GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Giáo dục đức tin, trách nhiệm của ai?

Giáo dục đức tin, trách nhiệm của ai?
Nhiều nơi trên thế giới, mùa hè là dịp nghỉ ngơi với các chuyến du lịch, thăm viếng người thân hay dã ngoại khám phá thiên nhiên kỳ thú, để tâm hồn và thân xác được xả hơi, thư giãn sau những tháng ngày bận rộn với công việc, bài vở. Trái lại, mỗi kỳ hè tới mảnh đất Bùi Chu lại trở thành mùa của Bí tích, mùa ân sủng.
Nhiều nơi trên thế giới, mùa hè là dịp nghỉ ngơi với các chuyến du lịch, thăm viếng người thân hay dã ngoại khám phá thiên nhiên kỳ thú, để tâm hồn và thân xác được xả hơi, thư giãn sau những tháng ngày bận rộn với công việc, bài vở. Trái lại, mỗi kỳ hè tới mảnh đất Bùi Chu lại trở thành mùa của Bí tích, mùa ân sủng.
 

Năm nào cũng vậy, khi cánh cổng các trường học phổ thông đóng lại, thì cánh cửa đức tin tại các giáo xứ lại được mở rộng hơn cho các lớp giáo lý: ôn thi học sinh giỏi, các khối chuẩn bị xưng tội và rước lễ lần đầu, lãnh nhận bí tích Thêm sức và tuyên hứa Bao đồng. Quý cha, các thầy, các sơ lại bận bịu với những bài giáo lý được chuẩn bị kỹ càng nội dung sâu sát với Bí tích mà các em sẽ lãnh nhận. Còn với các em, dù trời nắng nóng vẫn không tỏ ra chán nản, ngược lại rất háo hức mong chờ. Phụ huynh thì nhắc nhở động viên, thúc giục con em đi lễ, đi nhà thờ thường xuyên để chuẩn bị tâm hồn sốt sắng để kín múc nguồn ân sủng thiêng liêng phong phú từ kho tàng Bí tích. Vì thế, thay cho sự vắng vẻ, tĩnh lặng mà ta thường gặp ở một số thành phố lớn mỗi dịp hè, các Thánh đường tại giáo phận Bùi Chu lại đông vui, nhộn nhịp hơn với các chương trình, phong trào thi đua học Giáo lý và lãnh Bí tích.

Bùi Chu là miền quê còn lưu giữ được nhiều việc đạo đức bình dân như lần hạt, đi đàng thánh giá, dâng hoa, đọc kinh xóm, kinh gia đình… Có thể nói, mùa nào thức nấy. Nhờ đó, nhiều trẻ em dù chỉ mới bập bẹ nói ê a, cũng đã biết ngọng nghịu đọc kinh Lạy Cha, Kính mừng... Thật đáng mừng và khâm phục những bậc cha mẹ, ông bà đã dạy con cháu bài học đức tin đầu đời bằng những lời kinh đơn sơ ấy. Tuổi thơ là mảnh đất màu mỡ rất tốt, thuận lợi để ươm gieo bài học đức tin, những hạt giống nhỏ bé đầu tiên gieo xuống sẽ nhanh chóng đâm rễ, ghìm sâu trong tiềm thức trẻ em. Có cơ hội sớm được tiếp xúc với những bài giáo lý từ thuở vỡ lòng, khi lớn hơn nữa được tham gia các lớp Giáo lý ba cấp, chắc chắn các em sẽ có những hiểu biết căn bản về các Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo. Nhờ đó, các em biết thực hành và tuân giữ những giới luật trong đạo cách tự nguyện,  tránh rơi vào tình trạng mà một người mẹ chia sẻ: “Thúc giục được con đi lễ và đọc kinh là một ghánh nặng, nhất là khi chúng đến tuổi 15, 16”.

Sẽ rất hữu lý hợp tình nếu các bậc cha mẹ biết cộng tác chặt chẽ với các cha, các thầy, các sơ và anh chị giáo lý viên trong giáo xứ để dạy giáo lý cho các em chứ không khoán trắng cho riêng ai. “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.”(Mt 19, 13). Câu nói này của Đức Giêsu cần được mỗi người biến thành hành động cụ thể. Đối với các lớp sắp lãnh nhận Bí tích, được nhiều phụ huynh quan tâm, nhắc nhở con em tham gia khóa học chu đáo, tích cực nhờ đó theo đúng độ tuổi các bé được lãnh Bí tích phù hợp với lứa tuổi, những người hữu trách cảm thấy nhẹ lòng. Ngược lại, nhiều bậc cha mẹ vì mải lo mưu sinh, nên ít quan tâm, ít dành thời giờ xem con học ra sao, bao giờ thì được xưng tội, rước lễ... làm cho các cha, các thầy, các dì, anh chị giáo lý viên phải bận tâm nhiều. Trong gia đình, nếu thiếu sự quan tâm của người lớn, nhiều trẻ tới tuổi 18 đôi mươi vẫn chưa lãnh đủ các Bí tích Khai tâm thì thật đáng lo ngại. Càng lớn các em càng tỏ ra ngại ngùng khi phải ngồi chung lớp với các em nhỏ không cùng trang lứa.

Con người vốn được tạo dựng với hai phần rõ rệt, thể xác và linh hồn. Linh hồn thì thanh thoát luôn hướng thượng, nhưng thể xác lại nặng nề, yếu đuối vì chịu sự chi phối của những thế tục. Hai phần đối nghịch đó tồn tại và làm thành một cá vị hoàn chỉnh, mà ta không thể chối bỏ, cũng không nên quan tâm nghiêng lệch hơn cho bên nào, nếu không sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng: lớn lên các em không còn biết đến đi lễ, đọc kinh, không còn cảm thức về tội lỗi… Lúc đó, ta không thể an tâm khi cái đầu tri thức thì to mà con tim yêu lại yếu ớt, xanh xao. Một người với cái đầu nặng óc thực tiễn nhưng quả tim lại bạc nhược thì liệu có thể sống khỏe và lành mạnh được không?
 
Giáo dục đức tin để giúp cho các em sống trưởng thành trong môi trường xã hội hiện đại là ta đang góp phần chăm lo vun trồng cho vườn ươm của Giáo hội. Việc làm ấy cần được thực hiện đồng bộ từ gia đình tới giáo xứ, dạy từ nhỏ chứ không đợi khi các em lớn khôn mới bắt đầu. Gia đình và giáo xứ nào thực hiện được như vậy, đó là đang đóng góp công sức cũng như trách nhiệm làm giảm đi những mối lo, chia sẻ ghánh nặng cùng Hội thánh trong việc giáo dục đức tin cho các Kitô hữu trẻ. Vì tương lai Giáo hội cũng như xã hội hệ tại ở việc giáo dục tri thức và đức tin nên cả hai áy cần được thực hiện một cách song hành. Đừng nhường ghánh nặng trách nhiệm ấy cho riêng ai, nhưng mỗi người phải xem đó là việc của chính mình.

Tác giả: Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây