“Trường Giám mục mầm non”

Thứ năm - 22/09/2016 15:07  1675
Những chia sẻ về khóa bồi dưỡng các giám mục mới- Đức GM Robert Barron
 
Trong tuần lễ vừa qua, tôi đã ở tại Giáo hoàng học viện Athenaeum Regina Apostolurum ở Rôma, một học viện cách Đền Thờ Thánh Phêrô khoảng 5 dặm về phía tây. Tôi ở đây tham dự khóa bồi dưỡng cho những giám mục mới, còn được gọi là “Trường Giám mục mầm non”. Những người bạn đồng môn của tôi là khoảng 150 giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới, những vị mới được tấn phong trong năm vừa qua.
 
Chỗ nghỉ của chúng tôi có thể nói là khá đơn giản: phòng nghỉ này làm tôi nhớ lại một góc của mình khi còn ở trong trường chủng viện, với chiếc giường rộng khoảng bảy mươi phân, và phòng thì không có điều hòa. Tuy nhiên, các bữa ăn thì rất ngon, và đặc biệt các cuộc trò chuyện còn ngon hơn nữa. Trong suốt khóa bồi dưỡng, tôi có trò chuyện với các giám mục đến từ Pháp, Canada, Venezuela, Aixơlen, Úc, Ai Len, Anh, Mễ Tây Cơ, Ghana, Tanazania và Guatamala. Và tôi buộc phải vận dụng hết tất cả các kỹ năng về ngoại ngữ của mình, từ Tiếng Anh đến vốn kha khá tiếng Pháp, rồi đôi chút tiếng Tây Ban Nha cho đến vốn tiếng Ý dở tệ.
 
Một ngày sống bắt đầu với Thánh lễ và kinh sáng, được phục vụ rất tuyệt vời bởi ca đoàn chủng viện, phần chủ tế và giảng lễ do một Tổng giám mục hay một vị Hồng Y lỗi lạc nào đó trong Giáo triều đảm nhiệm. Thật vinh dự cho chúng tôi khi có sự hiện diện của Đức hồng y (ĐHY) Oulette (Tổng trưởng Bộ Giám Mục), ĐHY Perolin (Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh), Đức TGM Fisichella (Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa), và ĐHY Amato (Tổng trưởng Bộ Phong thánh). Sau bữa sáng, chúng tôi tập trung tại giảng đường, nơi sẽ có các bài thuyết trình về một số khía cạnh khác nhau trong sứ vụ giám mục. Có thể kể đến như bài nói chuyện sinh động của ĐHY Jean-Pierre Ricard, Giám Mục Bordeaux với chủ đề ‘Giám mục như một người cha, người anh và bạn hữu đối với các linh mục’; hay Đức Ông Lucio Ruiz, Thư ký Ủy ban truyền thông, đã thuyết trình về những phương tiện truyền thông mới gắn với Phúc Âm hóa; và bài thuyết trình của linh mục Franco Imoda, nguyên Giám đốc Đại Học Giáo Hoàng Gregorian, với đề tài mối quan hệ giữa sự phát triển về tâm lý và tội. Cũng có cả các bài nói chuyện về vấn đề coi sóc giáo phận, giáo luật hay là  cải cách giáo triều dưới thời ĐGH Phanxicô,… Tôi đã cố gắng hết mình để theo kịp các bài diễn thuyết trong bất kì ngôn ngữ nào được trình bày, nhưng cũng có đôi chút mệt mỏi và phải cùng lúc dùng đến các lời dịch bằng tiếng Anh. (Có một đội ngũ phiên dịch viên làm việc không biết mỏi mệt trong một phòng đặc biệt ngay phía sau giảng đường).
 
Sau những bài nói chuyện chính thức, chúng tôi có nửa giờ giải lao rồi chia thành các nhóm nhỏ theo từng ngôn ngữ. Điều này cho tôi thêm cơ hội được gặp gỡ những vị giám mục người Mỹ, đến từ Brooklyn, Dallas, Boston, Tulsa, Washington, D.C. Metuchen, Superior và Wisconsin, cũng như các giám mục đến từ Ấn Độ, Canada và Ailen. Trong suốt các giờ thảo luận, chúng tôi vận dụng những bài diễn thuyết vào trong hoàn cảnh cụ thể, và thành thực mà nói, cũng có rất nhiều tiếng cười. Sau một giấc nghỉ trưa ngắn –một truyền thống nên được áp dụng ngay đối với nước Mỹ- chúng tôi cùng đọc kinh tối và tiếp tục với những bài thuyết trình và thảo luận. Sau đó sẽ là cơm tối và 9h15 sẽ có giờ họp tổng kết cho một ngày dài.
 
Vào ngày thứ tư, chúng tôi được thông báo rằng giờ họp vào buổi tối sẽ có  phần những trình bày bởi một số vị đại diện cho mỗi vùng trên thế giới. Tôi đã nghĩ rằng “Ồ, thật bất hạnh cho những vị này khi phải đưa ra một bài nói chuyện chỉ sau lời thông báo ngắn ngủi!” và phải thú nhận rằng ít nhiều tôi đã muốn giai đoạn này qua đi thật nhanh… Chúa cũng thật có tính hài hước, vào giờ giải lao lúc 5 giờ chiều, ĐHY Oulette lại chỗ tôi và nhờ tôi trình bày về Giáo hội ở Châu Mỹ. Vâng, nó hóa ra cũng là một điều rất thú vị. Bên cạnh tôi còn có 7 giám mục đại diện khác, và các ngài lần lượt trình bày về các vấn đề như các nhà thờ đấu tranh chống lại tư tưởng thế tục, các nhà thờ với những bước tiến nhảy vọt, các nhà thờ dưới sự đàn áp thảm khốc, hay các nhà thờ đấu tranh để được hình thành. Đó là những minh chứng sinh động về tính phổ quát của Giáo hội, được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu, và kéo dài vượt không gian và thời gian. Điều này các bán có thể biết đến trên lý thuyết, nhưng sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có thể tận mắt nhìn thấy, nghe thấy hay có thể chạm đến được.
 
Tôi nghĩ thật hợp lý khi nói rằng, với tất cả chúng tôi, cao điểm của tuần bồi dưỡng này là cuộc hội kiến với ĐTC Phanxicô. Chúng tôi tập trung tại một hội trường thật đẹp và ấm cúng, Hội trường Sala Clementina, và được lắng nghe những lời huấn đức kéo dài khoảng 30 phút từ người cha chung của Giáo hội. Chủ đề Ngài đưa ra khá đơn giản và đầy thuyết phục: hãy nhớ rằng anh em được ‘bắt’ như thế nào, ĐTC dùng từ “fished” (bắt cá), bởi lòng thương xót của Thiên Chúa và anh em hãy chia sẻ lòng thương xót đó đến với bất cứ ai mà anh em gặp gỡ. Điều làm tôi thực sự ngạc nhiên và ấn tượng là khoảng thời gian mà Đức Thánh Cha gặp gỡ từng vị giám mục sau bài huấn dụ. Tôi nhớ rằng có đến 157 anh em giám mục, mà ĐTC cũng đã gần 80 tuổi, nhưng lúc nào trên gương mặt Ngài cũng nở nụ cười chào từng vị, Ngài bắt tay, và thậm chí còn kèm theo những lời khích lệ. Khi đến chỗ chúng tôi, những anh em được tấn phong cùng nhau tại Los Angeles năm ngoái, ĐTC nở nụ cười và nói chúng tôi là một “bộ ba”. Ngài cũng nói rằng Ngài biết rất rõ về công việc truyền thông cũng như giảng thuyết của tôi. Đó thật là một cuộc gặp gỡ cảm động và chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên được.
 
Thay lời kết thúc, tôi muốn chia sẻ một giây phút mà sẽ đọng lại trong tôi mãi mãi. Trong suốt tuần bồi dưỡng, ca đoàn các thầy chủng sinh phục vụ các thánh lễ với một sự đa dạng về văn hóa cũng như ngôn ngữ, Vào thánh lễ sáng thứ năm, trong phần hiệp lễ các thầy đã cất lên bài hát “Here I Am, Lord” (Lạy Chúa, này con đây). Tôi đã nghe bài hát này cỡ khoảng chục ngàn lần, và có lẽ nếu phải soạn bất kỳ một nghi lễ phụng vụ nào đó ở Mỹ, tôi sẽ tránh bài đó ra, nhưng khi các giám mục đồng loạt hòa cùng với ca đoàn, thì cả một không gian trở nên tràn đầy từ ngữ và âm nhạc; phải thú nhận rằng tôi thực sự cảm động. Tất cả những gì tôi nghĩ, đó là hàng vạn lần tôi hát bài hát đó trong trường đại học, trong chủng viện, trong các giáo xứ hay kể cả trong công tác giảng dạy- và tôi thật sự nhận ra rằng tôi đã “nghe thấy tiếng Ngài gọi trong đêm tối”, và tôi đã cố gắng để đáp lại rằng “Lạy Chúa, này con đây” . Chính giọng nói huyền bí đó đã dẫn dắt tôi đến với hội trường này, xung quanh là các giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới, những người cũng lắng nghe và bước theo giọng nói đó.
Đó chính là khoảnh khắc khiến cho khóa bồi dưỡng rất đáng để tham dự!
 
Joseph Đinh chuyển ngữ
Nguồn: Bishop Robert Barron, A report f-rom Baby Bishop School, Wordonfire.org.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập295
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm256
  • Hôm nay49,701
  • Tháng hiện tại911,236
  • Tổng lượt truy cập69,971,110
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây