GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Xuân Tân Sửu, xuân của tình liên đới

Năm Canh Tý đang dần khép lại – một năm thế giới chịu nhiều biến động do đại dịch Covid và thiên tai (động đất, bão lũ...) đã để lại nhiều hệ lụy trong chính trị, kinh tế, văn hoá và đức tin của người tín hữu.
Xuân Tân Sửu, xuân của tình liên đới
7c90f32202e4dde554ceb1998488fb2bNăm Canh Tý đang dần khép lại – một năm thế giới chịu nhiều biến động do đại dịch Covid và thiên tai (động đất, bão lũ...) đã để lại nhiều hệ lụy trong chính trị, kinh tế, văn hoá và đức tin của người tín hữu. Trong thời khắc này, Thiên Chúa đang kêu mời chúng ta sống, thực thi sứ mạng bác ái, yêu thương, quan tâm và liên đới với những anh chị em nghèo khổ, kém may mắn để họ được đón một mùa Xuân tươi đẹp, an vui và hạnh phúc hơn.

Những anh chị em nghèo khổ, cơ cực chính là hiện thân của Chúa Kitô. Họ cũng là con cái của Thiên Chúa và mang hình ảnh Thiên Chúa như mỗi chúng ta. Thiên Chúa muốn cho mọi người được hạnh phúc, bình an và Ngài đang mời gọi chúng ta sống tình liên đới, quan tâm đến những anh chị em nghèo khổ để họ có thể cảm nhận mình được an ủi, yêu thương, hạnh phúc và bình an trong nghịch cảnh. Khi quan tâm và tình liên đới với người khác, người Kitô hữu quảng diễn tình yêu của Thiên Chúa, xuyên qua những việc làm tốt lành đối với tha nhân.

Tết âm lịch là lễ hội lớn và quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam trên mọi miền đất nước, là dịp sum họp của mọi gia đình Việt Nam. Đây là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau sau một năm dài làm việc vất vả, là cơ hội để mọi người thăm hỏi người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất.

Để những anh chị em nghèo khổ, cơ cực, kém may mắn có được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc trong những ngày Tết, chúng ta rất cần tấm gương về tình liên đới, yêu thương và chia sẻ. Đến thăm người khác, dành thời gian lắng nghe họ thổ lộ tâm tình, chia sẻ những lời nói, cử chỉ yêu thương cùng trao tặng những món quà vật chất nhỏ là một trong những cách thế đem niềm vui đến cho tha nhân trong tình Chúa và tình người.

Xã hội phát triển, khoa học ngày càng hiện đại nhưng sự nghèo khổ chưa hết và sẽ không bao giờ hết. Đó là sự thật, là điều mà Chúa Giêsu đã cảnh báo cho các môn đệ Ngài: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em” (Mt 26,11a) và Ngài cũng dạy chúng ta biết sống tình bác ái, yêu thương, chạnh lòng thương đến họ. Người nghèo là trung tâm của Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi chúng ta: hãy phục hồi phẩm giá và quyền lợi cho người nghèo. Theo ngài  “việc săn sóc người nghèo là một yếu tố nòng cốt của cuộc sống và chứng tá Kitô của chúng ta”.

Đón xuân mới Tân Sửu, đón Tết truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang bùng phát đợt 3 trước mùa chay, hơn lúc nào hết, chúng ta được mời gọi thực hành văn hóa quan tâm và sống tình liên đới, sẻ chia theo lời kêu gọi của vị cha chung Giáo Hội: Theo bước Chúa Kitô trong việc quan tâm và động lòng thương mọi người, tình yêu là biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Người có tình yêu thì vui mừng khi thấy người khác lớn lên, đau khổ khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nó làm cho chúng ta nhìn những người thiếu thốn như những thành viên trong gia đình mình, như bạn hữu, như anh chị em (x. Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxiccô).

Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Thiên Chúa vẫn luôn bên cạnh, đồng hành và an ủi chúng ta: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con “Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).

Xin tri ân tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc sống. Ước mong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc vừa là dịp để sum họp gia đình vừa là thời gian thực thi nhân đức căn bản và tóm kết mọi nhân đức, đó là “đức ái” của mọi Kitô hữu Việt Nam. Trong tâm tình quý mến, hiệp thông và liên đới, con xin chân thành cảm ơn quý độc giả, kính chúc quý vị một mùa Xuân mới an lành, thánh thiện, may mắn và hạnh phúc.

Tác giả: Nt: M. Ripsimina Bùi Thị Liễu, FMSR

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây