GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Linh mục - sứ giả của thời đại

Linh mục - sứ giả của thời đại
Sáng nay Đức cha Tôma truyền chức linh mục cho 11 thầy Phó tế. Dẫu biết rằng từ khi Rửa tội, thì người tín hữu đã được thông dự vào sự sống Thần Linh, nay nhờ Bí tích truyền chức, những thụ nhân được tháp nhập cách mật thiết hơn nữa với Chúa Kitô, trở thành cộng sự viên của Giám mục trong việc kiến thiết giáo hội là Nhiệm thể Chúa Kitô.
Sáng nay Đức cha Tôma truyền chức linh mục cho 11 thầy Phó tế. Dẫu biết rằng từ khi Rửa tội, thì người tín hữu đã được thông dự vào sự sống Thần Linh, nay nhờ Bí tích truyền chức, những thụ nhân được tháp nhập cách mật thiết hơn nữa với Chúa Kitô, trở thành cộng sự viên của Giám mục trong việc kiến thiết giáo hội là Nhiệm thể Chúa Kitô. Trong các sự kiện tôn giáo, lễ truyền chức luôn là một sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần trong cũng như ngoài giáo phận. Từ sáng sớm, nhiều đoàn khách xa gần của các tiến chức đã hiện diện trong khuôn viên nhà thờ chính tòa, tìm chỗ ngồi thuận lợi để nhìn tỏ tường diễn tiến nghi thức trong thánh lễ. Thế mới biết, lòng sùng mộ ơn gọi linh mục của người dân còn lớn lắm! Còn các Tân linh mục, họ nghĩ gì khi thấy biết bao ánh mắt ngưỡng mộ của bà con giành cho mình?

Sau thánh lễ, người viết tìm hiểu thêm về chức vụ linh mục qua Công đồng Vat II và một vài bài viết ngắn. Theo cha Nguyễn Khắc Hy, trong cuốn Nguồn gốc chức linh mục trong Tân ước, “Từ Hi Lạp hiereus chỉ Tư Tế của Do thái giáo và các dân ngoại”. Vị tư tế đầu tiên được nhắc tới trong Cựu ước là Melkixêđê (St 14, 18 – 20). Đối với dân Israen, chức vụ tư tế thuộc về một số người chuyên biệt, họ làm việc phụng tự của Thiên Chúa nhân danh dân chúng. Họ không có ruộng đất để canh tác và dân sẽ nộp một phần mười hoa màu thu được để nuôi gia đình tư tế. Khi xuất hiện, Đức Giêsu đã thay đổi não trạng và làm mới lại vai trò của người lãnh đạo tinh thần: “Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em“ (Mc 10,42-43). Ngài đã phá tan vỏ bọc địa vị, thói quen được thụ hưởng, mở ra một đường hướng mới cho những ai muốn sống đời mục tử đích thực. Người tìm đến với cả dân ngoại, trẻ em, phụ nữ, người tội lỗi, bệnh hoạn, tật nguyền… tất cả đều có thể đón tiếp và chạm đến Ngài.

Theo tinh thần đó, Giáo hội trân trọng và lưu tâm nhiều đến việc đào tạo, nuôi dưỡng ơn gọi linh mục, lo lắng cho sự thánh thiện của các ngài vì linh mục là thừa tác viên chính của phụng vụ, nhất là thánh lễ và các Bí tích. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã để lại cho các môn đệ di ngôn “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến thầy”. Vì thế mà mỗi khi dâng lễ, linh mục cử hành những biến cố trọng đại trong cuộc đời của Thầy Giêsu. Là người đại diện dâng lên Thiên Chúa lễ tế hy sinh của Đấng thánh, các ngài được mời gọi sửa soạn tâm hồn cho xứng đáng, “khi tưởng niệm sự chết của Chúa, thì cũng phải cố gắng hủy diệt nết xấu và tính mê nơi mình” (CĐ Vat II, C3 Đời sống linh mục, số 13).

Tham dự thánh lễ Truyền chức hôm nay, nhiều người trầm trồ, khen ngợi sự trang trọng của nghi lễ, hay vinh dự của các Tân linh mục mà có thể ít nghĩ tới những lao đao vất vả của các tân chức khi phải chiến đấu với những yếu đuối của con người, các căng thẳng, mệt mỏi của những năm đèn sách, những lo lắng, sợ hãi trước các dư luận khách quan làm giảm thiểu lý tưởng hiến thân phục vụ Chúa và Giáo hội.

Mỗi linh mục đều chọn cho mình câu Kinh thánh tâm đắc nhất làm châm ngôn sống cho đời linh mục như: “Bàn tay Ngài đặt lên con” (Tv 138, 5) hay “Lạy Chúa, Chúa thấu suốt lòng con” (Cv 1, 24)... Các ngài đã chọn đó làm điểm tựa nâng đỡ tinh thần cho cuộc đời và sứ vụ sau này. Đứng trước cộng đoàn, có thể mọi người thấy các ngài tự tin, chững chạc, mạnh mẽ, nhưng biết đâu trong tâm hồn là cả một biển lo âu, sợ hãi trước tương lai nhiều thử thách. Linh mục cũng được sinh ra và lớn lên trong gia đình, cộng đồng xã hội như một người bình thường. Chỉ khác ở chỗ là họ có sự nhạy bén và tinh thần xả kỷ nên đã bị Lời Chúa chinh phục: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5, 10). Trước khi trở thành người đi thu phục, họ đã bị Đức Giêsu chinh phục.

Từ nay các ngài sẽ là sứ giả Lời Chúa nên phải thao thức làm sao để đưa Lời Chúa thấm vào tâm hồn mình, rồi rao giảng cho người khác vì nếu bản thân không sống Lời Chúa trước, làm sao có thể cho người khác. Đó là kinh nghiệm của tông đồ dân ngoại Phaolô, khi dạy cho môn đệ Timôthê: “Con hãy suy gẫm các điều đó, và hãy hiến trót thân mình cho ơn phước đó để mọi người nhìn nhận thấy sự tiến bộ của con. Con hãy giữ mình và chăm lo đến lời con giảng. Hãy bền chí; có làm như vậy, con mới cứu được con và cứu được kẻ nghe con” (1Tm 4,15-16).

Cầu chúc các tân linh mục luôn là men muối và ánh sáng giữa u minh trần thế, đem lại nhiều phúc lành cho giáo phận như Mikha đã nói, “Bây giờ tôi biết Đức Chúa sẽ phù hộ tôi vì tôi đã có một thầy Lêvi làm tư tế” (Tl 17,7-13).

Tác giả: Nt. Scholastica

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây