GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Chờ đợi trong tỉnh thức

Mùa vọng đến nhắc nhở các tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến lần thứ nhất, đồng thời tỉnh thức chờ đợi Chúa đến lần thứ hai. Đối với các Kitô hữu, câu nói“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13, 33) trở nên rất quen thuộc trong Mùa Vọng.
images (1)
images (1)Mùa vọng đến nhắc nhở các tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến lần thứ nhất, đồng thời tỉnh thức chờ đợi Chúa đến lần thứ hai. Đối với các Kitô hữu, câu nói“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13, 33) trở nên rất quen thuộc trong Mùa Vọng. Vậy ngày, giờ nào Chúa sẽ đến ? Điều ấy không ai được biết, kể cả Người Con (Mt 24, 36). Thế nên Đức Giêsu đặc biệt nhắc nhở các tín hữu luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Tại sao phải tỉnh thức và thức tỉnh như thế nào ?

Tại sao phải tỉnh thức ?

Trước hết, tỉnh thức là một mệnh lệnh, là ý muốn của Ông chủ. Trong thân phận đầy tớ, nếu chúng ta biết lắng nghe và hành động theo ý Chủ, ta sẽ nhận được lời khen ngợi kèm theo “phần thưởng” khi chủ trở về.
Tỉnh thức là thái độ của gia nhân trung thành đối với người đã tín nhiệm, ủy thác trách vụ và niềm vui ngày tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu chủ nhà gặp được gia nhân trong tư thế đợi chờ, sẵn sàng.

Hơn thế, tỉnh thức để khỏi rơi vào giấc ngủ trong đêm tối. Theo Kinh thánh, ban đêm hay bóng tối gợi lên hình ảnh một môi trường đầy nguy hiểm, thử thách. Bóng đêm mang chiều kích thử thách của cuộc sống. Nó đưa đến tội lỗi, đau khổ, sự chết, sa ngã, nản chí. Người canh cửa có thể phản bội chủ lúc xa vắng để chạy theo những quyến rũ của kẻ khác, là ngẫu tượng… kẻ đồng lõa với bóng đêm.

Tỉnh thức như thế nào?

Tỉnh thức phải chăng là tư thế ngồi chờ thụ động, viển vông ? Không ! Đọc lại lịch sử dân Chúa, ta thấy việc tỉnh thức không phải là thái độ thụ động, ngồi không, nhưng là thái độ tích cực, là hành vi ý thức của người có hiểu biết. Tỉnh thức trước những cám dỗ của môi trường sống, những êm ái dễ đưa ta vào giấc ngủ của các đam mê, dục vọng… Để rồi dẫn đến chỗ thiếu cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Tỉnh thức trước một lời nói, cử chỉ làm tổn thương đến chị em và những người xung quanh. Tỉnh thức trước những biện hộ cá nhân, thỏa hiệp khi cắt bớt thời gian cầu nguyện, chậm trễ trong các giờ chung.

Hơn thế nữa, tỉnh thức không phải là thái độ dò xét lòng mình, mà là thái độ mở ra trước tỉnh yêu của Chúa, là nhận ra tình yêu Chúa vẫn bao bọc cuộc đời mình trong những thăng trầm của cuộc sống. Tỉnh thức để xác tín vào sự hiện diện đầy tình yêu và tha thứ của Chúa. Tỉnh thức để gặp gỡ Chúa mỗi ngày và ngày sau hết.

Và một điều rất giản đơn, tỉnh thức để không ngủ vùi trong những thói quen chết người như  chú ếch trong câu chuyện sau : “Có một chú ếch được thả vào một cái nồi nước lạnh. Cái nồi nước đó không hề đậy vung và rồi được để lên một cái bếp. Ban đầu, nước vẫn còn lạnh thì chú ta không hề có phản ứng gì. Sau đó, nước cứ từ từ ấm dần lên, nhưng chú ta không hề để ý đến điều đó. Tại sao ư ? Tại vì nhiệt độ của nồi nước tăng lên từ từ và khiến chú ta quen với điều đó. Càng về sau, nồi nước càng tăng nhiệt độ, nhưng chú ếch vẫn không hề để ý đến điều đó vì nhiệt độ chỉ tăng từ từ mà thôi. Đến khi nước sôi thì chú ta mới bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng lúc này đã muộn rồi. Chú ếch đã được luộc trong nồi nước đó.”

Con người cũng thế ! Nếu không tỉnh táo trước những thay đổi nho nhỏ, thì đến một lúc nào đó sẽ bị nhận chìm trong dòng chảy của cuộc sống. Hạnh phúc Nước trời chỉ dành cho những ai biết chờ đợi và trung thành thực hành Lời Chúa mà thôi. Lạy Chúa, cuộc sống cứ lặng lẽ trôi cách nhanh chóng, còn chúng con lại luôn sống trong những lo toan, ngủ mê trong những thói quen phạm tội… Xin hướng lòng trí chúng con về hạnh phúc Nước Trời, giúp chúng con luôn tỉnh thức, sẵn sàng như các trinh nữ khôn ngoan có đèn lại mang thêm dầu khi đi đón chàng rể.

Tác giả: Rosa de Lima, Đaminh Bùi Chu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây