Lựa chọn

Thứ tư - 11/04/2018 15:07  1980
Theo từ điển tiếng Việt “lựa chọn” là tìm ra để chọn lấy cái đúng, cái đạt yêu cầu nhất trong nhiều cái cùng chủng loại. Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cũng trải qua rất nhiều lựa chọn: bé thì chọn trường, chọn lớp học phù hợp, lớn lên thì chọn ngành học yêu thích hay công việc phù hợp… Trong giới hạn của bài viết này người viết muốn đề cập đến một lựa chọn nhạy cảm nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng mà trong cuộc đời mỗi bạn trẻ đều trải qua: Chọn yêu.
 
Trong một buổi gặp gỡ với chủng sinh, một giáo sư đã đề cập đến lựa chọn với một câu hỏi rằng: đặt bạn vào tình huống một cô gái đến tuổi lập gia đình mà có hai chàng trai đến tỏ tình trong đó chàng trai thứ nhất nói với bạn rằng: “Anh cần em, anh yêu em, hãy làm vợ anh nhé” và một chàng trai khác nói rằng: “Anh yêu em, anh cần em, hãy làm vợ anh nhé” vậy trong hai chàng trai đó bạn sẽ chọn ai? Một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản nhưng cũng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều để giúp cô gái chọn cho mình một người chồng tin cậy và trao phó bản thân. Một số người thì nói nên chọn chàng trai thứ nhất, một số khác thì nói nên chọn chàng trai thứ hai và ai cũng có lý lẽ cho riêng mình. Vậy còn bạn thì sao, bạn chọn ai?
 
Trong xã hội thực dụng ngày nay, thang giá trị cuộc sống đã bị đảo lộn khá nhiều, tất cả đều được đặt lên bàn cân để so đo tính toán kể cả những thứ được coi là thiêng liêng và cao quý trong đó có tình yêu. Với mỗi tín hữu Công Giáo, chúng ta có một tiêu chuẩn mẫu mực của tình yêu, một tình yêu “kenosis” tuyệt đối và hoàn mỹ. Chính Đức Giêsu Kitô đã sống đã thực hành thứ tình yêu tuyệt vời này, Ngài cho rằng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Với Đức Giêsu, tình yêu là sự trao ban, là sự hiến mình tuyệt đối đến  hủy mình ra không. Đây là thứ tình yêu tuyệt đối và viên mãn mà ai trong chúng ta cũng mơ ước hướng tới.
 
Với nhà thơ Xuân Diệu thì ông định nghĩa tình yêu nhẹ nhàng hơn, gần gũi với mỗi người hơn: “yêu là chết trong lòng một ít”. Dù gì với Xuân Diệu thì tình yêu cũng đã có sự trao ban, tình yêu với ông đã có sự hy sinh dù rằng mới chỉ “chết trong lòng một ít”. Còn giới trẻ ngày nay thì họ nghĩ gì khi yêu?“Anh cần em, anh yêu em”, giờ phút này đây thì anh đang cần em do đó anh muốn có em, anh yêu em. Giả như khi nào đó anh không cần em nữa, anh cần con ông giám đốc để đảm bảo cho cái ghế anh đang ngồi được vững vàng và được kê cao lên nữa; anh cần một cô gái đang sở hữu một khối tài sản sẽ thừa hưởng kếch sù để đảm bảo cho anh một cuộc sống đầy đủ tiện nghi và sung túc thì tình yêu của anh lúc đó sẽ đặt để nơi đâu? Lúc này nếu yêu em thì anh sẽ được gì đây? Đây có phải là một tình yêu thuần khiết và chân chính hay chỉ là một sự trao đổi, một sự tính toán để tìm lấy cái lợi, cái hơn cho bản thân?
 
Ngày nay, sinh viên và giới trẻ đang cổ vũ cho một lối sống thử trước hôn nhân, họ cổ vũ chuyện tình một đêm… họ tuyên bố điều quan trọng là họ yêu nhau, tự do và họ cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống đó, còn việc cưới xin, thủ tục chỉ thêm rắc rối và phiền hà. Thật ra những lý do đơn giản này chỉ là ngụy biện, họ mượn những lý lẽ đó để biện hộ và che lấp đi một lối sống phóng đãng đầy thực dụng và rất vô trách nhiệm của họ mà thôi. Hỏi ai yêu mà không cần một gia đình trọn vẹn, yêu và được yêu, được gia đình cùng xã hội công nhận. Cần lắm một tình yêu trao ban và hy sinh chứ. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một câu truyện được đề cập đến trong bộ Hạt giống tâm hồn, có tựa đề “Hũ dưa muối”. Truyện kể rằng:
 
Trong căn nhà nhỏ ở một vùng ngoại ô, có hai vợ chồng nọ đã luống tuổi. Họ từng trải qua những ngày tháng bên nhau đầy yêu thương và yên bình. Niềm vui chung của họ là cùng chăm sóc một vườn dưa chuột xanh tốt sau nhà. Ông cụ chăm sóc vườn dưa rất cẩn thận, hết dậy sớm tưới nước lại bỏ công bắt sâu, nhổ cỏ. Những trái dưa chuột ngon nhất sẽ được hái để bà cụ muối dưa - bởi đó là thói quen của bà từ rất lâu. Mùa đông tới, khi vụ thu hoạch dưa chuột đã hết, ông cụ lại nghiên cứu các bản danh sách giới thiệu hạt giống để đặt mua loại tốt nhất. Xuân về, các con của ông bà sống gần đấy giúp họ xới đất, gieo hạt. Bà cụ lại tìm được các sách nấu ăn để học hỏi thêm những bí quyết làm dưa chuột muối. Trong mắt mọi người, ông bà là một cặp vợ chồng hạnh phúc, họ sống thân thiện, gần gũi với những người chung quanh. Bất cứ vị khách nào đến chơi cũng được ông bà tặng một bình dưa chuột muối mang về.
 
Nhưng một ngày kia, ông cụ qua đời. Mùa xuân năm đó, tất cả con cái tụ họp bên mẹ mình và nói:
 
- Chúng con biết mẹ rất thích làm dưa chuột muối, nên chúng con sẽ thay cha tiếp tục đặt mua hạt giống, sẽ trồng và chăm sóc dưa chuột cho mẹ.
 
Người mẹ mỉm cười:
 
- Cảm ơn các con, các con không cần trồng dưa nữa đâu. Thật ra thì mẹ không thích ăn dưa muối nhưng vì bố các con thích trồng dưa chuột nên mẹ muối thôi.
 
Những người con ngỡ ngàng. Trước khi cha mất, ông từng kể với họ rằng ông không hề thích trồng dưa chuột, ông làm điều đó chỉ vì bà thích trổ tài muối dưa mà thôi.”
           
Tuy rằng trong câu truyện này cũng còn một vài vấn đề cần bàn đến khác, nhưng điều quan trọng là tôi nhận thấy nơi đó một tình yêu sâu đậm của đôi vợ chồng già, họ đã dám từ bỏ, hy sinh những sở thích riêng để làm vui lòng người bạn đời của mình.
 
Chính sự hy sinh đó đã vun vén và giữ gìn hạnh phúc của gia đình họ đến tuổi già.
 
Thiết nghĩ mỗi người trẻ hôm nay cũng vun vén và xây dựng hạnh phúc của mình trên nền “đá tảng” là một tình yêu quảng đại, hy sinh không vụ lợi để cùng hướng đến xây dựng một gia đình hạnh phúc trọn vẹn đầy ắp yêu thương.
 
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra khơi, số 17 tháng Ba 2018, tr. 39-43.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập254
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm216
  • Hôm nay22,553
  • Tháng hiện tại850,330
  • Tổng lượt truy cập69,910,204
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây