Tìm hiểu “Người Do-thái” trong Ga 7,1-13

Chủ nhật - 07/04/2019 19:15  1815

download 2I. Dẫn nhập

Chúng ta đang sống trong những tuần cuối cùng của Mùa Chay thánh. Trong khoảng thời gian này, Giáo hội mỗi ngày vén mở cuộc thương khó của Đức Giêsu cho chúng ta qua các bài Tin Mừng của thánh Gioan. Và trong những ngày này chúng ta cũng được nghe Tin Mừng Gioan nhiều lần nhắc đến những người Do-thái, như trong đoạn Ga 7,1-13. Chính vì tác giả Tin Mừng nhắc đến những người Do-thái (οἱ Ἰουδαῖοι) trong đoạn này như là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu nên nhiều người đã quy trách nhiệm cho những người Do-thái về vấn đề này. Tuy nhiên, Công đồng Va-ti-ca-nô II nói rõ: “Không thể quy trách nhiệm một cách không phân biệt về những tội ác người ta đã phạm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su cho mọi người Do-thái thời đó, cũng như cho người Do-thái thời nay”[1]. Nếu như Công đồng đã nói vậy thì người Do-thái (οἱ Ἰουδαῖοι) được đề cập đến trong Tin Mừng Gioan là ai? Và họ liên quan đến cuộc thương khó của Đức Giê-su như thế nào? Chúng ta sẽ dùng đoạn Tin Mừng Ga 7,1-13 để làm rõ những vấn đề đó.

II. Bối cảnh và cấu trúc đoạn văn Ga 7,1-13

1. Bản văn Tin Mừng

1 Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.

2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới,3 anh em Đức Giê-su nói với Người: "Ông bỏ đây mà sang miền Giu-đê đi, để cả môn đệ của ông cũng được nhìn thấy những việc ông làm,4 vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết."5 Thật thế, anh em Người không tin vào Người.6 Đức Giê-su nói với họ: "Thời của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng thuận tiện.7 Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa.8 Các anh cứ lên dự lễ đi; còn tôi, tôi không lên dự lễ này, vì thời của tôi chưa chín muồi."9 Nói thế rồi, Người ở lại miền Ga-li-lê.10 Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.11 Người Do-thái tìm kiếm Người trong dịp lễ và nói: "Ông ấy đâu rồi? "12 Dân chúng bàn tán nhiều về Người. Kẻ thì bảo: "Đó là một người tốt." Kẻ thì nói: "Không, ông ta mê hoặc dân chúng."13 Nhưng không ai dám công khai nói về Người, vì sợ người Do-thái.

2. Bối cảnh

Bản văn Ga 7,1-13 được các nhà chú giải Kinh Thánh đặt trong mạch văn có chủ đề “Lễ Lều”. Thật thế, bối cảnh bản văn Ga 7,1-13 nói về việc Đức Giê-su lên Giu-đê tham dự lễ Lều của người Do-thái. Thế nhưng, trước đó đã có cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và anh em của Ngài xung quanh việc tham dự lễ Lều. Họ muốn Đức Giê-su lên để thực hiện các phép lạ nhưng Đức Giê-su đã từ chối điều đó, dù rằng sau đó Ngài lên một cách âm thầm. Tại Giu-đê, Đức Giê-su đã giảng dạy đạo lý cũng như tranh luận với người Do-thái và dân chúng. Thực ra, bối cảnh Đức Giê-su tham dự lễ Lều phải tính từ câu 1 chương 7 đến câu 21 chương 10, nghĩa là Ga 7,1-10,21. Và trình thuật này sẽ được chia thành hai phần Ga 7,1-8,59 và Ga 9,1-10,21 với sự kiện Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi hội đường làm ranh giới (Ga 9,59)[2].

Ga 7,1-13 lại được phân chia thành đoạn Ga 7,1-9 và Ga 7,10-13. Ga 7,1-9 trình bày cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và anh em của Ngài về việc đi lên Giu-đê tham dự lễ Lều. Quả thật, chứng kiến các việc lạ Đức Giê-su làm tại Ga-li-lê như hoá nước thành rượu (Ga 2,1-12), chữa lành con trai của một sĩ quan cận vệ nhà vua (Ga 4,46-54), hoá bánh cho năm ngàn người ăn (Ga 6,5-15), các anh em của Ngài muốn Ngài sang miền Giu-đê nhân dịp lễ Lều nhằm làm những dấu lạ cho thiên hạ được biết, bởi lẽ vào dịp này mọi người đều trẩy về Giê-ru-sa-lem. Như vậy, tác giả Tin Mừng thứ tư cho thấy anh em của Đức Giê-su hiểu sai về sứ vụ của Ngài. Họ không biết rằng Đức Giê-su đến để tỏ lộ vinh quang của Chúa Cha chứ không phải để danh Ngài được tỏ lộ[3]. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp cho rằng các anh em Đức Giê-su đang khiêu khích, thách thức Ngài, vì họ vốn không tin vào ngài[4]. Thế nên Đức Giê-su đã từ chối lời đề nghị của họ. Hơn nữa vì giờ của Ngài chưa đến. Đoạn Ga 7,1-9 được thần học gia Francis J. Moloney gọi là “Trước kỳ lễ”[5].

Đoạn Ga 7,10-13 được Francis J. Moloney gọi với cái tên “đầu kỳ lễ”. Đoạn này cho thấy Đức Giê-su cũng lên dự lễ như các anh em của Ngài, dù rằng trước đó Ngài nói không. Phải chăng Đức Giê-su đã đánh lừa những người anh em của Ngài? Thực ra không hề có chuyện đó. Đức Giê-su vẫn ở Ga-li-lê cho tới ngày lễ (Ga 7,9). Hơn nữa, Ngài biết ý định của Ngài từ trước, chẳng qua “Ngài nói thế là để thử ông, chứ Ngài đã biết mình sắp làm gì rồi” (Ga 6,6)[6]. Trong đoạn này, tác giả cho thấy có những bình luận về Đức Giê-su. Có kẻ cho Ngài là một người tốt, nhưng cũng có kẻ cho Ngài là một phù thuỷ chuyên mê hoặc dân chúng. Những lời bình luận này xem ra vừa chân thành nhưng cũng vừa đầy ác ý.

3. Cấu trúc

Có nhiều cách để phân chia cấu trúc của đoạn Ga 7,1-13:

Cách 1:

A (7,1) Người Do-thái tìm giết Đức Giê-su (7,1)

     B (7,2-5) Anh em Đức Giê-su không tin vào Ngài

     C (7,6-10) Những lời của Đức Giê-su

     B’ (7,11-12) Dân chúng không tin vào Ngài

A’ (7,13) Không ai dám công khai nói về Ngài, vì sợ người Do-thái (7,13)

Cách 2[7]:

  • Ga 7,1-9: Trước kỳ lễ
  • Ga 7,10-13: Đầu kỳ lễ
  • Ga 7, 14-36: Giữa kỳ lễ
  • Ga 7,37-8,59: Cuối kỳ lễ

Lẽ ra còn phải có Ga 7,14-36 và Ga 7,37 – 8,59 cho đầy đủ cấu trúc nhưng vì hạn từ người Do-thái trong hai đoạn đó xuất hiện ít nên chỉ phân tích Ga 7,1-9 (trước kỳ lễ) và Ga 7,10-13 (đầu kỳ lễ).

III. Phân tích cấu trúc

a. Ga 7,1-9: Trước kỳ lễ

Mở đầu đoạn này, tác giả Tin Mừng thứ tư cho thấy Đức Giê-su tránh đi lại trong miền Giu-đê vì người Do-thái (οἱ Ἰουδαῖοι) tìm giết Ngài. Tác giả viết: “Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người”. (Καὶ μετὰ ταῦτα περιεπάτει ὁ Ἰησοῦς ἐν τῇ Γαλιλαίᾳ· οὐ γὰρ ἤθελεν ἐν τῇ Ἰουδαίᾳ περιπατεῖν, ὅτι ἐζήτουν αὐτὸν οἱ Ἰουδαῖοι ἀποκτεῖναι) (Ga 7,1).

Tại sao Người Do-thái lại tìm giết Đức Giê-su? Lật giở lại chương 5 của Tin Mừng thứ tư, tác giả cho thấy cảnh Đức Giê-su chữa lành bệnh cho một người đau ốm ở hồ nước tại Bết-da-tha (Ga 5,1-18). Việc Đức Giê-su chữa lành bệnh cho một người bệnh tật lẽ ra chẳng có sự gì thế nhưng Ngài lại chữa cho anh này vào đúng ngày sa-bát, điều mà người Do-thái không thể chấp nhận được. “Do đó, những người Do-thái chống đối Đức Giê-su” (Ga 5,16). Không những thế, Đức Giê-su còn cho mình ngang hàng với Thiên Chúa khi trả lời những người Do-thái: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Tác giả Tin Mừng thứ tư kết luận “Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su (διὰ τοῦτο οὖν μᾶλλον ἐζήτουν αὐτὸν οἱ Ἰουδαῖοι ἀποκτεῖναι)” (Ga 5,18). Ta thấy động từ giết (ἀποκτεῖναι) ở đây cũng xuất hiện trong Ga 7,1. Như vậy, “Người Do-thái” đang tìm giết Đức Giê-su trong Ga 7,1 cũng chính là “Người Do-thái” trong Ga 5,18 và những người Do-thái này chính là những người chống đối Đức Giê-su. Chúng ta chỉ nói được những người Do-thái này là những người chống đối Đức Giê-su chứ chúng ta “không thể đồng hoá với bất kỳ nhóm nào trong những nhóm riêng biệt như những người Pha-ri-sêu, các thượng tế, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu kết hợp với nhau, hay đám đông, dù rằng “người Do-thái” hiện diện trong các nhóm này, lúc này hay lúc khác”[8]. Và vì “người Do-thái” này là những người chống đối Đức Giê-su nên có thể nói họ có tính cách tổng hợp đại diện cho những thái độ xấu xa của thế gian[9].

Sau khi nêu ra hoàn cảnh như vậy, tác giả Tin Mừng thứ tư thông báo lễ Lều của người Do-thái gần tới: “Lễ Lều của người Do-thái gần tới” (Ἦν δὲ ἐγγὺς ἡ ἑορτὴ τῶν Ἰουδαίων ἡ σκηνοπηγία) (Ga 7,2). Tác giả thông báo những điều này như muốn hướng độc giả tới những sự kiện sẽ xảy ra sau đó. Quả thực, tác giả cho thấy có cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và anh em của Ngài (Ga 7,3-4). Ngoài các lý do đã nêu về việc anh em Đức Giê-su muốn Ngài lên Giu-đê nói trên, còn có một lý do khác mà tác giả H. Van Den Bussche đ cập, đó có thể là vì họ muốn Đức Giê-su giáp mặt với người Rô-ma đ đánh đuổi người Rô-ma ra khỏi lãnh thổ Pa-les-tin, bởi lẽ họ nghĩ rằng Đấng Mê-si-a là Đấng giải phóng họ khỏi ách đô hộ của người Rô-ma và mở ra một kỷ nguyên mới[10]. Như vậy cuộc tranh luận này đưa ra một thực tế rằng những phép lạ Đức Giê-su làm trước đó không dẫn họ đến với niềm tin, bởi chưng họ không thấy ý nghĩa thực sự ẩn sau những phép lạ đó[11]. Vì thế, nên tác giả Tin Mừng thứ tư đi đến kết luận: họ là những người không tin vào Đức Giê-su (Ga 7,5). đây có một sự tương phản giữa tin và không tin, giữa các môn đ và những người Do-thái. Họ là những người Do-thái đối lập với những người tin vào Đức Giê-su. Bởi vì thế, nên ta nhận thấy dường như tác giả đang cố tình tạo ra một khoảng cách giữa Đức Giê-su và các môn đ với người Do-thái khi viết: “Lễ Lều của người Do-thái gần tới”, dù rằng Đức Giê-su và các môn đ cũng là người Do-thái. Tại sao lại vậy? Ắt hẳn tác giả muốn nói rằng đó không phải là lễ của người tin vào Đức Giê-su[12]. Nói cách khác, “Người Do-tháitrong Ga 7,2 là những người không tin vào Đức Giê-su. Và chúng ta cũng không thể giới hạnNgười Do-thái đây vào một nhóm nào cụ thể vì “Ngay cả trong giới lãnh đạo Do-thái cũng có nhiều người đã tin vào Đức Giê-su. Nhưng họ không dám xưng ra, vì sợ bị nhóm Pha-ri-sêu khai trừ khỏi hội đường (Ga 12,42), như trường hợp của ông Ni-cô-đê-mô.

b. Ga 7,10-13: Đầu kỳ lễ

Đức Giê-su lên Giu-đê dù rằng trước đó Ngài nói với anh em của Ngài là sẽ không lên. Tuy nhiên, Đức Giê-su lên một cách âm thầm, bí mật (Ga 7,10). Chúng ta thấy có một sự đối nghịch trong đoạn này. Nếu anh em của Đức Giê-su muốn Ngài lên Giu-đê để hoạt động một cách công khai (Ga 7,4) thì Đức Giê-su lại lên Giu-đê một cách bí mật (Ga 7,10). Ngài lên một cách âm thầm, bí mật như thế bởi chưng “giờ của Ngài chưa đến”. Tác giả Tin Mừng thứ tư không nói rõ cho chúng ta biết nguyên nhân tại sao người Do-thái lại biết Đức Giê-su đang ở Giu-đê để tìm Ngài. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy đoán vì việc Đức Giê-su chữa một người đau ốm ở hồ nước Bết-da-tha trước đó (Ga 5,1-18) nên đã làm cho danh tiếng của Ngài lan rộng khắp nơi, đến nỗi dân chúng bàn tán nhiều về Ngài (Ga 7,12). Và Người Do-thái đoán Đức Giê-su sẽ lên tham dự lễ Lều vì mọi người nam Do-thái hầu như sẽ tham dự lễ này[13]. Vậy nên “Người Do-thái tìm kiếm Người trong dịp lễ và nói: ‘Ông ấy đâu rồi?’” (Ga 7,11). Ở đây, chúng ta thấy động từ tìm kiếm (ἐζήτουν) trong Ga 7,11 (οἱ οὖν Ἰουδαῖοι ἐζήτουν αὐτὸν ἐν τῇ ἑορτῇ καὶ ἔλεγον· ποῦ ἐστιν ἐκεῖνος;) cũng chính là động từ được dùng trong câu Ga 5,18 (διὰ τοῦτο οὖν μᾶλλον ἐζήτουν αὐτὸν οἱ Ἰουδαῖοι ἀποκτεῖναι, ὅτι οὐ μόνον ἔλυεν τὸ σάββατον, ἀλλὰ καὶ πατέρα ἴδιον ἔλεγεν τὸν θεὸν ἴσον ἑαυτὸν ποιῶν τῷ θεῷ.) và Ga 7,1 (Καὶ μετὰ ταῦτα περιεπάτει ὁ Ἰησοῦς ἐν τῇ Γαλιλαίᾳ· οὐ γὰρ ἤθελεν ἐν τῇ Ἰουδαίᾳ περιπατεῖν, ὅτι ἐζήτουν αὐτὸν οἱ Ἰουδαῖοι ἀποκτεῖναι.)[14]. Và chủ từ cho động từ tìm kiếm (ἐζήτουν) trong cả ba câu trên là Người Do-thái (οἱ Ἰουδαῖοι). Vậy, như đã kết luận trong phần phân tích Ga 7,1 chúng ta có thể nói được rằng “người Do-thái” trong Ga 7,11 cũng chính là những người chống đối Đức Giê-su. Chúng ta cũng không thể quy gán “người Do-thái” ở câu này là những người dân Do-thái muốn tìm Đức Giê-su để được Ngài chữa bệnh. Bởi chưng, tác giả đã dùng đến hạn từ “dân chúng” trong câu “Dân chúng bàn tán nhiều về Người” (Ga 7,12) như muốn phân biệt với “người Do-thái” ở Ga 7,11.

Francis J. Moloney đưa ra bình luận cho cụm từ “vì sợ người Do-thái” trong câu “Nhưng không ai dám công khai nói về Người, vì sợ người Do-thái” (οὐδεὶς μέντοι παρρησίᾳ ἐλάλει περὶ αὐτοῦ διὰ τὸν φόβον τῶν Ἰουδαίων) (Ga 7,13) như sau: “nhận xét từ người thuật chuyện là dấu hiệu cho thấy rằng “người Do-thái” là một nhóm người đã có thành kiến với Đức Giê-su và cộng đoàn Gioan.”[15] Nói như thế để thấy rằng “người Do-thái” trong Ga 7,13 là những người có thành kiến với Đức Giê-su. Vì có thành kiến với Đức Giê-su nên họ có thể là những người chống đối và không tin vào Đức Giê-su. Và hơn hết, “người Do-thái” này có thể là những người có chức quyền, địa vị trong xã hội thời bấy giờ vì chỉ có chức quyền, địa vị thì những người kia mới sợ, mới không dám công khai nói về Đức Giê-su. Và hạn từ “người Do-thái” trong Ga 7,13 cũng không thể là tầng lớp dân chúng được, vì cụm từ “không ai dám công khai nói về Người” ở đoạn đầu trong câu đó rõ ràng ám chỉ dân chúng đang bàn tán về Đức Giê-su, trong đó gồm những người nói Đức Giê-su là người tốt và những kẻ nói Đức Giê-su mê hoặc mọi người.

IV. Thần học của đoạn văn

Đứng trước lời rao giảng cũng như những phép lạ Đức Giê-su đã thực hiện, dân Do-thái đã bị phân hoá. Quả thật, có những người đã tin vào Ngài, cũng có những người dửng dưng. Tác giả Tin Mừng thứ tư cho biết rõ điều đó “Dân chúng bàn tán nhiều về Người. Kẻ thì bảo: “Đó là một người tốt.” Kẻ thì nói: “Không, ông ta mê hoặc dân chúng” (Ga 7,12). Bên cạnh những người như thế còn có một số khác nữa từ chối không tin, thậm chí chống đối, tìm cách loại trừ Đức Giê-su. Nhóm “người Do-thái” không tin, chống đối và tìm cách giết Đức Giê-su xuất hiện trong bối cảnh này. Tại sao họ lại có thái độ như vậy? Ắt hẳn vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát và tự xưng mình là Con Thiên Chúa, điều mà “người Do-thái” không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân khác nữa, đó là họ ghen tỵ với Đức Giê-su khi ngày càng có nhiều người trong dân chúng bỏ họ để theo Ngài, làm cho uy quyền của họ ngày càng giảm sút.[16]

Tuy nhiên, cũng có tác giả cho rằng nhân vật “người Do-thái” ám chỉ sự xung đột giữa cộng đoàn Gio-an và Do-thái giáo vào cuối thế kỷ thứ I. Sự bách hại là dấu chỉ minh nhiên của sự không tin và thù ghét. Và những người bách hại các môn đệ Đức Giê-su qua mọi thời đại mang dáng dấp nhân vật “người Do-thái”. Thế nên, sự hiện diện cách đặc biệt của nhóm “người Do-thái” không tin, chống đối và tìm cách giết Đức Giê-su mang tính biểu tượng hơn là lịch sử.[17] Bên cạnh đó, Craig S. Keener cũng cho rằng việc tác giả Tin Mừng thứ tư sử dụng hạn từ “người Do-thái” như một lời tuyên bố với những người đang xung đột với cộng đoàn Gio-an rằng các Ki-tô hữu thuộc cộng đoàn Gio-an không còn là người Do-thái nữa.[18]

V. Kết luận

Trên đây là những phân tích về “người Do-thái” (οἱ Ἰουδαῖοι) trong Ga 7,1-13. Qua bài phân tích này, chúng ta ít nhiều hiểu được “người Do-thái” được nói đến ở đây là ai và tại sao họ lại có thái độ như thế với Đức Giê-su. “Người Do-thái” trong đoạn văn này dù là nhân vật lịch sử hay nhân vật mang tính biểu tượng đi chăng nữa thì điều đó vẫn nói lên thái độ của họ với Đức Giê-su là không tin, chống đối và tìm cách giết Ngài.

Dường như thái độ đó vẫn còn hiện diện trong thế giới chúng ta ngày hôm nay. Đó có thể là những con người cụ thể, như những người theo chủ thuyết vô thần, những người Hồi giáo quá khích, những kẻ độc tài…Đó còn là những thái độ sống vô luân, truỵ lạc…muốn đuổi Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống trần gian này. Và phải chăng không ít người Ki-tô hữu vẫn còn mang trong mình những thái độ đó? Câu hỏi đó dành riêng cho mỗi Ki-tô hữu chúng ta, và dĩ nhiên chỉ mỗi Ki-tô hữu mới có câu trả lời xác thực cho vấn đề đó mà thôi.


[1] Sách GLHTCG, số 597.

[2] Francis J. Moloney, S.D.B., The Gospel of John, The Liturgical Press, Minnesota, 1998, 233.

[3] Ibid, 237.

[4] William Barclay, cd. Nhà sách Đức Bà Hoà Bình, Tin Mừng theo Thánh Gioan, Tôn giáo, Hà Nội, 2008, 194.

[5] Francis J. Moloney, S.D.B., The Gospel of John, The Liturgical Press, Minnesota, 1998, 236.

[6] Craig S. Keener, The Gospel of John (A Commentary, Vol. I), Hendrickson Publisher, Massachusetts, 2003, 708.

[7] Francis J. Moloney, S.D.B., The Gospel of John, The Liturgical Press, Minnesota, 1998, 236.

[8] Giuse Lê Minh Thông, Yêu và Ghét trong Tin Mừng Gioan, Phần I, không rõ nhà xuất bản, nơi xb, năm xb, 144.

[9] X. Craig S. Keener, The Gospel of John (A Commentary, Vol I), Hendrickson Publisher, Massachusetts, 2003, 217

[10] Xc. H. Van Den Bussche, The Gospel of The Word, The Priory Press, Chicago, 1967, 118.

[11] Xc. Raymond E. Brown, S.S., The Gospel according to John (I-XII), Doubleday, New York, 1966, 307.

[12] X. Giuse Lê Minh Thông, Yêu và Ghét trong Tin Mừng Gioan, Phần I, Không rõ nhà xb, nơi xb, năm xb, 144-145

[13] X. William Barclay, cd. Nhà sách Đức Bà Hoà Bình, Tin Mừng theo Thánh Gioan, Tôn giáo, Hà Nội, 2008, 194.

[14] X. Francis J. Moloney, S.D.B., The Gospel of John, The Liturgical Press, Minnesota, 1998, 240.

[15] Ibid, 241.

[16] X. Hồng y Carlo Maria Martini, Tin mừng theo tháng Gioan, không rõ nhà xb, nơi xb, năm xb 25.

[17] X. Giuse Lê Minh Thông, Yêu và Ghét trong Tin Mừng Gioan, Phần I, Không rõ nhà xb, nơi xb, năm xb, 146.

[18] X. Craig S. Keener, The Gospel of John (A Commentary Vol I), Hendrickson Publisher, Massachusetts, 2003, 218-219.

Tác giả: Anton Hoàng Phúc

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập278
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm265
  • Hôm nay31,210
  • Tháng hiện tại892,745
  • Tổng lượt truy cập69,952,619
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây