ra đi để làm lại đời mình một lần nữa. Phải ra đi để người ta quên anh, cho anh được hòa nhập lại với tất cả thêm một lần nữa. Phải ra đi để mẹ anh không phải trốn tránh những cái nhìn, những tiếng nói của thiên hạ. Phải ra đi.

Lúc hai người tới bến cũng vừa lúc xe ô tô sẽ đón Hoàng tới nơi. Hoàng đang chực nhảy lên xe thì Hòa gọi với theo:
  • Anh Hoàng! Anh giữ lại tràng Mân Côi này bên mình. Nhớ có gì thì gọi cho em nhé. Đừng chỉ giữ cho bản thân mình. Già đi, hại thân lắm.
Vừa nói, Hòa vừa đưa cho Hoàng một tràng Mân Côi màu lục bích. Hoàng quay lại, nhận tràng hạt từ tay Hòa, mỉm cười. Anh vẫy tay chào cô lần cuối, rồi trở vào chỗ ngồi của mình. Việc đầu tiên Hoàng làm là đeo cỗ tràng hạt vào cổ mình. Anh cố ngoái cổ ra khỏi cửa kính, nhìn Hòa đang đứng đó, vẫy tay chào mình.
Chiếc xe từ từ lăn bánh giữa cơn nắng cuối hạ đang xiên góc.

 
Hải Hậu, ngày 03 tháng 02 năm 2020

Tác giả: Quang Hải

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây