GIÁO PHẬN BÙI CHU

https://gpbuichu.org


Vương đế mà không đế vương

Vương đế mà không đế vương
Linh mục được trao ban quyền cai quản. Quyền này không phải để thống trị nhưng để phục vụ, theo gương Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, Đấng đã đến, không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và thí mạng sống vì đoàn chiên (Mt11,29).
Năm nay, 2016 – Năm Thánh Lòng Thương Xót, đâu đấy diễn ra nhiều Thánh Lễ Truyền Chức Thánh: Phó tế, Linh mục và cả Giám Mục nữa (Đức Cha Giuse  Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Giáo phận TP  HCM).  Đây chính là món Quà Thánh do Lòng Thương Xót Chúa ban: “Pastores dabo Vobis”.
 
Nhân dịp này, xin đề cập vắn tắt về chức năng Vương đế của Linh mục. Ta biết  rằng Linh mục có ba chức năng, theo thứ tự Giáo lý: Ngôn sứ - Tư tế và Vương đế. Linh mục có chức năng Vương đế nhưng không sống đế vương!
 
Linh mục được trao ban quyền cai quản. Quyền này không phải để thống trị nhưng để phục vụ, theo gương Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, Đấng đã đến, không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và thí mạng sống vì đoàn chiên (Mt11,29).
 
Để bổ sung ý tưởng này, kính mời quý độc giả thực hiện chuyến du lịch tại chỗ, tham quan mấy địa danh. Tôi sẵn sàng làm hướng dẫn viên phục vụ tận tình.
 
1.Trước hết vào Miền Nam, ta đến thăm Dòng Đồng Công.
 
Vào nhà nguyện Dòng Đồng Công viếng Thánh Thể, thấy ngay trước mặt và trên cao một lôgô rất đẹp có dòng chữ Latinh: “Non ministrari,  sed ministrare- Không để được phục vụ, nhưng  là để  phục  vụ”. Bề trên Tổng quyền còn được gọi là Cha “Tổng phục vụ”!
 
2. Rời Dòng Đồng Công, mời mọi người ra Miền Trung, (không thăm các lăng tẩm vua chúa làm gì), về thăm ngay nhà thờ chính toà Phủ Cam, tổng Giáo phận Huế. Đọc được nơi huy hiệu của Đức Tổng Giám mục Fx Lê Văn Hồng: “…Như người phục vụ”.
 
3. Cách nơi đây chừng 500m là Dòng Thánh Tâm.
 
Thăm Bề trên tại phòng khách… Nếu vinh dự được mời cơm, ta xuống nhà ăn, phía trên là toà Trái Tim Chúa với 3 nhân đức nổi bật: Thương xót-Hiền lành- Khiêm nhường, trang trí vòng quanh như hào quang của Chúa, rồi ngay cạnh bên nam là bức ảnh lớn Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ, ở dưới mang dòng chữ đỏ rất rõ ràng: “Hãy phục vụ lẫn nhau”. Tại nhà cơm dòng Thánh Tâm đây, ta được  vinh  phúc  “được ăn được học”! Xin cảm ơn Bề trên Tổng quyền và quý Dòng. Như vậy, mới thăm 3 nơi, cả đoàn đã sắm được ít là 4 chữ phục vụ.
 
Tạm kết thúc chuyến du lịch-tham quan, trở về Miền Bắc quê hương nghỉ ngơi. Qua mấy phút suy nghĩ: Những chữ phục vụ và tinh thần phục vụ ở 3 nơi đó, và nhiều nơi khác trong Giáo  hội xuất phát từ đâu vậy?
 
Thưa, từ Chúa Giêsu.
 
Ví như mặt trăng không tự mình phát sáng mà phải nhận ánh sáng mặt Trời, rồi phản chiếu xuống địa cầu (khác nào một tấm gương khổng lồ), tạo ra cho thiếu niên nhi đồng (và cả chúng ta nữa) những đêm trăng rằm thơ mộng, đặc biệt chị Hằng kiều diễm trong tết trung thu vui vẻ. Thì đây, tất cả tinh thần phục vụ ở những nơi kia và trong Giáo hội đều xuất phát từ Chúa Giêsu, Mặt Trời công chính, để rồi tinh thần phục vụ được tăng lên  theo cấp số nhân, làm cho thế giới ngày càng xinh đẹp. Vì Chúa Giêsu là Trung tâm phục vụ- Là Thầy dạy phục vụ và là Mẫu gương phục vụ. Chính Chúa Giêsu là tác giả câu Phúc Âm nổi tiếng: “Thầy đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ”. (Mt 11,9)
 
Lại nữa, Chúa Giêsu còn là chủ nhân của bí quyết “Thăng quan tiến chức”: Ai muốn làm đầu, phải làm đầy tớ mà hầu người ta
 
Ta rút ra hệ luận: Vương đế chính ngôi phải là Nô  bộc chính hiệu.
 
Các Đức Giáo Hoàng xưa kia, trước chữ ký tên của mình, đều ghi: “Servus servorum-Đầy tớ các đầy tớ”.
 
Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm về chức năng Vương đế, thì đang có khuynh hướng thay thế bằng chức năng Mục tử.

Người mục tử thánh thiện thì có chí can trường dẫu rằng ngậm đắng nuốt cay, đoàn chiên an mạnh đêm ngày mới yên. Ngậm bồ hòn mà vui vẻ khen ngọt vì thương  xót đoàn chiên. Nếu đem so sánh, thì sự gắn bó của mục tử với đoàn chiên, còn hơn bà mẹ với con thơ. Một thí dụ: Bà mẹ con thơ trước khi đi chợ được căn dặn  rằng: Dù ai bảo đợi bảo chờ Chân   bước, miệng nói “con thơ” mà về
 
Đức tính vị mục tử thì Giáo hội khuyến khích: “Xa chiên một phút chẳng đành. Nuôi chiên bằng cỏ đồng xanh mỡ màng”.
 
Quý vị thân mến, trong chúng ta có nhiều người đã từng thưởng thức cà phê. Nhìn gói cà phê G7  có   hàng chữ “3 trong 1”, thì khi thấy Linh mục - theo ngôn ngữ thời @, cũng phát biểu được “3 trong 1”: 3 chức năng trong 1 nhân vị, 3 trọng trách trong 1 con người, mà trọng trách thường gọi là gánh nặng.
 
Bậc Hôn nhân có một gánh một vác, do hai người, vậy mà một số còn “Bán đồ nhi phế - Nửa đường bỏ cuộc”.
 
Đây, một Linh mục  3 gánh nặng, ngài phải gánh cả 3 vai, trong khi thực tế chỉ có hai vai. Nhờ ai gánh hộ đây!
 
Đứng trước những trách nhiệm nặng nề đó, các thánh còn lo lắng đêm ngày, phương chi các Linh mục, đều “Ơn Thánh chứa đựng trong bình sành”(lời thánh Phaolô). Rất cần mọi thành phần dân Chúa nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, bằng sự hiệp thông và bằng sự cảm thông nữa, để hàng Linh mục luôn lấy gương Chúa Giêsu, Vị Mục tử nhân lành làm khuôn vàng thước ngọc.
 
Lm. Phaolô Nguyễn Hòa Kiên
ĐCV Bùi Chu, Ra Khơi số 15, tháng 11/2016, tr. 108-111.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây