GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Sám hối, khởi đầu của sự thánh thiện

Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Càng ý thức về thân phận tội lỗi của mình con người càng cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, đó là kinh nghiệm của các thánh, khi một lần được “đụng chạm” tới Đấng thánh. Trước quyền năng của Chúa Giê-su, thánh Phê-rô đã sấp mặt xuống: “Lạy chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”. Đó cũng là tâm sự của thánh Augustino: “Xin cho con Biết Chúa, xin cho con Biết con”.
Sám hối, khởi đầu của sự thánh thiện

Ơn gọi của mỗi người chúng ta là nên thánh. Đây là điều rất quan trọng. Điều mà ai cũng biết, nhưng vẫn cần phải nhắc đi nhắc lại mỗi ngày vì chúng ta hay quên, hay lạc lối trong những mục tiêu, những kế hoạch ngắn hạn.

Vậy nên thánh là gì? Thật không dễ để đưa ra một khái niệm nhưng chúng ta có thể nhìn vào gương của những người đã nên thánh. Đó là các thánh.

Các thánh là những người đã nên thánh. Khi nói tới các thánh, chúng ta thường nói tới những việc tốt lành cao siêu, các nhân đức, các công việc, các thành quả mà các Ngài đã làm được, suốt ngày cầu nguyện, luôn vui lòng chịu đau khổ mà chẳng oán than...và qua đó Giáo Hội dành cho các ngài sự tôn kính đặc biệt. Tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng khiến cho chúng ta nhìn ra khoảng cách xa vời giữa chúng ta và các ngài, thánh thiện và tội lỗi, hoàn hảo và bất toàn... Phải chăng các thánh là những người hoàn hảo? Phải chăng các ngài không bao giờ phạm tội?

00 00 adorationChúng ta hãy nghe lời của ĐGH Benedict XVI: “Sự thánh thiện không bao gồm việc không sai lầm hoặc không phạm tội. Sự thánh thiện làm tăng khả năng hoán cải, sám hối và sẵn sàng bắt đầu lại, đặc biệt là hòa giải và tha thứ… điều đó làm chúng ta nên thánh”.

Sám hối là bước đầu của sự nên thánh, là thói quen bắt đầu lại và không ngại bắt đầu trên hành trình chúng ta đồng hành với Chúa. Sám hối ngay cả khi biết mình sẽ lại phạm tội, sám hối ngay cả khi hành trình còn dài. Chúng ta sám hối là chúng ta cầu xin ơn tha thứ mỗi ngày, chúng ta cầu xin mỗi ngày vì chúng ta tin tưởng vào tình yêu không biên giới của Chúa. Tin tưởng như thế chúng ta không thất vọng và chai lì trong tội lỗi. Chúng ta biết mình có thể sa ngã, trượt chân nhưng không bao giờ quay lại điểm xuất phát ban đầu.

Mỗi lần bắt đầu và lại bắt đầu chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn trong tương quan với mọi người và với Thiên Chúa. Chúng ta bắt đầu khao khát điều Chúa muốn nhiều hơn ước muốn phạm tội. Tập trung vào tình yêu của Chúa hơn là cố gắng tránh tội.

Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1, 15) và ở một nơi khác Ngài nói: “Hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha” (Mt 6, 48).

Khi chúng ta đọc hạnh các thánh, có vẻ như không thể đạt được mức độ nhân đức như họ. Chúng ta quá chú ý tới hào quang trên đầu họ mà quên nhìn xuống đôi chân các ngài đang đặt trên đất, trên cát bụi, yếu đuối và mong manh. Điểm đặc biệt nơi các ngài chính là: ý thức sâu sắc về tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Khao khát nên thánh nhưng biết rằng tự sức mình không thể nên thánh, các ngài cần Chúa, nương tựa nơi Chúa, luôn sống mật thiết với Chúa.

Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Càng ý thức về thân phận tội lỗi của mình con người càng cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, đó là kinh nghiệm của các thánh, khi một lần được “đụng chạm” tới Đấng thánh. Trước quyền năng của Chúa Giê-su, thánh Phê-rô đã sấp mặt xuống: Lạy chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”. Đó cũng là tâm sự của thánh Augustino: “Xin cho con Biết Chúa, xin cho con Biết con”. Đó cũng là tâm trạng của người thu thuế trong Đền thờ: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Và Thiên Chúa đã nhận lời: “người này khi trở về thì được nên công chính”.

Sám hối là ý thức về tội lỗi của mình. Sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi, nhưng mở lối đến Tin mừng, nghĩa là niềm vui.

Thiên Chúa mà chúng ta được mạc khải là một người Cha yêu thương và tha thứ, muốn được con cái yêu mến hơn là khiếp sợ. Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh về sự chào đón yêu thương của Thiên Chúa: "Thiên Chúa không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta là những người luôn mệt mỏi cầu xin sự tha thứ."

Chúng ta có thể học cách sống thánh thiện, nhưng trước tiên cần phải hiểu về sự thánh thiện. Thánh thiện không là hoàn hảo, thánh thiện là khả năng sám hối và sống với Chúa. Đó là điều có thật, đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa, đó là điều con người làm được, các thánh chính là những “đám mây nhân chứng” bao quanh chúng ta, cổ vũ cho chúng ta để “kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho chúng ta ” (Hr 12, 1) và để chúng ta tiếp tục “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, chạy hết chặng đường, giữ vững niềm tin” (2Tm 4, 7). Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng như vậy.

“Như ta biết Thiên Chúa yêu bạn không phải vì bạn hoàn hảo, mà vì bạn là con của Ngài, và thậm chí còn là bạn hữu của Ngài”.

Nt. Maria Kim Oanh

Năm I, Học Viện Thần Học Têrêsa Avila

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây