Tin Mừng Gioan, TM Ngôi Lời Nhập Thể (tiếp)

Thứ ba - 16/01/2018 18:28  1699
downloadII. Vài điểm độc đáo của tin mừng thứ tư

1. Độc đáo về ngôn ngữ

Ngôn ngữ của tin mừng Gio-an đôi khi chọn lựa rất cẩn thận với nội dung rất đắt giá, chẳng hạn: Yêu, biết, sự sống, chứng nhân, sai đi, ở lại v.v. Mỗi một từ đều ẩn chứa một nội dung sâu sắc.

Gio-an cũng dùng ngôn ngữ biểu tượng rất nhiều: Sự sống, ánh sáng, nước hằng sống v.v. Và cũng rất thường xuyên Gio-an dùng những thành ngữ tương phản: Ánh sáng/bóng tối; chân lý/gian dối; trên cao/dưới thấp; sống/chết. Thông qua ngôn ngữ biểu tượng, tác giả muốn làm nổi bật tiến trình dấn mình mãnh liệt của Ngôi Lời vào trong thực tại cuộc sống.

Rồi văn phong của tin mừng thứ tư cũng rất trang trọng để nhấn mạnh những sứ điệp cốt lõi, chẳng hạn: Amen, amen (quả thật, quả thật…) Thầy nói với anh em (5,19-20). Hoặc “trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người đã yêu thương họ đến cùng” (x. 13,1).

Với cách sử dụng ngôn từ đắt đỏ, ắp đầy ý nghĩa biểu tượng, tác giả tha thiết mời gọi độc giả đi vào khám phá huyền nhiệm lạ lùng của Ngôi Lời, Đấng đang háo hức dấn mình vào trong lịch sử của nhân loại và đi vào tất cả mọi ngóc nghách câu chuyện thánh thiêng của đời mỗi người.

2. Độc đáo về tư tưởng

a. Tin mừng thứ tư nhấn mạnh tới Ki-tô học nhập thể

Dung mạo Đức Giê-su Ki-tô nơi tin mừng thứ tư là chính Ngôi Lời hằng hữu, vượt không gian và thời gian. Đấng mà cả trời đất chứa chẳng nổi. Vậy mà Ngài đã tự nguyện đảm nhận lấy xác phàm, đón nhận vào mình tất cả những gì là mong manh nhất, yếu đuối nhất kể cả khả năng phạm tội (x. 1,14). Có thể ta khó chịu với thành ngữ “khả năng phạm tội”. Thực ra, “khả năng” mở ngỏ chứ không phải là đã “phạm tội”. Chính khi đảm nhận cả “khả năng phạm tội”, Ngôi Lời muốn dấn mình cho tới cùng. Và như vậy, tình yêu tự do của Ngài càng kỳ vĩ. Nếu nhìn sang Nhất Lãm, ta thấy Đức Giê-su được Thánh Thần đẩy vào sa mạc chịu Sa-tan cám dỗ (x. Mc 1,12-13; Mt 4,1-11; Lc 4,1-13). Đức Giê-su chỉ có thể chịu Sa-tan cám dỗ, vì Ngài tự nguyện “đảm nhận khả năng phạm tội”.

b. Giáo hội học gắn liền với Ki-tô học

Tin mừng thứ tư trình bày hình ảnh Giáo hội sống động. Tác giả dùng ngôn ngữ biểu tượng cây nho và cành nho để nói về tính hiệp nhất năng động giữa Đức Ki-tô và cộng đoàn tín hữu (x. Ga 15). Giáo hội ấy thuộc về Chúa Cha, chính Ngài là Đấng trồng nho và Ngài bảo vệ chăm sóc vườn nho.
Bên cạnh tính năng động trên, tính hiệp nhất của Giáo hội nơi tin mừng thứ tư còn được mô tả cách cụ thể. Chỉ có một vị mục tử nhân lành là chính Đức Giê-su, Đấng hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Chính Ngài biết chiên và chiên biết Ngài (x. Ga 10). Giáo hội ấy không khép kín, nhưng là luôn mở rộng cho mọi người: “cho cả các đàn chiên khác nữa”,  “quy tụ mọi con cái của Thiên Chúa tản mát khắp nơi” (x. 11,50-54). Ở trong cộng đoàn ấy, chính Đức Giê-su Ki-tô là mục tử và cũng chính Ngài là “tôi tớ” cúi xuống rửa chân phục vụ (x. Ga 13). Thế nên, mọi tín hữu được mời gọi noi gương Đức Giê-su để phục vụ như (kaqw,j) Ngài. Tức là nhờ nguồn sức thiêng đến từ Ngài, các tín hữu có thể phục vụ người khác.

c. Thánh Linh học

Không phủ nhận vai trò đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong việc hướng dẫn tất cả cuộc đời Đức Giê-su như trong tin mừng Nhất Lãm, đặc biệt tin mừng Lu-ca. Tin mừng thứ tư lại muốn nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Linh như là nguồn gốc của việc tái sinh (x. 3,3.5). Chính Thánh Thần Tình Yêu sẽ làm cho con người có được đời sống mới khi đón nhận Đức Giê-su Ki-tô. Bên cạnh đó, Gio-an muốn khắc họa trong tâm trí độc giả về vai trò của Thánh Thần như là Đấng Bầu Cử, Đấng Trạng Sư (x. 14 - 16). Nói cách khác, tác giả muốn độc giả đừng quên hoàn cảnh «bị bách hại đạo khốc liệt của cộng đoàn tín hữu»; bởi vì họ thuộc về Đức Ki-tô nên thế gian ghét họ. Giữa hoàn cảnh ấy, Chúa Thánh Thần sẽ là Trạng Sư đứng về phía người tín hữu và bênh vực họ.

Hơn nữa, chính Thánh Thần sẽ tiếp nối công trình của Chúa Giê-su để dạy dỗ các môn đệ: «Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em » (x. Ga 14,26). Chúa Thánh Thần không chỉ tiếp tục xây dựng Hội Thánh, mà chính Ngài còn giúp ta hiểu Ngôi Lời hằng sống đang ẩn mình trong từng trang tin mừng.

Nói tóm lại, tin mừng thứ tư đúng là tin mừng thiêng liêng theo nghĩa linh thánh thiết thực tích cực. Một đàng, tin mừng thứ tư đề cập tới những chủ đề thần học rất cao sâu sắc sảo. Đàng khác, những điều sâu sắc ấy lại có mặt ở trong những thực tại thiết thực nhất của cuộc sống: một Thiên Chúa trọn vẹn làm người đã mệt mỏi, cạn kiệt sức lực, xin nước uống (Ga 4,6-7); một Thiên Chúa yêu cho đến tận cùng, vét cạn tất cả hiến trao, ngay cả đến giọt nước và máu cuối cùng cũng không giữ lại cho mình. Thiêng liêng đích thực dưới con mắt của Thiên Chúa, ấy là vì theo thánh giáo phụ  I-rê-nê, Thiên Chúa đã làm người, để con người trở thành con Thiên Chúa.

Tác giả: Lm. Vincent Mai Kim

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập209
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm170
  • Hôm nay44,784
  • Tháng hiện tại485,002
  • Tổng lượt truy cập70,512,759
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây